Monday, July 11, 2011

THÁI ĐỘ & CHẾ ĐỘ (Tưởng Năng Tiến)



Tưởng Năng Tiến
Thứ Sáu, 08/07/2011

Bữa trước, tôi nghe ông Nguyễn Hưng Quốc cằn nhằn:
Chỉ duy có một điểm chung nhất, ở tất cả các phi truờng tại Việt Nam, từ quốc tế đến quốc nội: đó là gương mặt lạnh lùng, vô cảm của các nhân viên hải quan. Đặt chân đến các nuớc khác qua ngả hàng không, điều chúng ta bắt gặp đầu tiên có thể là một nụ cuời. Ở Việt Nam thì không. Tuyệt đối không. Gương mặt nào cũng lạnh tanh. Ánh mắt nào cũng lạnh tanh. Không khí chung quanh lạnh tanh.

Qua bữa sau, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng càm ràm (y chang) như vậy:
Phong cách phục vụ của tiếp viên, của cơ trưởng, và vệ sinh trên máy bay có lẽ nói lên một thực tế rằng Vietnam Airlines còn kém rất xa so vói các hãng hàng không nước láng giềng...
Nhìn qua cách họ đưa cái khăn, đến cách nói, hành khách cũng có thể cảm nhận rằng những người tiếp viên này không yêu nghề, hoặc yêu nghề mà không nói đuợc tiếng Việt (chứ chưa nói đến tiếng Anh). Họ làm một cách miễn cưỡng, làm cho có làm. Và, chả bao giờ thấy nàng cuời.

Lần cuối, tôi có dịp đi máy bay – ở đất nước mình – vào cuối năm 1974, trên một chiếc DC-6, cất cánh từ Tân Sơn Nhất. Hôm đó, cận Giáng Sinh – trời nhiều gió – lao đao mãi chiếc máy bay 4 cánh quạt mới đáp xuống được phi trường Liên Khương, Đà Lạt.
Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của những bụi quỳ vàng man dại bên phi đạo, và mấy tà áo xanh quấn quýt trong gió lộng của mấy cô tiếp viên nhỏ nhắn, dưới cánh bay. Họ đứng tiễn khách với nét mặt hơi mỏi mệt nhưng vẫn giữ được nụ cười tươi tắn.
Rồi đời, chẳng may, phải lâm vào cảnh phải tha phương cầu thực. Tôi phiêu bạt trên nhiều chuyến bay khác, qua vô số những phi trường khác, ở khắp mọi nơi nhưng nơi đâu cũng cảm thấy là mình (hơi) lạc lõng. Tôi vẫn cứ thương hoài nụ cười xinh tươi của những cô hôtess de l’air Việt Nam, giữa núi đồi Tây Nguyên, vào buổi chiều hôm đó.

Từ buổi chiều đã xa lắc xa lơ đó, cho tới chiều nay – tính rẻ ra – cũng cỡ bốn mươi năm. Biết bao nhiêu là nước sông, nước suối, nước mắt, nước mưa... đã (ào ạt) chẩy qua cầu, và qua cống. Thời gian qua, điều gì đã biến cảnh phi trường ở đất nước tôi thành những nơi chỉ có ánh mắt và khuôn mặt “lạnh tanh” như thế?

Và nụ cười của người dân Việt, theo tường thuật của ký giả Quảng Hạnh (Phụ Nữ Today, 07/03/ 2011) đã trở nên hiếm hoi ở khắp mọi nơi:
Các chuyên gia kinh tế dạy, DN muốn thành công, nụ cười phải được lập trình sẵn trong mọi công đoạn, từ tiếp thị, bán hàng, đến hậu mãi. Và để có nụ cười ấy, thiện ý tôn trọng khách hàng phải xuất phát từ trái tim, trở thành nguyên tắc sống còn trong kinh doanh.
Người Trung Hoa thì đúc kết:’Người nào không biết mỉm cười, chớ nên mở tiệm’. Còn Hải quan Malaysia, luôn gắn trên ve áo khẩu hiệu ‘Phục vụ khách với nụ cười’. Và Kuala Lumpur đón tới 25 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Nụ cười là phong cách kinh doanh của những doanh nhân giỏi, những thương hiệu lớn. Buồn nỗi bán - mua ở Việt Nam, sao hiếm thấy nụ cười...

Nỗi buồn này, ở Việt Nam, có nhiều nguyên đặc thù nhưng dường như không được mấy ai chia sẻ và thông cảm. Coi:
- Làm ăn ở một xã hội mà kinh tế quốc doanh làm chủ đạo thì nụ cười không hẳn đã cần cho “phong cách kinh doanh của những doanh nhân giỏi.”
- Ở một đất nước hoàn toàn Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc thì chuyện cười đùa e không thích hợp, rất dễ bị hiểu (lầm) là có ý xỏ xiên, hoặc mỉa mai chi đó. Tù tội như không, chớ đâu phải giỡn, mấy cha.

Tự bản chất, dân Việt (chắc) không hà tiện nụ cười đâu. Họ chỉ cười không được (hay không nổi) nữa mà thôi. Câu hỏi (thật sự) cần phải đặt ra là người Việt đã đổi tính, và thôi cười tự lúc nào cà?

