Friday, July 15, 2011

PHẢI ĐỘC LẬP VỀ TƯ TƯỞNG (Ngô Nhân Dụng)


Thứ Sáu - 15 Tháng 7, 2011

Ông Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên phụ trách về đối ngoại trong Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc có lần viết rằng nước ông không bao giờ có chính sách xâm chiếm các nước khác.
Ðọc xong ai cũng phải bật cười. Không riêng gì người Việt Nam mà người Tây Tạng, người Uyghur, người Cao Ly (Hàn Quốc), người Mông Cổ, Mãn Châu và Ðài Loan, nếu học sử đều biết đất nước họ đã từng bị người Hán tấn công, chiếm đóng, khai thác, bóc lột rất nhiều lần. Thời gian mà nhà Ðường chiếm nước ta, đặt tên là An Nam thì họ cũng gọi tên Hàn Quốc là An Ðông. Trong các nhóm người này, hiện giờ chỉ còn những dân tộc Việt và Hàn còn đứng riêng chưa bị nuốt vào trong bụng Trung Quốc.

Cái tên Trung Quốc được dùng từ thời nhà Chu, trong sách Mạnh Tử ông nhiều lần nói đến tên này; mà trong thời Chiến Quốc ông sống thì những vùng phía Nam Trường Giang (thường gọi là sông Dương Tử) vẫn chưa thuộc Trung Quốc. Cái tên này chỉ là một danh từ địa lý chứ không phải tên một quốc gia; cho tới khi Tôn Trung Sơn lập Trung Hoa Dân Quốc nó mới thông dụng. Trước đó, để gọi tên nước Trung Hoa người ta chỉ dùng tên của các triều đại, gọi là nước Hán, nước Ðường, nước Tống, vân vân. Ông Tôn Trung Sơn người Quảng Ðông, thời xưa không thuộc vùng đất gọi là Trung Quốc. Nhưng người Tây Tạng, người Mông Cổ ngày nay không ai muốn bị gọi là người Trung Quốc.
Người Uyghur không may mắn như vậy. Họ vốn là một dân tộc hùng cường và văn minh, thuộc giống Turk. Họ cũng dũng mãnh như người Mông Cổ, đã từng làm chủ soái các bộ lạc du mục khác ở phía Bắc nước Tầu. Ðời Ðường gọi họ là Hồi Hột nhưng bị họ phản đối, đổi thành Hồi Cốt, đời Nguyên gọi là Duy Ngô Nhĩ, cho tới bây giờ. Họ đã đặt ra chữ viết riêng trước các bộ lạc du mục khác. Khi Thành Cát Tư Hãn đặt ra những đạo luật đầu tiên cho cả đế quốc Mông Cổ, ông đã phải dùng chữ Uyghur để ghi chép. Ðời Nguyên Thế Tổ, ông nhờ các vị lạt ma thông thái đặt ra một lối viết riêng, thống nhất ngôn ngữ Mông Cổ. Nhưng ngày nay, người Uyghur chịu thân phận làm một giống dân thiểu số trong tỉnh Tân Cương, lâu lâu lại nổi lên chống chính sách đồng hóa của Cộng Sản Trung Quốc và bị đàn áp tàn nhẫn.

Hai dân tộc rất dũng mãnh ở Mãn Châu và Mông Cổ đã từng xâm chiếm và thống trị nước Tầu một cách tàn bạo, nhà Nguyên kéo dài cả trăm năm, nhà Thanh gần bốn trăm năm. Hai triều đại đó đã góp công mở mang ảnh hưởng của Trung Quốc, nhà Nguyên chiếm thêm Ðại Lý và suýt nữa thì chiếm cả Việt Nam; nhà Thanh thì chiếm lấy Tây Tạng, xóa bỏ bản hiệp ước mà vua nhà Ðường công nhận Tây Tạng độc lập vào thế kỷ thứ 8. Người Mông Cổ đã chinh phục một vùng rộng lớn, kéo dài từ Cao Ly, bán đảo Sơn Ðông, qua các nước Hồi Giáo ở Trung Á, cho tới sông Volga, Kiev (Ukraina bây giờ), tới tận Hungary, Ba Lan, về phía Nam tiến xuống tới Syria, trước khi diệt nhà Tống chiếm nước Tầu. Khi Kublai, thường gọi là Nguyên Thế Tổ, chuyển kinh đô của ông từ Karakurum về Bắc Kinh vì thế lực của ông ở cố đô không mạnh bằng người anh họ, ông ta đã mở đầu một quá trình tự đồng hóa, biến người Mông Cổ thành người Trung Quốc, mặc dù trong triều đình ông chỉ dùng các vị thượng thư gốc Mông Cổ, hoặc người Tây Tạng, Uyghur, Á Rập, Thổ, tuyệt nhiên không dùng người Trung Hoa. Người Mông Cổ còn may mắn giữ được một mảnh đất ngoài xa, đất đai khí hậu người Trung Hoa không chịu nổi, bây giờ mang tên nước Mông Cổ. Còn người Mãn Châu thì hoàn toàn bị đồng hóa.

Trung Quốc không phải là một dân tộc. Trên căn bản, đó là một đế quốc, bao gồm rất nhiều dân tộc. Mỗi lần uy quyền trung ương tan rã, các mảnh đất thuộc Trung Quốc hoặc bị các đế quốc khác chiếm, hoặc tự tuyên bố lập thành quốc gia riêng. Vì không có ý thức dân tộc, ít nhất cho tới thời Dân Quốc, người dân Trung Hoa có thể chịu sống dưới các chính quyền ngoại quốc, như những thời Nam Bắc Triều kéo dài nhiều thế kỷ mà miền Bắc do các giống dân từ phương Bắc kéo xuống cai trị, hoặc thuộc vào nước Liêu (từ Mãn Châu), nước Kim, đế quốc Mông Cổ, hoặc triều đình Mãn Thanh,vân vân.

Ngay bây giờ, nhiều người dân ở Quảng Ðông vẫn nuôi lòng hoài cổ, muốn nghiên cứu để xác nhận và phục hồi một nền văn hóa Nam Việt, nhất là sau khi người ta tìm ra ngôi mộ của vị vua nước Nam Việt thấy cái ấn tín viết Văn Ðế Hành Tỷ. Tức là ông vua, cháu nội Triệu Ðà, vẫn tự xưng mình là Ðế, mặc dù trong sử Tầu viết rằng ông đã chịu thần phục hoàng đế nhà Hán, chịu nhận chỉ phong Vương mà thôi. Trong ngôi mộ này, ngoài cái triện đó người ta không thấy chữ Hán, các hình trang trí cũng khác hẳn lối người Hán ở phương Bắc. Tới thế kỷ thứ 10, người Quảng Ðông vẫn lập ra một nước riêng, gọi là Nam Hán, đã từng nuôi mộng độc lập. Tỉnh Vân Nam cho tới thế kỷ thứ 12 vẫn là một quốc gia độc lập, trước gọi là Nam Chiếu, sau họ Ðoàn đổi tên là Ðại Lý; cho tới khi Kublai, một cháu nội của Thành Cát Tư Hãn sai quân Mông Cổ đánh chiếm và đặt quan cai trị. Chưa đầy một ngàn năm, bây giờ thì những người dân Quảng Ðông, Quảng Tây và Vân Nam tự nhận họ là người Trung Quốc mà không thắc mắc gì cả.

Chúng ta phải tự hỏi tại sao đế quốc Mông Cổ đã từng hùng mạnh và rộng lớn như vậy mà lại tàn tạ sau một trăm năm, còn đế quốc Trung Hoa tồn tại cho tới bây giờ? Nền tảng tồn tại của đế quốc đó chính là nền văn minh Trung Hoa. Cũng vậy, đế quốc Hồi Giáo thành hình từ thế kỷ thứ 7, mặc dù bây giờ đã tan rã nhưng vẫn còn để lại một nền văn minh Hồi Giáo kéo dài từ Bắc Phi sang tới Indonesia. Văn minh Hồi Giáo dựa trên một tín ngưỡng. Văn minh Trung Hoa dựa trên cách tổ chức xã hội, gồm một nền luân lý (Khổng Giáo) và một chế độ chính trị tập quyền do Tần Thủy Hoàng thiết lập. Từ đời Hán, tuy các triều đại vẫn bài xích Tần Thủy Hoàng nhưng trong thực tế họ vẫn sử dụng các thuật trị quốc của Pháp Gia (Nội Nho, Ngoại Pháp, hoặc nói ngược lại cũng được!) Ðế quốc Mông Cổ chấp nhận tất cả các tôn giáo. Ðạo luật của Thành Cát Tư Hãn lập ra cho một xã hội du mục, không đủ để duy trì trật tự trong đám dân định cư, phương tiện giao thông thô sơ không đủ để nối liền những vùng đất kéo dài từ Âu sang Á. Ðến đời các cháu nội của Thành Cát Tư Hãn thì đã có một người cải theo đạo Hồi và liên kết với đạo quân Ai Cập chống lại anh em mình, một người khác tự biến thành người Trung Hoa để sử dụng phương pháp cai trị của họ! Cuối cùng, một đế quốc hùng mạnh như Mông Cổ mà biến mất chỉ vì đã tự đồng hóa trước một nền văn minh vững chắc!

