Wednesday, August 17, 2011

TẠI SAO TÔI CHỌN CON ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG (Trịnh Hội)



Trịnh Hội
Thứ Sáu, 05 tháng 8 2011

Dưới đây là diễn văn phát biểu khai mạc hội nghị của Trịnh Hội trong đêm hôm qua tại Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Kỳ 6 hiện đang được tổ chức tại Manila, thủ đô Philippines.

***

Xin chào tất cả các bạn. Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức của Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới lần thứ sáu này. Tôi thành thật cảm ơn và cảm phục là các bạn đã có đủ can đảm để tin tưởng cho tôi có cơ hội phát biểu diễn văn khai mạc ngày hôm nay. Vì không những đây là một dịp may hiếm có để tôi có thể chia xẻ với các bạn về đề tài: ‘Tại sao tôi chọn con đường hoạt động tranh đấu’ mà hơn thế nữa, vì một cô bạn của tôi vẫn luôn cho là cái đầu của tôi cần phải được điều chỉnh lại đôi chút.
Nguyên văn của cô ta là: ‘Anh Hội. You have a few loose screws in your head’. Tôi xin tạm dịch là ‘trong đầu anh hình như vẫn còn có một số con ốc vẫn chưa được vặn chặt cho lắm!’.

Vậy mà tôi lại được mời đứng trước đây để thuyết trình cho các bạn nghe. Điều này chứng minh một trong hai điều:
Một là – nói nôm na theo kiểu người Việt tỵ nạn trước đây ở Phi – đúng là tôi có hơi bị … đứt dây thiệt!
Hoặc hai là cái đầu của chính ban tổ chức hơi có vấn đề!

Nhưng đứt hay không đứt, có vấn đề hay không thì tôi cũng xin được bắt đầu câu chuyện của tôi cùng với lời nói bất hủ của nhà tranh đấu lừng danh người Ấn Độ, Thánh Gandhi.
Câu nói đó là: You have to be the change you want to see in the world. Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội.
Có thể nói đây là một trong những câu châm ngôn mà tôi thích nhất. Tôi thích nó không chỉ vì nó kêu gọi mọi người phải biết tự thay đổi mình để làm cho xã hội tốt hơn. Mà hơn thế nữa, nó gián tiếp xác nhận một điều là trên cõi đời này không có gì là vĩnh cữu.
Cũng không có cái gọi là ‘bất chiến tự nhiên thành’.

Nếu muốn thay đổi bất cứ điều gì, trong cuộc sống riêng tư hay ở bên ngoài xã hội, chúng ta ai cũng phải tranh đấu.
Và để thực hiện được bất cứ điều gì nó cũng sẽ đòi hỏi ở chính chúng ta một cái giá nhất định mà chúng ta phải trả.

Như câu nói mà chúng ta thường nghe: Freedom is never free. Ai cũng phải trả giá cho sự tự do mà họ đang có.
Đối với ba mẹ của tôi và của rất nhiều các anh em đang ngồi tại đây, tôi đoán cái giá mà họ phải trả không hề nhỏ. Họ đã phải xa gia đình, xa quê hương, sống một cuộc sống phần lớn là cơ hàn trong những năm tháng đầu tiên trên xứ người chỉ để cho chúng ta có được sự tự do, sự hiểu biết mà chúng ta hiện đang may mắn nắm giữ.

Đối với những người Việt tỵ nạn ở Phi Luật Tân trước đây, cái giá mà họ phải trả là trên dưới 15 năm chờ đợi trong những hoàn cảnh có thể nói là tuyệt vọng. Họ đã không có được bất cứ một quyền lợi căn bản nào trong cuộc sống kể cả quyền được đi làm hay đi học (dĩ nhiên trên thực tế đã làm người Việt Nam rồi thì ai lại không cố tìm việc làm hay đi học nhưng tất cả đều đã phải làm… chui!).

Riêng đối với những người Việt tỵ nạn hiện nay vẫn còn bị kẹt ở Campuchea hoặc Thái Lan, con số đó đã lên đến trên 20 năm mà vẫn chưa tìm thấy được một bến bờ tự do thật sự.

