Tuesday, August 30, 2011

SUY NGHĨ VỀ LIBYA (Lê Phan)




Lê Phan
Friday, August 26, 2011 12:50:32 PM


Cứ thử tưởng tượng nếu Liên Hiệp Quốc, mặc cho sự thúc giục của Hoa Kỳ và các đồng minh Anh và Pháp, không bỏ phiếu cho phép sử dụng vũ lực tại Libya hồi tháng 3 năm nay.

Trong tình trạng đó, dĩ nhiên Liên minh Nato bó tay không làm gì cả. Ðại Tá Muammar Gadhafi xua quân tràn vào Benghazi. Hoa Kỳ đứng nhìn, thế giới Tây phương đứng nhìn, tức giận, đau lòng nhưng bó tay. Cái mà giờ đây đã trở thành cuộc cách mạng Libya sẽ chỉ còn là những cuộc nổi dậy lẻ tẻ, nhanh chóng bị chà đạp bởi vũ lực và hỏa lực của quân đội chính quyền. Trước tấm gương thành công của bạo chúa đó, Yemen và Syria sẽ noi theo, đàn áp cuộc nổi dậy của dân tộc họ còn tàn nhẫn hơn nữa.

Kết quả là Tây phương, với những hứa hẹn của tự do và dân chủ lại một lần nữa chứng tỏ là đã hứa hẹn hão huyền. Tây phương một lần nữa đã để cho bạo tàn và đàn áp toàn thắng ở vùng Trung Ðông. Mùa Xuân Ả-rập chưa kịp bùng lên đã tắt ngúm. Và trong nhiều năm tháng nữa, thế giới lại chứng kiến một vùng Trung Ðông giàu có tài nguyên thiên nhiên nhưng dân chúng nghèo nàn, bị đàn áp, bị ức chế. Và rồi sẽ nảy sinh ra một thế hệ bất mãn, sẵn sàng chấp nhận lý luận bài Tây phương của những thành phần quá khích chính trị cũng như tôn giáo. Một thứ chủ thuyết al Qaeda mới sẽ ra đời, trả thù cho sự ức chế bằng bạo động trong một vòng luẩn quẩn của hận thù và khủng bố.

Ấy vậy mà đó là kịch bản mà nhiều những chuyên gia, học giả đã đưa ra để biện minh cho lập trường chống lại việc can thiệp vào để ngăn cản ông Gadhafi không cho ông ta đàn áp và tàn sát dân mình. Trong suốt sáu tháng vừa qua, chúng ta đã đọc, nghe và thấy nhiều nhà bình luận lên án sự can thiệp này. Họ nói đến một sự sa lầy ở Libya. Dĩ nhiên nay họ đã đổi giọng và nói đến khó khăn tương lai mà Libya sẽ phải đối phó. Nào có ai nghĩ việc lật đổ một nhà độc tài và xây dựng một chế độ hoàn toàn khác hẳn là chuyện dễ đâu. Nhất là khi thực sự ông Gadhafi vẫn chưa hoàn toàn sụp đổ.

Nhưng tôi đã chứng kiến Indonesia sau khi nhà độc tài Suharto bị lật đổ. Lúc đó, đã có biết bao tiên đoán là Indonesia, một quốc gia của 16,000 hòn đảo, của nhiều sắc tộc khác nhau, sẽ tan rã khi không có một chính quyền độc đoán ngăn chặn các thế lực ly tâm. Những người bi quan đó hẳn không chứng kiến sự vui mừng của người dân Indonesia khi ông Suharto bị lật đổ. Họ không chứng kiến cảnh lần đầu tiên trong lịch sử của nước cộng hòa Hồi Giáo này, những dân biểu dám đứng dậy chỉ trích chính quyền, và họ không thấy sự sung sướng của những nhà báo khi lần đầu tiên được nói được viết.

Những ngày tháng sau đó thật hỗn loạn. Ông Habibie nắm quyền được một thời gian thì bị Quốc Hội bất tín nhiệm. Indonesia lại lâm cảnh biến loạn. Thủ đô Jakarta lại tràn đầy các cuộc biểu tình. Sinh viên lại xuống đường, ủng hộ viên của bà Megawati cũng lại xuống đường. Nhưng trong cái tình hình rối loạn đó có một sinh khí đã bùng lên. Tôi còn nhớ mãi khi những nhà mại bản của thị trường chứng khoán Jakarta tổ chức biểu tình chống ông Habibie. Khi tôi hỏi một ông mặc suit, đeo tie trông thật là businessman, tại sao ông biểu tình, thì ông ta ngạc nhiên nhìn tôi và trả lời “Tôi cũng là người dân Indonesia. Tôi cũng muốn có tự do và dân chủ!”

