Friday, August 26, 2011

VỤ KIỆN DA CAM: THIẾU CHỨNG CỨ KHOA HỌC THUYẾT PHỤC (Tạ Phong Tần)




Tạ Phong Tần
26/08/2011

Hôm nay (09/8/2011), toàn bộ báo đài “lề phải” đồng loạt đưa tin Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai đã khai mạc tại Hà Nội vào sáng 8/8/2011, do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức “đúng dịp 50 năm (10.8.1961-10.8.2011) thảm họa da cam ở Việt Nam”. Báo, đài cũng cho hay phía Việt Nam sẽ tiếp tục đưa vụ kiện đến một Tòa án khác ở Mỹ.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với danh nghĩa là do nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tổ chức hoạt động, nhưng lâu nay được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phú Việt Nam về mọi mặt. Nói cách khác, Hội này hoạt động dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của đảng CSVN và nhà nước Việt Nam.

Vụ kiện “hậu quả chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam” do nguyên đơn Việt Nam khởi kiện 37 công ty hóa chất Mỹ (đã sản xuất chất da cam) vào ngày 31/1/2004 đến Tòa án liên bang tại quận Brooklyn. Tuy nhiên, Tòa án liên bang bác đơn của nguyên đơn vì “bên nguyên chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin” là nguyên nhân cơ bản nhất trong số 3 căn cứ được liệt kê. Phía Việt Nam tiếp tục kháng cáo lên Tòa phúc thẩm, ngày 2/3/2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.

Suốt gần chục năm nay, báo chí trong nước liên tục đăng rất nhiều bài kể lể về nỗi thống khổ của những gia đình Việt Nam có người thân sinh ra bị dị tật, và cuối cùng báo chí tự kết luận nguyên nhân dị tật là do nhiễm chất da cam trong chiến tranh Việt Nam. Cũng theo báo “lề phải”, khu vực bị rải chất da cam là từ Đà Nẵng trở vào miền Nam, nhiều nhất là Đồng Nai (Biên Hòa).

Tất nhiên, nếu nguyên đơn khởi kiện ở Mỹ thì mọi nguyên tắc, thủ tục đều phải tuân theo pháp luật Mỹ, một đất nước vốn có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chi tiết và đội ngũ luật sư cũng hết sức chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Khi tôi học lớp đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp (2007), các giảng viên thường nói vui rằng: Luật sư Việt Nam giỏi nhất thế giới, giỏi hơn cả luật sư Mỹ, bởi lẽ luật sư ở Mỹ mỗi người thường chỉ chuyên về một lĩnh vực. Ai chuyên thuế chỉ nhận các vụ việc về thuế, ai chuyên bảo hiểm chỉ nhận vụ việc về bảo hiểm, ai chuyên hình sự thì chỉ nhận vụ việc hình sự, v.v… Không phải như ở Việt Nam,vụ thượng vàng hạ cám bất cứ lĩnh vực nào, từ hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thuế khóa, kinh doanh… chỉ cần một luật sư cũng nhận làm hết tuốt tuồn tuột.

Dù dở tệ cỡ nào, người hành nghề luật ở Việt Nam cũng biết rằng muốn đòi bồi thường tổn thất thì phải chứng minh được 3 điều: Thứ nhất, phải có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra; thứ 2, phải có hậu quả xảy ra (thiệt hại vật chất hoặc tinh thần); thứ 3, phải chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, tức là kết quả A’ phải do chính hành vi A mà ra, và ngược lại, nếu thực hiện hành vi A có thể thấy trước sẽ phát sinh hậu quả A’. Nói theo ngôn ngữ dân gian nôm na là “Nhân nào quả nấy”.

Ví dụ cụ thể hơn, ai cũng biết thuốc trừ sâu có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Trong làng có nhà ông B, ông C, ông D đều dùng thuốc trừ sâu khi làm nông. Bà E bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Bà E muốn đòi bồi thường trước nhất phải chứng minh được nguyên nhân bà E ngộ độc, từ nguồn nào (do phơi nhiễm từ các hộ B, C, D hay là bà E bị nhiễm từ các nguồn khác, độc chất khác, bà E tự làm cho mình ngộ độc…) chớ không thể “quơ đũa cả nắm” hễ ai trong làng nhiễm độc cũng đều “đè đầu” 3 hộ B, C, D bắt phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ kiện da cam, phía nguyên đơn Việt Nam đã không chứng minh được điều này.

