Thursday, September 29, 2011

HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN (Thế Văn, ABC)



23/09/2011 - 15:06
Vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã được đặt ra từ khi dự án này được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội. Thế nhưng cho đến nay thì Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới than “hiệu quả kinh tế không còn” khi Bộ Giao thông Vận tải cho rằng TKV phải bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa đường sá, vận chuyển alumin.

Tây Nguyên đang trong mùa mưa. Những cơn mưa xối xả khiến không ít hạng mục xây dựng của nhà máy bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ không thể thực hiện. Bên cạnh đó, thông tin nhà máy bauxite Tân Rai rò rỉ hóa chất gây ảnh hưởng tới những hộ dân trồng cà phê xung quanh càng khiến đoàn công tác của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang có mặt ở Tây Nguyên để tiến hành kiểm tra, giám sát công trường thêm lo ngại.
Đến bây giờ, có thể khẳng định TKV sẽ không thể có những sản phẩm alumin đầu tiên vào tháng 10 theo dự kiến ban đầu. Và đến nay, do nhiều lý do, thời gian để bắt đầu có sản phẩm từ hai dự án bauxite thí điểm cũng chưa được ấn định.

Chính phủ bao bọc cho TKV?

Thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ về việc bỏ tiền làm đường vận chuyển alumin thực chất có lợi cho TKV. Thay vì phải bỏ ra số tiền cả nghìn tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường vận chuyển alumin theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải thì TKV sẽ chỉ phải “chủ động cân đối hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, bảo dưỡng”, kết hợp với cải tạo 2 tuyến tỉnh lộ 725 và tỉnh lộ 769. Mà như thế thì chỉ khi nào kinh doanh có hiệu quả thì TKV mới xem xét đến việc cân đối tài chính để hỗ trợ địa phương. Trong lúc đó, địa phương cứ việc lấy tiền ngân sách ra thực hiện trước.

Hiện nay, chỉ còn tỉnh Đồng Nai “cứng đầu” chứ theo thông tin được đăng tải mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chi 1.000 tỷ đồng để xây dựng một tuyến đường dài khoảng 24km phục vụ vận chuyển bauxite.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lên kế hoạch xây dựng, nâng cấp quốc lộ 20 (dài khoảng 227 km) để phục vụ vận chuyển alumin với tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây thật sự là chuyện tréo ngoe. Bởi nếu không có các dự án của TKV thì 10 năm nữa, các tuyến đường trong khu vực này cũng “chưa có nhu cầu” sửa chữa, nâng cấp. Khi TKV lập luận rằng họ là tập đoàn kinh tế, nếu bỏ cả nghìn tỷ đồng vào làm đường - chi phí không có trong hồ sơ lập dự án thì không còn hiệu quả kinh tế, chính phủ đã lập tức có hành động bao bọc để giúp dự án “hiệu quả” hơn trong tương lai.

“Gian dối”

Lãnh đạo TKV cho biết họ xác định chỉ phải bỏ tiền thuê vận tải chứ chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ tiền làm đường.
Theo bà Phạm Chi Lan, từ câu chuyện TKV không tính đến chi phí làm đường sá vận chuyển alumin ngay từ giai đoạn lập hồ sơ dự án đã lộ ra “chân tướng” gian dối của tập đoàn này. Một dự án kinh tế lớn như vậy mà không tính tới chi phí cho phát triển hệ thống giao thông vận tải quả là một việc làm khó chấp nhận được.
“Việc không đưa hoặc lờ không đưa chi phí làm đường này vào dự án khi trình chính phủ là thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo TKV và cơ quan thẩm định - Bộ Công thương”, bà Lan nói.

Điều này được kỹ sư Nguyễn Thị Vuốt, nguyên Trưởng phòng Dự báo - Viện Chiến lược Phát triển Giao thông Vận tải khẳng định: TKV đã bỏ qua tính toán của các nhà khoa học đầu tiên tiến hành nghiên cứu về giao thông cho vận chuyển alumin.
“Khi được giao nghiên cứu về các hướng vận chuyển alumin tại khu vực Tây Nguyên, chúng tôi đã tính toán rằng TKV phải bỏ tiền làm đường bởi dòng xe tải trọng lớn, chạy “đều như vắt chanh” của họ có khả năng phá hỏng đường sá gấp hàng chục lần các dòng xe khác lưu thông trên đường cộng lại”, bà Vuốt phát biểu.

“Hiệu quả kinh tế của dự án ra sao, chi tiêu thế nào phải được tính toán tất cả vào dự án để sau này đánh giá bởi đây mới là hai dự án thí điểm. Nếu chính phủ cứ bao bọc và phê duyệt dự án các báo cáo đầy tính thiếu minh bạch, không trung thực của TKV thì sẽ rất nguy hiểm, trở thành tiền lệ xấu khi triển khai các dự án khác”, bà Phạm Chi Lan phân tích.

Không hiệu quả

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng chuyện TKV nói bỏ thêm vài trăm đến nghìn tỷ đồng vào làm đường khiến dự án không còn hiệu quả kinh tế là… trung thực. Khi xây dựng dự án, doanh nghiệp phải tính tới chi phí rủi ro. So với tổng số vốn đầu tư vào dự án bauxite thì việc bỏ thêm khoảng nghìn tỷ đồng đã khiến “hiệu quả kinh tế không còn” thì nghi ngờ về hiệu quả của cả dự án bauxite Tây Nguyên đã từng được giới trí thức đặt ra ngay từ khi TKV lập dự án là hoàn toàn có cơ sở.

“Tôi nhớ là đã có hàng loạt cảnh báo, kiến nghị rồi. Nhiều lập luận cũng được đưa ra khi tiến hành khai thác bauxite tại đây sẽ phải chi phí cho vấn đề môi trường, đời sống xã hội-kinh tế bị đảo lộn, lãng phí tài nguyên khi xuất khẩu sản phẩm thô dễ bị ép giá… Rồi chuyện dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, rõ rệt, cả vấn đề giữ gìn tài nguyên cho con cháu đã được đem ra bàn thảo sôi nổi nhưng cũng không làm lay chuyển được gì”, bà Lan nói.

Lập ủy ban giám sát

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng của Quốc hội, cho biết ông còn nhớ rất rõ “đề tài” nên hay không nên khai thác bauxite Tây Nguyên từng trở thành đề tài tranh cãi, nóng bỏng như thế nào. Tuy nhiên, bỏ qua mọi cảnh báo, kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ vẫn được phê duyệt thực hiện thí điểm. Ông Thuyết cho rằng cần thiết phải có một cơ quan giám sát đặc biệt việc TKV tiến hành khai thác, kinh doanh alumin tại hai dự án bauxite Tây Nguyên.
Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình với những ý kiến này khi cho rằng cần phải đánh giá lại những kênh phản biện xã hội về dự án bauxite Tây Nguyên nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh “đâm lao thì phải theo lao”.
.
.
.

No comments:

Post a Comment