Wednesday, September 28, 2011

NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA VĂN HÓA MỸ (Giao Chỉ)




Tình nguyện đi tìm xác người.

Đang lái xe trên liên tỉnh lộ vùng Bay Area, cảnh sát chợt chặn xe lại. Thấy một đoàn người mặc áo khoác mầu cam, đàn ông đàn bà, các học sinh và cả những con chó. Nhân viên đeo bảng FBI hường dẫn. Ào một cái cả đoàn băng qua đường. Cảnh sát ra hiệu cho xe tiếp tục chạy. Mặc dù đây chỉ là xa lộ nhỏ miền quê nhưng ít khi có cái cảnh chặn đường cho đoàn người băng ngang. Họ đi tìm cái gì. Đây là các toán tình nguyện đi theo chuyên viên tìm xác người mất tích.

Suốt mấy tuần qua bà Carrie Mc.Gonigle bỏ hết công việc để gia nhập vào toán người tình nguyện đi tìm xác cô gái Việt Nam mất tích tại Hayward. Cô sinh viên điều dưỡng của học viện Kaiser 26 tuổi mất tích 26 tháng 5-2011.
Cô gái họ Lê đã mất tích trong khoảnh khắc, như là biến mất suốt 4 tháng qua. Nghi can là một cô bạn lâu đời đã bị tạm giữ từ 7 tháng 9-2011. Người ta nghi cô Geselle Esteban đã giết Michelle Le vì ghen tuông. Nghi can đã có con với một anh bạn trai và hiện tại lại còn đang mang bầu. Cô Esteban có thể nghĩ là cô bạn Việt Nam của mình đã cướp người tình nên hạ sát trả thù.

Tuy đã có vết máu trên xe, nhưng không có xác chết nên không thể buộc tội. Gia đình cô Lê cũng không có dữ kiện để làm tang lễ cho con gái.

Cả cộng đồng Hoa Kỳ tại Hayward tổ chức đi tìm xác Michelle. Bà Carrie McGonigle là một trong những người tình nguyện suốt ngày lặn lội đi tìm xác cô gái Việt xa lạ trong vụ án tình. Hai năm trước cô con gái nhỏ của bà cũng đã bị giết mất xác. Những người tình nguyện cũng đã đi tìm xác con bà suốt một năm dài.

Và trong hàng ngàn chuyện tình nguyện mà người dân Mỹ tham dự trong đời sống hiện nay có cả chuyện ghi tên đi học lớp hướng dẫn để đi tìm xác người mất tích.

Họ đi từ sáng đến tối. Mặc áo vàng hay mầu cam phản chiếu lấp lánh dướl ánh mặt trời rực nắng. Phần lớn đội nón rộng vành, đi giầy cao su mềm. Tay cầm gậy và một xấp tài liệu. Đi xe đến khu vực, rồi đi bộ. Trải rộng hàng ngang, mắt nhìn xuống đất. Giữ khoảng cách 2 bên. Họ đi tìm dấu vết người bất hạnh.Nếu may mắn sẽ thấy được xác người. Một anh Tàu Mã Lai tham dự nói rằng công việc này ở nước tôi không làm bao giờ. Anh trưởng toán Hoa Kỳ hãnh diện nói rằng. Đây là Văn Hóa Mỹ – American Culture. Ở xứ này không có xác chết là không có án mạng. Người biết xác chết ở đâu có thể là thủ phạm lại có quyền không nói. Và cả ngàn người không biết phải tình nguyện đi tìm. Đó là công lý Hoa Kỳ. Đó là văn hóa Hoa Kỳ.

Tin giờ chót cho biết, sau nhiều tháng tìm kiếm người ta đã thấy di hài của cô Michelle Lê.
Cô gái nghi can mang bầu đang bị tạm giam sẽ ra tòa. Gia đình họ Lê phát tang cho con gái.
Vụ án trước sau sẽ kết thúc. Nếu bị kết tội giết người cô gái ghen tuông có thể bị coi là sát nhân chủ ý. Tội cố sát là một tội danh nặng nhất của bản án giết người. Mỹ gọi là cấp một.
Ngày xưa ở Việt Nam, có báo đăng tin: Vô cớ đả thương, nhân thương chí mạng. Thầy giáo giảng rằng có anh say rượu, vô cớ đánh người, chẳng may người chết. Đó là sát nhân hạng nhì. Tự nhiên hành hung, lỡ tay chết người.

Giết người vô cớ.

Tối thứ sáu lúc 7 pm ngày 23 tháng 9-2011 tại khu thương xá trước nhà quàn Oak Hill đường Curner, người Việt tại thành phố San Jose sẽ làm lễ thắp nến tưởng niệm cho cô Cindy Nguyễn.
Ca sĩ Ý Lan, một người không hề liên hệ thân tình với nạn nhân sẽ bay từ Nam Cali lên dự đêm tưởng niệm. Cô nói rằng chỉ nghe chị em nói về vụ án mạng này mà động lòng thương cảm.

