Tuesday, September 6, 2011

GIÁO HỘI KIỂU VIỆT NAM (Nguyễn Văn Lục)



Giáo hội kiểu Việt Nam
Nguyễn Văn Lục
04-09-2011

Gởi tặng anh Lữ Giang


Một người bạn thân trong giới truyền thông đã gửi cho tôi bài báo của ký giả Ba Lan, Jacek Dziedzina, dài 16 trang, đăng trong tờ “Khách Chủ Nhật” sau chuyến sang VN kéo dài gần một tháng. Bài báo được đăng cách đây hơn một năm, nhưng như thể các điều nhà báo trình bày còn “nguyên vẹn như thể chuyện xảy ra mới đây”.

“Khách Chủ Nhật” là tờ tuần báo Thiên Chúa giáo Poland Gość Niedzielny; “Giáo hội kiểu Việt Nam” là một phụ san đặc biệt của tờ Gość Niedzielny. “Bến Việt”, Câu lạc bộ văn hoá & xã hội Ba Lan, đã dịch phụ san chuyên đề Giáo hội Việt Nam tựa “Giáo hội kiểu Việt Nam” và đăng tại http://www.benviet.org/trong-tam:phu-san-dacbiet  – DCVOnline.

Nhiều điều được trình bày trong bài báo của ký giả Ba Lan làm tôi thú vị và cảm hứng. Vì thế tôi xin dùng lại tựa đề của ông: Giáo Hội kiểu Việt Nam.

Vâng, quả thực có một Giáo Hội kiểu Việt Nam, không giống bất cứ giáo hội nào trên thế giới.
Đó là Giáo Hội hầm trú thời xưa và nói theo danh từ bây giờ là một Giáo Hội Chui.
Thật ra trong một xã hội ít người mà nhiều ma, không cách gì người ta có được cuộc sống bình thường. Sống là người tử tế là điều không dễ gì.

Trong một xã hội toàn trị tuyền những ma cả, không phải ma cà rồng, mà là người biến thành ma, có đủ tay chân. Người ta giống như những con lươn, con trạch, sống chui, sống lủi để tồn tại, sống “bên lề pháp luật”.

Nói đúng ra, có một thứ luật pháp của nhà cầm quyền và có một luật lệ bất thành văn của người dân.
Vì thể nảy sinh ra rất nhiều hiện tượng chui: buôn bán chui, giấy tờ chui, bằng cấp chui, làm chui, ngay cả Đi chui và Học chui, Tu chui.

Khi về VN cũng trên dưới 10 năm trước, đến thăm dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, tôi vừa ngạc nhiên, vừa thích thú như một khám phá vì cái gì ở đây cũng chui cả.

Linh mục CĐT dẫn tôi đi coi nhà sách ĐMHCG - vẫn kể như xưa - ngoài tranh ảnh tượng Chúa, tràng hạt bày công khai. Điều mà nhà nước cấm là các sản phẩm in ấn. Tôi nhận thấy khá nhiều sách mới in mà đáng lý ra không được phép in. Đọc các tài liệu chính thức của Tổng Giáo phận Sài Gòn, TGM Nguyễn Văn Bình năm lần bảy lượt làm đơn xin phép in cái này, cái nọ, như in một Bản tin địa phận. Họ hứa rồi không cho và cứ thế kéo dài cả 10 năm trời đến khi TGM chết cũng chưa nhận được giấy phép.
Tôi tò mò hỏi linh mục CĐT, mấy cái này có giấy phép để in không? Dĩ nhiên là không. Không mà vẫn cứ in, in thì phải bày bán công khai. Người ta biết hết chứ, nhưng cứ để yên cho làm. Cấm thì cấm đó là lệnh trên. Nhưng để cho in, xuất bản là chuyện khác.

Nhà dòng, cũng theo linh mục CĐT, có gần 100 tu sinh. Ban ngày, ai về nhà đó. Đi làm, ngay cả đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Ban đêm tụ lại sinh hoạt, cầu nguyên, học hỏi. Phường khóm chắc cũng biết chứ. Vấn đề là để yên hay không để yên. Vấn đề là ngoại giao, có thể là phải quấy một chút. Muốn khó thì thật khó, mà muốn dễ cũng thật là dễ.