Từ trước đến nay, theo các báo “lề phải”, thông tin mà phía Việt Nam có được và trình ra trước Tòa chỉ chung chung theo kiểu “Tao mới mất búa mà hôm qua thấy mày chẻ củi thì mày chính là thằng ăn cắp búa”.
Ví dụ: Trường hợp ông Nguyễn Minh Thao, trước là bộ đội đóng quân ở Quảng Trị (1965-1971). Ông Thao là đối tượng được nhà nước cho hưởng trợ cấp chất độc da cam (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây). Ông có 3 người con, 5 cháu nội ngoại. Bài báo không nói ông Thao bị biến chứng gì do nhiễm độc, các con ông Thao cũng bình thường. Nhưng cháu ông Thao là Đỗ Thúy Lan, 3 tuổi bị dị tật một bên tai, cháu Nguyễn Minh Tuấn vừa sinh ra đã bị u thanh quản, vậy là kết luận cháu ông Thao bị dị tật vì chất da cam từ ông Thao (Việt Báo ngày 18/7/2005).

Không hề có công trình nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được ông Thao bị nhiễm chất da cam như thế nào, mức độ nhiễm, mức độ ảnh hưởng sức khỏe, vì sao con ông Thao không hề bị gì, tại sao cháu ông Thao bị dị tật, nguyên nhân từ bên nội hay là do di truyền từ bên ngoại, tình trạng sức khỏe bên ngoại cháu ông Thao thế nào, hay do chính người mẹ trong thời gian mang thai bị bệnh, dùng thuốc làm thai nhi bị ảnh hưởng, v.v…?

Chưa hề thấy công bố kết quả khảo sát, thống kê rõ ràng về một địa bàn nào đó. Ví dụ: Tỉnh Đồng Nai tại thời điểm bị rải chất da cam có bao nhiêu người sinh sống? Phía bên “đỏ” là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Phía bên “xanh” là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Dân thường là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Mỗi loại chiếm bao nhiêu phần trăm dân số tỉnh?… Điều bất hợp lý là các nạn nhân mà phía Việt Nam lôi đi khắp thế giới để kiện cáo và lên án Mỹ toàn thấy con em bộ đội và một ít dân thường, không hề thấy ai thuộc thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” cả. Chất da cam cũng có con mắt biết phân biệt “địch”, “ta” chăng?

Từ năm 1995 đến nay, tôi không ăn trái sơ-ri, sau khi nghe chính bà chủ vườn sơ-ri nói cho biết muốn sơ-ri sớm có trái thì phun thuốc diệt cỏ cho nó rụng lá, phun thuốc thúc ra hoa, khi có trái rồi trước khi hái bán lại phun thuốc diệt cỏ lần nữa cho trái đẹp. Thuốc diệt cỏ dùng trong nông nghiệp chẳng phải là chất khai quang hay sao? Người dân nào lỡ ăn loại sơ-ri này, hay chính bà chủ vườn, mai mốt bị phơi nhiễm chất khai quang rồi sinh con dị tật cũng đem đi kiện được chăng?

Hễ có đi bộ đội, cứ đã từng sống trong vùng bị rải chất da cam, mà sinh con có dị tật đều “đè đầu” đổ cho chất da cam hết. Lập luận kiểu đó, ngay cả kiện ra tòa án Việt Nam, căn cứ pháp luật Việt Nam mà xử công bằng thì không thể xử cho nguyên đơn thắng kiện được, nói gì đến pháp luật Mỹ.

Tôi cũng rất lấy làm lạ khi Việt Nam tự hào có hơn 2 ngàn vị tiến sĩ, mà không có lấy một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về việc phơi nhiễm chất da cam được công bố một cách đàng hoàng. Trong khi, ai cũng biết rõ, với loại công trình nghiên cứu này, kinh phí thực hiện dễ dàng được “nhà nước ta” bảo kê 100%.

Điều này đặt ra những nghi vấn:
1- Lực lượng khoa học trong nước không đủ năng lực, trình độ làm công trình nghiên cứu khoa học?
2- Không thể chứng minh được các bệnh nhân (đã mang đi kiện) bị dị tật là do chất da cam?
3- Vụ kiện chất da cam chỉ là cái cớ cho những mưu đồ chính trị do đảng CSVN và nhà nước VN đứng giật dây phía sau lưng?

Tạ Phong Tần

-----------------------------------






.
.
.

No comments:

Post a Comment