Thursday, August 25, 2011

NHÂN ĐỌC BÀI "VÌ SAO BIỂU TÌNH Ở HÀ NỘI THÀNH CÔNG HƠN Ở SÀI GÒN" (RFA)





Độc giả RFA ở Việt Nam
30-7-2011

Đã 5 trên 8 buổi sáng chủ nhật vừa rồi, tôi lại hòa mình vào dòng thác cuồng nộ của những người Hà Nội biểu tình chống lại những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Sáng Chủ nhật 24-7-2011, hàng trăm người tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội.  NXD's blog


Không khí biểu tình ở Hà Nội cũng có những lúc thăng lúc trầm, có lần bị bắt bớ đàn áp mà cũng có những buổi thắng lợi rực rỡ như hôm 24/7 vừa qua.

Mỗi một lần biểu tình trở về tôi lại vội vàng theo dõi tình hình xuống đường ở Sài Gòn với một tâm trạng bồn chồn mong đợi để rồi sau đó lại thất vọng vì không khí Sài Gòn quá căng. Quả là không thể so sánh được với khí thế của buổi sáng 5/6.

Chưa một lần xuống đường ở Sài Gòn, nhưng qua những thông tin trên mạng và kinh nghiệm biểu tình của chính mình trong những lần xuống đường ở Hà Nội, tôi xin chia sẻ thêm vài ý kiến về bài “Vì sao biểu tình ở Hà Nội thành công hơn ở Sài Gòn” của Khánh An, phóng viên RFA.

Chăm sóc kỹ?

Tôi không đồng ý với nhận định của phóng viên Khánh An rằng lực lượng an ninh công an Sài Gòn chăm sóc người biểu tình kỹ hơn. Thực tế thì ngay từ ngày biểu tình đầu tiên 5/6 cho đến buổi thứ 7 ngày 17/7, tuần nào ở Hà Nội, người biểu tình yêu nước luôn luôn được chăm sóc chu đáo.

Tuần nào cũng có bắt bớ, đánh đập, trước ngày chủ nhật tuần nào cũng có đe dọa, ngăn cản những nhân sĩ trí thức có uy tín hay những bạn trẻ to mồm nhất, những hạt nhân của phong trào. Nhưng Hà Nội khác Sài Gòn ở chỗ càng bắt bớ, sức phản kháng của người yêu nước càng mạnh.

Bằng cớ là ngay sau ngày 17/7 với hàng loạt vụ đàn áp mạnh mẽ nhất từ phía chính quyền, thì ngày 24/7 người Hà Nội đã lại tập hợp đông đảo hơn, nhiệt huyết hơn bao giờ hết. Và chính quyền đã phải xuống nước trước khí thế của Hà Nội 24/7.

Hà Nội có nhiều “gốc gác”?

Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn trẻ Sài Gòn cho rằng, “… Ngoài Hà Nội đa số là gốc gác không, lại được sự hỗ trợ của tầng lớp trí thức và cựu cán bộ, chiến sĩ nhiều.”

Thực tế thì ở Hà Nội, tôi bắt gặp rất nhiều thanh niên sinh viên, có cả những anh, chị công nhân còn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ, không thể nói rằng những con người nhiệt huyết ấy xuống đường chỉ vì có một cái “gốc gác” nào đó bảo kê.

Bản thân tôi cũng chẳng có chút gốc nào cả. Ah quên ở Hà Nội đúng là có một bác có gốc chắc luôn (blogger Gốc Sậy).

Nói vậy để thấy rằng chẳng có một cái “gốc gác” nào có thể khiến công an an ninh chùn tay (gương tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sờ sờ ra đó), chỉ có điều là ta có chiến thắng được sự sợ hãi của chính chúng ta hay không?
Nhân sĩ trí thức Sài Gòn đâu rồi?



Nhóm nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc, ngày 05/06/2011. Photo courtesy of Cao Lập.


Tôi chỉ đồng ý với bạn trẻ Sài Gòn nói trên ở cái vế thứ hai. Đúng là tầng lớp nhân sĩ trí thức Hà Nội rất có uy tín trong những tiếng nói yêu nước, chính họ là hạt nhân của phong trào và là nguồn động viên tinh thần tuyệt vời cho các bạn trẻ Hà Nội.

Bản lĩnh và những lý luận sắc sảo của lớp cha chú cộng với bầu nhiệt huyết của thanh niên đã làm nên thắng lợi của ngày 24/7 vừa qua tại Hà Nội.

Sài Gòn cũng có những nhân sĩ trí thức yêu nước chứ, thế nhưng họ đã ở đâu mỗi sáng chủ nhật? Để cho bầy em, con cháu trẻ bơ vơ “biểu tình ngồi” mỗi sáng chủ nhật.

Tình trạng chung ở Sài Gòn là những ánh mắt nhìn nhau với một nỗi khắc khoải chờ đợi. Họ chờ đợi gì? Họ chờ một ai đó đủ dũng khí để hét to lên “Nào anh em ta ơi, xuống đường”. Nếu tất cả đều chờ đợi như thế thì lực lượng công an an ninh cũng chỉ mong có thế.

