Tuesday, July 12, 2011

THỰC LỰC QUÂN SỰ TRUNG QUỐC (Nguyễn Minh, Tokyo)


Nguyễn Minh
Thứ ba, 12 Tháng 7 2011 20:44

“...Mục đích xa của Trung Quốc là làm sao ngăn không cho hạm đội thứ 7 của Mỹ đến cứu Đài Loan. Trước đó Trung Quốc cũng muốn Nhật, Philippines, Việt Nam không leo thang giảm chạy đua quân sự với Trung Quốc...”
 --------------------------

Trong suốt hai tháng 6 và 7-2011, dư luận thế giới đã rất xôn xao về những hành vi khiêu khích của tàu bè Trung Quốc, như xâm phạm hải phận, cắt cáp dò tìm đáy biển, xét hỏi và bắt giữ ngư dân đánh cá trong hải phận nước họ, v.v., trên Biển Đông đối với Việt Nam và Philippines. Giới truyền thông và các quan sát viên quốc tế đang tìm hiểu nguyên do của những khiêu khích này.

Không ai tin rằng những gì vừa xảy ra trên Biển Đông là tình cờ. Chắc chắn hải quân Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch chiến lược nào đó để xác định vai trò chủ động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nghi vấn này càng được củng cố nếu nhìn lại những phô trương lực lượng của hải quân Trung Quốc từ năm 2010 đến nay trên Biển Đông Á.
Nhắc lại, trong tháng 3-2010, 6 chiến hạm của Trung Quốc đã tiến sát vào đảo Okinoshima, nằm giữa hải phận ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn để ra Thái Bình Dương. Một tháng sau (4-2010), một hải đoàn gồm 8 chiến hạm và 2 tàu ngầm khác tiến sát vào vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của đảo Okinoshima để tiến xuống vùng biển phía Nam. Qua năm sau, ngày 9/6/2011, một hạm đội gồm 11 chiến hạm trong đó có 3 tàu cứu trợ tàu ngầm, 3 khu trục hạm chở hỏa tiễn cấp Giang và 5 khu trục hạm và tuần dương hạm khác đi ngang qua lãnh hải Nhật giữa đảo lớn Okinawa và đảo Ishigaki hướng về phía đông Philippines.

Những hành vi xâm phạm vùng kinh tế đặc quyền của các nước khác trong vùng biển Đông Nam Á (Nam Hải) xảy ra một cách rất thường xuyên. Chẳng hạn như tàu Trung Quốc chất dụng cụ xây dựng trên đảo san hô Vành Khăn (Mishief) của Philippines, hay cắt cáp các tàu dò tìm đáy biển Bình Minh II và Vikinh II của Việt Nam trong vùng biển đặc quyền đã gây lên một làn sóng phẫn nộ lớn trong dân chúng Việt Nam và Philippines buộc các quốc gia ASEAN ra tuyên bố chung.

Tất cả những hành vi khiêu khích trên, dù của hạm đội hải quân hay của các tàu đánh cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của các tàu hải giám, cho thấy Bắc Kinh đang chuản bị một cái gì đó mà dư luận thế giới cho rằng đang củng cố lực lượng nhằm thống nhất Đài Loan, dự trù vào năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc (1921-2021).

Nhưng điều khiến dư luận quốc tế e ngại nhất là sự chuẩn bị bành trướng của Trung Quốc ra Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng biển phía nam (Nam Hải). Sự chuẩn bị này nằm trong kế hoạch mà "Sách trắng về quốc phòng, chiến lược quân khu mới và quá trình đạt đến các mục tiêu quốc phòng, quân sự của Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cho đến nay" dự trù thực hiện từ năm 2011 đến năm 2021.

Thấy gì qua Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2010 ?

Ngày 3/3/2011, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, đã trịnh trọng công bố trước thế giới Sách trắng về quốc phòng, chiến lược quân khu mới và quá trình đạt đến các mục tiêu quốc phòng, quân sự của Trung Quốc trong hai năm tới, từ 2011 đến 2012. Đây là sách trắng về quốc phòng thứ 7 được công bố. Cứ mỗi hai năm, từ 1998 đến nay, Bắc Kinh tu chính và công bố sách trắng quốc phòng mới của Trung Quốc. Đặc biệt lần này, Bắc Kinh công khai xác nhận gia tăng ngân sách quốc phòng lên 12,5% (2011) và nới rộng phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc ra vùng biển phía nam (Đông Nam Á).
Cùng lúc đó, giới quân sự Trung Quốc đã rất hãnh diện công bố thử nghiệm thành công chiến đấu cơ tàng hình Jen 20 và sẽ hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên Thị Lang (tên của đô đốc thủy quân đời Thanh) vào mùa hè này nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng cộng sản Trung Quốc nhằm đe dọa các nước làng giềng yếu bóng vía.

