Saturday, July 2, 2011

NHÂN CHUYỆN BIỂN ĐÔNG BÀN VỀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC (Anh Đức, Bay Vút)



30/06/2011 - 10:51

Chủ nghĩa dân tộc được ví như là con dao hai lưỡi, một mặt là sự gắn kết, một mặt là sự đe dọa. Kịch bản xấu nhất mà loài người có lương tri không bao giờ nên để xảy ra một lần nữa: chiến tranh giữa các quốc gia nhân danh dân tộc chủ nghĩa.

"So boring!"
Anh Minh ở Melbourne kể, trong bữa ăn tối, anh và vợ nói chuyện về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng cậu con trai 15 tuổi tỏ ra không hề quan tâm, và ‘phán’ một câu: “it’s so boring” (chuyện chán phèo!).
Huy, sinh tại Hải Phòng, hiện là học sinh lớp 11 ở Sydney, qua Úc năm lên 8 và vẫn nói tiếng Việt sõi nhưng không bao giờ đọc báo tiếng Việt trên mạng. Huy nói: “Cháu thích ăn món Việt Nam, thích đi chợ Tết và cũng mới có bạn gái là du học sinh Việt Nam nhưng mấy chuyện chính trị cháu không thích nghe. Hôm rồi ở lớp học tiếng Việt thầy giáo cũng đưa chuyện Biển Đông ra nói nhưng chả có bạn nào hào hứng tham gia”.
Những ví dụ này hoàn toàn trái ngược với không khí sôi động trong các nhóm du học sinh Việt Nam tại Úc suốt một tháng qua. Họ không khi nào ngớt bàn tán về tình hình căng thẳng trên biển và các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong nước. Chúng cũng trái ngược với không khí ở các quán cà phê tại Cabramatta (Sydney) - nơi rất nhiều người Việt vẫn còn dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp và thể hiện họ vẫn thuộc về một cộng đồng ở quy mô quốc gia mang tên Việt Nam một cách bền chặt.