Người Hà Nội đã chấp nhận bắt bớ đàn áp với một thái độ dũng cảm hơn, lạc quan hơn, đoàn kết hơn. Giải cứu binh nhì Nguyễn Tiến Nam, bày tỏ thái độ mạnh mẽ ngay tại đồn công an Mỹ Đình, thậm chí tiếp tục biểu tình ngay sau khi được thả, sử dụng chính những hình ảnh đàn áp phi nhân tính để đấu tranh, tất cả những câu chuyện đó đã nói lên cái khí thế hào hùng ở Hà Nội.

Người Hà Nội đang rất mong mỏi những tiếng nói đồng chí hướng ở Sài Gòn cất lên một cách mạnh mẽ. Chỉ có sự đoàn kết của tất cả mọi người dân Việt trên tất cả mọi vùng miền mới có thể khiến bè lũ cầm quyền Bắc Kinh hiếu chiến và tụi tay sai bán nước run sợ.

Cách đối phó chiêu thức “chia để trị”


Công an chận bắt người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17-7-2011. Photo: ABS.


Từ kinh nghiệm biểu tình ở Hà Nội, tôi nhận thấy tụi Công an An ninh sử dụng chiêu thức “chia để trị” để đàn áp người yêu nước. Bọn chúng hiểu rất rõ rằng đoàn biểu tình là hoàn toàn tự phát, không có người cầm đầu cũng không có sự tổ chức chặt chẽ.

Chính điều đó là cái điểm yếu chí tử của người biểu tình để bọn chúng dễ dàng xé nhỏ đoàn thành nhiều nhóm nhỏ không có sự đoàn kết tương hỗ lẫn nhau.

Đầu tiên là CSCĐ113 với đầy đủ dùi cui, khiên, nón bảo hiểm, mặt mũi lạnh lùng sát thủ. Chúng xếp thành 2 hàng song song sau đó tiến thẳng vào giữa đoàn biểu tình. Vô hình chung đoàn đã bị xé ngay ra làm 3 nhóm nhỏ hơn. Sau đó từng thằng CSCĐ mới bắt đầu áp sát từng người trong 3 nhóm đã bị xé vụn.

Bản năng của dân đen khi gặp chính quyền mặt mũi hằm hằm như thế là tản ngay ra, không thèm dây vào cứt. Bất chấp những lời kêu gọi tập hợp lại của một số bác già kinh nghiệm, đàn cừu vẫn cứ tản ra. Thế là rơi vào bẫy.

Lúc này lũ an ninh mặc thường phục và bọn đầu trâu mặt ngựa đeo băng tay đỏ mới ào ra từ những chiếc xe buýt tử thần. Chúng đã ngắm nghía những con mồi của chúng ngay từ lúc chúng vẫn còn ngồi trên xe, phân công chia phần thịt đâu vào đấy cả rồi.

Cứ 3-5 thằng vồ chặt lấy một người lôi tuột lên xe buýt. Chả khác gì bầy sư tử săn mồi trên đồng cỏ Phi Châu cả. Chú nào lạc bầy là chết.

Cả những chú cố gắng chạy lại nhập vào bầy thì vẫn bị đám sài lang say mồi lao theo bắt đi mặc kệ những nỗ lực giành giật của bè bạn. Vậy chúng ta cần phải làm gì để đối phó với chiêu thức “chia để trị” hiểm độc này?
Sau đây tôi muốn chia sẻ một ý tưởng có thể giúp chúng ta đoàn kết hơn, có thể đối phó hữu hiệu với những mánh khóe đàn áp của công an, an ninh, chính quyền.

Các bạn biểu tình nên cố gắng tự liên lạc với nhau, những người quen biết và chung chí hướng tập hợp lại thành từng nhóm nhỏ 5-7 người hoặc 10 người càng tốt. Biểu tình chống TQ là tự phát, bạn đừng mong có tổ chức nào đó tập hợp cả trăm người với một kế hoạch hoàn chỉnh và thống nhất.

Vậy tốt nhất là hãy đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, chỉ cần trong nhóm nhỏ của bạn, quan trọng là mỗi người trong nhóm đều phải có ý thức bảo vệ những người còn lại.



Dây thừng. Photo courtesy of vn.asiadragon.com.vn.


Khi các bạn đã tập hợp được một nhóm, các bạn hãy đi mua một sợi dây thừng dài khoảng 10-15m, đường kính từ 18-24mm. Đây là một vài địa chỉ mua dây thừng sợi to bằng polyester ở SG:
CTY TNHH DÂY SỢI RỒNG Á CHÂU

Địa chỉ: Lô 9C, Đường số 8, KCN Tân Tạo, Phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tel: +84 8 3754 3239 - Fax: +84 8 37543240
Email: info@asiadragon.com.vn
Website: www.asiadragon.com.vn
Hay cửa hàng Huệ Điền
Địa chỉ: 292 Hải Thượng Lãn Ông - P.14 - Q.5 - TP.HCM
Điện thoại: 0838567132 - Fax: 0838553907.



