Saturday, September 24, 2011

VĂN HÓA TỰ TRỌNG (Canhco)



Canhco

Nếu ai là người dị ứng với hai chữ Văn hóa đang bị lạm dụng một cách vô tội vạ chắc phải bịt tai, nhắm mắt trước vô khối nhóm từ đè hai chữ Văn hóa ra như một gã khả ố cố nhét cái thân hình quá khổ của mình vào cánh cửa nhỏ bé của ngôi nhà mang tên Văn hóa.

Từ "Khu phố văn hóa" với cơ man điều xấu hổ, đến "Mặt trận văn hóa", chỉ cái tên thôi đã thấy là kệch cỡm khó nghe. Người ta thấy "Di sản văn hóa" hợp thời vụ, lại kiếm bộn tiền nhờ quảng cáo nên hàng chục cái tên khác ra đời. Văn hóa phong bì, văn hóa ẩm thực, giao lưu văn hóa, văn hóa từ chức, văn hóa cảm ơn, văn hóa giao thông....

Văn hóa nhìn chung có ba chức năng chính, thứ nhất, tạo cho con người một lối sống, một nhân cách. Thứ hai, duy trì các hệ thống xã hội và đồng thời văn hóa cũng tạo nên những bản sắc khác nhau của xã hội. Tùy theo từng cộng đồng, những nét riêng của bản sắc văn hóa tạo dấu ấn trên cộng đồng ấy so với các cộng đồng chung quanh.
Di sản văn hóa vật chất và phi vật chất kết dính nhau tạo nét riêng cho một dân tộc,  và sự hòa trộn ấy làm nên nét đặc thù cho dân tộc ấy không thể nhầm lẫn. Các nhà văn hóa học thế giới đã chia định nghĩa văn hóa ra nhiều thể loại, trong đó gồm định nghĩa lịch sử, định nghĩa chuẩn mực, định nghĩa tâm lý học, định nghĩa cấu trúc, và định nghĩa nguồn gốc.

Các loại văn hóa mà báo chí nêu lên hồi gần đây đã phản ảnh xã hội một cách trung thực nhất và các câu chữ tưởng chừng dễ dãi này lại dựa vào các định nghĩa văn hóa nêu trên. Một trong những cách mà người ta cố bẻ vặn thể loại văn hóa một cách khiên cưỡng là "Khu phố văn hóa".

"Khu phố văn hóa" nêu bật tính chất tha hóa của một nền văn hóa đang bị báo động và từ chỗ lo sợ một sự tuột dốc không thể cưỡng lại người ta đã nghĩ ra một "khu tự trị" văn hóa khiên cưỡng và hình thức. Chính những khu vực tưởng đã khoanh vùng này lại phát sinh các hình thức phi văn hóa khác. Vì được giao chỉ tiêu nên mọi biểu hiện văn hóa theo sát với "hiến chương của các nhà văn hóa miệt vườn" nhất, có nghĩa những khẩu hiệu kêu lớn hơn chính tự thân của nó.

Kế đó là văn hóa "nói không" đã trở thành vô nghĩa ngay từ khi khởi phát. Xã hội mỉm cười trước sự sượng sùng không thể che giấu của người "phát hành" nó. Nói không với ma túy, nói không với mại dâm, nói không với HIV/AIDS và hàng ngàn cái nói không khác trong khu phố văn hóa trở thành phản nghĩa. Nhiều Khu phố văn hóa xập xệ như một quán thịt chó miền quê ế khách. Niềm tự hào của những người phát động chương trình khu phố văn hóa bỗng nhiên trở thành trơ trẽn và họ ước ao được đổi lại tên gọi quá to tát này.

Có thể mạnh dạn nói mà không sợ sai lầm rằng văn hóa phong bì phát xuất từ Trung Quốc, nơi mà hối lộ được xem như truyền thống. Lịch sử trói buộc Việt Nam và Trung Quốc lại với nhau nên những gì Trung Quốc làm không thể không ảnh hưởng tới Việt Nam. Cấu trúc chính trị giống nhau trong nhiều trăm năm đã in cái bóng Trung hoa lên mọi ứng xử của người Việt và chiếc phong bì nhỏ bé có lẽ là thứ điển hình nhất người Việt không thể cất ra khỏi tâm thức của mình.