Nói chung, lúc nào người dân cũng ở trong hoàn cảnh phạm luật, bất hợp pháp. Vì thế được gọi là chui. Đi bất cứ đâu Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, vịnh Hạ Long, xuống Cần Thơ, quay ngược ra Vũng tàu, lộn ra Nha Trang, lên Đà Lạt. Đi xe lửa, đi xe đò, ngủ khách sạn, đi thuyền, đi đò. Ăn uống, mua bán, giải trí, ngồi quán cà phê, chạy xe trên đường phố qua ngã tư đèn đỏ, hay chạy ngược chiều... ngay một người bán hàng rong bán hàng vô tội vạ, buôn bán lớn, buôn bán nhỏ. Chỗ nào cũng vi phạm pháp luật, việc làm nào dù lớn hay nhỏ cũng phạm pháp cả.

Vì thế bất cứ cái gì cũng bất hợp pháp. Ngay cả cái hợp pháp cũng có thể biến thành bất hợp pháp. Nhưng cách nào cũng có thể mua được luật pháp hoặc qua mặt luật pháp.
Giáo hội công giáo Việt Nam qua từng thời kỳ, từng giáo phận, từng giáo xứ, từng giám mục, từng linh mục mỗi ngày phải đối phó, phải suy nghĩ tìm giải pháp “nát óc” cho những vấn đề chính ra là bình thường.

Ở Việt Nam cái gì cũng là vấn đề cả, ngay cả cái không có vấn đề.

Anh phóng viên Ba Lan muốn đi thăm một người muốn gặp, cũng phải nghĩ “nát óc” để làm sao qua mặt được công an chìm.
Vậy mà vẫn không qua nổi, câu chuyện sau đây của anh kể lại hay quá, tôi không thể không trích dẫn.

‘Hoặc chồng, hoặc nhà nước
Chỉ có điều là những thứ ấy không phải là di vật quá khứ còn sót lại.

- Em hoàn toàn tin tưởng vào Đảng – Hiền, cô sinh viên Hà Nội nhanh chuyện và hồ hởi nói chuyện chính trị. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế bên hồ Hoàn Kiếm ngay giữa thủ đô, địa điểm ưa thích của các bộ ảnh cưới và các bài tập tai-chi buổi sáng. Hiền bỗng dưng xuất hiện không rõ từ đâu và hỏi có thể ngồi cùng hay không.

- Em nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho đất nước cũng như cho sự ổn định của nó nếu chỉ có một đảng cầm quyền mà thôi – cô nói hình như rất thật. Cô học lịch sử và muốn sau này làm giáo viên. Nhà nước bỏ tiền đào tạo các thầy cô giáo và sĩ quan công an tương lai nên Hiền không phải ưu tư chuyện kinh tế. Kết thúc đại học, cô cũng không phải lo sẽ không có tiền để sống. Giáo viên tại Việt Nam đang có giá. Rất lạ rằng giáo viên giảng dạy ở nông thôn kiếm nhiều tiền hơn là thành thị: khoảng 8 triệu đồng Việt Nam, tức là trên dưới 400 đô-la một tháng. Giáo viên ở thành thị chỉ kiếm được nửa khoản tiền đó. Hiền nói rằng chính quyền muốn bằng cách đó khuyến khích giáo viên đi dạy ở vùng xa. Còn giáo viên thành thị đằng nào cũng có nhiều cơ hội kiếm thêm bằng nghề khác.

- Còn anh, anh làm nghề gì? – Hiền hỏi. Tôi trả lời trống lảng.

- Thế anh có phải công tác khi di chuyển thế này hay không? – tôi cảm giác hình như cô bé thùy mị này đang tự bộc lộ mình là ai sau mỗi câu hỏi. Và hình như cô ta càng lúc càng mất tự tin khi tôi là người cầm trịch câu chuyện.

- Thế nếu cô phải chọn giữa trung thành với nhà nước và trung thành với chồng thì sao? – Tôi hỏi và thấy cô nở nụ cười hoảng sợ và kín kẽ liếc mắt sang bên.

- Em sẽ chọn nhà nước – cô nói với giọng điềm tĩnh.