Rồi thì Indonesia đã tìm được hướng đi. Ðất nước của nhiều ngàn hòn đảo và cả trăm bộ tộc không tan rã. Indonesia dân chủ khôn ngoan hơn là Indonesia độc tài. Ðông Timor muốn độc lập thì họ được cho độc lập. Tản quyền và phân chia lợi nhuận quốc gia công bình hơn giữ các phần còn lại trong quốc gia không đòi độc lập nữa. Và điều còn đáng mừng hơn nữa là bạo động tôn giáo, vốn đã thường xuyên xảy ra trong giai đoạn cuối của ông Suharto cũng ít dần đi.

Bởi vậy tôi vô cùng nghi ngờ những lý luận mà nhiều khi có tính kẻ cả và khinh thị cho rằng ở những vùng như Trung Ðông không thể có tự do dân chủ, và can thiệp vào để giúp chống lại một nhà độc tài là đi ngược lại quyền lợi của Hoa Kỳ hay của Tây phương.

Thực ra trong thế giới của vùng nơi mà những người dưới 30 tuổi chiếm đa số, nơi ước vọng lật đổ những chính quyền độc tài tham nhũng thối nát đã bùng lên từ Tunisia qua Ai Cập thì ủng hộ cho một cuộc cách mạng chống lại độc tài sẽ rất có lợi cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Thật mừng lắm thay khi một phi công Hoa Kỳ bị rớt máy bay đã được người dân Libya chào đón và giúp đỡ cho đến khi được trực thăng cứu.

Vả lại trong trường hợp này chính người Libya, chính những lãnh tụ của phe nổi dậy đã kêu gọi trợ giúp. Nếu không giúp thì Hoa Kỳ và các đồng minh Tây phương sẽ bị lên án là “đem con bỏ chợ”. Họ sẽ lập lại cái lỗi lầm của biết bao nhiêu năm trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh khi “chủ thuyết thực tế” đòi hỏi là Hoa Kỳ phải ủng hộ những chế độ độc tài để bảo đảm ổn định.

Cũng không thể so sánh Libya với Iraq. Ở Iraq, Hoa Kỳ đã đem quân vào xâm lăng một quốc gia mà không có một sự mời gọi nào cả. Không ai bênh vực cho chế độ của ông Saddam Hussein, và có lẽ chính vì thế mà đoàn quân đầu tiên của Hoa Kỳ đã được chào đón ở ngay Sadr City, nơi khu xóm nghèo vốn là căn cứ của một vị giáo sĩ thù ghét Hoa Kỳ. Nhưng thất bại ở Iraq không phải là ở việc lật đổ Saddam mà ở sự thiếu tổ chức trong giai đoạn hậu Saddam.

Và điều đó có lẽ chính là bài học duy nhất của Iraq có thể áp dụng cho Libya. Tương lai của đất nước này sẽ phải do nhân dân Libya lựa chọn. Và nghe luận điệu của các thành viên Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp thì chúng ta thấy họ đã chọn tự do thay vì độc tài. Hơn thế, trong mấy tháng nay, mặc cho chiến sự nhiều lúc đến gần kề và tương lai bất định, hội đồng đã soạn thảo xong một bản hiến pháp mà ngay chính các chuyên gia Tây phương cũng phải công nhận là đầy đủ và rất tốt.

Dĩ nhiên sẽ có những tiên đoán là Libya sẽ tiếp tục loạn, rằng Libya sẽ lâm cảnh nội chiến với các bộ tộc trả thù nhau và rồi thì Libya, không có sự hiện diện và sự ức chế của ông Gadhafi sẽ rã đám thành nhiều bộ tộc nhỏ tranh giành quyền bá chủ.

Sao những tiên đoán này không khác gì những tiên đoán mà tôi từng nghe khi Indonesia mới lật đổ nhà độc tài của họ. So với Indonesia, hẳn triển vọng tan rã của Libya còn nhỏ hơn nhiều. Nhưng Indonesia, với một chút may mắn nhờ có những lãnh tụ chịu chấp nhận trò chơi dân chủ, đã thành công. Nếu ông Abdurahman Wahid và bà Megawati Sukarnoputri là những người tham quyền cố vị, khi thất cử lợi dụng quân đội để bám chặt quyền lực thì hẳn tình hình đã khác nhiều. Chỉ cầu mong Libya cũng có được những lãnh tụ như vậy.

Trông người mà lại nghĩ đến ta. Nhìn thấy các dân tộc từ Tunisia, Ai Cập đến Libya thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài lại làm tôi cảm thấy tủi thân cho thân phận người Việt Nam. Không biết bao giờ ngọn lửa của cuộc Cách mạng Hoa Lài mới đến Việt Nam!

.
.
.

No comments:

Post a Comment