Sunday, August 21, 2011

MỘT CHẾ ĐỘ BẮT MỌI NGƯỜI ĂN ỚT (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng

Ðến Mátx-cơ-va vào buổi trưa, lúc 2 giờ chiều tôi đi tìm đến ngôi nhà cũ của Boris Pasternak nơi ông viết những ngày chót trong đời.

Ðể được nhìn những hàng cây, khu vườn, quanh ngôi nhà nơi ông đã sống, đặt chân lên mặt đất, bước trên những con đường mà ông thường đi bộ. Tôi đã xúc động và suy nghĩ về những bài thơ, về cuốn tiểu thuyết Bác Sĩ Zhivago trước đây nửa thế kỷ; và cảm thấy mang nợ ông từ thời đó. Sau khi Pasternak được trao giải Nobel năm 1958, hai dịch giả Văn Tự và Mậu Hải đã cho in bản tiếng Việt ở Sài Gòn. Bản dịch vẽ ngoài bìa hình ảnh một cánh đồng tuyết mênh mang dưới bầu trời xám nhạt và chân trời mầu tím, cũng là hình vẽ bìa cuốn sách in tiếng Ý, ấn bản đầu tiên được công bố trong thời gian đó.

Trên con đường đi bộ từ nhà ga xe lửa Peredelkino tới dacha (biệt thự miền quê) của nhà văn, trong đầu tôi chợt nhớ câu nói của một nhân vật trong Bác Sĩ Zhivago, “Con người ta sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống.” Ý tưởng này đã len vào đầu tôi từ nửa thế kỷ nay; càng sống và ngẫm nghĩ càng thấm thía. Hồi 20 tuổi, khi đọc tới câu đó tôi nghĩ đến những khẩu hiệu kêu gọi “xây dựng một thế giới mới,” những bài thơ ca ngợi một “ngày mai tươi sáng,” mà thế hệ cha anh cho đến thế hệ tôi đã được nghe. Chính Pasternak chắc đã cảm thấy chán ngán với những khẩu hiệu “chuẩn bị sống” như vậy trong nhiều năm, trước khi đặt bút viết.

Nhân vật Bác Sĩ Zhivago đã cảm thấy “Cuộc cách mạng không mang lại ánh sáng mà họ mong đợi.” Họ thấy loài người không thể cứ tiếp tục “chuẩn bị sống” suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Nhất là suốt ngày cứ phải nghe máy phóng thanh đầu phố thúc giục “chuẩn bị sống,” hy sinh hôm nay cho một ngày mai càng ngày càng xa vời! Chính tâm trạng chán ngán lan trong toàn thể xã hội đã khiến người dân thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống thật, đưa tới cảnh trì trệ kinh tế trong chế độ Xô viết sau này.

Pasternak không phải một nhà phê bình chính trị. Ông đóng vai trò một thi sĩ. Thi sĩ sống và rung động cùng một nhịp với những xúc cảm của đồng bào chung quanh họ. Ðiều khiến các thi sĩ chán nản nhất là những lời nói được lập đi lập lại, bắt buộc phải nghe mãi sẽ thấy chúng trở thành trống rỗng. Pasternak cũng như nhân vật Zhivago thuộc thế hệ lớn lên trong cuộc cách mạng 1917 ở Nga, khi họ cảm thấy xã hội cần phải thay đổi toàn diện, tận gốc rễ. Ðó là lúc Pasternak nhìn thấy chung quanh ông, cảnh vật vô tình như những hàng cây cũng đang lên tiếng nói, những tảng đá cũng muốn biểu tình! Nhưng cuối cùng người ta cũng nhìn ra cuộc cách mạng lôi cuốn đầy những kẻ hoạt đầu trong vai trò lãnh đạo và cán bộ tuyên huấn. Họ khai thác, lợi dụng khát vọng thay đổi cuộc đời của mọi người chung quanh, để chiếm đoạt quyền hành. Rồi sau đó họ bám chặt lấy quyền bính, nhân danh lịch sử và nhân danh tương lai để chấp nhận bất cứ hành động tàn ác nào cũng làm được. Khi đã nhân danh một “chân lý duy nhất,” nhân danh tương lai của cả loài người, thì người ta không ngại gì phạm những tội ác lớn nhất. Họ phải bám lấy quyền bính, rồi biện minh quyền bính đó bằng cách lập đi lập lại những khẩu hiệu trừu tượng, cũ kỹ, sáo mòn, trống rỗng. Rồi nhét vào miệng mọi người buộc họ phải nuốt như những khẩu hiệu khô cứng đó như món ăn hàng ngày. Sống trong cảnh đó, những người biết rung động và biết suy nghĩ không thể nào chịu đựng nổi.

