Sunday, August 28, 2011

NHẬT KÝ 28-8 : CUỘC CHIẾN CÁI GHẾ ĐÁ (H.N.H.)




H.N.H
29/08/2011

Sáng nay thì đúng là Hồ Gươm “nắng vàng rực rỡ” bà con ạ. Có lẽ vì đẹp trời nên từ sáng sớm người ra Bờ Hồ đã khá nhiều. Đủ cả lớn bé già trẻ gái trai cùng khách du lịch da trắng da vàng. Người thì bình thản tản bộ, người thì ngồi ghế đá hóng gió. Các ghế kín hết. Gọi là đông dân chúng vì ngoài lực lượng dân phòng, an ninh mặc sắc phục rõ ràng thì còn lại toàn thường phục nên thôi thì cứ tin tất cả số còn lại là dân chúng đi chơi Chúa nhật.

Bên này Bờ Hồ thì thế, bên kia Bờ Hồ vẫn như Chủ nhật trước, “chốt” lâm thời ở các đầu đường vẫn đầy an ninh, dân phòng kẻ đứng người ngồi chuyểnh choảng. Phía trước cửa Ngân hàng Ngoại thương có 3 chiếc xe buýt chờ việc. Không sân khấu ngoài trời và vẫn nhan nhản xe “chuyên dụng”.

Khoảng 9 giờ, ba chị em đang ngồi ăn bánh rán, huyên thuyên “bàn tán chuyện nông sâu”, xem mấy cháu thanh nữ tạo dáng chụp hình, rồi ngứa mắt vì lũ trẻ cứ vô tư giẫm lên cỏ trông xót cả ruột, ba mụ bèn thi nhau mắng nhiếc khiến chúng lắc đầu lè lưỡi cuốn váy áo lỉnh mất.

Chẳng hiểu do nhiều người tụ tập ở chỗ mấy cái ghế đá kê quay mặt vào nhau, chiếu tướng sang bên kia tượng đài Lý Thái Tổ có “phốt” gì hay là dấu ấn của sự kiện sáng 21- 8 ở chỗ này khá mạnh khiến lực lượng an ninh lo sợ đến nỗi mấy bác già đang ngồi trên ghế liền bị các chú an ninh, dân phòng đến đuổi. Cự nự mãi chả được, mấy bác đành miễn cưỡng dứng dậy, đến chỗ mép hồ đứng, tiếc rẻ nhìn về phía cái ghế trống. Lát sau, có cậu bé hớn hở chạy đến ngồi vào. Lại bị đuổi. Cậu bé ngơ ngác bỏ đi. Cái ghế trống không trong khi bao người phải đứng, phải ngồi xổm quanh đấy cứ như thể trêu ngươi. Lại có người ngồi vào, lại bị đuổi. Lần này là bà cụ già, người bé tý rất hay thấy dẫn đầu trong các cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh. Cuối cùng, chủ nhân chính thức của cái ghế là mấy bác an ninh. Các bác hả hê ngồi nhởi trong sự ấm ức làu bàu của mọi người. Tự nhiên ở đâu, ba cháu nhỏ mỗi đứa một cái xe đạp, đứa thì đạp, đứa thì dắt ngang qua khu vực cái ghế cũng lập tức bị xua đi. Sợ quá các chú bé định đạp ngược đường thì nghe quát: “Không được đi ngược chiều”. Hoảng hồn các cu cậu bèn phóng thẳng sang đường chẳng còn biết sợ luồng xe cộ đang ào ào lao tới.

Thấy cứ lùng bùng mãi ở cái góc ấy, tôi bèn bảo hai mụ bạn: “Để tao ra xem thế nào”. Vừa đến nơi, bị một bác đẹp giai to béo đuổi. Đáp: “Vâng tôi sẽ đi nhưng xin bác đừng giẫm lên cỏ”. Ha ha. Nhiều khi véo được một cái cũng thỏa cái nỗi AQ.