- Thế nếu nhà nước luận tội oan cho chồng của cô, bỏ anh ấy vào tù vì bất đồng quan điểm thì sao? – rõ là tôi đang tra tấn cô sinh viên. Cô không còn trả lời như máy tự động nữa.

- Có lẽ em sẽ chọn nhà nước – hình như mặt tôi lúc đó trông bi thảm lắm thế nên cô sinh viên lại nói, Nhưng nếu em tin chồng, em sẽ thỉnh cầu nhà nước thả tự do cho chồng.

Tôi xin lỗi cô sinh viên để lánh sang một bên nhấc điện thoại. Trong lúc nói chuyện, tôi thoáng thấy Hiền không còn giữ ý gì mà nháo nhác nhìn sang một hướng như thể đang tìm ai đó dù trước đó cô nói rằng không chờ ai cả.

Đó mới là cuộc sống thực- cuộc sống với nhiều mưu mô gian trá, rình mò trong chế độ công an trị.

Vai trò giáo hội - Hay là vai trò giáo hội kiểu Việt Nam

Giáo Hội VN là giáo hội đặc biệt và duy nhất trên thế giới này. Nó tồn tại được là do sự ứng xử khôn ngoan - nhưng cương quyết - đối đầu và tương nhượng.

Vai trò sống còn của giáo hội tùy thuộc vào người chủ chiên rất nhiều. Chủ chiên đạo hạnh, chủ chiên khôn ngoan, chủ chiên càng trải qua nhiều thử thách gian nan như phải chui thì càng có dấu hiệu giáo hội nói chung được nhờ.

Và vì thế, những cái chính thức, cái công khai được nhìn nhận, cái hợp thức hóa trong một xã hội ma như thế lại đáng ngờ vực. Tệ hơn nữa là dấu hiệu suy thoái, nhu nhược, luồn cúi đồng lõa với cái xấu.
Cái Desperate plight of Catholics in Viet Nam mà người ta muốn nói tới ở đây là tình trạng một hàng giáo phẩm bị lũng đoạn đưa đến một cái nhìn không mấy lạc quan về Giáo Hội VN chính thống!

Điều mà những người quan tâm đến Giáo Hội lo ngại, chính là tổ chức Giáo hội thông qua những Hội đồng, những cơ chế, những chức danh, những người lãnh đạo chứ không phải mấy linh mục chui.

Chui là điều không tránh được và là điều bình thường và là sức mạnh tinh thần của giáo hội hầm trú.

Nỗi lo đến tuyệt vọng nằm ở chỗ khác chứ không phải ở chỗ ấy. Người ta càng chúi mũi dùi vào mấy linh mục Chui thì đó là mục tiêu giả, đánh giả.

Bởi vì những con người ấy, nó tượng trưng cho Giáo Hội Kiểu Viêt Nam.

Đòi hỏi hợp pháp hóa một linh mục chui trong những tình thế bất khả kháng là một đòi hỏi trẻ con và ngớ ngẩn của một tình trạng lão hóa không khôi phục!

Xin trích dẫn bài của ký giả Ba Lan.

30 năm để thụ phong linh mục

“Cảnh vận hành trên đường phố Hà Nội phải được cho vào Danh sách Di sản Thế giới UNESCO. Kể cả ở những vùng Cận Đông, tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến sự hỗn loạn trong phương cách vận hành tương tự như trên đường phố Việt Nam mà không gây tai nạn. Trong chuỗi xe gắn máy bất tận có khi có xe chở tủ tường cao hai mét hoặc mang con lợn ỉn bị trói đạp chân tứ phía, hoặc đèo theo dân du lịch thèm ấn tượng. Tất cả di chuyển theo phương cách giản đơn: tài xế không cần nghĩ có đi được hay không, mà chỉ quan tâm có cần đi hay không. Điều đó lý giải vì sao các ông tài lái xe máy ngược dòng đường một chiều hoặc len lỏi trên vỉa hè giữa các quán ăn di động với đống ghế nhựa.