Móc khóa leo núi. Photo courtesy of shop.phuongnguyen.info.


Sau đó mỗi một bạn trong nhóm tự trang bị cho mình một cái móc khóa leo núi như trong hình
Chỗ bán ở SG:
http://shop.phuongnguyen.info/ot41
Địa chỉ:
Shop PhuongNguyen.Info
127/33 Ni Sư Huỳnh Liên, P.10, Tân Bình

Hoặc ra chợ Dân Sinh kiếm.

Tiếp đó các bạn hãy thắt những nút sẵn trên sợi dây thừng mà các bạn đã mua.

Cứ 1m lại thắt một nút. Bạn hãy lồng thử cái móc khóa của bạn vào sợi dây, và giật qua giật lại xem cái móc có bị trượt qua nút thắt không.

Nếu móc khóa của bạn quá to hoặc đường kính của sợi dây quá nhỏ thì bạn có thể thắt nút nhiều lần tại cùng một chỗ đó để nút thắt đủ to sao cho móc khóa không trượt qua được. Mục đích là móc khóa chỉ tự do chạy qua chạy lại giữa hai nút thắt mà thôi.

Khi đó khoảng cách giữa hai nút thắt là 1m, vừa đủ để 2 người gần nhau có thể vận động thoải mái. Chiêu này là để tránh cho khi bị công an co kéo cả nhóm không bị gom dồn lại một mớ ở một đầu của sợi dây.

Các bạn lưu ý là nếu nhóm bạn có 7 người thì nên mua sợi dây dài dư ra một chút (khoảng 11m) sao cho mỗi đầu sợi dây còn có 2m trống chờ nối vào sợi dây của nhóm biểu tình khác.
Cách thắt nút bằng dây thừng.


Rồi mỗi bạn hãy tự chế một chiếc vòng bằng dây thừng sợi nhỏ, mềm dai, luồn một đầu vào móc khóa rồi buộc chặt. Bạn phải tính làm sao cho cổ tay bạn có thể đút vào dễ dàng mà vẫn rộng rãi.

Bạn hãy làm thử vài lần thế này: lồng tay bạn vào bên trong chiếc vòng dây thừng, cầm chiếc móc khóa xoắn khoảng 4-5 vòng, nếu thấy vòng dây siết vừa đủ chặt cổ tay bạn, thế là OK.

Khi đi biểu tình, cắt cử một bạn mang theo sợi dây thừng đút sẵn vô người. Mỗi bạn đem theo chiếc móc khóa của mình đã được chuẩn bị kỹ. Tới điểm tập kết, bạn chỉ việc siết đủ 4-5 vòng vào cổ tay như vậy rồi móc vào sợi dây thừng, thế là xong bạn đã kết nối với những người bạn mà bạn hoàn toàn tin tưởng.
Trông thì có vẻ hơi mất mỹ quan, nhưng có sao đâu, toàn dân Việt chúng ta sinh ra đã là tù dự khuyết rồi mà. Khi gặp một đoàn biểu tình khác với một sợi dây tương tự, các bạn hãy nhanh chóng buộc một đầu vào sợi dây của nhóm kia. Vậy là sợi dây đã dài hơn rồi.

Khi mà đoàn biểu tình có hàng trăm người cùng thực hiện ý tưởng này thì toàn bộ đoàn đã kết thành một khối, không một lực lượng sài lang nào có thể chia tách các bạn ra thành từng nhóm nhỏ được.
Khi lũ sài lang áp sát các bạn, hãy đứng sát vào nhau, cùng giơ cao những cánh tay bị xiềng xích, hãy nhìn thẳng vào mắt chúng xem cả đám tù dự khuyết này, khi niềm tin vào chính nghĩa sáng lên trong mắt và lòng yêu nước rực cháy trong tim, cùng đoàn kết thì chúng có thể làm gì?

Thực sự thì ý tưởng này chỉ là giải pháp tình thế để đối chọi với chiêu “chia để trị” của công an. Chứ mục đích sâu xa của nó là tôi mong muốn các bạn hãy rèn luyện tính đoàn kết giữa những người chung chí hướng, ý thức rằng bên cạnh bạn luôn có những người bạn sẵn sàng xả thân vì bạn, bao bọc lấy bạn, sát cánh bên bạn trong mọi tình huống.

Để giúp bạn chiến thắng nỗi sợ hãi trước bạo quyền. Để mọi trái tim yêu nước luôn kết thành một khối sức mạnh. Khi mà lòng yêu nước trở thành một lý tưởng chung để mọi con người có lí trí cùng dấn thân để bảo vệ, thì tình đồng chí sẽ là “sợi dây” vô hình kết nối chúng ta.

Lúc đó chúng ta có thể tháo bỏ cái xiềng bất đắc dĩ này, cùng nắm tay xông lên, giành lại mọi quyền hợp pháp mà chúng ta xứng đáng được hưởng.

VIỆT NAM MUÔN NĂM!

Freedom is not Free.
Hà Nội rạng sáng ngày 30/7.

-------------------------------

Khánh An, phóng viên RFA
2011-07-26


.
.
.

No comments:

Post a Comment