Thấy gì qua Sách trắng về quốc phòng, chiến lược quân khu mới và quá trình đạt đến các mục tiêu quốc phòng, quân sự của Trung Quốc năm 2010?
Có thể tóm tắt qua bốn ý chính sau đây:
1. Thế giới hiện nay đang trong thời kỳ biến đổi và điều chỉnh lớn;
2. Đây là thời kỳ hỗn tạp của uy hiếp có tính truyền thống và phi truyền thống;
3. Xây dựng một đất nước giàu và một quân đội mạnh (phú quốc cường quân) là ưu tiên hàng đầu của các cấp lãnh đạo;
4. Quân đội hùng mạnh nhờ khoa học kỹ thuật, đó là phương pháp canh tân quân đội hiện nay của Trung Quốc (khoa kỹ cường quân).

Về điểm một, chính quyền Hồ Cẩm Đào hiện nay xem Trung Quốc ở trong giai đoạn biến đổi lớn, trong vòng xoáy điều chỉnh lớn của thế giới. Các cấp lãnh đạo cộng sản Trung Quốc chống thực tiễn luận để nhìn trật tự quốc tế, sức mạnh quốc gia, tài nguyên khoáng sản, cuộc cạnh tranh giành tài nguyên hải dương giữa các nước lớn dưới danh nghĩa cạnh tranh chiến lược, giữa các nước tiên tiến và đang phát triển như một cuộc xung đột đầy mâu thuẫn làm dấy lên làn sóng chống đối bạo quyền đòi dân chủ và tự do thông tin từ cuộc cách mạng hoa lài Tunisia. Đây là những uy hiếp có tính phi truyền thống đến từ Bắc Phi, Trung Đông có thể lây lan và ảnh hưởng đến Trung Quốc.
Qua nhận thức này, các cấp lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cho rằng hiện nay Trung Quốc đang đối diện với sự uy hiếp có tính phức tạp, đa dạng. Cụ thể là Trung Quốc phải đối phó kịch liệt với cạnh tranh có tính chiến lược với Mỹ, vừa phải đối đầu với các mối nguy có tính phi truyền thống như các động loạn xã hội do khủng bố, cách mạng của đại chúng, hỗn loạn về thông tin, vũ khí hạch nhân có thể vào tay phiến loạn hay các thiên tai bất ngờ, v.v.

Về điểm hai, điều mà chính quyền Hồ Cẩm Đào sợ nhất là sự kết hợp và kích thích lẫn nhau giữa hai nguồn uy hiếp truyền thống và phi truyền thống hợp lại. Điều này có thể làm chao đảo nền tảng căn bản cầm quyền của đảng cộng sản, phá vỡ hệ thống (trích báo cáo hoạt động của chủ tịch Ngô Bang Quốc ở Hội nghị đại biểu toàn quốc ngày 10/3/2011). Nói cách khác, giới lãnh đạo Trung Quốc sợ nhất là một uy hiếp phi truyền thống bất ngờ nào đó đưa đến sự nghi hoặc đối với chính sách cầm quyền của Bắc Kinh khiến Mỹ có cớ để can thiệp.

Về điểm ba, chính sách xây dựng xã hội chủ nghĩa hài hòa - vốn là chính sách cơ bản từ khi chính quyền Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền sau đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 (2002) cho đến đại hội đảng lần thứ 17 (2007) - nêu lên: chuyển từ kinh tế lấy đầu tư làm chủ đạo đổi sang lấy tiêu thụ làm chủ đạo; chuyển qua mô hình tuần hoàn tiết kiệm năng lượng; kinh tế dựa vào giá trị phụ giá cao; xây dựng xã hội hài hòa để giải trừ khoảng cách biệt giàu nghèo; gia tăng cải cách một cách mạnh mẽ hơn bằng cách mở cửa.

