Wednesday, August 31, 2011

SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐẢNG VIỆT TÂN TẠI VIỆT NAM (Lê Nguyên Hồng)




Lê Nguyên Hồng
Thứ hai, ngày 29 tháng tám năm 2011

Vài tuần gần đây người ta liên tục nhắc đến tên Đảng Việt Tân. Trên các diễn đàn nổi tiếng và có uy tín như Website của BBC; RFA; VOA; các tin tức hoạt động của Việt Tân cũng chiếm một không gian đáng chú ý. Không những thế mà dư luận trong nước, kể cả đài phát thanh, truyền hình, báo chí của nhà nước Việt Nam cũng nhắc đến tên Đảng Việt Tân, như là một thách thức đối với họ…

Một vấn đề nóng mà dư luận quan tâm chú ý, đó là “có hay không sự tham gia của nhân tố Việt Tân trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn” trong 11 lần người dân yêu nước tập trung biểu tình tại Hà Nội vừa qua?

Câu hỏi nêu trên đã được phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga (NPN) của Bộ ngoại giao Việt Nam trực tiếp trả lời, thông qua việc bà Nga trả lời câu hỏi của phóng viên báo Financial Times ngày 7/7/2011; “các hoạt động của nhóm này (Đảng Việt Tân) có ảnh hưởng gì đến Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam hay không?”. Bà NPN đã khen ngợi báo chí trong nước phản ánh đúng tình hình hoạt động và những “ý đồ” của Việt Tân trong việc “chống lại nhà nước” (đọc văn bản trích phát biểu của NPN tại đây). Như vậy nhà nước Việt Nam với lực lượng an ninh hùng hậu đã phải công nhận hoạt động của Việt Tân trong các cuộc biểu tình.

Vậy tại sao nhà cầm quyền biết là có các hoạt động của Việt Tân nhưng không ra tay bắt giữ tại chỗ hết những thành viên Việt Tân trong các cuộc biểu tình? Họ không thể làm điều đó vì không đủ bằng chứng! Hiện diện trên đường phố đơn thuần chỉ là những công dân Việt Nam đi biểu tình chống Trung Quốc, không ai hô “ủng hộ Việt Tân” hay “Việt Tân muôn năm” cả. Nhưng với bộ máy công an mật vụ dày đặc, người biểu tình đã bị công an theo sát điều tra, kết quả là đến nay đã có một số người đang bị bắt giữ (riêng Giáo phận Vinh đã có 8 người), với cáo buộc “tham gia Đảng Việt Tân”.

Về mặt khách quan, giới quan sát rất dễ nhận thấy chủ trương hướng tới của người biểu tình tại Hà Nội có những điều chỉnh rất nhịp nhàng. Từ các khẩu hiệu “nhấn” vào chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” trong cuộc biểu tình lúc đầu – Ngày 5/6/2011; những chủ nhật biểu tình sau, các khẩu hiệu và cả biểu ngữ đã được bổ xung “đề tài” như “đả đảo Việt Gian bán nước”, hay “dậy mà đi”. Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 14/8/2011 đã có biểu ngữ nhắc lại “tinh thần cách mạng ngày 19/8/1945”…

Như vậy chỉ nhìn vào những biểu ngữ mà đồng bào biểu tình cầm trên tay và những tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hát đồng thanh những bài hát của đoàn biểu tình, người ta đã đoán được rằng, bên trong mối căm thù quân xâm lược còn có một mối căm thù khác, đó là căm thù những kẻ bán nước, căm thù những kẻ làm hại nhân dân. Thậm chí bài Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (chế lời) cũng được nhạc sĩ đường phố Tạ Trí Hải cùng một số người khác hát vang ngay tại khuôn viên Bờ Hồ - Hà Nội. Một người bình thường cũng nhận ra, bên trong các cuộc biểu tình đều có một sự thống nhất ngầm nào đó…

Cũng cần nhắc lại là không phải chỉ khi sự kiện tàu Bình Minh thăm dò dầu khí của Việt Nam bị Trung Quốc cắt cáp tại khu vực thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam quản lý, thì vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa mới được nêu lên thành khẩu hiệu, và người ta đem áp dụng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Năm 2010; Đảng Việt Tân đã có hoạt động dán khẩu hiệu “HS – TS – VN” tại nhiều nơi ở Việt Nam. Đặc biệt là ngày 14/3/2010; một nhóm thành viên trẻ của Việt Tân đã công khai phân phát áo và mũ có in dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” cho nhiều phật tử đến thăm Đền Ngọc Sơn – Hà Nội. Và sự việc hôm đó cũng nhằm ngày chủ nhật.

Về lời phát biểu, có lẽ là thụ động, phản hồi bài viết “Kẻ thù” của ông Tống Văn Công – Nguyên tổng biên tập báo Lao Động, do tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân viết, trong bài  “Trao đổi với ông Tống Văn Công”, có đoạn: “Suốt hơn 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua tại Hà Nội lẫn Sài Gòn, đều có Đảng Viên Đảng Việt Tân tham gia như bao đồng bào khác. Anh chị em Đảng Viên Việt Tân đã vận động nhiều người cùng đi biểu tình vào mỗi sáng chủ nhật và coi đó là một nỗ lực quan trọng để góp phần dấy lên làn sóng yêu nước”. Đây là lời khẳng định Việt Tân có tham gia hoạt động biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, từ một đảng viên cao cấp của Việt Tân.  

Người phụ nữ  biểu tình (áo mưa xanh) với BN có hình cờ Đức và cờ VN
(có lẽ biểu ngữ  này được làm từ  Đức mang về)

Hiện nay lượng kiều bào từ hải ngoại về thăm quê, đi du lịch, hoặc tham gia kinh doanh buôn bán, đầu tư làm ăn tại Việt Nam là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm ngàn lượt một năm. Đây là điều kiện tốt để Đảng Việt Tân đưa người về Việt Nam đấu tranh bằng con đường công khai. Nhiều người hẳn còn nhớ cuộc hội ngộ Café tại số 36B Điện Biên Phủ - Hà Nội ngày 31/07/2011 có tiến sĩ sinh hóa Nguyễn Thị Thanh từ Canada về tham gia giao lưu rất sôi nổi với hàng chục các nhân sĩ trí thức và những người biểu tình khác. Và cuộc biểu tình ngày 21/8/2011; chính ba mẹ con trong gia đình người Đức gốc Việt, vừa từ Đức về, đã giương khẩu hiệu mở màn cuộc biểu tình. Tuy sự việc chỉ diễn ra vài phút là bị công an dập tắt, bắt người lên xe, nhưng người ta vẫn nhìn thấy tấm biểu ngữ trong nhóm này ghi rõ: “Nước Việt Nam là của 90 triệu người Việt Nam, không của riêng bất kỳ ai, bất cứ nhóm người nào!”. Công an chắc sẽ đoán già đoán non xem những người ấy thực ra là ai, nhưng họ chẳng có cớ gì mà bắt bẻ được…

Sự thật thì Đảng Việt Tân vẫn đang xúc tiến kế hoạch công khai hóa hoạt động của mình ở quốc nội. Ngoài văn bản của ông tổng bí thư Đảng Việt Tân - Lý Thái Hùng năm 2006 với nội dung chủ trương đẩy mạnh công khai hoạt động trong nước, thì trong bài phát biểu trả lời phỏng vấn của Đài BBC hôm 24/08/2011 (xin nghe lại tại đây), ông Lý Thái Hùng tiếp tục khẳng định: “Và mục tiêu của chúng tôi là tranh đấu để làm sao Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chấp nhận bối cảnh sinh hoạt đa nguyên chính trị, và chấp nhận tư duy Dân chủ ở Việt Nam”. Như vậy tuy chưa thể kể đến công trạng của Việt Tân, nhưng có thể thấy những nỗ lực của họ trong đấu tranh tại quốc nội là điều mà hơn 65 năm qua chưa tổ chức nào làm được…

Đảng viên Việt Tân phân phát áo, mũ có in dòng chữ HS- TS- VN tại HN ngày 14/3/2010

Nếu đấu tranh chống Độc tài mà là một cuộc dạo chơi thì nhà tù chỉ là trại điều dưỡng, và công an chỉ là thú nhồi bông. Cho nên dù là Đảng Việt Tân hoặc bất cứ đảng phái, tổ chức, hay cá nhân đấu tranh nào, đều đứng trước nguy cơ bị đàn áp, bắt bớ như nhau. Ví dụ như Hòa thượng Thích Quảng Độ, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, gần đây là nhà báo tự do Lư Văn Bảy chẳng hạn, họ chẳng hề tham gia một tổ chức nào, nhưng vẫn bị xử tù rất nặng. Vậy những tư tưởng phân biệt Việt Tân với các tổ chức khác, hoặc với những cá nhân đấu tranh độc lập khác, là những quan điểm hoàn toàn thiếu khách quan.

Giờ đây tại Việt Nam, khi những bất công đã trở nên vượt quá ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người, sự bất mãn đã đến hồi bùng nổ. Chuyện cất lên tiếng nói đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, chống áp bức, bất công, đã trở thành nhu cầu bức thiết của một bộ phận lớn người dân, thì việc đoàn kết lại, cùng đứng thành một khối, đồng lòng trong một tổ chức, là việc làm khôn ngoan, thức thời. Nếu anh đấu tranh, anh sẽ có nguy cơ bị đàn áp. Nhưng nếu anh đứng trong một tổ chức mạnh, hoặc liên kết được với một tổ chức mạnh có sự công nhận và ủng hộ của quốc tế, thì anh sẽ được cả một tập thể quan tâm, được cả thế giới bảo vệ. Sự hiện diện của Đảng Việt Tân ở Việt Nam sẽ là một chọn lựa cho những ai muốn mình đấu tranh không đơn độc.

Lê Nguyên Hồng

.
.
.

No comments:

Post a Comment