Sự kiện này được nhà văn Phùng Cung ghi nhận (rất sớm) qua một nhân vật trong truyện của ông:
Bà Khuê từ một nguời nhanh nhảu, vui tính, hiền dịu, dần dần trở nên kí cảu, có lúc nặng lời, thậm chí tục tỉu, nghĩ lại và tự thấy nguợng ngùng. Cái môi truờng sinh sống nó quan trọng thật! Nó nhẹ nhàng vần đi, vần lại, biến đổi, phân hóa, nó kiểm dấu chìm, dấu nổi giai cấp lên chỗ dễ tìm thấy, lên mặt từ già lão đến trẻ thơ!” [Phùng Cung. “Mộ Phách.” Truyện Và Thơ (Chưa Hề Xuất Bản). Văn Nghệ: California, 2003].

Truyện ngắn Mộ Phách viết về cuộc đời của một đôi vợ chồng (Kép Chản và Đào Khuê) trong giai đoạn mà người Việt bị cấm cản ca trù, phải đập đàn và chôn phách. Nhà phê bình văn học Thụy Khuê nhận xét rằng:
Mộ Phách là tiếng khóc tiễn đưa thi ca, âm nhạc về bên kia thế giới trong một thời mà nghệ thuật đích thực bị xử lý như một phạm nhân, qua đó là sự tàn phá nền văn hoá cổ dân gian, thời Cách mạng tháng Tám.

Tôi trộm nghĩ thêm rằng Mộ Phách không chỉ là ”tiếng khóc tiễn đưa thi ca, âm nhạc về bên kia thế giới” mà còn là tiếng cú báo hiệu sự mất mát của những nụ cười bình dị, trong đời sống bình thường, của người dân Việt.

Cùng với Chiến Dịch Bài Trừ Văn Hóa Phong Kiến là Chương Trình Cải Cách Ruộng Đất. Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Hồ Chí Minh cho biết:
"Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ.

Sự thực, xem ra, khác xa với lời tuyên bố “chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình” của ông Hồ. Cách “chiếu cố” của Nhà Nước và Đảng của ông đã giết chết hàng vạn lương dân và làm tan nát nông thôn miền Bắc.

Rồi tiếp theo ngay sau đó là cuộc chiến giải phóng miền Nam :
Trại lính, trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba...
Trẻ con đói, xanh như tàu lá.
Cày bừa phụ nữ đảm đang.
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng.
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ.
Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui!

Và sau khi cái loa hân hoan thông báo miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng thì nụ cười cũng dần biến mất ở nửa phần quê hương còn lại:
… không biết từ lúc nào, chị quên tuốt luốt những câu đùa duyên dáng tạo niềm vui cho chồng con, chị cũng quên luôn những công việc nho nhỏ tạo niềm vui cho chính mình, dậy cho con Thành làm toán, dậy thằng Công đánh vần chẳng hạn. Mà chỉ mình chị vậy thôi sao, anh Được càng lúc càng lầm lì, đã ít nói còn sanh thêm gắt gỏng” (Võ Hoàng. Trong Lòng Cách Mạng. Nhân Văn: California, 1983).

Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Nhân văn, tập truyện Trong Lòng Cách Mạng sẽ “dẫn người đọc vào một thế giới rất Việt Nam, một Việt Nam cùng quẫn sau 1975 trong vòng cây của bạo lực, kể từ cuộc đổi đời bi thảm.”

Vấn đề không ngừng ở chỗ xã hội thiếu vắng nụ cười, hay thái độ lạnh lùng và vô cảm. Với thời gian, theo cách nói của đạo diễn Song Chi, người Việt còn bị “tàn phá về mặt tâm hồn và nhân cách”:
Ngày càng nhiều những vụ xô xát, án mạng với tính chất ngày càng man rợ mà nguyên nhân nhiều khi chỉ vì va chạm nhau trên đường, vì nạn nhân lỡ ‘nhìn đểu’ nên bị đâm cho bõ ghét hay một câu nói, một món nợ tiền bạc rất nhỏ…Chứng tỏ sự bức xúc, tức tối xã hội bị dồn nén bên trong, không biết làm cách nào để giải quyết, gặp dịp thế là bùng phát thành tội ác.
Tất cả những điều này cho thấy tâm hồn con người VN nói chung không được bình yên, không thư thái, thậm chí bất mãn đối với cái xã hội mà họ đang sống. Nó cũng cho thấy đạo đức, nhân cách, những phẩm chất tốt đẹp của con người VN đang bị hủy hoại một cách đáng ngại.
Xây dựng lại một đất nước bị tàn phá về kinh tế đã khó, nhưng xây dựng lại một xã hội trong đó con người bị méo mó, lệch lạc,tàn phá về mặt nhân cách, tâm hồn, sẽ khó hơn rất nhiều."

Xem như thế, ngó bộ, còn rất lâu chúng ta mới có thể tìm lại được nụ cười. Và điều cần để “khôi phục” lại con người bình thường nơi dân tộc Việt không chỉ là sự thay đổi thái độ mà còn là chế độ. Cứ tiếp tục mô hình XHCN hiện nay thì sẽ Xuống Hố Cả Nút, về mọi mặt chứ không riêng gì nhân cách.
Tưởng Năng Tiến
.
.
.

No comments:

Post a Comment