Thursday, August 18, 2011

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU & KINH TẾ VIỆT NAM (Nguyễn Việt)







Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn tái cấu trúc lần này là gì? Thực chất của nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN” hiện nay ở Việt Nam là việc hình thành các nhóm đặc lợi kinh tế kết hợp với nhóm có đặc quyền chính trị. Khuyến khích bảo vệ lợi ích nhóm có khả năng được đẩy mạnh trong thời gian tới, chẳng ai chịu yên phận “đười ươi giữ ống”. Xuất phát từ lợi ích của một nhóm nào đó, người cầm chịch mới tại Quốc hội thể hiện quan điểm này. Ông Nguyễn Sinh Hùng đã tỏ ra quờ quạng không phân biệt nổi đâu là quyền đại diện của các đại biểu Quốc hội (1). Họ muốn hình thành một nền kinh tế được bảo vệ bởi các nhóm lợi ích có liên hệ cộng sinh với chế độ hiện hành.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu

Từ tháng 9/2007, Economist Intelligence Unit (EIU) đã dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ suy giảm mạnh từ năm 2010. Theo EIU: “những nhóm có đặc quyền đặc lợi về chính trị có thể gây trở ngại cho cải cách và ngăn chặn quá trình cấu trúc lại một số doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng tới việc tăng cường năng lực cạnh tranh và hạn chế kết quả tăng trưởng của Việt Nam” (2). Đến tháng 1/2008, trong báo cáo Lựa chọn thành công của Harvard phát hành, cụm từ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện. Họ chỉ thẳng ra thực trạng: bên cạnh sự “quá tải” trong vai trò của nhà nước, sự xuất hiện những nhóm đặc quyền được hưởng đặc lợi từ việc giữ nguyên trạng thái hiện tại làm cho quá trình hoạch định chính sách trở nên nặng nề và thiếu động cơ tiếp tục cải cách. Với những gì đang diễn ra, rất tiếc, dự báo thời hạn giảm tăng trưởng của EIU và nguyên nhân chính gây ra tình trạng tồi tệ theo nhóm Harvard đều đúng cả.

Quả thật, nền kinh tế dưới thể chế độc đảng là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) phát triển. Với ý chí chính trị vị kỷ cực đoan, ai đó [?] không ngừng làm biến dạng thị trường quốc gia vốn sẽ thông thoáng sau khi được kết nạp vào WTO. Theo định nghĩa từ en.wikipedia thì chủ nghĩa tư bản thân hữu (CN TBTH) là thuật ngữ mô tả một nền kinh tế tư bản trong đó thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nhân và quan chức chính phủ. Nó biểu hiện các thiên vị trong việc phân phối giấy phép quy phạm pháp luật, trợ cấp chính phủ, đặc biệt giảm thuế .v.v. Bắt nguồn từ chủ nghĩa bè phái (cronyism), CN TBTH thường tỏ ra vô hại trước pháp luật. Điều này càng tai hại hơn trước hệ thống pháp luật nặng tính bè phái kiểu như “hiến pháp định hướng XHCN” và “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. CN TBTH phát sinh khi chủ trương chính trị bè phái tràn vào thế giới kinh doanh. Để có thể hiểu rõ hơn về CN TBTH, người ta có thể thấy đôi khi thuật ngữ này được gọi bằng một tên khác: plutocracy (cai trị bằng sự giàu có) hay kleptocracy (cai trị bằng hành vi trộm cắp) (3). Hay nói như một trí thức đáng kính khác: chủ nghĩa tư bản cánh hẩu. Để minh họa cho CN TBTH, theo một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế: 80% công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Nga đều có quan hệ chính trị với các quan chức. Khoảng 90% trong số 3.220 người Trung Quốc có tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ (14,6 triệu USD) đều là con cháu của các quan chức.

CN TBTH là một phát triển định mệnh của những nền kinh tế dưới thể chế độc tài, đặc biệt vào đầu những năm 1990: vì không thể phát triển thành một nền kinh tế thị trường dưới quy tắc của pháp luật nên nó biến tướng thành CN TBTH. Điểm lại lịch sử, người ta thấy CN TBTH có mặt ở Ai Cập từ những năm 1970 dưới thời Mubarak, Philippines thời F. Marcos và ở Indonesia thời Suharto. CN TBTH hình thành như một nhu cầu của các thể chế độc tài, phát triển kinh tế trong một chừng mực nào đó mà vẫn kiểm soát được nhà nước.