Trên một trong những ngả đường đông đúc nhất, ngay cạnh trung tâm của khu phố cổ là thánh đường Giuse xây từ hồi Việt Nam còn là thuộc địa Pháp. Đang giữa tuần nhưng cứ một lúc lại nghe tiếng cọt kẹt của ghế gỗ khi có người rời điện thờ hoặc vừa an tọa. Phần lớn đều là người trẻ. Chủ quản thánh địa, linh mục Antoni nói: chỉ riêng tại giáo phận này đã có tới 100 người tuổi trưởng thành nhập đạo mỗi năm còn riêng tại Hà Nội thì 300 mỗi năm. Vị linh mục ngạc nhiên bởi khuôn mặt ngỡ ngàng của tôi. Người dân tới đây rồi nghe được lời Chúa từ ngoài qua loa phóng thanh hoặc vào bên trong dự bài đọc, thấy hàng xóm láng giềng mình là dân công giáo và thế là người ta cũng muốn được là một thành viên trong cộng đồng công giáo – linh mục giải thích với tôi vì sao con số người nhập đạo lại lớn vậy. Trên toàn Việt Nam, khoảng 40 ngàn người tuổi trưởng thành nhập đạo làm con của Chúa mỗi năm – những người có liên hệ với Giáo hội Việt Nam cho biết.

Tại Hà Nội, nhà dòng được chia làm hai khu bởi số người muốn học quá đông. Một khu có tới 168 chủng sinh học, một khu 150. Không thiếu người muốn thụ phong linh mục nhưng nhà nước hạn chế số chủng sinh được chúng tôi nhận vào nhà dòng – linh mục Antoni giải thích. Tuy vậy, có những học viên nhà dòng tại Hà Nội xuất thân từ các tỉnh khác không có nhà dòng, hoặc số lượng chủng sinh bị hạn chế khiến họ không thể nhập học để sau đó làm linh mục. Kể từ năm 1954, khi người cộng sản nắm quyền tại Bắc Việt và đuổi người Pháp đi, tới tận năm 1989 không một nhà dòng nào được hoạt động hợp pháp. Đôi khi có các hoạt động của một số đơn vị đơn lẻ với hạn chế nhập học, 6 năm mới có một học viên được nhập. Các vị linh mục tương lai phải học tập trong bí mật, như một trong những giám mục chúng tôi được gặp ở miền Bắc. Chúng tôi hẹn gặp lúc tối muộn, linh mục nhắc chúng tôi đừng để lộ tên ông.

- Dẫu sao người ta vẫn biết các anh đang ở chỗ tôi – vị linh mục nói một cách điềm tĩnh.

- Các linh mục liên tục bị theo dõi, họ biết chúng tôi làm gì, đi đâu, gặp ai – linh mục liệt kê.

- Nhưng tôi chẳng sợ – linh mục nói tiếp.

- Bởi riêng tôi đã phải chờ 30 năm để được thụ phong linh mục – ông nói với ánh mắt của một chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm. Ông nhập chủng viện năm 1958 nhưng chỉ một năm sau đó phải rời về nhà riêng. Như vậy vẫn chưa là gì so với hầu hết bạn bè ông từng bị đẩy vào trại tập trung chỉ bởi bày tỏ ý nguyện muốn nhập học nhà dòng. Vị giám mục này tới tận những năm 90 mới được thụ phong linh mục. Ngày nay, nhà dòng được phép mở cửa nhưng lại bị gây phiền bởi các hạn chế giả tạo: từ 7 tới 10 học viên mỗi năm tùy giáo phận. Thế nên các linh mục tương lai vẫn phải tu luyện bí mật hoặc tu luyện ở nước ngoài rồi thụ phong linh mục ở nước ngoài”.

Chia xẻ với những kinh nghiệm đắt giá ấy của giáo hội Hầm Trú trong những tình huống mà khi viết những dòng này, giáo hội VN vẫn ở trong tình trạng báo động đỏ.

Đặt vấn đề chính thống hay chính đáng với một linh mục chui đang ở trong tình thế tranh đấu và đối đầu hoặc bôi nhọ một linh mục đã từng vào tù ra tù nhiều lần-hầu như phân nửa cuộc đời- hoặc có những lời lẽ biếm thị với một linh mục trẻ đáng tuổi con cháu có bề dầy tranh đấu bất khả nghi- đối với tôi là một điều xúc phạm không tha thứ được.

Vì thế, tôi không muốn tranh luận hoặc biện bạch hơn thua từng câu từng chữ với bất cứ ai “đi ngược dòng” hoặc không đồng chính kiến.

Tôi không muốn đi vào vào những chốn không cần thiết. Hãy để cho sự việc tự nó giải bày.

Về trường hợp linh mục Khải, xin ghi lại những dòng của nhà báo Ba Lan khi gặp ông ở xứ Thái Hà:

Giáo xứ của “những kẻ phản động”.

Linh mục Peter Nguyễn Văn Khải nhiều lần giám chắc với tôi qua sms: “Đừng sợ, Chúa bên ta, chúng ta đâu có hãi sợ”, để trả lời cho quan ngại của chúng tôi liệu chúng tôi có gây thêm phiền toái khi lui tới thăm dòng Chúa Cứu Thế. Tất nhiên không phải lo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trở về Ba Lan còn những người chúng tôi gặp gỡ phải ở lại Việt Nam. Giáo xứ Thái Hà có lẽ là cộng đồng công giáo được biết tới nhiều nhất tại Việt Nam. Và cũng là một trong những giáo xứ bị chính quyền cảnh giác nhất. Chúng tôi tới hẹn bằng taxi nhưng không nói với bác tài xế địa chỉ mà yêu cầu ông đổ vài trăm mét trước điểm hẹn.

- Chúng vẫn biết là các anh đang ở đây – linh mục Peter cười như vừa kể chuyện khôi hài độc đáo, chỉ cho chúng tôi xem máy camera treo trên cột. Trong phòng gửi đồ của nhà dòng, chúng tôi ngỡ ngàng được xem các tấm hình đã từng thấy từ trước với các giáo dân bị đánh ở Đồng Chiêm hồi tháng giêng vừa qua khi công an và quân đội tuân lệnh chính quyền trung ương phá hủy thánh giá trên đồi nghĩa địa. Máu đã chảy nhưng may thay không ai thiệt mạng. Các linh mục dòng Chúa Cứu Thế và các giáo dân đã tới Đồng Chiêm động viên dân chúng để rồi cũng bị đánh.

Thái Hà, lễ mi-sa buổi tối giữa tuần mà nhà thờ chật người trẻ tuổi. Kể cả khi tính rằng 60% xã hội Việt Nam là những người chưa tới 35 tuổi thì con số người trẻ có mặt trong nhà thờ vẫn là điều đặc biệt. Vào Chủ Nhật, có tới 8 lễ mi-sa được cử hành cho khoảng 2 ngàn giáo dân mỗi lễ. Tại một trong những tòa nhà hiếm hoi chưa bị chính quyền chiếm dụng của dòng Chúa Cứu Thế, một vài thân hữu đã chờ sẵn. Luật sư Lê Quốc Quân, có liên hệ với giáo phận, từng du học tại Hoa Kỳ. Sau khi trở về Việt Nam anh bị tịch thu hộ chiếu bởi trong thời gian ở Châu Âu anh từng có những phát biểu phê phán chính quyền cộng sản. Anh cũng phải ở trong tù một thời gian.

- Tôi đã quen với việc thỉnh thoảng tôi lại nằm trong sự quản lý chặt chẽ, nhiều khi tôi phải vắt óc tính sao ra khỏi nhà mà không bị phát hiện – anh nói với nụ cười trên môi. Tất cả mọi người trong nhóm này đều nói với sắc tươi sáng khi liệt kê những hiện tượng chính quyền miệt thị và trù dập. Vị truyền đạo, Antoni Nguyễn Văn Tang (cứ hai người Việt thì có một mang họ này, hưởng họ dòng vua Nguyễn) đang ngồi bên tôi cũng như vậy, anh đồng ý với tất cả những gì mọi người nói và mang kèm nụ cười sáng. Ảnh chụp anh bị đánh không lâu trước đây bởi muốn tới Đồng Chiêm từng được truyền đi khắp miền thế giới.

