Tuesday, September 27, 2011

TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ MỚI (Nguyễn Thông)



Thứ ba, ngày 27 tháng chín năm 2011

Nói như thầy Chu Xuân Diên, một chuyên gia sừng sỏ về văn học dân gian, cuộc sống trôi chảy đến đâu thì tục ngữ, thành ngữ xuất hiện đến đấy. Tục ngữ không chỉ là kho kinh nghiệm đời muôn mặt mà còn là lịch sử loài người, bức tranh xã hội. Cái thời "bức tranh vân cẩu, con người tang thương" vô vàn chuyện lộn xộn, trái khoáy oái oăm, nhố nhăng kệch cỡm, giả dối hèn hạ... thì tục ngữ càng có đất màu để phát triển. Lời được phát ra, chỗ này chỗ kia thêm một ít, nhuận sắc một tí, truyền lưu rộng rãi trong cộng đồng. Mình ghi lại đôi ba câu mới ra đời nhằm bảo quản chút tư liệu cho những ai quan tâm đến nó, không hề hàm ý chính trị chính em gì, chỉ học thuật đơn thuần. Nếu còn trẻ khỏe, có khi làm cái luận văn tiến sĩ không chừng. Ai vô tình đọc được, bỉ nhân mong có sự chỉ giáo và đóng góp thêm, chỉ cho thêm những câu hay để tồn lưu.
Xin đa tạ.

1.Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen

Câu tục ngữ nói trên khá mới, tuổi đến thời điểm này chỉ vài năm là cùng. Nó ra đời trong chính thể nước VN cộng hòa xã hội chủ nghĩa, triều đại do ông Nguyễn Tấn Dũng người gốc tỉnh Kiên Giang làm thủ tướng.

Đương thời, theo nhà cầm quyền VN thì quan hệ hai nước VN-Trung Quốc rất nồng ấm, phát triển tốt đẹp; nhưng thật lạ, phía TQ luôn gây sự, khiêu khích, nói một đằng làm một nẻo. Biểu hiện rõ nhất là họ công bố đường lưỡi bò chín đoạn đòi độc chiếm biển Đông, vi phạm trắng trợn chủ quyền và quyền chủ quyền của VN, không chỉ biển xa (vùng đặc quyền kinh tế) mà cả biển gần (lãnh hải) của ta. Chúng cho tàu quân sự núp bóng tàu cá hoặc kiểm ngư xâm nhập biển VN, cứ gặp tàu thuyền bà con ngư dân ta là đâm là húc, thu ngư cụ cá tôm, thậm chí bắn giết bắt bớ đòi tiền chuộc. Chiêu chúng thường giở ra nhất là tấn công vào ban đêm, sau đó chuồn mất dạng, khiến bao tàu thuyền ngư dân VN bị chìm, thủy thủ mất xác nơi bể khơi, ai oán không kể xiết. Vụ việc ngày càng dày, nhất là từ năm 2009 đến nay.

Lạ là hầu như ai cũng biết thủ phạm chính thằng TQ dã man nhưng nhà nước VN phản ứng yếu ớt, báo chí thông tin mù mờ, thường chỉ định danh bằng cái tên cực kỳ trừu tượng "tàu lạ". Xem riết, đọc riết, người dân buột miệng có gì nói mẹ nó ra đi, lạ với chẳng lạ. Dân gian truyền nhau câu "tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen" để nói về trường hợp trên. Cũng có vị tỏ ra hiểu biết thời cuộc, ra vẻ ta đây theo dõi kỹ lưỡng các loại báo chí đương thời, cả tả ngạn lẫn hữu ngạn, thì khẳng định câu này xuất xứ từ nhà báo Huy Đức (còn có tên gọi nổi tiếng trong giới blog, facebook là Osin) trong một bài viết hồi tháng 7.2009. Mình chưa kiểm chứng, cứ tạm đưa vào đây để thêm chứng lý. Thì văn học dân gian (folklore) mà, của riêng cũng thành của chung thôi.

27.9.2011
Nguyễn Thông
---------------------------------

Huy Đức
Posted by basamnews on 27/09/2011

Nghe tin: “Ngày 24-09-2011, khi 2 tàu cá của ông Trương Văn Đức và ông Trương Tài chạy vào quần đảo Hoàng Sa tránh bão thì bị tàu chiến Trung Quốc xua đuổi, phải ra khỏi khu vực đảo Trụ Cẩu. Nhưng, chạy được 30 hải lý, thì tàu chiến mà biên phòng Việt Nam gọi là “tàu lạ” đã đuổi theo đâm vào tàu cá Quãng Ngãi, xịt nước và bắn vào tàu cá làm cháy cabin và máy liên lạc”. Xin post lại một entry được viết từ tháng 7-2009.

Huy Đức
26-09-2011

Như vậy là lại thêm một vụ “Tàu lạ” đâm vào tàu đánh cá của ngư dân mà không được kịp thời phát hiện. Ủy ban An Ninh Quốc Phòng nên tổ chức nghe điều trần ngay, để nếu xét thấy cần thiết thì phê chuẩn kinh phí, tăng cường nhân lực, khí tài cho các lực lượng bảo vệ dân trên Biển. Có lẽ không nên chậm trễ việc quyết định bố trí “Hạm đồn Biên phòng Hoàng Sa”.