Trong một màn đối thoại vào lúc nước Nga đang lên cơn sốt cách mạng, sau khi chế độ vô sản chuyên chính đã thiết lập, có hai nhà trí thức Nga tranh luận với nhau. Một người lắc đầu nói: Những điều anh vừa bàn toàn là triết lý không à. Nhưng triết lý chỉ là những gia vị cho cuộc sống. Con người ta không thể sống bằng triết lý mà thôi, cũng như người ta không thể chỉ ăn ớt mà sống!

Vào những năm 1950, 60 ở Sài Gòn, lớp thanh niên chúng tôi cũng chuyền tay nhau đọc bản Tuyên ngôn Cộng sản do nhà xuất bản Thợ Thuyền ở Paris in bằng tiếng Pháp, cùng những cuốn sách mỏng ký tên Stalin, về Duy Vật Biện Chứng, về Duy Vật Lịch Sử, vân vân. Như một nhà văn Pháp sau này cảnh cáo: Chủ nghĩa Marx là một thứ ma túy của giới trí thức. Max cống hiến một cách nhìn thế giới và lịch sử như một bộ máy đồng hồ, một hệ thống sơ đẳng, máy móc. Pasternak là một thi sĩ, tiếp nối một dòng văn nghệ của nước Nga, với mối quan tâm sâu xa về ý nghĩa của lịch sử. Cả hai đều chịu ảnh hưởng tôn giáo. Pasternak thấm nhuần một cách nhìn thế giới như một hệ thống sinh học, mà có lẽ chính ông chưa bao giờ đọc về lý thuyết hệ thống.

Pasternak nhìn thế giới và lịch sử loài người như một huyền nhiệm, không thể dùng mô hình máy móc mà mô tả để hiểu được. Không có chánh kiến thì sẽ không thành cách mạng. Nhìn sai sẽ đưa tới những hành động sai lầm. Tệ nhất, là sẽ giết người, sẽ giết rất nhiều người! Pasterak viết: “Người ta không trông thấy lịch sử, cũng như không ai nhìn thấy cỏ mọc, không ai thấy rừng lá đang đổi mầu!” Khi đọc Pasternak vào những năm đầu 1960, tự nhiên chúng tôi nhận ra cuộc cách mạng vô sản là một ảo vọng, ở chính nước Nga nó đã không có thật. Và thế giới loài người không thể sống với những thứ triết lý máy móc như vậy. Nhiều người trong thế hệ chúng tôi ở miền Nam Việt Nam đã thoát khỏi ảo vọng của chủ nghĩa Marx chính là nhờ đọc Pasternak.

Những nhân vật trong cuốn Bác Sĩ Zhivago như Komarovsky và Strelnikov, mỗi người đều gây ra những khổ đau cho người khác theo cách riêng của họ. Nhưng những người này chỉ tác hại tạm thời, cá biệt. Mối họa lớn nhất gây ra tại nước Nga dưới chế độ cộng sản còn rộng lớn và sâu xa hơn, chắc chắn tác hại lâu dài hơn. Nhưng vào thời Pasternak đang viết cuốn Bác Sĩ Zhivago, ông chưa được chứng kiến những tai hại lâu dài khác mà chế độ cộng sản đã để lại, cả sau khi chính chế độ đó sụp đổ.

Một chế độ bắt mọi người dân chỉ được đọc một thứ báo, nghe một thứ đài, báo đài chỉ tuyên truyền một chiều, thì sẽ tước bỏ của mọi người một khả năng cần thiết để sống như những con người, là thói quen suy nghĩ độc lập. Một chính quyền bắt dân phải học tập căm thù, nghi ngờ, soi mói, rình mò, tố giác và sợ hãi lẫn nhau, thì sẽ phá nát nền móng của cả đạo lý lẫn nền tảng của thị trường kinh tế tự do. Một xã hội được tổ chức như một guồng máy, tất cả trông lên chờ nghe lệnh “ở trên” và chờ được “ở trên” ban phát ân huệ, thì sẽ không tập được thói quen tự lập, tự cường; mất luôn cả khả năng nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm về hậu quả những việc mình làm. Khi mọi sinh hoạt trong xã hội đều được chính trị hóa, những người cầm quyền không cần dùng luật pháp, cũng không cần đến đạo lý, thì nền tảng của xã hội bị phá vỡ và hủy hoại. Ðó là tình trạng Mạnh Tử gọi là “Thượng vô đạo pháp, hạ vô pháp thủ.”