Phần lớn đất đai của giáo xứ Thái Hà đã bị nhà nước tịch thu. Cũng tại đây, các cuộc biểu tình khổng lồ đã xảy ra khi chính quyền lại viện cớ xây công viên để đòi lấy đi một cách bất hợp pháp mảnh đất. Vào năm 2008, một số giáo dân Thái Hà trong phiên tòa giả tạo bị kết án tù bởi tham gia “chống chính quyền”. Hàng ngàn người cầm nến cầu nguyện đòi thả tự do cho những người này. Các cha dòng Chúa Cứu Thế thì bị luận tội “lật đổ chính quyền”. Kể từ đó, giáo xứ Thái Hà liên tục bị giám sát. Những người Việt trong cuộc gặp gỡ mang cho chúng tôi xem các mảnh thân thánh giá bị phá nổ và lọ đựng hơi cay công an dùng để chống lại các giáo dân biểu tình. Trên lọ hơi cay, hàng chữ khắc rõ: Bộ Công An sản xuất. Anh luật sư hỏi địa chỉ e-mail của tôi. Tôi ghi địa chỉ lên giấy đồng thời cảm giác không khí xung quanh có phần căng thẳng. Có ai đó tiến tới vị luật sư nói lại tin gì đó. Vị luật sư nhanh chóng xé tờ giấy tôi đưa rồi nhét chúng vào sau ghế với tư thế bất an rồi ra hiệu cho chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nên rời nơi đây.

– Chúng ta liên hệ sau – với vẻ xao động mỗi lúc một tăng. Tôi kịp ghi lại địa chỉ của anh.”

Đoạn trích dẫn sau đây cho thấy con người và hành trạng của linh mục Khải như thế nào:, “Ông cho biết chỉ mới gần đây sau 10 năm chịu chức, ông mới trở thành linh mục hợp pháp. Và trong giấy tờ vẫn ghi ông là một nông dân!”

Giữa một linh mục Nguyễn Văn Khải chui và bất hợp pháp và một Nguyễn Văn Khải hợp pháp có điều gì khác biệt? Và cái khác biệt đó có gì quan trọng đối với chức vụ linh mục?

Cũng xin mời bạn đọc theo dõi bước đường đi tìm Sự thật của Giáo hội Việt Nam ở vùng Sơn La của phóng viên Ba Lan mà chỉ một việc dám đi lễ nhà thờ đã được coi là một hành vi can đảm. (Xin nhắc lại: đây là chuyện của năm cuối thập niên đầu đệ tam thiên niên chứ không phải chuyện của những thập niên 70, 80 như ông Lữ Giang (hay Tú Gàn) viết để bôi bác những lời chứng của lm Nguyễn Văn Khải về hiện tình GHCGVN).

Giáo hội hầm trú vẫn tồn tại ở Việt nam và sẽ còn những linh mục chui như thế bao lâu còn chế độ Cộng Sản.

Chuẩn bị sẵn

Linh mục Khải nhiều khi gây cảm giác là mấy cái bẫy cộng sản giăng ra không làm cho ông mảy may bận tâm. Tuy vậy, hai ngày sau, khi chúng tôi đi Lạng Sơn, gần biên giới Trung Quốc, cha mời ba giáo dân cha tin tưởng đồng hành. – Hễ mỗi lần đi xa, cha đều đưa các anh ấy đi theo phòng khi bị công an bắt giữ. Hoặc có khi cha di chuyển bằng taxi với anh tài người công giáo. Nhiều khi công an giữ xe dọc đường, kéo anh tài xế sang một bên rồi hỏi hết chuyện nọ tới chuyện kia, để sau đó anh tài xế lại kể hết cho tôi nghe – vị linh mục nở nụ cười rốt ráo. – Trong phòng mình ở giáo xứ, cha luôn có vài món đồ đã xếp sẵn, trong trường hợp nhỡ chúng muốn tới đưa cha đi. tôi sẵn sàng ngồi tù và chẳng sợ bị đi tù – linh mục nói giọng chắc nịch. Ông làm linh mục 10 năm nay nhưng trong một thời gian dài chính quyền không công nhận điều đó.

- Chỉ mới gần đây tôi mới làm linh mục một cách hợp pháp nhưng trong chứng minh thư của tôi người ta vẫn ghi tôi là nhà nông chứ không phải linh mục – vị linh mục cười lớn. Cha bề trên đề cử ông đi Rôma để theo học thần học thế nhưng chính quyền giữ hộ chiếu của ông, không cho ông đi. Cho tới tận hôm nay, hộ chiếu của ông chưa được hoàn lại.