Kiều đã có câu rằng:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Ai đã từng là bà mẹ độc thân, đơn chiếc nuôi con đều thương cảm cho phận đàn bà bạc mệnh.
Nạn nhân là cô Cindy Nguyễn Hữu Chỉnh. Được biết rằng Nguyễn Hữu Chỉnh là tên họ của thân phụ. Cô Cindy hiếu thảo dùng trọn vẹn họ tên của ông già làm tên của mình. Cindy là khuôn mặt kinh doanh tại San Jose, năm nay thực sự mới 53 tuổi. Có gia đình đã ly dị, là bà mẹ độc thân nuôi 3 con. Hai gái một trai.
Cô bị bắn chết hoàn toàn vô cớ bởi một anh sát nhân giết người không lý do. Cảnh sát nói rằng nạn nhân đã tình cờ có mặt không đúng chỗ và không đúng lúc.
Và buổi thắp nến cầu nguyện cho cô thì sẽ làm tại đúng vào nơi mà cô bị bắt cóc, sau đó bị bắn chết.

Lễ thắp nến cho nạn nhân tại nơi oan trái này cũng lại là một truyền thống của văn hóa Mỹ.
Gần như bao năm qua, người Việt tại San Jose hiếm có khi nào tổ chức thắp nến khóc thương cho nạn nhân ngay tại nơi xẩy ra tai nạn.
Chuyện cô Michelle Lê bị giết, dù lý do ghen tuông có thể không chính đáng với mọi người nhưng khi cô gái nghi can nuôi con dại lại ôm bụng bầu thì hận thù cô gái Việt trẻ trung, xinh đẹp vẫn có thể là động cơ mạnh mẽ.

Nhưng câu chuyện cô Cindy bị giết thì hết sức vô lý và oan uổng.
Thành phố San Jose hơn 5 năm trước đã được tuyên dương là trong 10 đại đô thị hàng triệu dân với thành tích an toàn. Nay San Jose tuy chưa xuống cấp nổi loạn nhưng không còn ở danh sách “Top ten”.
Tuy nhiên trong hơn 4000 vụ cướp giựt đã xẩy ra không hề có án mạng. Nạn nhân và thủ phạm đều biết rằng chỉ cần giơ dao, giơ súng ra là xong ngay. Đây tiền mặt, nữ trang, ví bóp mày cứ thong thả mà lấy đi. Thậm chí lấy đồ trong tủ sắt của các tiệm ăn, nhà hàng. Xin cứ tự nhiên. Không cần phải đâm chém, nổ súng hay bạo hành. Nhưng vụ Cindy này không phải vậy.

Xin nhắc lại sơ lược nội vụ như sau:
Thủ phạm: Anh chàng gốc Mễ tên là Paul Castillo 33 tuổi là một tay vào tù ra khám có truyền thống. Cha mẹ của Paul cũng đầu trộm đuôi cướp, là khách hàng thường xuyên của tòa án Santa Clara. Từ lúc 7 tuổi mẹ Paul đã chỉ dẫn cho con chui lỗ chó vào nhà thiên hạ, rồi tìm cách mở cửa để phe ta vào ăn trộm.
Tuy nhiên, dù đã ở tù 1 phần 3 cuộc đời qua các trung tâm cải huấn nhưng Paul chưa bị án giết người. Toàn là tội trộm cướp, ăn cắp xe, cần sa ma túy, lặt vặt. Vì vậy sau nhiều lần cải hóa, theo đúng sách vở của luật pháp Hoa Kỳ, Paul được phóng thích. Và ngày xẩy ra những vụ bắn giết điên cuồng, thứ sáu 16 tháng 9-2011 tại San Jose cũng là ngày dài nhất của sở cảnh sát thành phố.
Thoạt đầu Paul lái xe Nissan ăn trộm đến ăn cướp tại cây xăng. Nhân chứng gần đó khai là nạn nhân nói với tay súng: Tôi sẽ đưa anh tất cả, nhưng xin để tôi yên.
Súng vẫn nổ. Chẳng biết hung thủ lấy được bao nhiêu tiền. Nhưng tại sao lại phải bắn nạn nhân. Bắn để phi tang chăng. Nhưng tại sao lại không bắn cho chết. Nạn nhân được cấp cứu, và nếu không tìm được thủ phạm thì đây sẽ là nhân chứng duy nhất còn sống.
Sau đó Paul có dịp đóng vai anh hùng mã thượng đến sửa xe giúp cho cô Cindy.Thực ra tên này đã có ý bỏ Nissan để tìm xe khác.
Chiếc xe Lexus nổi tiếng chợt chết máy vào giờ phút oan nghiệt giữa ban ngày tại khu thương mại.
Cindy đang gọi cell cho thân hữu tại văn phòng địa ốc để chạy ra giúp chị. “Nhưng thôi, có một gentleman đã đến sửa giúp rồi. See you later.” Cell cúp máy.
Không ai biết chuyện gì đã xẩy ra từ lúc Paul đến câu bình xe cho cô Cindy. Nhân chứng nghe tiếng súng nổ và Cindy mất tích. Vài giờ sau cảnh sát chợt thấy Paul lái chiếc xe bị cướp và chặn lại. Paul lái xe tông thẳng. Cảnh sát bắn. Paul bỏ xe chạy và mất dấu.
Sở cảnh sát San Jose báo động đỏ. Gần 100 cảnh sát bị tổng động viên. Các tay điều tra tung ra khắp bốn phương trời. Báo chí, truyền hình, radio, thị trưởng, nghị viên rồi cộng đồng Việt Nam ồn ào suốt 3 ngày. Chợt có tin mật báo hung thủ xuất hiện ở 1 quán Pizza trên Sacramento.
Nhiều toán cảnh sát chạy ào lên. May mắn thay bắt được hung thủ tại trận. Không hề trở ngại.
Cả sở cảnh sát vui mừng nhẹ nhõm. Gần 50% nghỉ xả hơi sau những ngày dài làm việc 24/24.
Nghi can Paul Castillo bị bắt hiện còn giữ hoàn toàn im lặng. Bao năm được dạy dỗ huấn luyện trong tù, tay phạm pháp này biết rõ quyền hạn của đương sự và giới hạn của cảnh sát. Phải chờ luật sư được chỉ định. Vụ án này sẽ còn kéo dài. Nếu luật sư chứng minh rằng Paul là nạn nhân của ma túy, giết người vô cớ. Không hề chủ mưu. Cũng không chuẩn bị để đi giết người điên cuồng hàng loạt. Chỉ bắn như người mộng du. Nếu chứng minh được như thế thì Paul sẽ thoát khỏi án tử hình.