Các bạn hãy cố nghĩ lại xem quãng thời gian đó nó có dài lắm không? Ai ở đây vẫn chưa đủ tuổi đi học vào những năm 1989, 1990? Nếu phải hỏi, các bạn có nghĩ là để đạt được sự tự do đó cái giá mà họ phải trả nó có quá đắt lắm không?
Vì vậy không có lý do gì mà tôi không thể tiếp tục công việc mà tôi đã theo đuổi từ những năm tôi còn đang đi học luật ở Melbourne.
Và vì vậy cũng không có lý do gì mà các bạn không thể chọn một con đường cho riêng mình.
Vì nếu so ra, cái giá mà tôi hay các bạn phải trả để đạt được điều mình mong muốn sẽ rất, rất nhỏ so với những người Việt tỵ nạn kém may mắn hơn mình.

Tôi vẫn còn nhớ năm tôi quyết định xin nghỉ làm luật sư ở Sydney để sang Hồng Kông làm việc thiện nguyện trong văn phòng luật sư của bà Pam Baker. Lúc ấy thật sự mà nói tôi chỉ phải bỏ một công việc mà tôi đã hoàn toàn chán ngấy. Và một cuộc sống cũng khá là nhàn tẻ của một thằng con trai độc thân đang ở Sydney, cuối tuần chỉ biết đi chơi tennis, tắm biển ở Bondi Beach hoặc tối về đi nhảy trên con đường ăn chơi Oxford St.
Ngoài ra tôi chẳng phải mất mát một tí gì cả.
Đổi lại, tôi đã có cả một khoảng thời gian tuyệt vời, được học hỏi vô vàn chuyện mới lạ, và có được cơ hội để sống và sinh hoạt với những người có cùng chung chí hướng với mình. Nhất là tôi lại được tự do vùng vẫy muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm mà không bị gia đình người thân nói vô nói ra đại loại như: Đó mày thấy không. Con của ông đó, bà đó mới ra trường mà nó đã có nhà, có xe chạy rồi. Còn mày thì suốt ngày chỉ biết đi lo chuyện thiên hạ!
Đã làm bậc cha mẹ thì có lẽ ai cũng phải nói lên những điều này. Ai cũng muốn con mình bằng con người ta hoặc hơn con người ta. Nhưng vấn đề quan trọng là mình sẽ quyết định như thế nào cho cuộc sống của riêng mình. Vì cha mẹ của mình sẽ không thể nào sống dùm cho mình.

Và còn một điều này nữa, nó cũng là một trải nghiệm rất thật lòng mà tôi muốn chia xẻ với các bạn.
Đó là sẽ không có điều gì hạnh phúc hơn, mãn nguyện bằng khi mình được sống và làm việc đúng theo sở thích, đúng với đam mê của riêng mình.
Tôi vẫn còn nhớ lời bà Pam, người luật sư đã đỡ đầu tôi qua suốt nhiều năm mãi cho đến khi bà mất vào năm 2002, khi tôi hỏi làm thế nào để mình biết được điều mình làm là đúng.
Pam bảo: the day you stop having fun, that’s the day you should stop doing it.
Tôi xin tạm dịch là: Ngày nào mà bạn không còn hứng thú để tranh đấu hoạt động, thì đó cũng là ngày mà bạn nên xin nghỉ việc.
Có nghĩa là nếu mình vui thì cứ tiếp tục mà làm. Đúng hay không chỉ có mình là người biết rõ nhất.
Vì vậy tôi nghĩ điều quan trọng nhất và lớn nhất mà bạn cần phải hỏi ở nơi bạn đó là: tại sao tôi chọn con đường này?
Nếu câu trả lời đó là vì tôi cảm thấy rất hạnh phúc, rất mãn nguyện – bất kể kết quả ra sao, thời gian lâu dài thế nào – thì bạn đã và đang đi đúng trên con đường mà bạn đã chọn.
Ngoài ra bạn không cần phải bận tâm về bất cứ một điều gì khác. Bạn cũng không cần phải tự chất vấn là mình sẽ thành công hay không. Hay nếu công việc đó đòi hỏi bạn phải làm việc không lương thì làm sao bạn sống.
Xin các bạn đừng lo. Nếu đó là một công việc mà bạn luôn say đắm, luôn hết lòng để làm thì chắc chắn một điều là bạn sẽ có thể tự lo cho bản thân mình được. Công việc đó chắc chắn nó sẽ nuôi nổi bạn.
You will definitely, somehow, survive. Bạn sẽ không chết đâu, đừng sợ!

