Friday, September 23, 2011

NHÀ VĂN NGUYỄN THỤY LONG (Viên Linh)


VIÊN LINH
 Wednesday, September 21, 2011 3:01:15 PM

I.
Giữa thập niên '50, trên tờ Văn Nghệ Học Sinh có đăng vài truyện ngắn ký bút hiệu Mặc Lan Giao. Lúc gặp nhau, tôi đã giấu một nụ cười, khi trước mặt là một cu cậu mập thù lù, chậm chạp, và có cặp mắt nhìn lừ đừ.

Nguyễn Thụy Long (1938-2 tháng 9, 2009), chụp tại Sài Gòn, với bà Nguyễn Lan Phương, đại diện báo Khởi Hành ở Paris. (Hình: Nguyễn Lan Phương cung cấp)

Mặc Lan Giao, cái tên thanh nhã và ẻo lả biết mấy. May mắn thay là Lan Giao sớm thay đổi, từ lãng mạn u sầu sang hiện thực gồ ghề với tập truyện ngắn Vác Ngà Voi, ký tên thật là Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm đầu tay này của Long xuất bản năm 1965. Hai năm sau, đi vào thế giới dao búa và tù tội của mình, tên tuổi Nguyễn Thụy Long trở nên lẫy lừng với cuốn Loan Mắt Nhung.
Lúc cuốn truyện này được quay thành phim, một tí nữa tôi cũng đã đóng phim. Ðoạn phim đã quay, bên cạnh một vũ nữ thân ngà, chỉ mặc hai mảnh bikini, tôi lại mặc đồ lớn, cà vạt, bộ đồ có sọc to như sợi bánh phở. Không chờ xem lại đoạn phim, tôi biết là không thể thế được, nên ra sức thuyết phục người bạn đạo diễn, và đoạn phim ấy may mắn được cắt bỏ. Chính Long, có mặt trên sân quay hôm đó, sau lúc đó bảo tôi: “Con đó nhảy hay hơn mày;” tôi càng thấy là sự nghiệp điện ảnh của mình không nên bắt đầu làm gì.
Thuở Nguyễn Thụy Long ký bút hiệu Lan Giao, anh ở nhà mẹ trong một ngõ hẻm đường Phát Diệm. Còn nhớ con phố ngắn này nối đường Võ Tánh, nơi có trường Nữ Trung Học Trí Ðức, với đường Trần Hưng Ðạo. Trên con phố có tiệm chụp hình Anh Ðào, mà sau khung kính có tấm hình một phụ nữ miền Nam điển hình: tóc chải miết da đầu, vuốt lên, bóng đen, quấn lại thành búi ở phía sau. Long có một em trai ruột là Lân, và chị Ngọc, em Phụng. Chị Ngọc hay đòi tôi chở trên chiếc velo solex đi công việc, hay đi xem phim Ấn Ðộ múa rắn ở rạp Long Phụng. Có lần bác Long dọa: thằng Linh còn chở chị Ngọc đi nữa là không đứa con gái nào dám lấy mày nữa đâu.
Ai cũng gọi Ngọc là chị, tuy chị là vợ kế của cha Long. Ông là một họa sĩ truyền thần, mất sớm, tấm hình còn treo trên cột nhà. Hẳn vì nghiệp cha mà Long ghi tên học Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh. Từng theo kháng chiến chống Pháp, ông bỏ Việt Minh từ vùng rừng núi vô thẳng Sài Gòn từ năm 1952. Khoảng chúng tôi gặp nhau lần đầu, chưa ai đầy 20 tuổi. Ðâu như còn 17, 18. Trong bọn chỉ có tôi là đã vào đời, đi làm báo lãnh lương tháng, việc học phải uyển chuyển theo việc làm.
Nguyễn Thụy Long ít nói, ưa nhìn, ưa quan sát. Có thể là lúc đó Long thấy mình chưa có vốn sống, nên không thốt ra lời các suy nghĩ, nếu có. Hoặc Long sống nhiều nội tâm, mà ngại diễn đạt trước bạn bè. Thật sự, đề tài trong các truyện của anh khá thay đổi.
Sau đó rất nhanh, chúng tôi tan tác một thời mới lớn. Sức vóc trưởng thành làm bật đi xa, văng tứ tung, mỗi người một ngả. Ngôi nhà bác Long mà nhiều hôm chúng tôi ghé lại tìm cơm ăn đã mất dạng. Món tép kho tiêu của bác không bao giờ tôi có thể quên, nó ngon như một tiêu chuẩn mẫu mực để kho cá trong sách nữ công gia chánh dạy nấu ăn. Món cá thu kho bác nấu với thịt heo bằng thứ nước hằng, là nước đường canh lên quánh sệt màu nâu đen đỏ sậm, thơm lừng, cũng chỉ mẹ tôi, hay cô tôi làm thời ở Hà Nội, mới còn trong trí nhớ. Khúc cá, miếng thịt ấy quyện vào rau răm, giềng, khô mà bùi, cắn làm sao để không đụng môi, ăn như ăn để dành, hiếm khi còn thấy lại. Cho nên mẹ tôi vẫn đúng khi phê bình các cô con dâu: “Các chị nấu như thế làm sao anh ấy ăn được.”
