Monday, August 22, 2011

NHỮNG BƯỚC ĐI NGẬP NGỪNG ĐẾN DÂN CHỦ (Der Spiegel)




Cuộc cách mạng A Rập bị kẹt giữa hồ hởi và thất vọng

Bộ Biên tập SPIEGEL, 10/08/2011

Hiếu Tân  dịch
Ngày đăng: 16.8.2011

Hơn nửa năm sau khi bắt đầu cuộc Cách mạng A Rập, các phong trào ngả về dân chủ trong nhiều nước có vẻ đã ngưng lại. Những tên bạo chúa ở Syria và Libya đang đàn áp khốc liệt những người nổi dậy trong nước chúng, trong khi Yemen có nguy cơ trượt vào hỗn loạn. Phiên tòa xử Hosni Mubarak ở Cairo liệu có đem lại một sức đẩy mới cho những người chống đối?

-----------------

Con lừa của Gilamo là một dấu hiệu vui về hy vọng ở Hama. Ông chủ của con vật này đã nhấc nó đặt lên chiếc bệ không trước đây đã từng đỡ một pho tượng của cựu Tổng thống Syria Hafez Assad cho đến hôm 10 tháng Sáu. Binh lính của chế độ đã rút khỏi thành phố miền tây Syria này. Chính nơi đây năm 1982 Hafez Assad, cha của tổng thống hiện tại Bashar Assad đã nêu một tấm gương man rợ khi ông ta nghiền nát một cuộc nổi dậy do tổ chức Huynh đệ Hồi giáo dẫn đầu. Khoảng 20.000 người đã chết trong cuộc tàn sát ấy.
Thật là trớ trêu chính trong tuần lễ tháng Sáu ấy, quân đội chính phủ đã rút khỏi Hama, một thành phố đã bị đốt cháy thành ký ức tập thể của xã hội đa sắc tộc Syria như một biểu tượng của khả năng phạm những tội ác hung tàn của chế độ. Thành phố này, mà những người con mang những cái tên của cha chú bị giết trong cuộc thảm sát năm 1982, đã giành lại số phận của nó vào trong tay chính nó.
“Chúng tôi đã chiến thắng nỗi sợ hãi của mình,” một người tham gia những cuộc biểu tình diễn ra mỗi buổi tối trên Quảng trường Assi ở trung tâm Hama – đã được đổi tên thành “Quảng trường Tử đạo” – nói. Từ ba tháng trước các đơn vị tinh nhuệ của chính phủ đã nghiền nát mọi cuộc tuần hành chống đối bằng súng đạn, giết chết hàng chục và bắt hàng trăm người biểu tình. Bỗng nhiên quân đội biến đi, nhưng chỉ sau khi đã dỡ bức tượng của Assad cha và mang đi theo họ, nhờ vậy có chỗ cho con lừa Gilamo được nâng đặt lên bệ thay thế trong tiếng hò reo tán thưởng khản cổ của những người đứng xem. “Chúng ta đã đánh đổ Assad,” họ hô lên,” và đặt một con lừa lên thế chỗ hắn!”
Bản thân thành phố này đã bị bao vây sáu tuần lễ. Giáo viên, người quét rác và cảnh sát giao thông đã trở lại làm việc. Một ủy ban gồm các bác sĩ, luật sư và kỹ sư, do thầy tế Mustafa Abdul Rahman 60 tuổi dẫn đầu, đã thương lượng với chính phủ. “Hama đã được tự do và sẽ mãi mãi tự do,” đám đông hô to khi mỗi buổi tối nó lại lớn thêm lên, hưởng niềm vui đơn giản có thể đi ra đường mà không sợ hãi.
Hama đã tự do, nhưng rồi tự do của nó chẳng sống được lâu.