Tuy nhiên, “Tàu” thì lạ nhưng sự hèn hạ thì rất quen. Ngay cả khi “xác định chủ quyền” trước các cơ quan quốc tế, theo ông Scott Marciel, đại sứ Hoa Kỳ ở ASEAN: “Cách làm của Trung Quốc rất mù mờ và khó hiểu”. Lẽ ra, từ vụ “Tàu lạ” lần trước, đã nên tổ chức họp báo quốc tế ngay. Việt Nam cũng không nên mặc cảm khi phải nói với thế giới rằng, ngay trong lãnh hải của mình, ngư dân đang phải kinh hoàng vì những vụ đâm tàu như hải tặc. Người ta cũng hiểu Việt Nam đang sống với một láng giềng thế nào. Và, nên tính ngay những giải pháp quốc tế cho vấn đề chống những hành vi giết người như thế.

ASEAN là một định chế, nhưng, như ông Scott Marciel nhận xét: “Vì ASEAN làm việc với nguyên tắc phải đồng thuận cả 10 nước, (nên) đã không có được một đường lối chung trong vấn đề Trung Quốc tranh giành lãnh hải”. Nhưng, cũng ở trong ASEAN, có những nước có thể “đồng thuận” với nhau trong một số vấn đề Biển Đông, nhất là việc chống lại hải tặc thời “văn minh Tàu lạ”. Cảnh sát biển của Việt Nam, Philippines, Indonesia, nhân lúc này có thể nâng tầm hợp tác, thiết lập một lực lượng tuần tra chung để bảo vệ ngư dân. Nhưng, cho dù là “nước xa”, tình thế chắc hẳn sẽ khác hơn nếu “tàu cứu hộ của Mỹ” có thể xuất hiện trên vùng biển có nhiều “Tàu lạ”.

Việc “Trung Quốc bắt giữ các ngư phủ Việt Nam ở gần Hoàng Sa và sự hăm dọa công khai đối với các công ty Mỹ thăm dò dầu khí” đã khiến cho, hôm 15-7-2009, Tiểu ban Đông Á- Thái Bình Dương, Thượng viện Mỹ, đã có một buổi điều trần. Nghị sĩ James Webb nói với hai viên chức cao cấp của bộ quốc phòng và bộ ngoại giao: “Phản ứng của Hoa Kỳ chưa tương xứng trước chiến luợc bành trướng lãnh hải của người Trung Quốc”.

Ông Webb có vợ là một luật sư người Việt và từng có trợ lý thân tín nhất là một người đàn ông sinh ra ở Tuy Hòa. Tuy nhiên, ông Webb tổ chức cuộc điều trần ấy không phải vì số phận của các ngư phủ thỉnh thoảng lại bị “tàu lạ” đâm mà chủ yếu để giải quyết những vấn đề thuộc về quyền lợi Mỹ. Thượng nghị sỹ James Webb nói: “Hoa Kỳ bị buộc phải làm điều này để duy trì thế quân bình địa dư chính trị trong khu vực”. Theo ông: “Chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ tầm vóc và sức mạnh để đối phó với thế bất quân bình do Trung Quốc gây ra”.

Việt Nam rất nhỏ so với Mỹ trong các mối quan hệ song phương, nhưng người Mỹ cũng cần hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề thuộc về quyền lợi trên Biển Đông của họ. Có láng giềng tốt thì rất tốt nhưng Việt Nam sẽ không phải là “nước chịu nhiều áp lực nhất với Trung Quốc” trong vấn đề biển Đông, như nhận xét của ông Scott Marciel, nếu Việt Nam có những người thực sự là bạn bè hơn nữa.

Nhân chuyện mở rộng quan hệ để giải quyết vấn đề “Tàu lạ”, không thể không liên hệ đến chuyện Hồ Tỏa Cẩm. Một viên tham tán thương mại như Cẩm không thể “uốn lưỡi cú diều” trước đại diện Bộ Thông tin và báo chí như vừa qua nếu Cẩm không “đi guốc”: 700 tờ báo nhiều khi đang nói rất hăng vẫn có thể tự nhiên im bặt chỉ vì nhận được đôi ba dòng tin nhắn. Đành rằng báo chí vẫn là “công cụ”, nhưng cũng nên “phân cấp”, những “tin nhắn” như vậy chỉ nên tới Nhân Dân, SGGP, Hà Nội Mới… thôi, còn những tờ “đoàn thể” thì nên cho tranh thủ nói được chút ít tiếng nói của nhân dân: “Tàu lạ” thì kêu; “Tàu xấu” thì phê phán…

Chỉ có sự đa dạng trong xã hội, sự đa phương trong mối quan hệ với các quốc gia mới tạo ra, không chỉ sự ổn định ở bên trong, bền vững ở bên ngoài, lãnh thổ giữ được, mà tính mạng của người dân cũng mới bớt đi những nỗi kinh hoàng trước những con “Tàu lạ”.

.
.
.

No comments:

Post a Comment