Thursday, September 29, 2011

NGUYỄN KHẢI & BẢN CHÚC THƯ CHÍNH LUẬN (Đỗ Xuân Tê)


09/30/2011

Như một hiện tượng lạ trong giới văn học khi nhà văn Nguyễn Khải một thời được coi như mũi xung kích của Đảng trên lãnh vực viết văn, viết báo, nhưng vào lúc cuối đời lại chia tay với quá khứ, cảnh tỉnh tư duy, tự chối bỏ mình qua môt bản chúc thư chính luận mang tựa đề, “Đi tìm cái tôi đã mất”.

Đến nay, ba năm sau ngày ông mất, thiên hạ vẫn nhắc nhiều về bài viết cuối cùng của ông, được đánh giá như một văn bản sắc sảo, trung thực của một người cầm bút muốn gởi gấm cho các người cùng thời và những thế hệ đi sau những cảm nhận về tính phi nhân bản của một chế độ chính tri mà khi sinh thời tác giả không đủ can đảm để bày tỏ, chối bỏ hoặc lên án, như một đồng nghiệp đã nhận xét, ‘đây là bài viết đầu tiên và cũng là bài cuối cùng Nguyễn Khải nói thật’(NQL).

Dù đã có nhiều người viết về Nguyễn Khải, nhưng cứ đọc báo khi có những vấn đề thời cuộc nóng bỏng tôi lại hay nhớ đến ông, nên cũng muốn viết vài điều trong cách nhìn của một người tuy không cùng chiến tuyến lúc ông sinh thời, nhưng có đặt cảm tính nặng phần trân trọng tác giả của bản chúc thư đi-tìm-cái-tôi-đã-mất.

Nguyễn Khải hình như sinh ra để viết văn, do thời cuộc đưa đẩy ông lại kiêm luôn nhà báo.Không hiểu nhờ văn hay nhờ báo mà ông là cây viết được nhiều người chú ý. Phải nói trước thời kỳ mở cửa, người ta đọc nhiều tác phẩm và bài viết của ông. Ông là một cây viết xông xáo hay đi về cơ sở, chủ yếu là nông thôn miền Bắc, sau này là đồng bằng sông Cửu Long để viết những mảng đề tài khá gần gũi với thực tế cuộc sống. Tuy dấu vết của nền văn chương minh họa vẫn đậm nét trong cốt truyện và văn phong của Nguyễn Khải, nhưng cách nhìn con người và sự việc cùng lối phân tích mối xung đột hữu quan của các mẫu nhân vật trong truyện hay ngoài đời đã tạo cho ông thành cây bút được kính nể.

Ông hay đi, người ta bảo chắc ông tuổi con ngựa, đi đến đâu đều được lãnh đạo địa phương trân trọng và dân tình xem chừng ưu ái đặt nhiều kỳ vọng ở ông nhà văn, nhà báo gốc quan này (NK có quân hàm đại tá khi về hưu). Đối với Đảng và lãnh đạo các cơ quan văn hóa tư tưởng họ hài lòng về ông, hay xử dụng ông như mũi xung kích cho việc quảng bá phát động các kế hoạch, cách nhìn, lối làm ăn trong từng giai đoạn của quá trình xây dựng XHCN ở miền Bắc, trong đó hai tác phẩm Mùa LạcXung Đột mà tôi có dịp đọc và làm quen cũng là những cuốn sách được Cục trại giam chọn lọc để đặt trong mấy cái rương sách cũ dành cho các tù hình sự trong các trại giam miền Bắc. Rồi sau này qua những buổi đọc báo Tổ hàng đêm, các bài ký sự về cuộc sống đồng bằng sông Cửu của Nguyễn Khải dù tiếng mất tiếng còn (do ù tai mệt sức vì lao động lúc ban ngày) nhưng cũng đọng lại trong chúng tôi một cái gì đó hơn là bị tra tấn bởi những bài xã luận vô hồn của nhà báo Thành Tín, người gác cổng trung thành của báo Nhân Dân.

