Friday, September 23, 2011

DẠY ĐẠO ĐỨC hay ... PHẢN ĐẠO ĐỨC ? (Báo Lao Động)


Thứ Sáu, 23.9.2011 | 15:35 (GMT + 7)

Dư luận đang xôn xao trước một tài liệu môn đạo đức đang được giảng dạy tại một trường THPT của Hải Phòng. Vấn đề đặt ra ở đây là các em sẽ học được gì từ những câu văn ngây ngô và những giải thích có phần sai lệch như vậy?

Dạy học sinh hành động mất văn hóa

Chị L., một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) bức xúc cho biết: “Con gái đang cắm cúi chép bài đạo đức bỗng nhiên gọi mẹ để hỏi và đưa cuốn sách được trường bán và giảng dạy tại trường. Tôi cầm quyển sách và đọc. Đọc hết cuốn sách, tôi thật sự sốc vì nội dung của nó. Cuốn sách gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và các cháu phải chép bài thu hoạch để thầy cô chấm điểm. Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tất cả đều quy về tục ngữ! Nhiều bài, tác giả còn trích dẫn những câu "Tục ngữ” để vận dụng chúng vào những tình huống đạo đức một cách lệch lạc”.

Có thể nhận thấy điều này rõ rệt qua từng trang của cuốn sách.

Bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả viết: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng"!
Bài "Trang phục khi ra đường" viết: "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!"

Bài “Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng”, tác giả còn khuyến khích các em có những hành động mất văn hóa như: “Khi đi xe trên đường muốn khạc nhổ thì phải lưu ý có người đang đi sau mình, đề phòng có gió thổi đờm hoặc nước rãi bay vào mặt người ta”.... (?)

Tác giả cuốn sách là cô Hiệu trưởng

Phụ huynh học sinh trên cho biết: “Tôi cứ băn khoăn mãi về nội dung dạy học cho học sinh THPT và trình độ của người viết cuốn "sách" này. Tôi điện hỏi cô chủ nhiệm thì cô bảo: "Nội dung này được giảng dạy ở trường đã 8 năm rồi, không có gì phải bàn luận. Đây là đề tài thạc sỹ và là tâm huyết cả đời dạy học của cô hiệu trưởng". Tôi nghĩ, nội dung giảng dạy tại trường THPT thì phải là SGK, tài liệu chính thức của Bộ GDĐT được qua kiểm duyệt nghiêm ngặt, sách ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, nội dung phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi chứ đề tài thạc sỹ làm sao được giảng dạy! Nếu đây là đề tài thạc sỹ thì phải kiểm tra lại, bởi nội dung lệch lạc của nó. Vả lại, nếu muốn quảng bá đề tài, nhà trường sao lại in để bán cho học sinh với giá 20.000đ/cuốn như vậy?”

Lãnh đạo Trường THPT Đồng Hòa cho biết, người biên soạn cuốn sách này là bà Đỗ Thị Lai, Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lý giải, cuốn sách không dùng để giảng bài mà chỉ để học sinh tham khảo trong tiết sinh hoạt ngày thứ bảy nhằm bổ trợ kĩ năng sống của học sinh và không bắt buộc học sinh phải mua. Thế nhưng nhà trường cũng không giải thích được vì sao các học sinh bắt buộc phải có bài thu hoạch hàng tuần sau mỗi buổi học đạo đức bằng sách này để nộp cho giáo viên. Một học sinh khối 11 của trường cho biết, tuần nào em cũng phải làm bài thu hoạch và bài thu hoạch này được chấm điểm chứ không chỉ là một dạng bài tham khảo.

Nguyên Minh

.
.
.

No comments:

Post a Comment