- Chắc chắn nếu giờ tôi mà muốn đi nước ngoài, thế nào chúng cũng cho đi nhưng khi trở về, chúng sẽ không cho tôi nhập cảnh, chúng muốn tống khứ những người như tôi – vị linh mục nói. Ông hồi tưởng hai vị linh mục cũng dòng Chúa Cứu Thế bị mất tích trong trại tập trung những năm 50 tới nay không tìm được xác. Một trong hai người đó, truyền giáo Marcel Văn có thể sẽ được phong thánh tới đây. Trong trại, ông đã bị công an đánh cho tới chết vì muốn hỗ trợ tâm linh cho tù nhân cùng trại.

- Phần lớn các trại tập trung đã được tụi cộng sản gỡ hủy để xóa bỏ tội ác trước kia. Thế nhưng cả đất nước chúng tôi là một trại tập trung khổng lồ – cha nói và trên mặt không còn lưu lại nụ cười.

Giữa búa và liềm

Lạng Sơn nằm giữa hai luồng ảnh hưởng rõ rệt, giữa cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc. Lạng Sơn bị hủy hoại thời Trung Quốc xâm lược năm 1979. Đây cũng chính là nơi Hồ Chí Minh từng sống và sáng tác, thế nên chính quyền nơi đây mới mặc niệm ông Hồ bằng nhiệt huyết khó thấy trong quyết tâm nhấn chìm tôn giáo. Nhà thờ tại giáo xứ Bin bị tàn phá năm 1979 đã được xây lại nhưng giáo dân ở đây thì hiếm như thuốc bổ. – Người dân hãi sợ, chính quyền gây sức ép để dân không tới nhà thờ – một trong những người sống trong những căn nhà nặn từ bùn gần nhà thờ nói vậy. Anh là một trong số ít các thanh niên dũng cảm xuất hiện trong nhà thờ. Chủ chăn giáo xứ từng là quân nhân. Ông rời quân ngũ bởi thấy quân ngũ, như ông nói, không giúp giành công bằng mà chỉ phụng sự đám cầm quyền. – Còn tôi lại muốn sao phụng sự Chúa và người dân – linh mục nói. Không phải ông không từng gặp cản trở, ông từng phải chờ 2 năm để được nhập học nhà dòng.

Ở những vùng Lạng Sơn ta nhìn thấy rất rõ thành quả kinh tế Việt Nam được thế giới trầm trồ thán phục chẳng có liên quan gì tới mức sống của hầu hết người dân. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi Minh, 1,100 m trên mực nước biển cận kề với biên giới Trung Quốc. Ba công nhân xây dựng đang quay vần trong đống vữa và gạch. Họ kiếm được 5 đô-la cho một ca 10 tiếng đồng hồ lao động. Tức là 1 PLN (tiền Ba Lan – BV) cho một giờ. Và họ không biết rõ mình đang xây cái gì. Có người đặt họ làm là làm thôi, 5 đô-la đâu phải dễ nhặt được giữa đường.

- Tụi chúng nó vẫn tới và gặng hỏi nhiều chuyện – một trong các thầy (sinh viên thần học – BV) nói. Vị giám mục của chúng tôi phải trình diện và bị công an tra hỏi. Hôm nay có vẻ êm thấm hơn nhưng bọn họ đang giám sát mọi chuyện. Thế nhưng trong lòng chúng tôi không thể có chỗ cho hận thù. Họ phải hiểu được rằng đấng ban niềm tin cho chúng tôi là tình thương, và tình thương đó sẽ có ngày chiến thắng.
Linh mục Peter thì hoài nghi nhiều hơn:

- Tôi không tin Việt Nam có thể có cách mạng nhung. Các nước Á Châu mang truyền thống chuyên chế quá lâu. Tuy vậy, các đội ngũ trí thức không thuộc hàng công giáo có nhận thấy những dấu hiệu tích cực xuất hiện trong cộng đồng công giáo. Nhóm trí thức đó nói giáo dân là tương lai của đất nước – cha nói thêm.

