Monday, September 5, 2011

GEORGE ORWELL - TRẠI SỨC VẬT



The 4th Avenue Cafe

Tôi không có duyên với những cuốn sách bị cấm phát hành (dù là vì lý do gì). Truyện kể năm 2000 hay Thời của thánh thần tôi đều không mua được bản in và chỉ có thể đọc trên internet. Nhưng có một trường hợp ngoại lệ, một cuốn sách tuyệt vời đến mức khi nhận được bản in với chữ ký tặng của những người góp công xuất bản nó ở ngay giữa Sài Gòn, tôi đã quên sạch sự vô duyên của mình trước đây. Đó là cuốn Trại súc vật của George Orwell.
Phần lớn trong chúng ta chẳng biết gì về Orwell. Có thể đây là lần đầu tiên bạn nhìn thấy cái tên này. Đó là điều bình thường.

Việt Nam là đất nước nơi người ta thường lầm tưởng câu nói nổi tiếng “Mọi quyền lực đều có xu hướng tha hóa và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” (All power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely) là của Nelson Mandela. Trong số những người người hiếm hoi biết tác giả của cách ngôn vĩ đại ấy là John Dalberg-Acton hầu như không có ai để ý rằng ông còn nói một câu khác: “Chủ nghĩa xã hội dẫn tới chế độ nô lệ” (Socialism leads to slavery – một số nguồn dẫn là “means” thay vì “leads”).

Và tác phẩm của George Orwell, tác phẩm chưa bao giờ có hy vọng được xuất bản chính thống tại Việt Nam, sẽ cho bạn biết tại sao và làm thế nào mà chủ nghĩa xã hội lại đồng nghĩa với chế độ nô lệ.

Nếu bạn đã kịp google trong lúc phân vân có nên đọc tiếp bài đánh giá này hay không, hẳn bạn đã biết Orwell là người thế nào. Nghe có vẻ khó tin, nhưng nhà văn này thực sự là một người theo chủ nghĩa xã hội, chỉ có điều, như chính ông bộc bạch trong lời đề tựa ở bản dịch tiếng Ukraine, “trở thành người theo trường phái xã hội vì căm thù cách người ta đàn áp và khinh thường tầng lớp công nhân công nghiệp nghèo khổ chứ không phải vì thán phục xã hội theo kế hoạch hoá về mặt lý luận.”

Đó là cơ sở để Orwell, một nhà văn (đồng thời là nhà báo và một số loại nhà khác), thẳng tay châm biếm Liên Bang Xô Viết đương thời vốn rất huyền bí (một cách tốt đẹp) trong mắt nhiều người phương Tây và những mặt trái của nó bằng một tiểu thuyết đã được dịch ra gần 70 ngôn ngữ và không bao giờ vắng mặt trong các bảng xếp hạng văn chương thế kỷ XX.

Điều khiến cho bất kỳ độc giả nào cũng phải nghiêng mình thán phục là tác giả đã dự đoán quá đúng những bất ổn bên trong xã hội tự như Liên Xô: giai cấp thống trị mới hình thành, người dân bị bóc lột, trí thức hèn nhát không dám lên tiếng,…

Cần phải nhớ rằng cuốn sách được xuất bản từ năm 1945, khi mà Liên Xô vừa vươn tới đỉnh cao bằng chiến thắng trước Đức Quốc Xã và chế độ quân phiệt Nhật Bản. Orwell mất năm 1950, tức là ông cũng không bao giờ có cơ hội được thấy Liên Xô bộc lộ những điểm yếu của nó rồi dần dần suy thoái.

Nhưng diễn biến của câu chuyện, từ việc hai con lợn Snowball và Napoleon chuyên quyền cho tới các vụ xử tử, từ sự hèn nhát của con lừa Benjamin cho tới sự ngu ngốc đáng thương của ngựa Boxer, từ bài “quốc ca” bị cấm cho đến những thỏa hiệp giữa lũ lợn với loài người,… Tất cả khắc họa chính xác những mặt trái của một xã hội đã đi chệch khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu của nó – như thể đây là một cuốn Đường về nô lệ dạng văn chương.

Không có gì lạ khi cuốn sách bị cấm xuất bản ở Việt Nam. Theo ngôn ngữ “lề phải” thì nó “quá nhạy cảm”. Nhưng dù bạn ở lề nào thì tôi cũng thành thật khuyên bạn, như một vị tiền bối tôi cực kỳ kính trọng đã khuyên tôi, Trại súc vật là một cuốn sách tuyệt đối không thể bỏ qua.

Cuốn sách sẽ không kêu gọi bạn đứng lên làm một cuộc cách mạng mới, tàn khốc và đẫm máu như những gì Snowball và Napoleon đã làm. Tất nhiên, nó cũng chẳng khuyên can bạn điều gì. Chỉ có lương tâm của bạn tự lên tiếng, rằng đừng ngây thơ như Boxer, đừng hèn nhát như Benjamin, đừng vô cảm như những con vật trong trại và tất nhiên, đừng như lũ lợn.

Orwell làm báo trong nhiều năm, và ông thấm nhuần nguyên tắc của nghề báo: nói ra sự thật và để cho cộng đồng tự đánh giá và quyết định.

Hãy đọc sách, sau đó phản ứng thế nào là quyền của bạn.


Thứ Ba, 06/09/2011

-------------------------------




George Orwell  -  Trại súc vật   -  Việt Nam Thư Quán



.
.
.

No comments:

Post a Comment