Ở Việt Nam, đầu tiên mô hình CN TBTH ám vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, “bỏ qua” các bộ quản lý chuyên ngành, các tập đoàn kinh tế này chỉ báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Quá trình thông qua Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 cũng là một bằng chứng của biểu hiện này. Trong quá trình “tái cấu trúc” nền kinh tế sắp tới, dưới sự bảo trợ của CN TBTH người ta sẽ thấy các doanh nghiệp (DN) tư nhân ra đời… Hiện nay, các quan hệ kiểu mafia đang khuynh đảo chính sách, tác động vào những khoản chi tiêu nhà nước, vào việc phân bổ nguồn lực của đất nước cho các DN. Chúng đánh lộn sòng lên nhau trong thực tế, các chính trị gia đi làm kinh tế và các doanh nhân đi “giúp” soạn thảo chính sách. Các quy định của pháp luật bị đám tư bản thân hữu xử dụng như một phương tiện tạo ra lợi thế kinh doanh. Ngoài lợi ích cá nhân, trong nền kinh tế của CN TBTH tại Việt Nam không có chỗ đứng của lợi ích quốc gia hay phúc lợi người tiêu dùng. Vị thế các băng mafia thân hữu được liên tục củng cố trong lòng chế độ, bên cạnh các ngân hàng “không được phép thất bại” chính là các tập đoàn nhà nước “bất khả tử” này.

Một góc khuất trong hệ thống Ngân hàng:

Lòng tham không đáy của ai đó [?] đã ươm mầm tai họa vào lãnh vực tài chính từ nhiều năm trước đây. Với những gì không chắc chắn về chính sách điều hành, kiếm tiền trong ngắn hạn vẫn được nhiều ngân hàng Việt Nam đặt thành mục tiêu, thị trường tài chính trở thành một sòng bạc. So với năm 2008 khó khăn, các ngân hàng năm 2011 sẽ được mùa lãi lớn nhờ sự ưu ái của cơ chế: lãi suất huy động bị khống chế trong khi lãi suất cho vay lại thả nổi. So với mức lạm phát hiện nay, các khoản gởi tiết kiệm của người dân trở thành vật tế thần cho thói láu cá của giới điều hành chính sách tài chính đương quyền. Số lãi lớn của hệ thống ngân hàng được rút từ xương máu của đại đa số người lao động bình thường, những khách hàng có mức tiền gởi dưới 200 triệu đồng – số tiền của những người phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà có. Với mức lạm phát năm 2011 trên 20%, người gởi tiền vào ngân hàng sẽ bị âm vốn với lãi suất huy động 14%/năm. Chỉ có CN TBTH mới giải thích được nghịch lý này, tại sao hàng loạt DN phải phá sản vì kinh tế năm 2011 bị khủng hoảng trầm trọng mà ngành ngân hàng lại lãi lớn. Trong lãnh vực ngân hàng tại Việt Nam, CN TBTH biểu hiện qua những động tác cực kỳ “tế nhị”, chẳng hạn như rất ưa chuộng việc rót vốn nhà nước qua các ngân hàng quen biết thay vì đi thẳng vào thị trường vốn hiệu quả và năng động hơn.
Chế độ sản sinh ra tầng lớp tư bản thân hữu, đến lượt mình, đám tư bản thân hữu quay ngược lại nuôi/bảo vệ chế độ. Cùng mục tiêu là trục lợi, mối quan hệ mafia này tung hứng khắp nơi trong xã hội. Khi nghiên cứu các nước dầu mỏ, Thomas L. Friedman và Michael L.Ross đã phát hiện quy luật ở các quốc gia dầu mỏ là “tự do tỉ lệ nghịch với giá dầu”. Ứng dụng nguyên tắc này vào Việt Nam, người ta sẽ thấy rằng, ai đó [?] đã dùng tiền bán dầu, tiền xuất khẩu gạo và tiền vay nước ngoài để “mua dân chủ” của nhân dân Việt Nam. Có thể chắc chắn rằng, chừng nào các hoạt động mang tính thị trường còn gắn liền với các hoạt động ngân hàng thuần túy thì ngòi nổ khủng hoảng vẫn còn gắn chặt trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Sức ép lạm phát đã xuất hiện từ 2003, khi chính phủ đã tăng cung tiền nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài; chẳng hạn trong các năm 2005 và 2006, GDP tăng 17%, trong khi M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gởi ngân hàng) tăng tới 73%. Để đối phó với khủng hoảng 2008, thay vì phải sửa chữa rốt ráo những lỗi thuộc về hệ thống – từ năm 2007, Việt Nam đã tung một lượng tiền mặt khổng lồ vào thị trường để mua vào 9 tỉ USD (và trong những tháng đầu năm 2011 đến nay đã mua vào 4 tỷ USD và sẽ tiếp tục mua đến cuối năm). Đó cũng là một hệ quả từ chính sách tiền tệ dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay ở Việt Nam. Đối với những thể chế độc tài, lạm phát tiền tệ như một liều thuốc phiện; chúng thường được lạm dụng để phục vụ cho các mục tiêu chính trị vì lạm phát tiền tệ có độ trễ so với sự tăng giá toàn bộ hàng tiêu dùng. Diễn biến chính sách thắt chặt tiền tệ trong đầu năm 2008 và đầu năm 2010 tại Việt Nam đã minh chứng điều này. Phải thấy rằng, lãi suất của ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ bảo vệ lợi ích trước mắt của hệ thống ngân hàng, không giải quyết được lạm phát. Muốn giải quyết được lạm phát phải là lãi suất của ngân hàng trung ương – một thực thể chưa hề tồn tại trong cơ cấu kinh tế XHCN.
Đến nay, mức độ nhạy cảm và dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đến mức độ nào vẫn còn là điều bí ẩn. Chỉ chắc một điều rằng, bất ổn đã vượt qua ngưỡng rủi ro thanh khoản, đến vùng rủi ro chéo liên quan tới các thị trường tài sản như: tín dụng bất động sản, tín dụng chứng khoán… Phải thấy được bản chất của ngân hàng chỉ là định chế tài chính trung gian, lãi suất cao thì nợ quá hạn tăng, DN phá sản thì ngân hàng cũng ngắc ngoải. Tính đến thời điểm đầu tháng 8/2011, trong số 4 NHTM lớn nhất hệ thống hiện nay (chiếm khoảng 50% thị phần) thì có tới 3 đơn vị gần như không còn khả năng cho vay. Đơn giản là theo quy định huy động 10 đồng thì được cho vay 8 đồng, nhưng của đáng tội; thực tế huy động được 8 đồng, họ lại cho vay tới 9 hoặc 10 đồng (4). Ở một thể chế tương tự là Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ đủ để tránh một hiệu ứng domino xảy ra trong ngành ngân hàng, còn Việt Nam thì chưa thấy lối ra trong vấn đề này.
Để hình thành một nền kinh tế lành mạnh, thay vì tách bạch giữa các thế lực chính trị và kinh tế, cơ chế chính trị hiện hữu muốn thâu tóm các nguồn lợi kinh tế. Sự thành đạt của các DN phụ thuộc vào mức độ ưu ái của nhà cầm quyền, thay vì dựa trên một kỷ cương chung của nền kinh tế do nhà nước vạch ra.