Luật sư Quân cũng là người lạc quan:

- Giáo dân giờ chiếm 10% dân số, họ khá thống nhất và rất tích cực. Cũng bởi vậy mà nhà cầm quyền e sợ dân công giáo. Cộng đồng Phật tử, chiếm phần lớn dân số, bị chia rẽ hơn và cũng tuân thủ chính quyền nhiều hơn. Tiếc thay, phần lớn xã hội bị lay chuyển tùy vào phát ngôn của chính quyền. Nhưng tôi tin rằng 10, 15 năm nữa sẽ có những đổi thay. Kể cả những người cộng sản cũng phải thay đổi, họ đã chấp nhận thị trường tự do, nhiều khía cạnh đã thay đổi khác xưa. Cần phải thâu phục cả những người cộng sản nữa để có thể mở đường cho thay đổi – Quân nói với giọng đầy thôi thúc.

Chúng tôi tới Sơn La bằng cái matiz nhỏ chật, 5 người ngồi trong. Chúng tôi đổi thẻ điện thoại.

- Bao giờ tôi cũng làm vậy để tụi chúng không biết tôi ở đâu – một trong những người chúng tôi được làm quen nói vậy. Sơn La là nơi mà mọi hoạt động tôn giáo đều bị cấm tiệt.

- Không có nhà thờ, không chùa chiền chi hết – anh Quân nói. Chính quyền khẳng định rằng vùng này không có ai là người công giáo thế nên đâu cần nhà thờ hay linh mục ở đây. Ấy vậy mà mỗi năm số dân công giáo mỗi tăng. Chỉ riêng trên quốc lộ số 6, một mình linh mục Khải đã lập nên 5 cộng đồng công giáo và tới giảng đạo ở những miền quê. Tại một trong những làng nhỏ, chúng tôi vào điện thờ dựng dưới hầm một xưởng ô-tô. Khi có thánh lễ, bao giờ cũng có ai đó đứng ngoài trông coi xem có công an tới hay không. Cứ hai tuần linh mục lại tới một lần. Nhiều khi cha làm lễ trong bộ áo quần “thường dân” phòng khi có kiểm tra đột xuất. Cùng lắm sẽ biện hộ rằng đó là tụ họp để cầu nguyện chứ không phải để làm thánh lễ.

- Đằng nào thì bọn họ cũng không thể nhận ra ai là linh mục nếu tôi không vận áo choàng đen. Bọn họ cho rằng lễ cầu nguyện không nguy hiểm bằng lễ mi-sa – cha mỉm cười nói thêm. Có 3 người phụ nữ H’ mong đi cùng với vị linh mục của chúng tôi. Các bà các cô đây đã nhập đạo mấy năm trước. Trước đó, họ chỉ thờ tổ tiên như bao người. Họ trở thành người công giáo nhờ công lao của các nhà nữ truyền giáo lưu lạc. Ba người phụ nữ kể rằng sau khi họ nhập đạo, cán bộ huyện tới gặp họ và còn cho tiền để thuyết phục họ bỏ đạo.

Trong một làng khác cách đó 100 km, ở sườn núi phía trên, chỉ có hai hộ gia đình nghèo là không lay chuyển khi bị đe dọa và vẫn duy trì đức tin. Hai năm trước, cán bộ xông vào nhà rồi vứt bỏ Thánh giá, tranh tượng. Người cha trong gia đình thấy thế liền nói: các anh có thể vứt hết nhưng rồi thế nào tôi cũng lấy lại được. Mà kể cả khi không tìm lại được chúng, các anh vẫn không thể vứt bỏ đức tin trong lòng tôi.

Linh mục Khải nói:
- Nhờ những người như thế mà các hộ gia đình đã lỡ chùn lòng bởi đe dọa rồi kí giấy bỏ đạo giờ lại muốn quay lại với giáo hội.”

Những giòng trên đây khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi: liệu có ai ngờ được rằng vào đầu thế kỷ thứ 21, tại Việt Nam của chúng ta vẫn hiện hữu những mảng tối của một “Giáo Hội hầm trú” dành cho người tín hữu Công giáo?

© DCVOnline

-----------------------

XEM THÊM :

Trần Phong Vũ
Posted on by ttngbt

.
.
.

No comments:

Post a Comment