Văn hóa tích cực làm cho xã hội tiến thêm gần hơn với văn minh. Văn hóa tiêu cực làm cho con người rơi dần xuống đời sống bán khai và mọi thành tựu kinh tế hay chính trị đều không thể cứu vãn.

Làm sao một nền văn hóa được gọi là lớn chạy song song với nền kinh tế nếu người dân của nước ấy ra ngoại quốc không bao giờ biết xếp hàng khi lên máy bay, bạ đâu vứt rác và khạc khổ đó. Thấy người già qua đường trơ mắt ngó cũng như phụ nữ không bao giờ được nhường cho một chỗ trên xe buýt?

Xã hội cứ lấn cấn đổ thừa cho nhau khi một vụ việc nào đó vượt tính nhân văn xảy ra. Bạo động trong giới trẻ vị thành niên chẳng hạn. Người ta cho rằng học đường thiếu giáo dục về ứng xử cũng như quá coi trọng về chính trị. Người thì cho rằng pháp luật không kỹ cương khiến cho các vụ giết người không được răn đe và bảo vệ đúng mức xảy ra tràn lan. Có thuyết lại cho rằng do các trò chơi game bạo hành xuất hiện tràn lan.

Tất cả những cáo buộc trên đều đúng nhưng chưa đủ. Trên và hơn hết của nguyên nhân trẻ vị thành niên giết người là nền văn hóa của chúng ta có vấn đề, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức, khi mà nền văn hóa ấy cần một yếu tố rất quan trọng, đó là nền văn hóa sạch.

Sạch từ tâm hồn lẫn thể xác để ứng xử với xã hội trong tinh thần kính trọng mình, chia sẻ với tha nhân, biết nhục cái mà tổ quốc trăn trở, và biết tự trách trước các bức xúc xã hội. Kính trọng mình trước thì tự dưng nảy sinh sự kính trọng người. Cư xử văn minh nơi công cộng biểu lộ cách tự kính trọng mình hay ngắn gọn là lòng tự trọng. Văn hóa tự trọng sẽ phát triển đời sống văn minh và dấy lên ước muốn phát triển văn hóa sạch với môi trường chung quanh. Khi đã tự trọng, người ta khó im lặng trước cái ác, cái xấu cùng những tranh giành bất chính. Cũng vậy, khi biết nhục cái nhục quốc thể người ta khó đưa ra những quyết định có tính cúi đầu và khom lưng quá sâu.
Văn hóa tự trọng sẽ dần dà thanh toán những rác rưởi trong tâm hồn người ta. Lòng tự trọng sẽ không cho phép một nhà phê bình đặt viết xuống ngợi khen quá lố một tác phẩm dưới trung bình để đổi lại những lợi lộc mà kẻ được khen sẽ ban cho. Văn hóa sạch sẽ làm người nông dân thấy có lỗi khi tưới rau bằng các loại hóa chất độc hại và tự họ sẽ tìm những con đường khác để làm cho rau tươi mà không cần sử dụng đòn phép của những con buôn bất chính.

Văn hóa tự trọng sẽ làm cho những ai còn tơ tưởng tới bằng giả, học hàm học vị giả tự thấy mình trở thành người từ hành tinh khác, quái dị dưới mắt cộng đồng và đáng khinh ngay cả trong chính gia đình của họ. Lý do là văn hóa tự trọng đã được xã hội ấn sâu vào trí óc của con cái họ, những thành viên mới của một xã hội lấy văn hóa tự trọng làm căn bản.

Và sau cùng, muốn xã hội bắt tay vào cuộc chấn hưng văn hóa này thì trước tiên cần phải có một loại văn hóa khác: văn hóa tự trách. Khi nào loại văn hóa khó thực hiện này được mọi người chia sẻ thì khi ấy xã hội tự làm sạch lấy chính nó mà không cần những khu tự trị nào tương tự như Khu phố văn hóa.

.
.
.

No comments:

Post a Comment