Gánh nặng đầu tư công và nợ công:

Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn bị một nhóm lợi ích thao túng. Ai đó [?] có lẽ mỏi tay đếm tiền bán đất của chung và thu lợi từ những ngành công nghiệp được bảo hộ độc quyền. Bên cạnh, 23 tập đoàn và tổng công ty nhà nước tiếp tay lũng đoạn thị trường nội địa. Các tập đoàn này nuôi sống nhóm quan chức cầm quyền, đến lượt các quan chức này cung cấp đặc lợi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Cần phải thấy rằng tình hình trì trệ trong kinh tế ngày hôm nay, bên cạnh thực tế êkíp cầm quyền thiếu một tầm nhìn chiến lược còn là hệ lụy từ sự tác động của các nhóm lợi ích đặc biệt và bóng dáng của CN TBTH tại Việt Nam.
Sự dính líu của các ngân hàng với các tập đoàn kinh tế nhà nước về những khoản vay và đầu tư quá mức trong kế hoạch mở rộng lãnh địa của mình. Nhìn lại nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Á và Đông Nam Á năm 1997 là: các thành viên của tập đoàn (kairetsu của Nhật Bản và chaebol của Hàn Quốc) vay nợ và sở hữu chéo tài sản lẫn nhau, cùng các khoản vay nước ngoài không phòng vệ – thì người ta sẽ hình dung được hoàn cảnh của 23 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện nay. Có phải chăng thông qua hình thức tái cấu trúc nền kinh tế, ai đó [?] sẽ hợp pháp hóa việc xẻ thịt tài sản quốc gia. Một lớp DN mới ra đời từ quá trình tư nhân hóa một cách nội bộ, thông qua chủ trương cổ phần hóa biến tài sản nhà nước thành sở hữu riêng. Mọi chuyển sẽ giống như ở Nga trong những năm 1990.
Bên cạnh một lớp người giàu lên dễ dàng nhờ tận dụng các mối quan hệ: tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, lách luật… thì tình trạng thất nghiệp năm 2011 tiếp tục dâng cao, có khoảng 1/3 số công nhân tại các DN nhỏ sẽ mất việc. Đúng như Reuters từng xác nhận, các DN vừa và nhỏ là “những công dân hạng ba”, vì trong mắt các nhà hoạ̣ch định chính sách kinh tế Việt Nam, họ bị xếp sau các DN nhà nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, người đóng thuế Việt Nam phải è cổ ra gánh những khoản nợ nước ngoài trời ơi mà họ không hề biết chúng được vay về để làm gì. Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam nợ nước ngoài 32,5 tỷ USD, tức bằng 42,2% GDP. So với năm 2009, khối nợ nước ngoài của Việt Nam trong 1 năm đã gia tăng thêm gần 4,6 tỷ USD. Nếu so sánh được mức chi từ ngân sách với mức thu nhận thực tế ở người dân thì người ta mới thấy hết được phần nào tầm vóc con cá mập cơ cấu đương quyền về khả năng nuốt chửng ngân sách của nó. Trong khi đó sau năm 2002, bộ máy hành chính không ngừng phình to ra. Mức chi thường xuyên trước đó ở mức 15 – 16% GDP, nhưng hiện nay đang ở mức sấp sỉ 22%. Một guồng máy chính phủ ít cồng kềnh hơn là niềm mơ ước của nhiều công dân. Và đơn giản chỉ là ước mơ, một khi ngày càng có nhiều quan chức đương quyền sẵn sàng thả lòng tham của mình chạy rông ra đường miễn không bị tố giác hay bị bắt quả tang.
Vậy sẽ đào tiền từ đâu ra trả nếu cộng cả hai khoản nợ công và nợ của DN nhà nước với nước ngoài đã trên 100% GDP (theo một số liệu khác là khoảng 72%). Cũng có lập luận cho rằng tỷ lệ nợ này chưa vượt ngưỡng an toàn, nhưng xét ở góc độ: tốc độ tăng nợ luôn cao hơn tăng GDP thì lại lòi ra câu hỏi: đâu là địa chỉ thực đến của số nợ này ?! So với mức nợ năm 2006 (15,64 tỷ USD) thì chỉ trong 5 năm, mức nợ nước ngoài năm 2010 đã tăng hơn gấp đôi. Và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn về cán cân thanh toán: khi mức dự trữ ngoại hối chỉ khoảng hai tháng nhập khẩu. Rốt cuộc nạn nhân bị thiệt hại nặng nhất từ nền kinh tế Việt Nam phát triển thiếu bền vững chính là nhân dân. Đời sống ngày càng đắt đỏ, người lao động lận đận cùng nghèo khổ.