Gia đình Long, một thời, cho tôi cái cảm giác gần gũi, thân cận, thời “giang hồ” đầu đời với những bài ca chia cắt quê hương, “Hà Nội ơi, nhớ về thành phố xa xôi,” hay biệt ly hàng xóm, Sài Gòn rực rỡ đèn màu và những mối tình thanh xuân - một nửa dang dở dưới mái trường, nửa khác nồng men son phấn nơi quán xá. Tuổi trẻ bùng vỡ và với cây bút, chúng tôi tự nhiên lớn lên trong nghề văn, nghề báo, không chọn lựa và không bao giờ phải chọn lựa. Nếu có chọn, là chọn từ bỏ bớt đi sự cộng tác với những tờ báo tầm thường, để càng ngày càng hướng về văn học.
Cuộc vào đời mỗi phía có những trắc trở. Phía Nguyễn Thụy Long tàn khốc hơn là tôi biết. Còn nhớ, một buổi chiều đâu khoảng đầu thập niên '60, tôi đang ngồi trên velo solex trên đường Lê Văn Duyệt từ ngả Sài Gòn về Ngã Tư Bảy Hiền thì thấy Long nhợt nhạt bên đường. Thấy rất nhanh dù có cho xe chậm lại. Không nhớ gì ngoài khuôn mặt trắng xanh và đôi chân đi đôi dép Nhật bệ rạc, qua cái nhìn theo chiều dọc của người chạy xe. Có đến vài năm rồi chúng tôi không gặp nhau, không biết hoạt động của nhau. “Có tiền không,” đó là câu hỏi đầu tiên tôi nghe từ người bạn cũ. “Không.” Tôi trả lời. Xe vẫn tiếp tục chạy. Khoảng bốn năm năm sau gặp lại, hình ảnh ấy đã là một thắc mắc cần phải hỏi.
- Cái hôm hôm gặp nhau trên đường Lê Văn Duyệt ấy, không có thì giờ ngừng lại với nhau. Hôm đó cậu làm gì mà lớ ngớ bên lề đường như thế?
- Vừa ở tù ra. Vừa từ khám Chí Hòa đi ra tới đó thì trông thấy cậu.
Câu trả lời thản nhiên. Và không ai nhắc lại nữa. Cũng không nói thêm. Nhưng nó lớn dần trong lòng tôi. Hóa ra hôm đó người bạn tôi vừa mãn một hạn tù, đứng bên đường, lòng đói, không một xu dính túi. Anh gọi và tôi đã không dừng xe lại. Long ở tù, chẳng biết vì tội gì, song thiếu gì người ở tù mà vô tội, tôi biết, trước hay sau 1975. Tiểu sử Nguyễn Thụy Long, in trong một tuyển tập, đọc thấy: “Tên thật là Nguyễn Thụy Long, sinh ngày 9 tháng 8, 1938 tại Hà Nội (Bắc Việt)... Theo học trường Thiếu Sinh Quân, nhưng rồi lại bỏ binh nghiệp sau khi thân phụ mất. Theo học tiếp những năm trung học tại Sài Gòn, Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh rồi lại bỏ học đi lính khi gia đình gặp chuyện khổ, ly tán. Sau 5 năm quân đội, đào ngũ, tù tội, ra khỏi tù sống những ngày lang thang ở những nơi hạ lưu của xã hội...” Buổi chiều thấy Long đó, nghĩ lại, không biết có phải là sau 5 năm quân đội không? Cái tiểu sử đó, in trong một cuốn sách xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1974, nói lên sự ngay thẳng của tác giả Vết Thù (1968), Sầu Ðời (1970). Anh không giấu diếm những trầm đọa của đời người. Anh sống rất thật. Hồi cộng tác với tôi ở tuần báo Hồng, anh ngồi xe mui trần, tóc tai đen nhánh, tua tủa, thân hình phì lũ, và bộ râu trông không được hiền lành. Lái xe hơi sì po, tay trái gác qua thành cửa, trông cũng ra vẻ Loan Mắt Nhung thật, tuy rằng không nhớ cặp mắt này có thăm thẳm không, vì cặp kính cận quá dầy, gọng đồi mồi quá đậm, che mất vẻ đẹp ví dụ là có.
Ở Hải Ngoại, năm 1980 gì đó, tôi nghe tin Long vào tù, ra tù, lại vào tù. Chẳng cần biết lý do. Nhưng có một lần nghe tin Long đánh vợ, tên là T., một nhân viên làm văn phòng báo Sống của Chu Tử. Cô này ra mách cán bộ là chồng cô giấu vũ khí trong nhà, đó là tin nghe, không rõ lắm sự xác thực. Nhớ Long, lúc đó tôi làm bài thơ bốn câu như sau:
Loan Mắt Nhung tù bởi vợ thưa
Mưu chi y giữ súng trong nhà
Long ơi nếu sống mà ra được
Giận vợ nhưng đừng đánh vợ nghe.
(Ðoạn 32, Thủy Mộ Quan, trang 23, Virginia, 1982).