Chuyện Cindy. Về phần nạn nhân, cô Cindy là ai.

Đây là một người rất hoạt động. Cô đã hết sức thành công trong ngành địa ốc tại thung lủng điện tử. Mở rộng văn phòng mua bán nhà cửa. Không những giúp cho nhiều gia đình định cư, mà riêng cô đã đầu tư địa ốc trong phạm vi quy mô với hàng trăm thành viên làm việc.
Ngay khi thị trường địa ốc Hoa kỳ chao đảo và hàng ngàn văn phòng đóng cửa thì cơ sở của Cindy vẫn còn tồn tại. Nhưng cơn hồng thủy kinh tế quá mạnh, Cindy là một trong nhiều nhà tư bản bỏ cuộc sau cùng.
Tiếp theo sự hào phóng của Cindy đến với các công việc từ thiện cũng phải chấm dứt. Hoàn cảnh của cô hiện nay cũng đang phải chia xẻ phần số của thị trường kinh tế thương mại toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, chắc chắn với khả năng và nghị lực phi thường và những đứa con còn cần nương tựa, với 53 tuổi và nhiều kinh nghiệm, Cindy vẫn còn nhiều hy vọng ở tương lai.
Cuộc đời của cô không bao giờ hết bình điện. Chỉ tại cái xe Lexus mầu trắng nổi danh lại hết hơi bình ngay tại nơi thị tứ nên đã thành chuyện oan nghiệt.
Hai phụ nữ Việt Nam cùng bị giết. Hai can phạm phải ra tòa. Anh trung sĩ Việt Nam của San Jose nói rằng cả hai trường hợp đều đau thương nhưng chưa bi thảm. Sợ nhất là bị tên điên bắt cóc hành hạ cả năm rồi cũng chết. Lời khuyên không chính thức đưa ra là hãy cảnh giác tốt đa, nhưng thà chết chứ đừng để bị bắt. Chấp nhận mất hết nhưng đừng để bị đem đi. Nhiều trường hợp bị bắn bỏ lại, cảnh sát đến vẫn còn cứu kịp.
Nhưng không có ai lại cảnh giác giữa ban ngày mà từ chối một người đã giúp câu bình điện. Cô nói trong cell phone cho thân hữu. Đã có một gentleman đến giúp. Ai ngờ gentleman lại là một tay đang say thuốc sẵn sàng giết người vô cớ.
Chuyện đó xẩy ra vào thứ sáu ngày 16 tháng 9-2011. Một tuần sau, cũng vào thứ sáu 23 tháng 9-2011 người Việt và người Mỹ đến thắp nến và cầu nguyện cho Cindy.

Cô Trương Gia Vy chủ nhiệm báo Viettribune nói rằng các bạn hãy cầm tay người bên cạnh. Vì cuộc đời ai mà biết được ngày mai. Cô Ý Lan nói lời thương cảm cho sự mong manh của kiếp người, rồi cất tiếng. Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Không có tiếng đàn. Không có tiếng vỗ tay. Không gian như lằng đọng. Những ngọn nến lung linh.
Đó là hình ảnh một phần văn hóa Mỹ.

Giao Chỉ, San Jose.
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment