Monday, September 5, 2011

Ở TRUNG QUỐC TẤT CẢ CHỈ CÒN XOAY QUANH ĐỒNG TIỀN (Markus Lippold, Liao Yiwu)


  
“Ở Trung Quốc tất cả chỉ còn xoay quanh đồng tiền”
Markus Lippold (n-tv.de) – Trường Nguyễn dịch
24-08-2011

Liao Yiwu (廖亦武 - Liệu Diệc Vũ) trả lời phỏng vấn n-tv.de về bốn năm tù và tình hình nền kinh tế ở Trung Quốc: “Ở Trung Quốc tất cả chỉ còn xoay quanh đồng tiền.”

Vì bài thơ “Thảm sát” viết về cuộc trấn áp biểu tình phản kháng của sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh, nhà văn Liao Yiwu đã bị bắt vào năm 1989 và bị kết án 4 năm tù và lao động cải tạo, đã phải chịu đựng tra tấn và làm nhục.

Ở trong tù ông học thổi sáo. Sau khi ra tù ông thấy sự thay đổi ở Trung Quốc. Mọi người đã quên những người hùng của năm 1989, nền kinh tế phát triển hưng thịnh hơn. “Tất cả chỉ còn xoay quanh đồng tiền”, Liao nói trong cuộc phỏng vấn.

n-tv.de: Anh đã sống được vài tuần ở Berlin, anh có nói được chút tiếng Đức nào không?
Liao: Chỉ nói được một câu thôi “Tôi là người Berlin”

n-tv.de: Có phải ngẫu nhiên mà sau khi thoát khỏi Trung Quốc anh đến nước Đức trước không?
Liao: Ban đầu thì là ngẫu nhiên. Tôi nhận được mời ở khắp thế giới, thế nhưng 14 lần tôi hoài công xin đi ra nước ngoài mà không được. Tình cờ trong một buổi tổ chức ở lãnh sự quán Đức, ở đó tôi gặp người ủy viên phụ trách nhân quyền Châu Á của Đức, ông ta gửi tới tôi lời chào của bà thủ tướng Angela Merkel. Ông nói ông không giúp gì trực tiếp được cho tôi, nhưng mời tôi sang Đức. Điều đó làm tôi xúc động và tôi gửi cho bà Merkel một bức thư mở cùng một đĩa copy lậu bộ phim về Stasi * “Das Leben der Anderen – Cuộc sống của những người khác”. Mong muốn của tôi là bà Merkel sẽ nhớ lại về quá khứ của bà thời DDR. Vì thế mà năm 2010 lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Berlin.

n-tv.de: Trong thời gian này cuốn sách “Fräulein Hallo und der Bauernkaiser – chào cô và người hoàng đế nông dân”, nội dung trong đó anh đã phỏng vấn những người thuộc tầng lớp bần cùng trong xã hội Trung Quốc, đã được xuất bản, anh có ngạc nhiên không?
Liao: Vâng, tôi luôn nghĩ tôi viết cho bạn đọc người Trung Quốc. Cuốn sách đó cũng được đón nhận ở Đức, điều đó làm tôi ngạc nhiên một cách tích cực.

n-tv.de: Cuốn sách mới của anh “Một bản nhạc và một trăm bản nhạc” anh viết về thời gian anh bị bắt, sau bốn năm tù và lao động cải tạo, bị tra tấn và bị làm nhục, anh làm cách nào để có thể viết được cuốn sách?
Liao: Hồi tưởng về sự tàn bạo tất nhiên là khó. Mặt khác, những gì tôi đã sống không tồi tệ như số phận những con người khác, những người bị bắt sau vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn. Có người bị 20 năm tù, có người bị tử hình. So với bốn năm tù của tôi thật chẳng phải là điều gì lớn lao. Ngoài ra cuốn sách có ý nghĩa đối với tôi như một quá trình thay đổi. Hai lần bản thảo bị công an tịch thu, vì thế cuốn sách phải viết lại ba lần. Trong quá trình sống này tôi đã trải qua một sự thay đổi. Tôi từ một nhà thơ trở thành một người viết tư liệu về sự tàn bạo và vô nhân đạo của chế độ này.

n-tv.de: Trọng tâm của cuốn sách có thay đổi không trong ba bản thảo khác nhau? Lần viết thứ ba có dễ dàng hơn không?
Liao: Hoàn toàn ngược lại, bản thảo đầu tiên đối với tôi dễ dàng hơn. Tôi có thể viết nhanh hơn, bởi vì những suy tưởng còn rất mới. Lần phác thảo đầu tiên tôi cần khoảng một năm. Bản thảo lần thứ hai tôi cần gần ba năm. Lần phác thảo thứ ba đã khó khăn hơn nhiều, có những vấn đề tôi không còn nhớ chính xác nữa, nhưng đó cũng là sự luyện tập tốt cho trí nhớ của tôi.

n-tv.de:
Trong cuốn sách của anh có những cảnh rùng rợn về bạo lực và tra tấn giữa các tù nhân với nhau. Bạo lực không chỉ từ chính quyền. Người ta có thể giải thích điều đó như thế nào?
Liao: Đó là một cấu trúc vô hình trong hệ thống trừng phạt của Trung Quốc. Các tù nhân đẩy nhau đến bạo lực vì sẽ được giảm nhẹ hình phạt và được thưởng. Ví dụ khi công an không khai thác được tù nhân bằng tra tấn, họ sẽ để tù nhân đó cho những tên tội phạm hình sự xử lý, nếu chúng ép được tù nhân này khai, chúng sẽ được thưởng. Nhưng nếu tù nhân đó bị chết, thì trách nhiệm không thuộc công an mà là những tên tội phạm hình sự. Đó là một phần của hệ thống trừng phạt trong nhà tù.

n-tv.de: Trong tù anh học thổi sáo. Việc đó thế nào?
Liao: Chuyện đó cũng tình cờ, nhưng cũng là liều thuốc chữa bệnh. Một lần trong tù tôi thổi một bài nhạc, và đã buộc tôi thổi đến kiệt sức thì thôi.

n-tv.de: Chính vì thế mà cuốn sách có tựa đề “cho một bản nhạc và một trăm bản nhạc”?
Liao: Đúng vậy. Cũng từ đó tôi không thể “chơi” được nữa. Tôi đã quên người ta “chơi” như thế nào. Lần đó trong tù tôi gặp một người thầy, người đã dạy tôi thổi sáo, cũng như một loại nghệ thuật cổ truyền. Ông ấy nói với tôi “Anh nghĩ rằng, anh ở trong tù tồi tệ lắm sao? Ngoài kia con người ta cũng sống trong một trại tù, nó to hơn và nó vô hình. Chúng ta sống hiện hữu trong một nhà tù, mặc dù vậy anh vẫn có thể sống tự do”. Qua đó tôi đã học được tự do, trước hết là tự do trong trái tim mình. Qua âm nhạc tôi đã học được mang lại tự do trong lòng mình. Điều đó tôi không thể nào quên.

n-tv.de: Sau khi được trả tự do, nhiều người bạn đã quay lưng lại với anh, anh giải thích thế nào?
Liao: Họ sợ. Cuộc thảm sát năm 1989 chúng tôi không thể hình dung được là quân đội lại bắn vào chính nhân dân của họ. Chúng tôi nghĩ là họ bắn đạn cao su vào chúng tôi. Thế nhưng nhiều sinh viên đã chết. Sự rùng rợn này tồn tại mãi trong trí nhớ. Sau đó là cuộc mở cửa về kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Đối với nhiều người đã rõ, ai muốn thực hiện dân chủ sẽ bị bắn chết. Nhưng mà người ta có thể tham gia sự nghiệp phát triển kinh tế và trở lên giàu có. Bạn bè của tôi và rất nhiều người khác ngày đó xuống đường đã thay đổi định hướng. Một tập thể chỉ hướng đến tiền. Tôi thì ngược lại, trong thời gian ở tù tôi vẫn giữ vững tư tưởng và tôi trông mong sẽ được chào đón bởi bạn bè sau bốn năm tù. Đó là một sự thất vọng lớn đối với tôi, họ không quan tâm đến những câu hỏi chính trị nữa. Tôi cảm nhận thấy một sự thật: Tất cả chỉ còn xoay quanh đồng tiền.