Thú tội, nếu không thì bị đưa đi
Tổng thống ra lệnh cho xe tăng của ông ta trở lại thành phố này vào cuối tháng Bẩy theo bước người cha của ông phát động chiến tranh chống Hama. Khoảng 150 ngưởi bị trúng lựu đạn và bị giết bởi bọn lính bắn tỉa.
Xe tăng đang chặn lối vào Bệnh viện Trung tâm Hunrani, do đó không thể đưa những người bị thương vào trong được. Người của cục tình báo rà soát các bệnh viện, tại đó họ ra cho những người bị thương một lựa chọn: hoặc ký giấy thú nhận rằng họ là khủng bố hoặc bị đưa đi tức khắc. Không ai biết những người bị thương bị đưa đi đâu, nhưng rõ ràng không có ai quay trở lại bệnh viện.
Bọn kiêu binh của chế độ, dân quân và côn đồ đã hoành hành khắp đất nước, chỉ trừ những khu trung tâm thương mại ở hai thành phố chính của Syria, Damascus và Aleppo. Các bác sĩ chữa trị những người bị thương và dược sĩ đưa thuốc cho họ đã bị bắt. Ở Daraa miền nam và Idlib miền tây bắc, các lực lượng của chính phủ thậm chí đã tràn vào các tiệm in và lôi đi những người đã in thông cáo về cái chết của những nạn nhân. Cho đến nay, những người chống đối khẳng định, 1.800 người đã bị giết và 12.000 người bị bắt trong khi 3000 đã biến mất không để lại dấu vết.
Không ai có thể thẩm tra lại những con số này. Nhưng điều đó không thật sự quan trọng. Hàng ngàn đoạn video ngắn, mờ đã được post lên YouTube, chứng thực những cái chết, cảnh những người chống đối, tiếng rên la của những người bị thương, những phát đạn từ binh lính bắn ra và cảnh khóc than của những bà mẹ bên xác chết của con mình.

Liều chết
Từ tháng Ba người dân Syria đã đổ ra các đường phố, tại đó họ phải liều đương đầu với dùi cui hoặc có thể bị bắn chết. Cho đến nay, họ vẫn kiên trì phản đối vào các chiều thứ Sáu sau khi dự lễ cầu nguyện chung ở các thánh đường Hồi giáo. Những người chết được đưa đến nghĩa trang vào thứ Bảy; những ngày còn lại trong tuần tương đối yên tĩnh – cho đến thứ Sáu tuần sau. Nhưng vào tháng này điều ấy có khả năng thay đổi. Trong dịp lễ Ramadan, mọi người tập hợp hằng ngày sau khi đến nhà thờ để ăn chay. Thời gian này họ có thể đổ ra các đường phố vào mọi buổi tối.
Đây là nối lo của chế độ. Nó cũng giải thích cuộc tấn công hiện nay vào Hama, qua đó Assad ngày nay đã vứt bỏ chút vẻ ngoài còn sót lại tỏ ra nhân đạo hơn cha của ông ta. Đồng thời hành vi của ông ta đang trở nên ngày càng kỳ quái hơn. Ông ta đã tự thăng chức cho mình lên hàng đại nguyên soái và thường xuyên nhắc tới “những âm mưu” mà Syria rõ ràng đã “miễn dịch.”
Hôm thứ Tư các nhà hoạt động đã báo cáo rằng xe tăng đã tiến vào các thành phố Taftanaz, Sarmin, và Binnish gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, như một phần của cố gắng đè bẹp các cuộc biểu tình. Hôm thứ Tư, hãng tin AP cũng tường thuật rằng Hama có vẻ đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ.
Bộ máy an ninh của Assad vẫn còn chưa được dùng đến, ngoài mấy trường hợp lẻ tẻ với những cá nhân binh lính hoặc những đơn vị nhỏ đào ngũ. Quân đội vẫn kiểm soát hoàn toàn đất nước, tuy nhiên nó không nghiền nát được các cuộc nổi dậy. Syria đang kẹt trong một thế vô cùng bí.

Hoàn toàn không thể đoán trước
Chế độ Damascus còn kéo dài được bao lâu nữa? Liệu Assad có sẵn sàng tàn phá đất nước của ông ta, như Moammar Gadhafi đã nói ông ta sẽ làm với Libya không? Hay là cả hai bạo chúa này sẽ chịu chung số phận với nguyên Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarack?
Nửa năm sau khi người Ai Cập buộc ông ta từ chức, vị tổng thống đã có thời rất mạnh đã phải ra trước tòa vào hôm thứ Tư tuần trước. Chỉ cách đây mấy tuần, ngay cả những người lạc quan nhất ở Cairo vẫn cho rằng đó là điều không thể thực hiện. Nhưng nay có tin đồn rằng chủ tịch hội đồng quân quản, Thống chế Mohammed Hussein Tantawi, có thể sẽ bị gọi ra để làm chứng chống lại tổng tư lệnh cũ của ông.
Nếu có một điều mà những sự kiện trong mấy tháng gần đây chứng tỏ, thì đó là: cuộc cách mạng A Rập bắt đầu bằng việc hy sinh của Mohamed Bouazizi, một người thất nghiệp bán hàng rong rau quả ở Tunsia, là hoàn toàn không thể đoán trước.

Xem lịch sử được làm ra trên truyền hình
Liệu phiên tòa lịch sử đánh dấu lần đầu tiên một kẻ chuyên quyền A Rập bị đưa ra xử trước một tòa án bình thường của chính đất nước ông ta, có làm nên một sức đẩy mới cho phong trào dân chủ trong khu vực hay không? Những cảnh từ Học viện Cảnh sát Cairo, nơi Mubarack, nằm trên giường bệnh viện, được đẩy vào một cái cũi được dựng sẵn trong phòng xử án, chắc hẳn là “kịch” lắm. Hầu như toàn bộ Trung Đông đã xem phiên tòa phát trên truyền hình.
Ngược lại, truyền hình nhà nước Syria, dường như không quan tâm đến phiên tòa và cho chiếu phim hoạt hình để thay thế. Al-Baath, tờ báo của đảng, chỉ chạy một báo cáo ngắn trong ngày đầu của phiên tòa. Đài tuyên truyền của Gadhafi Al-Jamahiriya, chế giễu việc mở phiên tòa và nhận xét rằng người Ai Cập sống dưới thời Mubarack khá giả hơn bây giờ.
Hình ảnh bị cáo trong bộ quần áo trắng, màu vô tội, đã là một biểu tượng của cách mạng. Trong vòng mấy phút, những người Ai Cập trẻ tuổi đã góp những hình ảnh lên Facebook và Twitter. Và trong vòng mấy giờ, những lời của Mubarack, “Tôi hoàn toàn phủ nhận những lời buộc tội,” đã được dùng làm chuông điện thoại di động một cách phổ biến.
Cựu Tổng thống Ai Cập đang bị qui trách nhiệm về cái chết của 846 người, và ông ta bị kết tội đã ra lệnh cho các lực lượng của mình bắn vào những người biểu tình. Một lời kết tội khác phản ánh thái độ thân Palestine đang lớn lên ở Ai Cập: người ta nói Mubarack đã đảm bảo cho Israel được cung cấp khí tự nhiên của Ai Cập với giá rẻ, dẫn đến chính phủ Ai Cập bị lỗ mất 200 triệu € (715 triệu$)

Không có bạo chúa nào được an toàn
Dù hình phạt nào đang chờ đợi vị tổng thống bị lật đổ vào cuối phiên tòa, có một việc mà ngày khai mạc phiên tòa 3 tháng Tám đã cho thế giới thấy rõ: không có kẻ chuyên quyền nào cảm thấy chắc chắn rằng một ngày nào đó y không bị gọi ra trước tòa. Phiên tòa này cũng củng cố vai trò lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới A Rập và công nhận dứt khoát vị trí của nó như trung tâm của phong trào cách mạng ở Trung Đông.
Nhưng niềm vui về phiên tòa không che dấu được cái sự thật là lực lượng đối lập đang bị chia rẽ. Xung đột quyền lợi của các nhóm riêng rẽ đang tăng lên rõ rệt từ tuần này sang tuần khác. Hơn 60 đảng đã đăng ký chạy đua trong cuộc bầu cử quốc hội, dự định vào tháng Mười Một. Cuộc tranh đua đang gay gắt, đặc biệt là trong phe tự do.
Những người Islamist được lợi từ sự gãy vỡ này. Vào hôm thứ sáu trước tuần vừa rồi, mười nghìn người ủng hộ Huynh Đệ Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo khác đã tập hợp trên Quảng trường Tahrir ở Cairo. Ban đầu là một cuộc tập hợp chung những người không theo đạo và các phong trào tôn giáo, sau đó biến thành cuộc biểu dương sức mạnh của những kẻ cực đoan.
Ngay cả Huynh Đệ Hồi giáo nay cũng được xem như những người ôn hòa. Mặc dầu họ muốn thấy tôn giáo chi phối chính trị, họ cũng khẳng định là tự do. Thậm chí họ đã chọn một cách phóng khoáng một người Cơ đốc giáo, Rafik Habib, làm phó chủ tịch đảng mới thành lập của họ, Đảng Tự do và Công lý.
Ngược lại, những người cách mạng Ai Cập lại cực kỳ khó chịu về những người Salafists đang ngày càng trở nên tự tin. Phong trào này, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của mô hình tôn giáo cực đoan của A Rập Saudi và được báo cáo là đã nhận tài trợ từ nước này, muốn cuộc sống hằng ngày của Ai Cập giống như các công xã nguyên thủy đã tồn tại vào thời của Tiên tri Muhammad. “Chúng ta là đội quân của Chúa, và chúng ta đến đây để thực thi ý nguyện của Chúa trên trái đất,” một người phát ngôn nói thế trên Quảng trường Tahrir. Những lá cờ A Rập Saudi bay bên cạnh những lá cờ Ai Cập, và một số người dương cao những tấm ảnh lớn của cố lãnh tụ al-Qaida Osama bin Laden.
Có những người sợ rằng Mubarack bị lật đổ cuối cùng lại được chứng minh là đúng. Ông ta tìm kiếm tính hợp pháp của chế độ đàn áp của ông ta qua câu nói: “Hoặc là tôi, hoặc là loạn.”

Những người nổi loạn ở Lybia chia rẽ
Trong khi đó thì Libya đã chìm trong hỗn loạn. Cách mạng Libya bắt đầu bằng những cuộc biểu tình vào giữa tháng Hai, sau ít ngày biến thành những cuộc nổi dậy vũ trang, và nhà độc tài Moammar Gadhafi từ bấy đến giờ vẫn cố gắng để nghiền nát. Binh lính của ông ta đã phạm những tội ác chiến tranh, đã bắn và dội bom vào dân thường trong các thành phố miền Biển Misrata và Zawiyah. Rất có thể sau đó sẽ xảy ra một cuộc tàn sát trong pháo đài Benghazi nếu trong ngày 19 tháng Ba các phản lực cơ chiến đấu của Pháp không kịp thời can thiệp vào phút chót.
Có lý do chính đáng để NATO can thiệp quân sự vào Libya. Nhưng gần nửa năm đã trôi qua kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận cuộc can thiệp, và sự phát triển của tình hình dường như đã chứng tỏ những người hoài nghi là đúng. Những người nổi dậy được vũ trang và tổ chức rất kém, và họ không tiến thêm được bước nào từ căn cứ của họ ở phía đông Libya về phía thủ đô Tripoli.
Trong khi đó những người nổi dậy ở miền tây đã giành được quyền kiểm soát một khu vực xung quanh núi Nafusa chỉ cách Tripoli 80 km. Nhưng họ không có kế hoạch tiến thêm về thủ đô, vì có rất ít hy vọng thành công.
Ngoài việc thiếu những thắng lợi quân sự, phe nổi dậy còn bị chia rẽ nữa. Sau khi chỉ huy quân nổi dậy, Abdul Fatah Younis, bị giết cách đây hai tuần, có lẽ bởi người trong nội bộ, phong trào này có nguy cơ tan rã. Ở Benghazi, đã nổ ra những cuộc tranh cãi giữa những người không theo đạo và những người Islamist. Saif al-Islam, con trai của Gadhafi, đã khôn ngoan xúi giục cuộc xung đột này bằng cách tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng chế độ đang thương lượng với những người Islamist để mời họ chia chác quyền lực.
Một cuộc chiến tranh bộ tộc có thể còn gây chia rẽ những người nổi loạn hơn nữa. Từ khi Younis chết, căng thẳng đã tăng lên giữa những phe cánh khác nhau ở Benghazi. Ở miền tây đất nước, cái ban đầu là một cuộc cách mạng đã mang những đặc điểm của một cuộc nội chiến trong đó những bộ lạc chống Gadhafi đánh nhau với những bộ lạc ủng hộ nhà độc tài này. Có lẽ chỉ có cái chết của Gadhafi mới có thể ngăn được đất nước này trượt vào một cuộc nội chiến có thể kéo dài nhiều năm. Vào tháng Tám, những hy vọng của tháng Hai đã từ lâu đầu hàng trước một tâm trạng vô vọng.

Nền dân chủ độc hại
Ở Tunisia bên kia bên giới, sự vật có khác. Đất nước này đã lật đổ tên bạo chúa A Rập đầu tiên, Zine El Abidine Ben Ali. Những cuộc bầu cử tự do đầu tiên được dự kiến vào ngày 23 tháng Mười.
Tuy nhiên, những người phản đối vẫn có mặt khắp nơi ở thủ đô Tunis, mặc dầu so với mấy tháng trước thì ít hơn nhiều. Thành phố này tràn đầy những cuộc tranh luận giữa những người Islamist và những người ủng hộ phái tả. Cả hai phe đều cố gắng bôi nhau bằng những mầu đen tối nhất. Và những cuộc điều tra ý kiến cho thấy hai bên ngang ngửa. Những cuộc xung đột giữa các bên dữ dội và đôi khi bạo lực, còn trên Internet và truyền thông thì đầy những tin đồn, những lời phỉ báng và dối trá. Cái không khí này thật là độc hại, nhưng đây rõ ràng được coi là dân chủ.
Nhiều người cho những phiên tòa xử vắng mặt nhà cựu độc tài Ben Ali là trò đánh đố. Trong khi tình hình ngày càng trở nên xấu hơn đối với nhân dân của ông ta, thì Ben Ali đang sống lưu vong thoải mái ở A Rập Saudi. Vương quốc trên sa mạc này tự coi nó là con đê chắn sóng đối với mọi cố gắng cải cách. Vào tháng Hai, khi các nhà dân chủ phát đi lời kêu gọi biểu tình trên Internet, rất ít người đủ can đảm để xuống đường, và những ai xuất hiện đều bị bắt.
Gia đình thống trị này dùng những phương pháp thường lệ của nó để dập tắt những tia lửa cách mạng. Vua Abdullah hứa chi 120 tỉ $ cho trợ cấp thất nghiệp, xây nhà ở và giáo dục. Làm thế, ông ta đã mua chuộc một cách hiệu quả những người chống đối và trung hòa ý chí theo đuổi các cải cách dân chủ trên đường phố. Nhiều cuộc biểu tình phản đối lớn, bất chấp những lời cảnh cáo, nổ ra ở miền đông A Rập Saudi, nơi có cộng đồng lớn người thiểu số Shiite, đã bị đàn áp dã man.
A Rập Saudi thậm chí đã gửi trọng pháo đến nước láng giềng Bahrain khi cộng đồng dân cư đa số Shiite của nước này nổi dậy chống nhà cai trị của Sunni họ, Vua Hamad bin Isa Al Khalifa. Riyadh, sợ ảnh hưởng của đối thủ đáng ghét Iran, cũng gửi những đơn vị đặc biệt của mình đến, coi như theo yêu cầu của Bahrain.
Hơn 1.000 lính giúp đàn áp những cuộc biểu tình ở thủ đô Manama của Bahrain. Đối với Khalifa, cái giá để tiếp ục nắm quyền là ít nhất 30 người chết và hàng trăm người bị thương. Tình hình đã ổn lại, cho đến thứ Sáu tuần trước nữa, khi bạo loạn lại nổ ra sau khi cái gọi là đối thoại dân tộc thất bại.

Những lo ngại về Yemen
Hoàng gia Saudi còn lo lắng về Yemen, nước láng giềng phía nam của nó hơn, tại đây tổng thống Ali Abdullah Saleh, lên nắm quyền năm 1978, ban đầu chiến đấu điên cuồng để giữ lấy quyền lực. Saleh bị thương nặng khi các đối thủ của chế độ tấn công lâu đài của ông ta hồi đầu tháng Sáu, và chạy trốn sang Riyadh. Phong trào dân chủ, đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối trên những quảng trường công cộng ở thủ đô Sana’a và nhiều nơi khác trong nước, đã ăn mừng sự ra đi của ông ta như một thắng lợi của mình.
Nhưng một sự chia rẽ sâu sắc đang lan rộng trên khắp nước này. Yemen là nước luôn luôn bị thống trị bởi các bộ lạc, có nguy cơ bị chia cắt. Một số phe ủng hộ con trai của Saleh, người đã được chọn như kẻ kế vị ông ta trước Mùa xuân A Rập, và hy vọng sự trở lại của tổng thống, ông này đã rời bệnh viện Riyadh nơi ông ta vào điều trị từ hôm Chủ nhật. Những người khác chiến đấu cho một khởi đầu dân chủ mới. Một nhóm mà cả những người ủng hộ Saleh lẫn những đối thủ của ông ta trong phái cải cách đều sợ đang được lợi từ sự lộn xộn này. Cả chính quyền địa phương A Rập Saudi lẫn Hoa Kỳ đứng nhìn một cách vô vọng những chi bộ al Qaeda Yemen giành được sức mạnh. Những chiến binh của chúng ở miền nam, theo báo cáo, đã đến vùng ngoại ô thành phố Aden.
Nếu Yemen tan rã, điều càng ngày càng trở nên có thể, nhiều người tin rằng bọn thánh chiến Hồi giáo sẽ chiếm quyền kiểm soát – một ác mộng cho hoàng gia ở Riyadh và những người khác.