Sau ngày thống nhất Nguyễn Khải giã từ Hà Nội, chuyển hẳn hô khẩu vào thành phố tên Bác, cũng là biểu hiện lối sống thực dụng của ông khi tìm nơi đất lành chim đậu, xa nơi đô hội vốn dĩ có nhiều đấu đá bon chen. Nói vậy không phải ông không nhớ miền quê đất Bắc, bài viết cuối cùng trên báo mà tôi được đọc ông đã viết về người Hà-nội xưa, thầm nhắc nhớ những ký ức của một thời Tràng An thanh lịch, của một thuởThăng Long hào khí với những mẫu người và nét văn hóa khác xa hà-nội ngày nay.

Trước khi về cõi ông được trao giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật mang tên HCM, khi nằm xuống được chôn trong nghĩa trang dành cho các đảng viên lão thành trên 60 tuổi đảng, thực ra ông chưa đủ số thâm niên, nhưng ông Võ văn Kiệt thấy tội nên ‘nhường xuất’ của mình cho đồng chí nhà văn nhà báo đã có nhiều cống hiến cho thành phố. Nhìn chung ông đạt vận may trong đời nghiệp vụ, với trung ương trong ngành trong ban ông chuyên ngồi chiếu trên, chí ít cũng ủy viên BCH hội nhà văn nhà báo, rồi quân hàm, huân chương, phần thưởng cứ ai có là ông có, kể cà những người công lao hơn ộng chưa có mà ông đã có, chính vậy mà theo thói ghen tị đời thường cũng có tiếng bấc tiếng chì trong các bạn đồng ngành đồng nghiệp của ông.

Mấy lúc gần đây khi đọc báo trong nước và ngoài nước, người đọc cũng có những ưu tư trăn trở khi thấy các phong trào tự phát của quần chúng muốn biểu lộ nỗi bức xúc của mình về những vấn đề thời cuộc nóng bỏng, trong đó có cái lối chơi cha của người láng giềng Trung quốc liên quan đến chủ quyền Biển Đông. Tiếc thay, cái ‘quần chúng’ mà nhà nuớc lúc nào cũng dành quyền đòi bảo vệ và tôn trọng lại bị chối bỏ và vùi dập không khoan nhượng bởi các lực lượng giữ gìn an ninh thủ đô. Tôi lại nhớ Nguyễn Khải lúc cuối đời khá nhạy cảm về điểm này khi ông đặt bút, “Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác-Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng. Sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hòa nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.”.

Ai có thể ngờ những lời than thở cuối đời như trên lại có thể phát ra từ tùy bút chính luận của một người suốt đời sống và phục vụ hết mình cho Đảng? Để qua một bên khi có người hỏi tại sao không dám công khai khi còn sống mà lại chờ sau khi chết mới phổ biến dưới dạng kiểu như chúc thư, điều này cũng dễ hiểu nếu ta đặt mình vào hoàn cảnh của Nguyễn Khải khi thân phận nào muốn tồn tại đều phải trải qua những cơn hèn, dù cho người ấy có là… võ tướng. Riêng tôi không hề giấu diếm niềm khâm phục sau khi đọc những gởi gấm tâm huyết của ông dù có muộn còn hơn không.

Càng đọc bản chúc thư chính luận càng thấy ông khát khao muốn đề cập đến những điều nên viết mà chưa dám viết, những điều nên nói mà chưa dám nói, những điều dám nghĩ mà chưa dám làm, đấy mới chính là di sản văn học của con người Nguyễn Khải, một nhà văn nhà báo mà cái ‘tôi’ đi tìm chỉ đáng viết thường khi còn sinh thời, nhưng thực sự cái ‘Tôi’ tìm được đáng được viết hoa khi thân xác đã đi vào yên nghỉ.

ĐỖ XUÂN TÊ

------------------------------

(Tùy bút chính trị - 2006)
Nguyễn Khải

.
.
.

No comments:

Post a Comment