n-tv.de: Nói chính xác: Cuộc thảm sát năm 1989 tạo tiền đề cho cuộc phát triển kinh tế ở Trung Quốc?
Liao: Có lý thuyết cho rằng, cuộc thảm sát là tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, năm 1989 chấm dứt cuộc thử nghiệm cải cách dân chủ. Qua sự giết hại hàng ngàn người ở quảng trường Thiên An Môn mang lại cho chính quyền sự ổn định nhất định. Qua đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

n-tv.de: Một phía là cuộc phản kháng rộng lớn của trí thức ở Trung Quốc đã bị cuộc thảm sát quăng lại nhiều năm. Có ai hồi tỉnh lại sau ngày 04/06, ngày thảm sát này không?
Liao: Cuộc thảm sát là một bước ngoặt đối với trí thức, một số bị vào tù, một số đi ra nước ngoài, một số thì bỏ cuộc. Từ đó chính quyền Trung Quốc phát triển một chiến lược mới răn đe và tự do hóa đan xen lẫn nhau. Trí thức phần lớn bị bắt trước khi họ có thể làm được điều gì. Chiến lược này lặp lại từ nhiều năm nay. Ví như năm 1998 tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Trung Quốc, thể hiện sự mở cửa về chính trị của phía Trung Quốc, đồng thời những người đấu tranh nhân quyền lại bị bắt.

n-tv.de: Mở cửa về kinh tế có kéo theo bắt buộc tự do về chính trị không?
Liao: Chắc chắn sẽ có sự thay đổi, vì tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến hủy hoại nặng về môi trường, phân cấp giàu nghèo ngày một gia tăng, lạm phát như hiện nay chưa từng có kể từ năm 1989. Khoảng 5 hoặc 10 năm nữa những người được hưởng lợi từ phát triển kinh tế sẽ rời khỏi đất nước đi sang Phương Tây. Đối với những người bình thường thì Trung Quốc là một bãi rác thải lớn, họ không được gì ở sự phát triển.

n-tv.de: Vẫn còn có bất bình trong dư luận quần chúng trong xã hội Trung Quốc? Sau cuộc cách mạng ở Ả rập cũng có bắt đầu một cuộc phản kháng thử, nhưng đã bị trấn áp khắt khe.
Liao: Trong tuyên truyền của chính quyền chỉ quan tâm đến đầy đủ về vật chất. Nhiều người TQ đã quên lịch sử của chính họ. Vì thế nên hiện nay tôi viết cuốn sách về cuộc phản kháng của sinh viên năm 1989. Về những con người, mà sau cuộc thảm sát tuổi đời mới 20 đã bị tống vào tù, bây giờ họ 40 tuổi nếu được thả ra họ sẽ không có nghề nghiệp, bằng cấp. Năm 1989 họ là những người hùng, vì họ đưa trán ra đối diện với xe tăng, bây giờ họ chẳng có ý nghĩa gì. Xã hội đã quên hoàn toàn những người anh hùng năm xưa. Tôi thương những con người này, vì họ mất tất cả.

n-tv.de: Anh có liện hệ với những người đối kháng khác không? Ví dụ như người được giải Nobel vì hòa bình Liu Xiaobo hay Nghệ sĩ Ai Weiwei?
Liao: Tôi liên hệ với họ qua email là chính. Một thời gian dài tôi có liên hệ với vợ của Liu Xiaobo, nhưng hiện nay tôi cũng không liên lạc được. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên với Ai Weiwei và biết những thay đổi mới nhất.

n-tv.de: Nhìn nhận của anh như thế nào khi nhiều phương tiện truyền thông Phương Tây quan tâm đến Ai Weiwei sau khi bị bắt vào tháng tư? Điều đó có tích cực không khi nhắc nhở đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, hay là tiêu cực vì chỉ những người có tên tuổi là tiêu điểm?
Liao: Ai Weiwei hoặc ví dụ như Blogger Ran Yunfei đại diện cho thế hệ trí thức mới. Chỗ đứng của họ không phải chỉ vì có tên tuổi mà còn vì dấn thân công khai cho dân chủ. Cho nên tôi nhìn nhận sự quan tâm của Phương Tây là hoàn toàn tích cực.

n-tv.de: Nước Đức năm 1989 qua bức tường sụp đổ đã tạo nên hình ảnh tích cực, còn Trung Quốc thì ngược lại qua cuộc thảm sát đã để ấn tượng xấu. Ông có thất vọng không?
Liao: Điều đó không chỉ thất vọng mà còn tuyệt vọng. Sự phát triển đồng bộ, bức tường sụp đổ, nước Đức thống nhất, Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc. Ngược lại chỉ có Trung Quốc còn ở lại. Những người trí thức chúng tôi rất buồn, tổn thương và tuyệt vọng. Chúng tôi hỏi chúng tôi, tại sao chúng tôi hy sinh, trong khi thế giới tiến lên phía trước. Chúng tôi nhìn nhận như là đánh vào số phận.

n-tv.de: Anh có tin rằng những nhà chính trị phương Tây có thể cân bằng hành động (Spagat), một mặt ký hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, mặt khác nhắc nhở về nhân quyền.
Liao: Tôi nhìn thấy các nền kinh tế Phương Tây quan tâm đến Trung Quốc, và kinh doanh đóng vai trò chính. Nhưng bản thân tôi mong muốn các nhà chính trị Phương Tây tìm hiểu hơn về lịch sử Trung Quốc. Ở nước Đức nhận thức về lịch sử rất tốt, như hiện tại đưa tin tức về kỷ niệm 50 năm xây bức tường Berlin. Vì thế khi chính trị gia nào sang Trung Quốc cũng nên tìm hiểu về lịch sử nước này. Để họ nhận thức được rằng họ quan hệ kinh doanh với một chính quyền độc tài, hy sinh quyền lợi của người dân, nhân quyền và môi sinh. Tôi hy vọng rằng những chính trị gia biết những điều trên tự động sẽ quan tâm hơn đến nhân quyền.

n-tv.de: Anh nói là anh rời khỏi Trung Quốc hợp pháp, anh không coi mình là cư trú lưu vong. Anh có tin rằng anh sớm quay trở lại Trung Quốc không? Thế nhưng pháp luật đe dọa sẽ trừng phạt nếu như anh công bố cuốn sách “Cho một bản nhạc và một trăm bản nhạc”
Liao: Tôi rời khỏi Trung Quốc để có thể tự do viết, tự do công bố, tự do phát biểu. Trong năm nay tôi có nhiều việc bắt buộc phải làm, vì cuốn sách mới phát hành. Năm sau tôi được học bổng của học viện trao đổi công chức ở Đức. Sau đó thì tôi sẽ viết cuốn sách về cuộc nổi dậy của sinh viên 1989. Sau đó thế nào, tôi không thể nói được. Trước hết tôi phải chờ đợi điều gì diễn ra ở Trung Quốc. Tôi không có cảm giác sống lưu vong, tôi chỉ vì công việc của nhà văn mà đi ra nước ngoài thôi.

n-tv.de: Có sự khác nhau giữa những gì anh viết ở đây và ở Trung Quốc không?
Liao: Tôi rất vui là năm tới tôi có thể làm việc ở Berlin. Lần đầu tiên trong đời tôi được sống tự do, và viết trong một không gian yên tĩnh. Ở Trung Quốc ngược lại, không khi nào tôi thực sự tập trung được. Tôi đã tự hỏi mình, tôi được tận hưởng tự do và có làm nên điều gì mới.

n-tv.de: Alexander Solschenizyns viết cuốn sách “quần đảo Gu lắc” trong nhà tù Xô viết, phát hành năm 1973. Mười bảy năm sau Liên Xô sụp đổ. Đó là một tia hy vọng chứ?
Liao: Tôi có hỏi Ai Weiwei, khi nào thì chính quyền Trung Quốc hiện nay sụp đổ, ông ấy nói “năm tới, năm tới”. Tôi muốn nói rằng sớm chừng nào hay chừng ấy. Chúng tôi tràn đầy hy vọng, nhưng mà cũng thất vọng. Thêm vào đó phát triển kinh tế bất chấp dẫn đến môi trường ô nhiễm quá độ. Ngay cả khi Trung Quốc có dân chủ, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề này. Chính vì thế tôi muốn nói “nhanh chừng nào hay chừng đó”.

Liao Yiwu nói chuyện với Markus Lippold
Phiên dịch: Jing Möll


© DCVOnline



.
.
.

No comments:

Post a Comment