Quay ra bắt gặp anh bạn đồng môn. Anh đang làu bàu cau có với mấy viên an ninh, bèn túm tay chàng lôi đi: “Thôi đến đằng này với bọn em”. Anh bạn có cái truyền thuyết rất bí hiểm mà chưa có dịp hỏi cho ra thực hư thế nào: chả là năm ấy bọn tôi thi tốt nghiệp môn chính trị quốc gia, cả lớp đỗ, mỗi anh trượt. Rồi mọi người kháo nhau rằng: trong buổi thi, tất cả tài liệu của sinh viên phải nộp lên bàn giám thị. Đang làm bài, bỗng giám thị hỏi: “Tập tài liệu này của ai?”. Anh nhận là của mình. Lập tức bị mời ra khỏi phòng thi, lập biên bản xúc phạm lãnh tụ. Bạn bè đồn là: ông giám thị ngồi buồn thì lấy tờ báo bọc tập tài liệu ở trên bàn giở ra đọc và tá hỏa thấy ảnh một vị thượng quan đầy uy lực thuở đó, quanh miệng ông ta bị vòng mấy vòng bút mực kèm theo lời chú: “Chỉ vì cái mồm này mà chúng ông khổ”. Ở thời ấy dám cả gan viết ra một câu như thế thì bị đuổi học một năm còn là nhẹ. Giờ mà thế thì 7 năm tàu suốt có khi. Mấy anh em vừa ăn bánh rán vừa huyên thuyên thì từ trên phía cái ghế trống một xe cảnh sát cài số lùi vừa lùi vừa loa kêu gọi mọi người giải tán. Thế là lập tức an ninh, dân phòng hối hả đi xua đuổi tất cả mọi người dạt về phía Tháp Hòa Phong. Một bác đến bên ghế của ba mụ: “Mời các chị đi chỗ khác, không được ngồi ở chỗ này”. Cô bạn tôi nổi cáu: “Thế sao anh không dán trước vào đây là không được ngồi”. Khẩn khoản: “Chị thông cảm, đây là nơi đang thi công”.

Vậy “thi công” gì? Trước đó một lúc, bỗng có một xe tải nhỏ đỗ xịch cạnh hè đường, gần khu vực cái ghế trống – Lại ghế trống. Hic. Các công nhân hì hục khuân xuống đủ các loại khung sắt lớn nhỏ để đặt các chậu hoa cảnh. Các khung chậu khuân xuống thì người phải tránh ra nhường chỗ đặt khung là có lý lắm. Chuẩn bị cho Quốc khánh mà lỵ. Thi công thật đúng lúc. Thật khẩn trương, Chắc thiếu dụng cụ gì đó hay công việc đã xong, mấy bác công nhân đầu đội mũ bảo hiểm không cài khóa, phóng xe máy ngược chiều ào ào ngược về hướng ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng. Cô bạn “rách việc” lại tỵ nạnh: “Mấy lão kia đi xe ngược chiều mà chẳng bị gì cả”. Mệt quá! Người ta có quyền vì đang phục vụ đại lễ. Mình là gì mà ỉ eo, thôi làm một vòng quanh hồ xem quang cảnh dân tình ra sao rồi ngược.

Ngang qua Nhà Bưu điện cũ, gặp bà cụ bé tý lưng gù, đang dắt cái xe đạp to hơn người, trên ghi đông đeo lủng lẳng hai cái túi nilon đồ nghề - chắc áo mưa? Bà ơi, bà về có xa không?”. Đáp: “Tôi về xa lắm cô ạ, cô có ở gần đây không?”. Xa lắm, thế mà hình như Chủ nhật nào cũng thấy ảnh cụ trong đoàn diễu hành, chịu chung nắng mưa cùng con cháu. Trước cửa Thủy Tạ, chợt nhận ra một bác quen quen: à, à hình như bác này là chỉ huy, lần trước nhìn thấy rồi. Bác í đang ăn kem. Ôi hôm nay bác tha hồ mà giải khát, mát mẻ, lại được ở gần tượng Lê Thái Tổ chứ không phải ở trước khu vực tượng đài Thái Tổ họ Lý như Chủ nhật trước:
Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ?”
(Chế Lan Viên)

Có thật là không còn ai bàn không? Có phải lòng người đã thành “rêu phong” không? Chắc chắn không?

H.N.H
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments:

Post a Comment