Nhưng các chính sách trên đã không tiến hành theo đúng dự định. Khuyến khích tiêu thụ cá nhân ở Trung Quốc chỉ dẫn đến kết quả làm khoảng cách giàu nghèo mở rộng thêm, bất mãn xã hội gia tăng. Kết quả chỉ diễn biến qua các báo cáo hàng năm: về nhân quyền, Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt giam trái phép các nhà hoạt động dân chủ, các ký giả phê bình chính phủ với các phiên tòa bất công ngày càng gia tăng, việc người dân không có quyền tự do ngôn luận, đàn áp tôn giáo không hề giảm như ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton xác nhận.

Về điểm bốn, để đối phó với những tình thế phức tạp và uy hiếp đa dạng như trên, chính quyền Hồ Cẩm Đào chủ trương khai triển chính sách "phú quốc cường quân" và "khoa kỹ cường quân" trong quân đội. Từ sau đại hội thứ 17 (2007), các cấp lãnh đạo đã chủ trương: phải nghĩ một cách thống nhất xây dựng kinh tế và chỉnh bị quốc phòng. Phải thống nhất hai mặt phú quốc và cường quân.

Trước đó, từ 1998, cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân đã nêu lên chiến lược phát triển vượt bậc trên cơ sở giai đoạn 1, từ năm 2000 đến 2010, để có thể thắng trong một cuộc chiến tranh thời đại tin học. Việc nhấn mạnh vai trò của chiến đấu cơ tàng hình đời thứ 5 Jen 20, nâng pháo binh 2 lên vũ trụ quân trong tương lai tới việc tăng thêm binh chủng không gian thứ 5 (lục, hải, không, vũ trụ, mạng ảo) nằm trong cách làm kho kỹ cường quân, nhấn mạnh vào kỹ năng hệ thống mới của quân đội Trung Quốc.

Về phía Mỹ, bộ Quốc phòng xem vùng Biển Đông Nam Á, cũng như không gian mạng ảo, là tài sản chung của nhân loại (2/8/2011).

Chiến lược quân khu mới của Trung Quốc

Từ một vài năm trở lại đây, việc huấn luyện quân sự đang phổ cập ra toàn xã hội. Các cán bộ lãnh đạo kinh doanh ở các công ty, xí nghiệp nhà nước và tư doanh lớn đều được mời tham dự các khóa huấn luyện ngắn ngày về chiến lược quốc phòng do Đại học quốc phong Trung Quốc tổ chức. Mục đích nhằm tăng cường ý thức và năng lực quốc phòng của các thành hần ưu tú.

Lo ngại hơn là việc huấn luyện quân sự được đưa vào cả cấp dưới tiểu học. Tờ Quảng Châu nhật báo, số ra ngày 1-6-2011, cho biết ngày 31-5 vừa qua, các em bé trong một trường mẫu giáo đã đi tham quan một căn cứ quân sự của Quân Giải phóng và đã được huấn luyện quân sự một tiếng đồng hồ. Nhiều trường mẫu giáo khác ở Quảng Châu cũng bắt chước làm theo. Các học sinh trung tiểu học cũng được đưa vào học thêm các khóa huấn luyện quân sự ở Trường quân sự thiếu niên Trung Quốc. Hiện nay tổng số học sinh nhận được huấn luyện quân sự lên đến 20 triệu em. Điều này cho thấy Trung Quốc đang hướng dẫn xã hội theo hướng quân quốc chủ nghĩa, nghĩa là đang chuẩn bị chiến tranh.
Chủ trương này không tình cờ, nó nằm trong sách lược cải tổ sâu rộng các khu vực quốc phòng trên toàn quốc từ 4 năm qua. Bộ quốc phòng Trung Quốc đã phế bỏ một cách tiệm tiến 7 đại quân khu đã có từ thời Mao Trạch Đông để chỉ còn 5 quân khu, trong đó 4 quân khu chiến lược địa phương đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân khu trung ương. Sự phân chia các quân khu chiến lược mới đã vượt qua sự chia cắt khu vực địa lý cũ để thích nghi với quy hoạch chiến lược chung của thế giới, Nội Mông đến Singapore, từ biên giới Triều Tiên đến Tây Tạng. Trong sự phân chia này, với sự áp dụng những loại vũ khí điện tử tinh khôn, bộ binh không còn là lực lượng chủ lực trong tấn công của tổ chức quân đội hiện đạiawj

