Thursday, July 7, 2011

ỨNG PHÓ VỚI BẤT BÌNH Ở TRUNG QUỐC (Giáo sư Pamela Kyle Crossley)


Giáo sư Pamela Kyle Crossley
Gửi cho BBCVietnamese.com từ New Hampshire, Hoa Kỳ
Cập nhật: 10:51 GMT - thứ năm, 7 tháng 7, 2011

Phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước các cuộc biểu tình của dân chúng – phong trào Thiên An Môn 1989 hay “Cách mạng Hoa nhài” 2011 – được mô tả như một chính quyền rơi vào thế thủ cố lo mà đàn áp mọi hình thức bất mãn của nhân dân. Tuy nhiên, trong cuốn sách của tôi The Wobbling Pivot, China since 1800 (tạm dịch: Điểm tựa lắc lư, Trung Quốc từ 1800), tôi thấy nên nhìn những sự kiện như vậy, dù trong quá khứ hay hiện tại, thông qua mối quan hệ dễ thay đổi giữa trung tâm và các địa phương.
Giới sử gia thường chỉ ra rằng từ cuộc chinh phạt Trung Hoa năm 1644 đến cuộc chinh phạt Tân Cương 1755, diện tích đế chế Thanh triều đã trở nên to gấp đôi so với đế chế Minh triều trước đó, và dân số cũng tăng gấp đôi. Nhưng điểm thực sự quan trọng về các con số này lại thường bị bỏ qua – dẫu rằng diện tích và dân số tăng gấp đôi, chính quyền nhà Thanh không lớn hơn nhiều so với nhà Minh. Ta hình dung có một lớp màng mỏng phải kéo căng trên một thùng hàng nay to và sâu gấp đôi. Những đế chế khác, như Nga và Ottoman, cũng đã áp dụng phương pháp chính quyền rất nhỏ và hệ thống thuế tương đối nhẹ tay để ngăn ngừa nội loạn vào lúc mở mang đế chế.

Tổ chức địa phương
Điều quan trọng là ảnh hưởng của chiến lược này. Trước hết, chính quyền lấy quân đội làm ưu tiên cao nhất, và cấp ngân sách cho rất ít lĩnh vực của việc quản lý hay phát triển. Ví dụ, giáo dục tại Trung Quốc truyền thống hầu như được bảo trợ tài chính hoàn toàn nhờ tư nhân. Do độc quyền về sức mạnh quân đội chính quy, nhà nước có thể ép từ giới quý tộc đến dân đen đóng thuế, lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu thông thường của xã hội. Điều này có nghĩa là nhiều mặt trong việc cai trị địa phương – từ việc điều tra dân số, thu thuế, bảo trì hệ thống tưới tiêu và đường xá – được tư nhân hóa. Bên dưới tầm viên chức địa phương và địa chủ lớn, người dân quê gánh phần lớn trách nhiệm: không chỉ phải lo công việc đồng áng, mà còn lo cả an ninh cho chính họ. Họ quản lý các nhóm dân phòng, và trong nhiều trường hợp, buộc phải hợp tác với băng nhóm tội phạm để có an ninh. Họ phải tin nhau, và thường nghi ngờ kẻ ngoài, đặc biệt là giới chức chính quyền.
Giới sử gia đôi khi cho rằng các tổ chức địa phương phức tạp và bền vững này – dù hợp pháp hay phi pháp – đã tồn tại bất chấp chính quyền. Nhưng nhà Thanh lại phụ thuộc vào sự cố kết của các tổ chức địa phương, để tránh trách nhiệm và tổn phí cho chính quyền trung ương. Sự thừa nhận phụ thuộc này được thể hiện trong nhiều khía cạnh của luật pháp.
Vì chính quyền trung ương phải dựa vào các tổ chức địa phương trong việc gìn giữ trật tự, làm nông, môi trường…, nên dư luận địa phương luôn quan trọng với triều đình. Tham nhũng – khi giới chức làm theo ý mình, chứ không phải ý của triều đình – là tội lớn mà có thể đem lại hậu quả tàn khốc. Tuy vậy, Thanh triều không có phương tiện toàn diện và hữu hiệu để phát hiện tham nhũng. Một dấu hiệu đáng tin nhất về sai trái của quan chức là khi nổ ra biểu tình, hay nổi loạn. Tương tự, việc khiếu nại lên triều đình có thể là bài kiểm tra sự bất tài hay tham nhũng của quan địa phương.
Vì vậy, tiến trình chính trị truyền thống ở Trung Quốc đã phụ thuộc vào việc người dân phải lên tiếng khi họ bất mãn. Những người dân rành rẽ cách dùng đơn kêu oan, đình công, hay thậm chí tổ chức các vụ nổi loạn nhỏ, có thể thành công để giới chức địa phương bị cách chức, thuế được xóa hoặc giảm tiền thuê ruộng đất.

