Thursday, September 1, 2011

NHỮNG MẠNG NGƯỜI & MỘT CÁI TÁT (Bùi Tín)




Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Năm, 01 tháng 9 2011

Chính quyền độc đảng ở Việt Nam nhiều lần cam kết với nhân dân mình và với toàn thế giới là đang nỗ lực xây dựng một chế độ pháp trị nghiêm minh, cởi mở và minh bạch, theo những tiêu chuẩn quốc tế tiến bộ, hiện đại. Họ thừa hiểu rằng có cam kết và thực hiện đúng như vậy họ mới có được uy tín trước nhân dân, có được niềm tin của giới đầu tư quốc tế, từ đó mới có ổn định về chính trị.

Thế nhưng trên thực tế, chính quyền độc đảng ở Việt Nam luôn bị dư luận quốc tế phàn nàn là không giữ lời cam kết, luôn vi phạm các văn kiện họ đã ký về tôn trọng nhân quyền, về thực thi chế độ pháp quyền nghiêm minh ngay đối với nhân dân nước mình.

Quả thật còn lâu Việt Nam mới có một chế độ pháp trị tử tế, đàng hoàng, theo đúng nghĩa.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trong bức thư gửi cho lãnh đạo của đảng CS sau sự kiện công an và cảnh sát hò hét nhau bắt bớ người biểu tình yêu nước, « hốt tất cả chúng nó lên xe », rồi đạp giày lên mặt người yêu nước chống bành trướng, đã đặt ra câu hỏi: « phải chăng nước ta đang thực hiện chế độ cảnh sát trị? ».

Câu hỏi nghiêm khắc và có cơ sở ấy vẫn không hề cảnh tỉnh những người cầm quyền độc đoán. Chế độ cảnh sát trị đang hoành hành ngang nhiên ở mọi nơi, mọi lúc, như là một chuyện bình thường, tất nhiên trong xã hội.

Chủ nhật 21-8 vừa qua, anh binh nhì Nguyễn Tiến Nam chỉ đứng quan sát cuộc biểu tình, cách đó hàng trăm thước cũng bị bắt giữ rồi «hốt» lên xe giải về đồn công an, không cần có lý do gì, rồi câu đầu tiên khi hỏi cung là: «Mày đến đó làm gì?» Rồi: «Mày có dự biểu tình không? Mày ký vào đây». Đây là khẩu khí của một bọn kiêu binh, tự cho ngồi trên đầu nhân dân, khinh thị mọi người, coi mọi người là thấp hèn hơn mình, để mày tao chi tớ với mọi công dân. Anh Vũ Quốc Ngữ trong đồn công an còn bị họ đánh, đấm, thụi, đá, chửi…

Đâu là những lời dạy đạo đức đối xử với dân mà mỗi nhân viên, binh sỹ công an, cảnh sát học thuộc lòng khi mới nhập vào hàng ngũ: Công an là bạn dân, công an phải kính người già, coi như cha mẹ mình, thương yêu trẻ, coi như anh em con cháu ruột thịt của mình.

Khi có quyền lực, có dùi cui, gậy gộc, súng đạn trong tay, họ quên hết mọi lẽ phải, đạo lý trên đời. Hãy nghe những lời được ghi âm của họ, từ trung tá, đại úy đến binh nhì công an và cảnh sát, đã được truyền đi vòng quanh thế giới: “Tát vỡ mồm con mặc áo đỏ hô khẩu hiệu to nhất! Giữ thằng già đang cầm biểu ngữ! Bịt miệng đứa đang hát lại! Hốt mau tất cả chúng nó lên xe".

Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (nay là Trần Đại Quang) có nghe rõ khẩu khí “oai hùng” như thế của những người dưới quyền mình hay không? Thật là khẩu khí của những kẻ vô giáo dục, nói năng theo ngôn ngữ của bọn mafia. Họ gọi trí thức bằng tuổi bố mình là thằng già, gọi người bằng tuổi chị, em mình là con, là đứa,chúng nó… Nền văn hóa công an khi làm việc là thế.

Và khi chị Bùi Minh Hằng không chịu ký, không chịu lăn dấu tay, thì năm viên công an đè chị ra, vặn quặt cánh tay chị để cưỡng bách in dấu tay, còn chửỉ chị khi chị đòi có mặt luật sư. Ở một chế độ pháp trị nghiêm minh, những kẻ hung dữ như thế nhất định bị kết án nặng về tội dùng bạo lực đối với công dân, nhất là với phụ nữ. Nhưng ở nước này, họ được khen, được thưởng, được lên cấp hàng loạt, như hơn 4 ngàn cán bộ công an Hà Nội được đề bạt giữa cuộc đàn áp người yêu nước.

Thực hiện nền văn hóa cảnh sát, áp dụng đúng nền giáo dục công an thời ông Lê Hồng Anh - từng nhảy một phát từ cán bộ dân sự lên đại tướng công an 4 sao tháng 1-2005, không qua 1 ngày làm binh sỹ, không qua một buổi tập đi đều một hai, chưa tập bắn súng đến 1 lần - cho nên viên Trung tá công an Hoàng Văn Dũng còng tay anh thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Hải bí danh Điếu Cày, dạy rằng: « Tao bảo cho mày biết, tao sẽ đánh mày cho đến bác sỹ sẽ nhận mày không ra, cho đến luật sư cũng không nhận ra được mày, đánh cho mày mất cả khả năng đàn ông nữa ». Kinh thật! Anh Điếu Cày và cả chị Tân vốn là vợ anh đều kể lại như thế. Làm gì mà căm thù đến thế! Chỉ vì anh Hải đã đi xe gắn máy lên tận Cao Bằng, tự mình quan sát vùng thác Bản Dốc bị mất vào tay quân bành trướng ra sao và trở về nói lên niềm đau của mình. Vậy viên Trung tá Dũng và viên Đại tướng Anh đứng trên lập trường nào vậy? Vì dân, vì nước, hay vì đảng, vì bành trướng? Và nay được biết anh Hải hết hạn tù vẫn không được tự do, lại còn bị :"mất tay” theo báo tin của công an, mà người nhà không biết anh mất ngón tay hay bàn tay, hay mất cả cánh tay? và vì sao? anh còn sống hay không? vẫn là điều bí mật hoàn toàn. Thật là điển hình của chế độ công an và cảnh sát trị. Họ làm vua trên đất nước này rồi, họ coi mạng dân là sâu bọ. Có nơi đâu trên thế giới có chuyện như thế?

Sau khi tuyên án, Linh ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Ảnh Trần Duy

Và lại một tin mới, không kém phần tiêu biểu. Ngày 23/8 vừa qua, tại phiên tòa lưu động của quận 12 Sài Gòn, em Phạm Thị Mỹ Linh, người từng bênh mẹ em khi bị một nhân viên công an hùng hổ chặn xe máy đe doạ 2 mẹ con em, em vừa hốt hoảng, mất bình tĩnh, vừa phẫn uất bênh mẹ theo bản năng, bột phát tát anh công an này. Em bị truy tố về tội “chống người đang thi hành công vụ". Tại tòa em nhận lỗi, nói: “Em biết lỗi, em hối lỗi, xin tòa cho em được đi học để kiếm tiền nuôi mẹ em". Vậy mà em vẫn bị toà tuyên án 9 tháng tù giam, với lời buộc tội mang tính chất thổi phồng để ăn vạ: “hành động của bị cáo đã làm hại sức khỏe (!) của viên Thượng sỹ Nguyễn Đức Ánh và đe dọa tính mạng anh (!)". Các luật sư ở Sài Gòn cho rằng việc xử đã lên gân quá đáng, mang tính chất trả thù của phía quyền lực, hơn nữa khi chính anh công an Ánh cũng cho là “không có ảnh hưởng gì sức khỏe anh, anh sẵn sàng bỏ qua", hơn nữa, chuyện này xảy ra khi em Hạnh chưa đủ 18 tuổi, còn vị thành niên. Các luật sư cho rằng hành động như thế ở một em nhỏ, chỉ đáng vài tháng án treo, hay vài tháng cải tạo giáo dục bằng lao động công ích là thích hợp. Em Mỹ Linh đã ngất xỉu khi nghe tuyên án, và bà Hạnh, mẹ em cũng ngất theo. Lại một cảnh đời, một gia đình tan nát.

Cũng bi đát như vậy, một loạt cái chết oan uổng của nhiều công dân khi bị bắt giữ trong cơ quan công an ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Phú Yên… dưới triều đại ông Lê Hồng Anh vẫn còn là bí mật quốc gia, không có cuộc điều tra hay phiên tòa nào giải quyết minh bạch theo đúng pháp luật, sẽ còn treo lơ lửng đến bao giờ? Đó là cái chết tức tưởi của ông Trịnh Xuân Tùng bị công an Hà Nội tra tấn đến gãy cổ và chết, rồi con gái ông là em Trịnh Kim Tiến lại bị tống vào tù vì tham gia biểu tình chống bành trướng. Sao tính mạng của người công dân Việt Nam lại bị rẻ rúng đến vậy, đặc biệt là công dân yêu nước chống bành trướng lại càng bị khinh thị hơn, bị kết tội phi lý, năng nề hơn. Ở một nước văn minh, có công dân chết trong đồn công an một cách khuất tất là bộ trưởng công an phải trả lời rõ ràng ngay cho quốc hội và công luận.

Ở nước ta, có đại biểu Quốc hội nào thuộc các tỉnh trên đây suy nghĩ đến chuyện công dân của tỉnh mình bị mất tích một cách bí hiểm như thế để tìm cho ra lẽ công bằng?

Nhân dân nước ta đang sống theo pháp luật nghiêm, minh bạch như lời cam kết ở cửa miệng, hay chế độ cảnh sát trị bất công, tàn bạo trên thực tế?

Hỏi, đặt vấn đề và tìm hiểu thực tế hằng ngày, ai cũng có thể nhìn ra sự thật.

---------------------------------
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XEM THÊM :

.
.
.

No comments:

Post a Comment