Một cách tổng quát, các khu chiến lược mới của Trung Quốc được xếp theo thứ tự như sau:
1.  Khu chiến lược phía Bắc, hình thành từ hai đại quân khu Thẩm Dương và Nội Mông cũ, giáp ranh với Mông Cổ và Bắc Triều Tiên, đảm nhiệm những vai trò đối ứng chính với các nước Bắc Mỹ, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Vì Trung Quốc xem Nga không phải là địch thủ chính cũng chẳng phải là đồng minh nên tạm xếp ngoài quốc gia đối ứng.
Khi có biến, các đơn vị trực thuộc quân khu này có nhiệm vụ bảo vệ Bắc Kinh, công tác chính là nghênh kích những phi đạn, hỏa tiễn bắn từ Mỹ qua Bắc Cực đến Trung Quốc. Khu vực Thiên Tân của khu trung ương sẽ biến thành tuyến phòng thủ thứ nhất. Nếu được Nga cung cấp những loại radar mới nhất, quân khu này có thể nâng cao năng lực sớm phát hiện phi đạn hỏa tiễn của Mỹ.
Ngược lại, từ quân khu này các lực lượng pháo binh 2 có thể tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạch nhân, nhiều dàn hỏa tiễn liên lục địa tầm xa và tầm trung bình đã được chôn sâu dưới lòng đất dọc theo khu vực biên giới Nội Mông, dài trên 500 km.
Khi có biến trên bán đảo Triều Tiên, tỉnh Liêu Ninh trở thành tuyến 1 của Trung Quốc, Khiết Lâm thành tuyến hậu cần, còn Hắc Long Giang và Nội Mông sẽ trở thành hậu phương lớn.

2.  Khu chiến lược phía Đông, gồm các đại quân khu Nam Kinh và hạm đội Đông Hải, không quân, pháo binh 2 (bộ đội hỏa tiễn chiến lược), bộ đội cảnh sát vũ trang, có vai trò tấn công hay khống chế hải và không quân Nhật Bản và Nam Hàn khi có biến. Nằm giữa tuyến phòng thủ phía đông này là các tuyến phòng không và tuyến phòng vệ vũ trụ.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chủ trương thềm lục địa Trung Quốc kéo dài đến Vực thẳm Okinawa (sâu 2000 m) nên trên nguyên tắc không công nhận đường trung gian Nhật-Trung. Chủ trương một chiều cho rằng vùng biển Lưu Cầu thuộc Biển Đông Trung Quốc làm Nhật phiền lòng. Nhưng đối tượng quan trọng nhất của khu chiến lược này chính là Đài Loan. Chiến dịch quân sự với Đài Loan sẽ do khu chiến lược này hợp đồng tác chiến với khu chiến lược phía nam.

3.  Khu chiến lược phía Nam, rộng lớn nhất trong các khu chiến lược, nhất là vùng hoạt động của hải quân Trung Quốc, bao gồm:
Trên đất liền, đại quân khu Quảng Châu và các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, phụ trách từ bán đảo Đông Dương qua Thái Miến đến bán đảo Mã Lai.
Trên biển, khu chiến lược này phụ trách biển Đông Nam Á (Nam Hải) và các vùng ven biển lân cận Philippines, Brunei, Malaysia, Singapore, kể cả một bộ phận của Indonesia, eo biển Malacca cho đên Ấn Độ Dương. Bắc Kinh xem vùng này là vùng quyền lợi cốt lõi của mình giống như Đài Loan và Tây Tạng. Khu chiến lược này vì thế quyết định hướng phát triển của Trung Quốc có thể đến được Ấn Độ Dương hay không, Trung Quốc có thể làm chủ được Tây Thái Bình Dương trong tương lai xa hay không. Đỉnh điểm của mục tiêu chiến lược này là giải phóng Đài Loan năm 2021.
Để mở rộng vòng ảnh hưởng sang những vùng đất ngoài Trung Quốc, khu chiến lược này đang giữ một sứ mệnh quan trọng nhất là thăm dò phản ứng của các quốc gia quanh biển Nam Hải (Biển Đông) trong việc truy tìm và chiếm hữu tài nguyên nhiên vật liệu dưới lòng biển.
Lực lượng tác chiến chủ lực của quân khu này bao gồm hạm đội Nam Hải, không quân, pháo binh 2, bộ đội cảnh sát vũ trang.

4.  Khu chiến lược phía Tây, gồm các đại quân khu Thành Đô cũ (trừ Vân Nam và Quý Châu) và đại quân khu Lan Châu.
Đây là một vùng đất rộng lớn bao gồm hai vùng dân tộc phi Hán quan trọng là Tân Cương và Tây Tạng. Đối tượng hướng ngoại của khu chiến lược này là Ấn Độ và Trung Á.
Vốn là khu vực bất tiện về giao thông nên Trung Quốc đang tiến hành gấp kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt để sử dụng trong trường kỳ khi có biến. Kế hoạch về hai đường sắt Thanh Hải và Tây Tạng đang được thực hiện. Vì khu chiến lược này nối liền với Trung Á với kế hoạch nối đường sắt với Iran, Turkey nên tiềm năng của khu chiến lược này rất lớn.

5.  Khu trung ương. Đây là khu chiến lược phòng vệ thủ đô, kết hợp chủ yếu của hai đại quân khu Bắc Kinh và Tế Nam cũ và được tăng cường thêm tỉnh Hồ Bắc từ quân khu Quảng Châu và Hạm đội Bắc Hải. Lực lượng tác chiến chính của quân khu này các đại đoàn 38 và 54, liên đoàn dù 16 và lực lượng bộ binh thuộc quân ủy trung ương. Bộ đội dự bị chiến lược cũng nằm ở đây trong trường hợp hữu sự sẽ được tung ra để trợ giúp các khu chiến lược khác.
Vùng Bắc Kinh, Thiên Tân tập trung các cơ quan đầu não của quân phòng không, các đơn vị bảo vệ hỏa tiễn, vũ khí hạch nhân, vũ khí hóa học. Điểm nổi bật của quân khu này là nắm giữ quyền quản lý và chế ngự điện từ ba (vi ba), quyền quản lý chế ngự thông tin truyền thông (internet). Nó cũng là nơi đặt trung tâm quân chế trên đất liền của bộ đội vũ trụ. Trong tương lai, khu trung ương sẽ nắm quyền kiểm soát khi bộ đội cơ động hàng không mẫu hạm được thành lập.

6.  Các bộ tư lệnh liên hợp. Mỗi binh chủng chủ lực hải lục không quân, kể cả bộ đội pháo binh 2, có bộ chỉ huy riêng, tất cả đạt dưới quyền kiểm soát và chỉ huy của bộ tư lệnh liên hợp ở trung ương. Mỗi khu chiến lược có bộ chỉ huy liên hợp khu chiến lược và trong các khu chiến lược được tổ chức thành các tiểu ban do các bí thư tỉnh ủy các tỉnh trong khu chiến lược hợp thành. Nhưng bí thư của các tiểu ban này lại do quân ủy trung ương phái xuống. Điều này nhằm để chỉ đạo thống nhất các sự vụ về quân sự, động viên quốc phòng, các cuộc thương thảo về biên giới với các nước xung quanh. Các tiểu ủy ban này được giao cho quyền hạn đối xử khẩn cấp với tình thế hiểm nghèo.
Cách phân chia từ 7 đại quân khu ra thành 4 quân khu chiến lược với vai trò to lớn của trung ương đúng là một sự cải cách toàn diện mới nhất của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên cuộc biểu tình và bạo loạn cuối tháng 5/2011 của gần 10 000 người lao động làm thuê đến từ vùng dân tộc ít người Tây Tạng, Tân Cương của tỉnh Tứ Xuyên ở Quảng Châu đã không được xử lý sớm vì có sức bất đồng giữa bí thư đảng ủy Quảng Đông là Chu Dương và bí thư mới của tiểu ban khu chiến lược phía nam. Các bất đồng này có thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa những người và cơ chế quản lý và làm tê liệt mọi phản ứng trước những sự kiện ở biển Đông Nam Á.