Cũng có thể là cuộc sống sẽ hơi cực khổ hơn, gian nan một chút. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đến đất nước Phi vào năm 1997. Tôi đã phải ở chung với hàng chục người tỵ nạn khác trong một ngôi nhà chỉ có 2 phòng ngủ nhỏ và nước thì mỗi ngày chỉ có 2 tiếng để xài. Mà chỉ có nước lạnh thôi nhé. Mỗi khi đi tắm tôi đều phải xối ba bốn gáo nước nhanh cùng một lúc lên người để cho nó… bớt lạnh.
Còn điện thoại thì khỏi phải nói. Không điện thoại cầm tay. Không điện thoại bàn. Muốn liên lạc với các tòa đại sứ thì tôi phải chạy sang nhà hàng xóm mượn xài ké.
Đã vậy kết quả của công cuộc tranh đấu cho 2500 người Việt tỵ nạn được đoàn tụ gia đình, xin được cho đi định cư ở một nước thứ ba lúc ấy vẫn mịt mù chẳng biết ngày nào thành công.
Trong lúc đó lại có một số người cáo buộc bảo là mình cho đồng bào ăn bánh vẽ, đang cho họ những cơ hội hão huyền. Đã hơn một lần tôi bị lên án và được thông báo là nếu tiếp tục tranh đấu tôi sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Phi.
Vậy mà chẳng hiểu sao lúc đó tôi cứ trơ mặt ra, ai nói mặc họ. Tôi vẫn cứ tiếp tục rất vui vẻ, rất thanh thản bước đi trên con đường mà mình đã chọn.
Vì sao các bạn có biết không? Vì người duy nhất phải nhận thức thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống hạnh phúc cho bản thân mình chính là mình.
Và chỉ có mình.
Ngoài ra không một ai có thể sống dùm bạn. Hoặc biết rõ bạn bằng bạn.

Tôi không biết ở đây đã có ai đọc qua quyển sách ‘the Alchemist’ của nhà văn Paulo Coelho chưa. Nếu chưa đọc, các bạn nên tìm đọc vì đây là một quyển sách rất hay, ở đó các bạn sẽ tìm được câu nói này ngay ở trang đầu. Đó là:
To realize one’s destiny is a person’s only obligation. Nghĩa vụ duy nhất trong đời người là đi tìm vận mệnh cho chính mình.
Câu nói này thoạt đầu nghe qua thì có vẻ hơi quá ích kỷ, có phải không? Vì nó chỉ nói đến mình mà không nghĩ đến người khác.
Nhưng sự thật và thực tế nó là thế. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được những thay đổi lớn lao trong xã hội nếu đó là hoài bão của chính mình. Chứ không phải là của một ai đó. Của cha mẹ mình. Của dân tộc mình. Hay của những người trong lúc xã giao trao lời khen tặng.
Chỉ khi nào bạn thực hiện điều đó vì đơn giản nó làm cho bạn cảm thấy rất ấm lòng, rất an lạc, thỉnh thoảng nó lại làm cho con tim mình mất đi một nhịp đập, chỉ khi ấy bạn mới có đủ sự tự tin và lòng can đảm để thực hiện điều mình muốn.
Chỉ khi ấy tôi nghĩ chúng ta mới có đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm để đi đến hết con đường mà chúng ta đã chọn.
Bất kể con đường đó sẽ đưa chúng ta đến đâu.

Con đường đó có thể đưa bạn đến Châu Phi để giúp đỡ những người tỵ nạn nghèo ở Somalia hiện đang bị nạn đói giết chết hàng trăm, hàng ngàn người mỗi ngày. Hoặc đưa bạn đến Haiti để giúp những nạn nhân của trận động đất xảy ra vào đầu năm ngoái, nơi hàng triệu người vẫn còn phải sống trong những căn lều dột nát ngay trên mảnh đất mà nhiều người thân của họ đã bị chôn sống.
Hay gần hơn, là những người Việt tỵ nạn hiện vẫn còn bị kẹt ở Thái Lan, ở Campuchea. Và quan trọng hơn hết là những vấn đề xã hội ở Việt Nam mà mỗi người trong chúng ta ở đây, không ít thì nhiều, cũng có một sự liên hệ ở một mức độ nhất định nào đó.
Còn rất nhiều người nghèo ở Việt Nam cần được giúp đỡ.
Có rất nhiều thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam cần được cho ra thế giới bên ngoài để học thêm, biết được những điều hay lẽ phải để trở về giúp đất nước.