Sống hơn hai ngàn năm bên cạnh một nước lớn với lịch sử bành trướng dữ tợn như Trung Quốc, dân tộc Việt Nam (cũng như dân Cao Ly) vẫn còn tồn tại, đó là một hiện tượng lạ, đáng ngạc nhiên. Người Việt Nam có thể tự hào, họ là những người học trò của văn minh Trung Hoa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong đó, quan trọng nhất là những đặc tính phóng khoáng, trọng cá nhân và tôn trọng quyền bình đẳng của phụ nữ, những đặc tính văn hóa của các dân tộc phát xuất từ các đảo phía Nam. Người Việt Nam tồn tại cũng nhờ giữ được tiếng nói riêng, với văn phạm khác tiếng Tầu, và xã hội Việt Nam dựa trên làng xã khác với bên Tầu dựa trên các gia tộc.
Trong lịch sử, các vị vua Việt Nam thường chịu thần phục vua Tầu, nghĩa là tự nhận là phận dưới, không dám tranh giành ngôi vị (danh xưng hoàng đế) với các ông vua Tầu ở Biện Kinh hoặc Nam Kinh (đời Tống) hay Bắc Kinh (đời Nguyên). Nhưng ngoài những việc cống tiến giống như các nước nhỏ khác ở chung quanh nước Tầu, vua nước Nam vẫn không chịu khuất phục. Người Mông Cồ thường bắt vua các nước nhỏ trong đế quốc của họ phải tới triều bái hoàng đế nhà Nguyên, nhưng các vị vua nhà Trần đã từ chối. Có lúc Trần Nhân Tôn ngỏ ý muốn chấp nhận điều kiện đó để dân chúng khỏi bị họa binh đao, nhưng các vị tướng như Trần Hưng Ðạo đã phản đối, với câu nói nổi tiếng: Xin chém đầu tôi trước đã! Cuối cùng nhà Nguyên cũng phải thôi. Cùng thời gian đó, vua Miến Ðiện cũng từ chối không gửi con sang Bắc Kinh, và nước họ cũng bị xâm lăng ba lần đẫm máu, như nước ta.

Mặc dù ông Ðới Bỉnh Quốc ba hoa nói nước ông không nuôi tham vọng bá chủ bao giờ, hiện nay Trung Quốc đang chèn ép nước Việt Nam một cách có tính toán. Họ coi cả vùng Biển Ðông của nước ta là ao nhà của họ, cho tầu hải giám, ngư chính đi giám sát, tuần tiễu giống như cho cảnh sát đi tuần trên đường phố của nước Việt Nam!

Người Việt Nam chắc chắn không chịu cảnh làm nô lệ. Trung Quốc vin vào lá thư của ông Phạm Văn Ðồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958 để coi các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về họ, kể cả các vùng biển chung quanh! Ðối với bất cứ nước nhỏ nào ở bên cạnh Trung Quốc, chỉ đợi chính quyền nước đó theo đuổi những chính sách sai lầm là người Trung Quốc nhân dịp đè nén. Mối sai lầm lớn nhất là từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận “tư tưởng Mao Trạch Ðông” làm đường lối chỉ đạo quốc gia, rồi sau đó thi hành các chính sách giống hệt như Cộng Sản Trung Quốc, từ chỉnh huấn đến cải cách ruộng đất, cho tới cả chế độ lao cải; rồi sau lại tính đem chủ nghĩa cộng sản với tư tưởng Mao Trạch Ðông bành trướng trong khắp vùng Ðông Nam Á. Trong các thứ nô lệ, không gì nguy hiểm bằng nô lệ tư tưởng. Nếu người cầm quyền ở nước ta còn tiếp tục bắt chước “mô hình Trung Quốc” trong việc phát triển quốc gia, thì tình trạng nô lệ về tư tưởng sẽ còn trầm trọng hơn nữa.

Muốn giữ nền độc lập, trước hết phải độc lập về tư tưởng. Trên thế giới hiện nay, mô thức phát triển có hiệu quả và mang lại hạnh phúc cao nhất cho người dân là lối tổ chức xã hội theo các quy tắc dân chủ tự do, về kinh tế cũng như chính trị. Ðối với người Việt Nam, đi theo con đường đó không những là tìm con đường phát triển hữu hiệu nhất mà còn là con đường duy nhất để bảo vệ độc lập dân tộc đối với nước láng giềng phía Bắc.

.
.
.

No comments:

Post a Comment