Hậu quả của những tác hại đó là sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở nước Nga, tham nhũng đã hoành hành rộng hơn trước. Ngày xưa các công chức chỉ đi mua bóng đèn hư “cháy tóc” đem tới sở thay để lấy cái bóng đèn tốt mang về nhà. Ngày nay kinh tế đã phát triển hơn, đồ tiêu dùng nhiều hơn mà nhu cầu cũng nhiều hơn, các các quan chức cũng nhiều mánh khóe làm tiền hơn. Họ không đủ khả năng kinh doanh làm giầu, thì họ đem bán một thứ bán được, là quyền quyết định, là chữ ký, là con dấu, bằng mọi thứ mưu mẹo. Quan chức không có thói quen chịu trách nhiệm, mà cũng chưa bao giờ sống trong một hệ thống cai trị có luật lệ nào rõ ràng để căn cứ vào đó mà ấn định trách nhiệm. Tự do đối với họ có nghĩa là tự do sử dụng quyền hành để bắt chẹt người dân, bán lẻ quyền hành bắt dân phải mua. Họ chưa bao giờ được tập tành thói quen nghĩ rằng quyền hành nào cũng có giới hạn. Chính người dân cũng chưa có thói quen sống tự do, chưa có thói quen tự lo liệu những việc liên can đến cuộc sống công, bởi vì họ đã quen ỷ lại vào guồng máy bao cấp. Người ta dửng dưng, lạnh nhạt, thờ ơ với các lợi ích chung của cả xã hội, vì đã bị nghe nói dối nhiều quá. Nhiều người sợ tự do, ghét tự do, vì bị mất cảm giác lười biếng, an phận trong thời bao cấp! Cũng giống như cả một xã hội bị bắt ăn ớt mãi, đến khi được ăn cơm không biết cơm là ngon nữa!

Những tác hại của chế độ cộng sản trên đất nước Nga còn nhiều mặt phức tạp nữa. Và ở Việt Nam cũng vậy. Như một người mới nhận xét trên Blog Dân làm Báo. Ông Vũ Ðông Hà nhìn thấy “Gia tài lớn nhất để lại cho con” là “Lòng sợ hãi!” Ông viết: “Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội…”

Người Việt Nam xưa kia có bổn tính sợ hãi, hèn nhát, ích kỷ và mê muội hay không? Chắc chắn là không. Tổ tiên chúng ta không mắc chứng bệnh tập thể đó. Người Nga vốn sẵn bổn tính tham nhũng và sợ hãi các tham quan hay không? Chắc không đến nỗi như thế. Pasternak nằm dưới mặt đất ở Peredelkino có thể coi là may mắn không phải chứng kiến những tác hại mà chế độ cộng sản để lại như một gia tài cho dân Nga, ngay cả sau khi chế độ đó đã sập. Các chứng hư tật xấu đã được gieo mầm trong 70 năm sống dưới chế độ độc tài toàn trị, khi được tự do có ngay cơ hội để bùng nổ. Nhưng khi đọc các bài thơ và theo dõi các nhân vật tiểu thuyết của ông, chúng ta có thể tin rằng dân tộc Nga vốn có một tâm hồn lớn. Tự do đã tạo cơ hội cho các tham quan, nhũng lại và bọn gian thương hoành hành. Nhưng tự do cũng sẽ giúp cho con người tập lối sống chịu trách nhiệm và tự gắng sức bảo vệ các quyền tự do của mình. Không phải nước nào chuyển hóa từ chế độ cộng sản sang một thể chế tự do hơn cũng biến chứng trở thành thoái hóa như nước Nga. Như Giáo Sư Nguyễn Minh Cần nêu ra làm thí dụ: “Ở các nước Ba Lan, Tiệp, họ đã dân chủ hóa thực sự, đã tập được lối sống dân chủ với tinh thần trọng pháp rất cao. Chúng ta biết, hàng chục năm trước khi bức tường Berlin đổ, giới trí thức ở Tiệp, giới công nhân ở Ba Lan đã mạnh dạn đứng lên tổ chức và tranh đấu cho các quyền tự do của họ. Chính những hoạt động đó đã gieo mầm cho một xã hội công dân, tạo nền tảng cho chế độ dân chủ tự do.”

© Ngô Nhân Dụng

Đọc thêm :

.
.
.

No comments:

Post a Comment