Những tiếng nói mạnh dạn, trung thực, của các blogger, luật sư, những người đang tranh đấu cho một đất nước Việt Nam thật sự có tự do, người dân thật sự có tiếng nói, được làm chủ đất nước, được làm chủ vận mệnh của chính mình.
Họ cũng là những người cần sự quan tâm và giúp đỡ của chúng ta.
Để làm gì? Để quê hương, xứ sở của chúng ta, của cha mẹ chúng ta luôn được trường tồn, không bị xâm phạm một cách thô bỉ như hiện nay từ phương bắc.
Để cuối cùng quê hương Việt Nam của chúng ta trong tương lai sẽ trở thành một đất nước phú cường, hùng mạnh, không bị một ai hiếp đáp.
Đó. Chính đó là những vấn đề cần được đặt ra để các bạn có thể tự hỏi mình: tại sao tôi nên chọn con đường hoạt động?

Dĩ nhiên các bạn cũng đã biết đây không phải là những con đường duy nhất. Cũng có thể đối với một số người có được một việc làm vững chắc, hay tìm được vợ đẹp, chồng ngoan, một người có thể làm cho tim mình đập loạn xà ngầu là điều quan trọng nhất.
Nhưng các bạn có biết không. Ở cái tuổi của các bạn hiện nay còn quá nhiều hormones này thì tim đập tứ tung và thay đổi liên tục là chuyện dĩ nhiên.
Vì vậy bạn đừng đòi hỏi ở nó quá nhiều vào lúc này. Cứ để nó đập loạn xạ ngầu vài năm nữa rồi thì mọi việc sẽ… OK!

Riêng đối với những vấn đề xã hội, với con đường vận mệnh mà bạn đã chọn hay sắp chọn cho riêng mình, tôi muốn chia xẻ với các bạn câu nói mà tôi rất thích của nhà triết lý người Đức, Johann Wolfgang von Goethe cách đây trên 200 năm trước. Ông viết:
‘Until one is committed, there is hesitancy, the chance to draw back. Concerning all acts of initiative (and creation), there is one elementary truth, the ignorance of which kills countless ideas and splendid plans: that the moment one definitely commits oneself, then Providence moves too. All sorts of things occur to help one that would never otherwise have occurred. A whole stream of events issues from the decision, raising in one's favor all manner of unforeseen incidents and meetings and material assistance, which no man could have dreamed would have come his way. Whatever you can do, or dream you can do, begin it. Boldness has genius, power, and magic in it. Begin it now!’
Cho đến khi chúng ta có sự quyết tâm, sẽ luôn có sự ngập ngừng, lưỡng lự. Đối với tất cả mọi sáng kiến, mọi hành động, chỉ có một sự thật đơn giản mà chỉ vì chúng ta không ghi nhớ rõ, nó đã giết chết biết bao là ý tưởng, biết bao là những kế hoạch tuyệt vời, và đó là:
Một khi chúng ta thật sự hết lòng, hết tâm, thì Đất Trời cũng sẽ vận chuyển.
Vạn vật sẽ thay đổi để giúp chúng ta mà lẽ ra nó sẽ không bao giờ thay đổi.
Những nguồn năng lực sáng tạo được hình thành từ chính quyết định đó, nó sẽ giúp chúng ta trong tất cả mọi vấn đề từ công việc cho đến những buổi họp mặt, hoặc sự giúp đỡ về tài chính – một điều mà trước đó không một ai có thể ngờ, hay dám mơ là nó có thể đến với mình.
Bởi vậy, điều gì mà bạn có thể thực hiện. Hay ước là mình có thể thực hiện, hãy bắt đầu ngay.
Sự táo bạo nó bao gồm cả thiên tài, quyền lực và rất nhiều điều huyền diệu.
Các bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ.
Chúc các bạn may mắn.

----------------------------
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

MLTTVNLĐ   -   Ngày 4 tháng 8 năm 2011


Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Thê Giới kỳ 6 sẽ được tổ chức vào ngày 4-7 tháng 8, tại Manilla, Phi Luật Tân với chủ đề "Vượt tường lửa! Hoạt động mạng, cùng thay đổi xã hội." Mời các bạn vào trang www.lenduong.net để biết thêm chi tiết.

.
.
.

No comments:

Post a Comment