Phản ứng song đôi
Nhà nước thường có phản ứng song đôi: Một, đàn áp thẳng tay bạo động và trừng phạt quan chức. Hai, phô trương việc sửa sai để chứng tỏ đó chỉ là sai lầm nhất thời của một chính quyền tốt. Ngay cả những phong trào thành công nhất của dân chúng cũng sẽ có những tử sĩ, như một phần cần thiết của cả tiến trình.
Dĩ nhiên, một chính quyền dựa vào sự cân bằng mỏng manh giữa phản ứng của dân chúng và sự đáp trả của trung ương sẽ cận kề nguy hiểm nếu sự cân bằng đó bị phá vỡ. Dưới triều Thanh, các vụ tranh chấp địa phương có thể dẫn tới nổi dậy – một số cuộc nổi dậy kéo dài đến hơn 10 năm. Trong thế kỷ 18, nhà Thanh đủ sức đàn áp các cuộc nổi dậy và xoa dịu các nhóm dân phẫn uất vì tham nhũng. Nhưng dần dần, nhà nước ngày càng kém cỏi trước các thách thức. Sang thế kỷ 19, chính quyền Trung Quốc bị suy nhược vì tham nhũng, sản xuất nông nghiệp kém đi, và đòi hỏi của các thế lực châu Âu sau khi Trung Quốc bị đánh bại trên bộ và trên biển. Các tổ chức địa phương quản lý kinh tế và tự vệ ngày càng mạnh mẽ, còn chính quyền trung ương yếu đi đến mức chưa từng thấy trong hai thế kỷ trước đó.
Đỉnh điểm là cuộc nội chiến từ loạn Thái Bình Thiên Quốc vào giữa thế kỷ 19. Cuộc nổi dậy rộng khắp và kéo dài đến mức triều đình chỉ có thể tồn tại bằng cách để toàn bộ tài nguyên và giao thông rơi vào tay địa phương. Khi chiến tranh chấm dứt, toàn bộ chức năng của chính quyền – kể cả ngoại giao và quân sự - nay thuộc quyền kiểm soát của những người đã cầm quân trong chiến tranh. Mặc dù đến cuối thế kỷ 19, Thanh triều vẫn mang tiếng là cai trị Trung Hoa, nhưng thực ra đất nước nằm trong tay các lãnh chúa, mỗi người có bộ máy hành chính, thu thuế và ngoại giao riêng. Mô hình này kéo dài đến nửa đầu thế kỷ 20, và chỉ bị triệt hạ bằng việc tái cấu trúc bộ máy địa phương với cao trào là Cách mạng Văn hóa cuối thập niên 1960.
Không bao giờ ta có thể tính chính xác kích cỡ chính quyền so với xã hội. Tuy vậy, khi so sánh số người nhận lương của chính phủ trung ương và toàn bộ dân số, ta thấy chính quyền Trung Quốc hiện đại to gấp hàng trăm lần so với triều đình phong kiến. Nó cũng được trang bị công nghệ để theo dõi, lung lạc, cưỡng ép, và nếu cần thì dùng vũ lực đánh bại.
Vì vậy, thoạt nhìn cứ tưởng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không còn cần đến cách hành xử truyền thống trước những hoạt động hay bất mãn của dân chúng. Nhưng, sự gia tăng dân số từ mấy trăm năm đem lại những thách thức, giảm bớt một số lợi thế mà chính phủ hiện nay có được. Đồng thời, nhiều sự phức tạp mà triều đình phong kiến đối diện – đa dạng văn hóa, khoảng cách kinh tế giữa các giai cấp, khác biệt giữa nông thôn và thành thị - vẫn còn đó, và thường được mở rộng vì khủng hoảng môi trường, một hiện tượng trước đây chưa có. Kể từ đầu thập niên 1980, chính phủ buộc phải giảm bớt tập trung hóa, để dân chúng tự chủ động thực hiện nhiều sáng kiến. Giống như các chính quyền trước đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn cần một sự cân bằng mới trong quan hệ dễ thay đổi giữa chính phủ và xã hội.

Kết luận
Có lẽ quan trọng nhất, văn hóa chính trị truyền thống trong dân chúng vẫn chưa bị xóa bỏ.
Trong khi nhiều xã hội khác, từ 300 năm qua, đã phát triển các định chế đại diện, lập pháp và kiện tụng, Trung Quốc không hề có những định chế đó, hay nếu có thì chỉ là hình thức. Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc, dù là hòa bình hay bạo lực, xuất phát từ nhiều bất bình mà dân chúng ở những nước khác có lẽ chẳng bao giờ xem là đáng phải xuống đường – những vụ lừa đảo kinh doanh, cảnh sát giao thông xử sai, bất đồng quanh lộ giới hành chính, cấp phép, hay thậm chí các cuộc thi giải trí.
Một số phong trào như vậy – như phong trào sinh viên ở Thiên An Môn – cố ý dùng hình thức kiến nghị theo phong cách truyền thống, ví dụ nằm sóng soài ra đường. Tất cả đều mang những biểu ngữ lớn, thường kèm khẩu hiệu tiếng Anh và tiếng Hoa, gợi nhớ Phong trào Ngũ Tứ 1919. Ngày nay cũng như quá khứ, tham nhũng thường là chất xúc tác của các phong trào. Nhưng trong thế kỷ 20, vấn nạn môi trường và bất công đã trở thành yếu tố mới và rất khẩn thiết trong các cuộc biểu tình và nổi loạn. Lịch sử gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy người dân hy vọng các phong trào sẽ đạt được những mục tiêu truyền thống và không phải lúc nào họ cũng bị thất vọng. Trong nhiều trường hợp, chính phủ trung ương cho phép người dân đánh bại chính quyền địa phương trước khi người của trung ương kéo vào. Giới chức và doanh nhân địa phương sẵn sàng bị đem ra làm vật tế thần, và hình phạt, có khi nặng nề, thường được tiến hành chóng vánh.
Phản ứng song đôi – vừa đàn áp thẳng tay nổi loạn, nhưng cũng thừa nhận bất mãn của dân – vẫn tiếp tục là mô hình cai trị ở Trung Quốc hiện đại cũng như phong kiến. Và điều đó duy trì một xu hướng trong người dân, đó là sẵn sàng hy sinh một thiểu số người hoạt động với hy vọng có sự chỉnh sửa cho đa số.
Chừng nào đây vẫn là thành tố hiến pháp trong chính trị Trung Hoa, thì nhu cầu phát triển định chế của một chính phủ tự do vẫn bị ngăn chặn. Và chính phủ Trung Quốc, trong mắt nhiều người, sẽ vẫn tiếp tục có vẻ bất ổn hơn so với thực tế.

Giáo sư Pamela Crossley nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Yale năm 1983, hiện dạy ở khoa Lịch sử của Đại học Dartmouth, tiểu bang New Hampshire, Mỹ. Bà từng nhận giải Levenson Prize of the Association for Asian Studies năm 2001. Cuốn The Wobbling Pivot, China since 1800 là tác phẩm mới nhất của bà.

.
.
.

No comments:

Post a Comment