Mục tiêu của các cải cách quốc phòng Trung Quốc

Từ năm 1985 đến 1987, Đặng Tiểu Bình đã từng hô hào cải cách và canh tân quân sự trong mục tiêu tài giảm một triệu lính. Từ đó đến nay quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều cải cách . Đều nhắm đến việc cấu trúc một hệ thống nhằm nâng cao năng lực tác chiến trong một cuộc chiến tranh có hạn định và nâng cao chất lượng của trong việc sử dụng vũ khí hạch nhân chiến lược. Điều này đã được triển khai theo một kế hoạch đầy tham vọng để tiến ra biển khơi và tiến lên vũ trụ của Trung Quốc.
Qua những cải cách này, binh pháp chiến tranh nhân dân với chiến thuật biển người nướng quân do Mao Trạch Đông chủ trương trở nên lỗi thời. Chiến thuật biển người, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bị thiệt hại nhân mạng cao để đạt chiến thắng. Nó đã thành công khi đánh đuổi Tưởng Giới Thạch ra khỏi lãnh thổ, nhưng thất bại trong chiến tranh Triều Tiên. Ngày nay, với những loại vũ khí giết người hàng loạt (hạch nhân, hóa học, vi trùng và siêu âm), chiến thuật này không còn hiệu nghiệm.

Trong những năm 1950, Trung Quốc theo mô hình của Liên Xô, đã nhận viện trợ của Liên Xô để cận đại hóa quân đội. Nhưng từ khi Trung Quốc để lộ ước muốn chế tạo đầu đạn hạch nhân thì bị Liên Xô phản đối và cúp viện trợ. Trong thực tế cả Mỹ và Liên Xô đã cố ngăn chặn Bắc Kinh trong việc khai thác vũ khí hạch nhân. Chẳng hạn vào năm 1964, hay tin Trung Quốc sắp khai thác vũ khí hạch nhân, chính quyền Johnson liền lên kế hoạch: một là tấn công trung tâm thử vũ khí hạch nhân Trung Quốc bằng phi cơ, hai là tấn công bằng bộ đội đặc công và ba là tấn công bằng quân nhảy dù. Còn Liên Xô vào năm 1970 đe dọa đem một triệu quân áp sát biên giới Xô Trung, nhưng trước quyết tâm của Mao Trach Đông sẵn sàng chấp nhận chết một nửa dân số nếu xảy ra chiến tranh, tất cả đều không thực hiện.
Qua những đợt cải cách quốc phòng trong suốt 60 năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc chế tạo các loại vũ khí giết người hàng loạt và ngày nay thuộc vào hạng các quốc gia đứng đầu về sản xuất các loại vũ khí giết người hàng loạt. Từ tháng 10/1964 Trung Quốc thí nghiệm thành công bom nguyên tử rồi đến tháng 9/1966 thí nghiệm thành công bom khinh khí.

Tháng 4/1970 Trung Quốc bắn thành công vệ tinh vũ trụ. Hỏa tiễn bắn vệ tinh nay đến xạ trình 2000 km nhưng phải 10 năm sau, vào tháng 5/1980, Trung Quốc mới khai thác được hỏa tiễn bắn nhiều đầu đạn (3 vệ tinh được bắn lên cùng một lúc với một hỏa tiễn). Phải chờ đến năm 1982, Trung Quốc mới thành công trong việc bắn đầu đạn nguyên tử từ tàu ngầm và năm 1983 bắn thành công lên vũ trụ vệ tinh thông tin.

Về hỏa tiễn, từ 1990 đến nay, Trung Quốc đă lần lượt thử nghiệm thành công các sản xuất các loại loại hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và tầm xa có khả năng chở đầu đạn hạch nhân. Hỏa tiễn Đông Phong 5 (DF5) bắn xa 12000 km, có thể đến Washington hay New York. Hỏa tiễn Đông Phong 31A, với cự ly ngắn hơn nhưng có thể bắn di động, được bố trí hướng về Nhật và các nước xung quanh Trung Quốc. Riêng loại hỏa tiễn cự ly trung bình Đông Phong 21 được bố trí để nhắm vào Đài Loan và có thể bắn từ các loại tiềm thủy đỉnh. Các loại cự ly ngắn hơn như Đông Phong 17 (cự ly 300 km) và Đông Phong 15 (cự ly 600 km) được đặt hướng về Đài Loan.
Cho đến nay Trung Quốc đã bắn khoảng 100 vệ tinh lên vũ trụ, do đó Trung Quốc đã đạt được mức bắn hỏa tiễn rất chính xác.
Sau lần giảm binh bị 1985, bớt 1 triệu lính, vào 1997, Giang Trạch Dân quyết định giảm thêm 50 vạn lính. Năm 2005, Hồ Cẩm Đào giảm thêm 25 vạn quân nữa. Từ số 4 triệu quân năm 1980, quân số chính thức của Trung Quốc chỉ còn 2,3 triệu được phân bố cho các binh chủng cùng các loại vũ khí như sau:

1.  Bộ đội pháo binh 2 (bộ đội hỏa tiễn hạch nhân chiến lược): 27 lữ đoàn được tranh bị các loại hỏa tiễn liên lục địa DF-31: 12 dàn, DF-31A: 24 dàn; hỏa tiễn đầu đạn cự ly trung DF-21: 80 dàn, DF-21C: 36 dàn.

2.  Lục quân (1,6 triệu quân) được tranh bị: chiến xa chủ lực T-96, T-98A, T-99, T-59; thiết giáp xa: 2950 chiếc gồm ZBD-03, ZBD-04/ 05, T-92 và T-92A; xe vận chuyển cơ giới: 2700 chiếc; súng phóng lựu liên hoàn, súng tự động PHL-03 (3000 mm), WS-2, WS-2D (400 mm), xe kéo T-63 (107 mm); trực thăng công kích Z-9w1: 100 chiếc, Z-9w: 26 chiếc, W2Z-10: 10 chiếc.

3.  Hải quân (255 000 quân): tàu ngầm nguyên tử cấp Tấn: 2 chiếc, đang đóng 3 chiếc; tàu ngầm diesel cấp Minh: 20 chiếc, cấp Tống: 13 chiếc, cấp Nguyên: 4 chiếc; khu trục hạm, tuần dương hạm với hỏa tiễn hạm đối không (cài tạo lớn từ cấp Lữ Thuận): 13 chiếc, hỏa tiễn đối hạm cấp Lữ Thuận cũ: 65 chiếc; tuần dương hạm cấp Giang Kha: 7 chiếc; tàu đổ bộ loại trung: 9 chiếc, tàu há mõm: 1 chiếc; thủy quân lục chiến: 2 lữ đoàn, chiến xa loại nhẹ: 124 chiếc, xe thiết giáp: 248 chiếc.

4.  Không quân (300 000-330000 quân): máy bay tác chiến: 1687 chiếc, chiến đấu cơ: 986 chiếc (J-10: 144 chiếc, J-11: 144 chiếc, Sukhoi-27SK: 22 chiếc); máy bay oanh tạc J-11B: 24 chiếc; máy bay báo động sớm KJ-200: 4 chiếc.

Trong việc hiện đại hóa quân đội vì hải quân trước đây ưu tiên sau cùng chừng 11 năm này mới chiếm thế thượng phong với các mục phô trương thế lực ở Hoàng Hải, biển Đông Trung Hoa và Nam Hải (Đông Nam Á). Riêng việc Trung Quốc xem vùng biển Tam Giác bán đảo Điền Chia, đảo Hải Nam và quần đảo Nam Sa là vòng đai phải tranh thủ để bao vây Đài Loan nên cách gọi lợi ích cốt lõi để nắn gân các nước trong vùng.
Mục đích xa của Trung Quốc là làm sao ngăn không cho hạm đội thứ 7 của Mỹ đến cứu Đài Loan. Trước đó Trung Quốc cũng muốn Nhật, Philippines, Việt Nam không leo thang giảm chạy đua quân sự với Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc có toàn quyền gia tăng binh bị, hạm đội Trung Quốc có toàn quyền ra vào vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Đe dọa chiến tranh trên Biển Đông là điều có thật, Trung Quốc đang chờ Nga giao tàu sân bay chở trực thăng trước tháng 12 năm nay để gia tăng áp lực quân sự trên Biển Đông trong ý đố chiếm hữu những hải đảo và mõm đá có nhiều tiềm năng khoáng sản dưới lòng biển.

Hãy chuẩn bị mọi khả năng với con khủng long to xác và xấu tính.

Nguyễn Minh
(Tokyo)
.
.
.

No comments:

Post a Comment