Jordan tương đối bình ổn
Nước láng giềng tây bắc của A Rập Saudi dường như tương đối bình ổn so với các nơi khác. Tuy nhiên, để phòng ngừa, Riyadh đã cấp cho Jordani nghèo túng 1tỉ $ để bù cho khoản thiếu nợ ngân sách kinh niên của đất nước trên sa mạc này. Để mua bình ổn, Vua Jordani Abdullah II đã loan báo chính phủ có thể sẽ tăng lương cho công chức và trợ giá thực phẩm, khí đốt và điện.
Amman đang phụ thuộc nặng nề vào viện trợ tài chính của A Rập Saudi. Nhà vua, được coi là tương đối phóng khoáng, cai trị một đất nước không có dầu mỏ không có cả công nghiệp gì đáng nói, nhưng lại có một dân chúng gồm những người Bedouin và người Palestine tị nạn rất dễ thay đổi.
Mặc dầu những người Jordani bất mãn vẫn đang biểu tình trên các đường phố Amman, nỗi tức giận của họ không trực tiếp chĩa vào nhà vua mà chỉ chống lại chính phủ của ông – tuy chính phủ này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát vững chắc của ông. Lòng tôn trọng triều đình Hashemite vẫn còn gắn kết được đất nước, nhưng bất ổn có nguy cơ từ Syria tràn sang. Các nhóm chống đối ở Syria rõ ràng có liên hệ với Jordani thông qua các mối quan hệ gia đinh và bộ lạc. Thậm chí còn có tin là họ đã nhận vũ khí từ vương quốc của Abdulah II. Liệu tia lửa cách mạng có bay từ Syria sang Jordani không?
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hình như là lực lượng chủ động đằng sau những cố gắng tổ chức một cuộc nổi dậy ở Amman. Tình báo Mỹ được cho là đã cung cấp bằng chứng về việc này cho vua Jordani. Điều chắc chắn đúng là Huynh đệ Hồi giáo được tổ chức tốt cả ở Jordani lẫn Syria. Ở Syria, thành trì của nó là thành phố nổi loạn Hama.

Đổ thêm dầu vào đám lửa giận dữ
Bằng những cuộc tấn công tuần qua vào thành phố này, Assad đã làm một bước ngoặt quyết định hướng về nguyên tắc truyền thống của các bạo chúa: bạo lực gây nên sợ hãi, và càng nhiều bạo lực càng nhiều sợ hãi.
Nhưng còn có một bài học khác mà các chế độ ở Damascus và Tripoli chắc đã học được từ sự phát triển của tình hình gần đây: nhân dân của thế giới A Rập, từ Tunis đến Cairo, và từ Manama đến Benghazi, không còn có thể kiểm soát bằng bạo lực được nữa. Ngày nay, đây không còn là cách mà thế giới A Rập – kể cả Syria – hoạt động nữa.
Các nguyên tắc của bạo chúa đã bị đảo ngược: càng nhiều bạo lực càng sinh ra nhiều giận dữ, tiếp sức cho lòng can đảm của những người bị áp bức – và không chỉ ở Hama.

SPIEGEL, 10/08/2011 – DIETER BEDNARZ, VOLKMAR KABISCH, CHRISTOPH REUTER, MATHIEU VON ROHR, DANIEL STEINVORTH, CHRISTOPH SYDOW và VOLKHARD WINDFUHR tường thuật.

Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức.


.
.
.

No comments:

Post a Comment