II.
Sài Gòn, 28 tháng 10, 1997

V.L. thân mến,
Cảm ơn còn nhớ đến Loan Mắt Nhung và làm thơ về hắn. Nhớ những đêm ngồi đọc thơ ở căn gác trại học sinh Phú Thọ. Những ngày mưa lặn lội đi uống cà phê Thọ ở khu Thăng Long Phú Thọ. Nhớ Thời Tập mày chủ trương. Khởi Hành mày làm việc và tao có góp truyện ngắn. Chuyện cũ nhắc lại càng nhớ càng buồn. Báo để mày biết tao vẫn sáng tác, dù một mình trên căn gác có tên là Gác Bút. Tại căn nhà ở Gia Ðịnh. Ðời sống buồn nhưng vẫn sống vẫn làm việc vẫn tự học tập. Ðời đã tặng cho nhiều cay đắng, mỉa mai, nhưng vẫn sống được như thường. Chẳng chết thằng Tây nào sất cả.
Hồi 10 năm trước... có đến thăm bà cụ tại đường Lê Văn Duyệt... Bạn xưa chẳng còn mấy thằng, ở đây gần như năm nào tao cũng đi đưa đám bạn cũ. Những thằng nào còn sống thì đều ngất ngư cả. Nhưng mắt vẫn ngời sáng, đầu tỏa hòa quang như sắp hiển thánh đến nơi. Tao thường gặp Bùi Giáng, hình như tao cũng có phần nào lây bệnh của thầy...

NTL
Có những nỗi sợ làm hèn con người ngay tại chốn tự do. Có những nỗi sợ khiến con người đáng trọng, trong nơi tù hãm. Mấy năm nay hải ngoại đón tiếp và trông chờ một số nhà văn lão thành miền Nam sẽ lên tiếng tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ, sau khi những vị này ra hải ngoại đoàn tụ với gia đình. Có những ai đã lên tiếng? Có những ai đã cầm bút trở lại trong chờ đợi của mọi người? Nhiều người im lặng vì có thể không còn thấy cần phải viết nữa; cũng có người im lặng vì có thể đã lỡ cấy sinh tử phù. Sự im lặng ấy cũng nên được kính nhi viễn chi. Nguyễn Thụy Long đang ở Sài Gòn. Sau 1975 bị tù khá lâu vì những gì đã viết. Nay anh vẫn viết, và viết gửi ra hải ngoại.
Lại viết hồi ký. Hồi ký của một nhà văn. Nội việc viết và gửi những gì mình viết ra hải ngoại, Nguyễn Thụy Long đã là một nhà văn đáng được ngưỡng mộ. Những truyện ngắn của anh sau này mô tả cuộc sống Sài Gòn sau 1975 được độc giả tán thưởng nồng nhiệt: truyện Ao Cá Bác Hồ là chuyện thực, anh được trao cho việc canh gác “ao cá của bác,” cán bộ lãnh lương hộ, đến nỗi đói mà vẫn phải bỏ việc. Chuyện một phụ nữ ngủ ngoài phố, ban đêm bị một người đàn ông lột y phục, không phải để xâm phạm thân xác, mà câu kết thật bất ngờ: ban ngày anh ta theo dõi chị, vì chị mặc cái quần tương đối còn mới, đến đêm đợi người phụ nữ ngủ say, anh ta lột cái quần của chị đem đi bán. Anh ta đói quá. Nhờ những truyện ngắn này, đa số độc giả đã bỏ phiếu để trao cho Nguyễn Thụy Long giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp năm 2005.
Anh từ trần cách đây 2 năm, vào ngày sinh nhật ông chủ ao cá mà anh canh giữ nhiều tháng không được lãnh một xu nào: ngày 2 tháng 9, 2009. Chúc Long đòi được nợ dưới âm phủ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment