Thursday, August 25, 2011

BÃO XUẤT PHÁT TỪ TRUNG HOA LỤC ĐỊA (Ngô Nhân Dụng)





Một bản tin trên blog của một những người yêu nước đã đăng “Dự báo thời tiết” ngày Chủ Nhật 21 tháng 8 năm 2011: “Bão từ biển Ðông kéo mây đen khắp Hà Nội. Bão... xuất phát từ Trung Hoa lục địa.”

Quả nhiên, bão đã tới. Có thể nói, Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội đã hết kiên nhẫn, sau khi Trung Tướng Nguyễn Ðức Nhanh - Giám đốc Công An Hà Nội - họp báo lỡ lời công nhận những người biểu tình trong mười tuần lễ qua đều là những người yêu nước! Nói như vậy không khác gì xác nhận một sự thật: Người yêu nước thì chống Trung Cộng. Cộng sản Trung Hoa chính là kẻ thù của nước Việt Nam!

Không ai ngạc nhiên khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam cho “đàn chó săn” đi dẹp và bắt bớ những người yêu nước biểu tình vào Chủ Nhật vừa qua. Ðiều đáng ngạc nhiên là tại sao đến bây giờ, hơn 2 tháng rưỡi họ mới thẳng tay đàn áp. Không một chế độ độc tài nào lại để cho một phong trào của dân chúng thành hình và lớn lên. Không chế độ độc tài nào lại để cho một phong trào tự phát của nhân dân được phát triển hết tuần này sang tuần khác. Họ phải dập tắt càng sớm càng tốt. Phải mạnh tay đàn áp toàn diện và triệt để, nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Ra lệnh công an bắt người là việc rất dễ dàng, hàng ngàn người cũng dễ; tại sao họ để đến tuần lễ thứ 10 mới quyết định ra tay?

Dân Hà Nội đã thử đưa ra các giả thuyết để giải thích tình trạng chậm trễ này. Có thể vì tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang thấy chế độ vững như bàn thạch; không ngại gì lỏng tay cho dân được thỏa mãn, rồi ra tay dẹp tan lúc nào cũng được? Hay là họ cũng biết kính trọng tinh thần yêu nước của thanh niên, trí thức Hà Nội cho nên họ không thẳng tay trị từ những ngày đầu? Hay là họ cũng muốn lợi dụng một phong trào yêu nước của người dân, dung túng các cuộc biểu tình để chính họ có lý do xin Trung Nam Hải và Ðại Sứ Quán Trung Quốc đừng đòi hỏi nhiều điều khắt khe, khó theo quá? Hay là trong Bộ Chính Trị cũng có những người muốn chống lại Bắc Kinh, do đó muốn để yên cho dân được biểu tình?

Nhưng những giả thuyết đó đều có thể đúng, nhưng không đáng tin lắm. Giả thuyết vững chắc nhất để giải thích tình trạng chậm trễ trong việc đàn áp dân là: Họ sợ, sợ rất nhiều thứ, cho nên không dám quyết định. Không ai muốn lãnh trách nhiệm đưa ra quyết định đàn áp ngay sau cuộc biểu tình đầu tiên vào Tháng Sáu.

Chắc chắn ngay sau cuộc biểu tình đầu tiên, Ðại Sứ Quán Trung Quốc đã yêu cầu câu lạc bộ Ba Ðình phải ngăn cản, không cho phép dân biểu tình chửi Trung Quốc công khai như vậy. Nhưng trong đám 15 người của Bộ Chính Trị không ai dám đề nghị cho công an đàn áp. Họ sợ lãnh trách nhiệm cá nhân. Năm, ba năm nữa, sẽ đến lúc các nhà nghiên cứu tìm ra trong cuộc họp nào, trong Bộ Chính Trị ai là người chủ trương thẳng tay đàn áp những người dân biểu tình do lòng yêu nước thúc đẩy! Một người nào đó trong tập đoàn thống trị có thể sẽ viết hồi ký kể chi tiết các cuộc bàn cãi, trong đó ai nói gì, ai cứng, ai mềm, ai đóng vai ông thiện, ai làm ông ác! Lúc đó, danh tánh sẽ được đưa ra công khai cho người dân luận tội.

Họ mang nhiều nỗi sợ, nhưng chắc cũng không sợ sẽ bị lịch sử ghi tên với tội đập dân và bán nước. Vì chắc họ không suy nghĩ xa xôi đến thế. Nếu biết nghĩ tới hậu quả và lo sẽ ô danh ngàn năm thì họ đã không nuôi dưỡng và bảo vệ một guồng máy tham nhũng, tàn bạo và dối trá để bảo vệ quyền bính của mình; và họ cũng không đi bán rừng, bán biển, bán quặng mỏ cho ngoại bang suốt bao năm qua. Họ run sợ nên không ai dám ra lệnh đàn áp, chỉ vì không ai muốn sẽ làm một Mubarack! Ðó là một nỗi sợ. Họ đã thấy trước mắt cảnh tượng cựu tổng thống Ai Cập đang bị điều tra, bị đưa ra trước tòa án xét xử về những tội tham ô, trong đó có tội giết dân đi biểu tình. Thân có thể bị tù tội. Tài sản có thể bị tịch thu trước khi được tẩu tán hết ra nước ngoài. Chính mối lo đó đã khiến cho trong hai tháng qua trong Bộ Chính Trị người nọ đùn người kia; có thể ai cũng nói năng hùng hồn, nhưng chỉ hô những khẩu hiệu chung chung, không ai dám đề nghị thẳng tay bắt bớ ngay lập tức!

Một lý do khác khiến họ không dám đưa ra đề nghị đánh dẹp cụ thể, là anh nọ vẫn sợ anh kia nhân lúc có loạn sẽ tìm cớ hất cẳng mình; đó là nỗi sợ thứ hai. Chắc chắn không anh nào dám đề nghị đối thoại và thỏa hiệp với những người yêu nước. Vì họ không thể giúp cho phong trào quần chúng này lớn mạnh hơn. Cũng không anh nào dám đề nghị giải pháp Thiên An Môn. Vì sợ phản ứng của dân chúng; lòng phẫn uất của dân Hà Nội có thể bùng nổ không ngờ, đàn áp xong đợt này có thể sẽ còn những đợt khác! Ðề nghị đàn áp nhưng việc không thành thì không khác gì đưa con dao cho đứa khác trong Bộ Chính Trị nó cứa cổ mình! Tốt nhất là các đồng chí cứ dè dặt, canh chừng lẫn nhau; ăn nói theo lối ba phải, chờ đợi rồi lựa gió chiều nào xoay chiều đó. Theo dư luận người dân Hà Nội thì chính vì sợ mà các đồng chí trong Bộ Chính Trị phải giữ miếng với nhau, không ai dám quả quyết đánh!

Năm 1989, khi sinh viên và công nhân Bắc Kinh đi biểu tình kéo dài cả tháng, Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Hoa cũng phản ứng rất chậm trễ; mà họ thật sự bất đồng ý kiến. Lý Bằng muốn đàn áp biểu tình ngay, không cần bàn cãi. Triệu Tử Dương thì muốn nhân dịp đám thanh niên đòi hỏi sẽ đem thi hành một số biện pháp cải cách dân chủ hóa, cho nên ông ta chủ trương đối thoại và thỏa hiệp với sinh viên Bắc Kinh. Nhưng đằng sau những ý kiến bất đồng về chính sách đối phó, vẫn là cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai cá nhân, một bên là thủ tướng, một bên là tổng bí thư. Khi hai người to đầu nhất không thể đồng ý với nhau, Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc cũng không thể quyết định. Cuối cùng, phải đến thỉnh ý Ðặng Tiểu Bình, một người không có chức vụ nào chính thức ngoài vai trò chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Và sau cùng, chính Ðặng Tiểu Bình phải quyết định chấm dứt tình trạng lưỡng lự. Ông ta ra lệnh: Ðánh! Tả lớ!

Tại Hà Nội hiện nay không người nào trong Bộ Chính Trị có địa vị mạnh như Ðặng Tiểu Bình trong vụ Thiên An Môn năm 1989. Chỉ có tòa Ðại Sứ Quán Trung Quốc có thể đảm nhiệm vai trò đó! Trong hai tháng qua, lòng kiên nhẫn của Ðại Sứ Quán đã bị thử thách, đến lúc họ cũng thấy cần nhúng tay mới xong. Chính họ cũng lo bị bề trên ở Trung Nam Hải khiển trách. Cho nên, cuối cùng, guồng máy đàn áp đã chuyển động.

Phải đàn áp, nhưng cần che giấu bàn tay điều khiển, giật dây. Cho nên không thấy một quyết định nào chính thức rõ ràng. Chắc không có một cuộc biểu quyết nào trong Bộ Chính Trị; không ai ký một văn bản nào ra lệnh cho ai cả. Cách tốt nhất có lẽ là theo thói vô trách nhiệm xưa nay, dùng lệnh miệng, dịch từng câu từ tiếng phổ thông sang tiếng Việt. Ðưa từng việc cần làm, ra lệnh cho từng bộ phận thi hành từng bước. Không cần một quyết định chung đầy đủ và tổng quát. Rút kinh nghiệm Thiên An Môn, các đồng chí Trung Quốc không muốn có xe tăng tham dự. Cảnh đổ máu sẽ tạo hình ảnh xấu trên báo đài quốc tế, hơn 20 năm vẫn chưa hết. Cuộc bắt bớ ngày Chủ Nhật 21 Tháng Tám, cũng chỉ sử dụng công an mặc thường phục. Và những người bị bắt lên những chiếc xe mang hình ảnh dân sự, với các bảng quảng cáo mầu mè hai bên, chứ không phải xe công an bít bùng! Kinh nghiệm Thiên An Môn đã được học tập rất kỹ càng, và thi hành đầy đủ!

Các hành động có thể tuần tự diễn ra từng bước một, tốc độ nhanh hay chậm tùy theo sự thúc đẩy của các đồng chí anh em. Có những chi tiết không được kiểm soát và trù liệu trước, như cú đạp của bàn chân Ðại Úy Minh, hay cái miệng mau mắn lỡ lời của Trung Tướng Nguyễn Ðức Nhanh. Các diễn viên này không diễn đúng bài bản, chỉ vì thực sự không có bài bản. Họ không nhận được một chỉ thị chung tổng quát, cũng không biết những ai là bộ chỉ huy đầu não cho toàn bộ chiến dịch. Có thể một kịch bản đã được sơ thảo, nhưng người ta không muốn công bố. Chỉ cần lâu lâu dịch từng đoạn sang tiếng Việt để cho một bộ phận nào đó thi hành, trong khi những bộ phận khác không cần biết.

Bước đầu tiên, như chúng ta biết, là một bài trên báo Quân Ðội Nhân Dân chuẩn bị dư luận. Báo này rút kinh nghiệm các cuộc cách mạng ở Ðông Âu và Bắc Phi để báo động: “Các thế lực thù địch đặc biệt chú ý thúc đẩy sự hình thành và công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập... Thông qua các tổ chức đối lập, các thế lực thù địch tập hợp quần chúng, tiến tới tạo dựng ‘ngọn cờ’ và lực lượng đối lập trong xã hội, làm nòng cốt để tiến hành ‘cách mạng đường phố’, nhằm thay đổi thể chế chính trị.” Bài báo rất lý thuyết này có thể coi như hành động của người đi săn huýt sáo chuẩn bị trước khi cho đàn chó săn xông ra. Ý tưởng chính là: Coi chừng diễn biến hòa bình!

Bước tiếp theo cụ thể hơn, là một thông cáo của chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trong thành phố với lời đe dọa mạnh hơn: “...lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống đối nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành... tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị; ...tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ đối ngoại của Ðảng, Nhà nước ta... Âm mưu, ý đồ của họ là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động hằn thù dân tộc chia rẽ quan hệ Việt-Trung.”

Cuối cùng, hành động đàn áp xuất phát từ chính quyền một thành phố chứ không phải do các cấp trên! Theo Nghị Ðịnh 38/2005/CP của Nguyễn Tấn Dũng đã quy định thì Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân có quyền cấp cho phép cho biểu tình và hủy bỏ việc tập trung đông người! Bộ Chính Trị không phải quyết định! Ðại Sứ Quán Trung Quốc cũng không có trách nhiệm!

Những nhà trí thức và thanh niên Hà Nội chắc đã biết trước kết quả này trước khi họ tham dự người cuộc biểu tình. Nhưng họ không sợ. Giống như những người dân biểu tình chống thuế ở Quảng Nam hay những thanh niên từ Hà Nội đến Sài Gòn đã đi biểu tình để tang Phan Châu Trinh trong thế kỷ trước. Việc đàn áp diễn ra ngày Chủ Nhật vừa qua, may mắn không gây đổ máu như ở Thiên An Môn năm 1989. Nhưng trong những tuần lễ tới, giới trí thức và thanh niên còn đủ lực lượng biểu tình tiếp hay không? Nếu tiếp tục biểu tình thì sẽ thực hiện với những hình thái nào? Chúng ta có thể chờ coi lịch sử sẽ diễn ra trước mắt người dân Hà Nội.


Đọc thêm :

.
.
.

No comments:

Post a Comment