Kết luận:

Với tình trạng hiện nay, con bệnh trầm kha Việt Nam khó có thể hồi phục trong năm 2011, nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới có tên là nợ công lại xảy ra vào năm 2012 thì kinh tế Việt Nam sẽ về đâu… Khủng hoảng tài chính ở Việt Nam sẽ bùng nổ đầu tiên ở khu vực nào vẫn chưa có nhiều thông tin dự báo. Bình thường tai họa bắt nguồn từ một trong 3 khu vực: khủng hoảng tiền tệ (tỷ giá hối đoái), khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng nợ công. Mầm mống bất ổn đã ăn đến xương tủy cả 3 khu vực, vấn đề của Việt Nam là chừng nào bùng nổ khủng hoảng, chớ không phải là có khủng hoảng hay không. Thể chế đảng trị đã có những bước trượt dài trên nấc thang văn minh, họ không còn là biểu hiện của thoái hóa, cực đoan mà đã đến mức sa đọa về mặt đạo đức trong chính trị. Bằng chủ trương khuyến khích CN TBTH, bằng kế hoạch gây ra lạm phát có chủ đích, ai đó [?] đang sống bằng máu của nhân dân Việt Nam .

Bangkok, ngày 18/08/2011
Nguyễn Việt
© Đàn Chim Việt
—————————————–

Chú thích:

(1) Nguyên văn câu này là: “Các đại biểu là doanh nhân khi thảo luận tại Quốc hội cần phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp cả nước, cố gắng làm hết sức mình, làm sao thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp đối với Quốc hội”, nói vào tối 30/7/2011 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hà Nội. Mấy hôm trước câu này còn để trên website của Thông tấn xã Việt Nam, hôm nay đã biến mất tiêu rồi.
(2) Báo cáo Vietnam: Country Forecast, September 2007, EIU, p.36
(4) Nghịch lý tín dụng: Kẻ ăn không hết, người lần không ra, ngày 08/08/2011 của Nguyễn Hoài

—————————————————–

Tham khảo:

- Economist Intelligence Unit. Các báo cáo: Foresight 2020, Vietnam Country Report May 2011 (24 p.) và Vietnam Country Risk Report – May 2011 (17 p.).
- Báo cáo Lựa chọn thành công, góp ý về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Thuộc Chương trình châu Á ở Đại học Harvard; dựa nghiên cứu của David Dapice, Dwight Perkins, Nguyễn Xuân Thành, Vũ Thành Tự Anh, Huỳnh Thế Du, và Jonathan Pincus, với sự biên tập của Ben Wilkinson.
.
.
.

No comments:

Post a Comment