Quốc gia như một ‘cộng đồng tưởng tượng’
Nói về chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa quốc gia (nationalism) thì trong vòng ba thập niên trở lại đây, lý thuyết ‘cộng đồng tưởng tượng’ (imagined community) của Benedict Anderson (1983, 1991) đã và đang giữ trọng tâm trong các thảo luận ở cả phương diện học thuật cũng như trên diễn đàn báo giới.
Trọng tâm của lý thuyết này là Anderson cho rằng, tất cả những cộng đồng lớn hơn quy mô một ngôi làng mà ở đó các thành viên không thể tương tác trực tiếp với nhau thì đều là những cộng đồng được tưởng tượng ra. Anderson coi quốc gia cũng chính là một dạng thức của cộng đồng tưởng tượng, và các cá nhân cảm thấy mình thuộc về hay được liên kết đến.
Tuy nhiên, theo Anderson có rất nhiều cách tưởng tượng khác nhau, tùy thuộc vào việc mỗi cá nhân được nuôi dưỡng, chịu ảnh hưởng bởi những câu chuyện kể, những truyền thuyết, huyền thoại, những ký ức về cộng đồng của mình. Do đó, sự thuộc về một cộng đồng tưởng tượng diễn ra theo những cách không hoàn toàn giống nhau. Từ quan điểm này, có thể lí giải những cách hiểu về đất nước không giống nhau giữa các nhóm người, thậm chí giữa các cá nhân với nhau.
Đơn cử, bài hát ‘Nối vòng tay lớn’ khi được hát trong những chương trình văn nghệ phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam chẳng hạn, sẽ có thể tạo ra sự khác nhau về cảm xúc và sự tưởng tượng cho cả người hát lẫn người nghe so với khi nó được trình diễn trong một chương trình của Trung tâm Làng Văn hồi những năm 1990.
Gần đây, trong những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người Việt hải ngoại luôn có những cân nhắc về việc sử dụng lá cờ nào để đại diện. Khi mục đích chung lên án Trung Quốc đủ mạnh, các nhóm có thể thương thảo để hoặc không dùng cờ, hoặc dùng cả hai mà không xung đột với nhau. Đó là sự thương lượng giữa những khác biệt về nhận diện/căn tính quốc gia (national identity) mà các nhóm xác định mình thuộc về.
Tinh thần dân tộc
Điểm quan trọng thứ hai trong lý thuyết ‘cộng đồng tưởng tượng’ của Anderson chính là những hệ lụy xã hội từ đặc tính tưởng tượng của cộng đồng. Theo ông, những ‘vật phẩm văn hóa’ có thể khơi gợi nên sự ‘gắn kết sâu sắc’ và cái ‘chính đáng về xúc cảm’ cho mọi người. Chính những xúc cảm này dẫn cộng đồng đến xu hướng loại trừ cái đi ngược lại căn tính chung, thậm chí kỳ thị chủng tộc và ‘sự sợ hãi hoặc thù hận đối với cái khác’. Ở mức độ quyền năng nhất, sức mạnh của tưởng tượng có thể thúc đẩy cá nhân ‘sẵn sàng chết’ cho cộng đồng hay quốc gia.
Như vậy, trong nhiều trường hợp, những phong trào chính trị, các tổ chức cộng đồng, hay thậm chí chính quyền một quốc gia, có thể bằng các cách tuyên truyền và thông tin để lôi kéo ‘sự tưởng tượng’ theo hướng đồng thuận, khơi gợi những điểm chung của nhận diện , nhằm phục vụ cho những mục đích của mình.
Nhớ lại thời điểm 2008, trước kì Olympic Bắc Kinh, hàng loạt cuộc biểu tình của người Trung Quốc ở nước ngoài đồng loạt diễn ra được cho là do chính quyền ngầm tổ chức. Mỗi cuộc xuống đường có đến hàng chục ngàn người tham gia, áp đảo các cuộc biểu tình lên án nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Tây Tạng, hoặc phản đối cuộc tiếp đuốc Olympic trước đó.
Những khẩu hiệu khi ấy như ‘Tiến lên Bắc Kinh, tiến lên Olympic’, ‘Chúng tôi yêu Trung Quốc’, ‘Đạt Lai Lạt Ma là kẻ nói dối’, hay ‘Hãy chấm dứt truyền thông xuyên tạc’..., cùng với khí thế dân tộc Trung Hoa sôi sục đã khiến thế giới chứng kiến và ngần ngại về một tinh thần quốc gia Trung Hoa với ‘chiến lược biển người’ rầm rộ. Những người biểu tình đã đưa ra hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia yếu đuối, chưa đủ mạnh, và bị phương Tây ức hiếp.
Trong thời điểm đó, một nữ sinh viên Trung Quốc thuộc Đại học Duke, Hoa Kỳ, đã bị tấn công vì bày tỏ sự ủng hộ Tây Tạng và mong muốn hòa giải hai bên. Tất cả thông tin liên lạc của cô và gia đình bị tiết lộ trên Internet, cô nhận được hàng trăm email đe dọa và bị gọi là ‘kẻ phản bội’. Sự việc trầm trọng đến mức cha của cô phải gửi một thư ngỏ đến tất cả người Trung Quốc để xin lỗi và xin được tha thứ!
Tờ Los Angeles Times năm đó cũng đăng bài của tác giả Joshua Kurlantzick nói về “những người dân tộc chủ nghĩa thế hệ mới của Trung Quốc” trẻ hơn, giàu có hơn nhưng cũng hung hăng hơn với thái độ thù hằn phương Tây (theo bản dịch gần đây của Phạm Nguyên Trường).

‘Chủ nghĩa dân tộc từ xa’
Benedict Anderson (1998) gọi chủ nghĩa dân tộc của những người lưu vong sống xa quốc gia gốc là ‘chủ nghĩa dân tộc từ xa’ để mô tả sự kết nối cả hai chiều của họ với quê hương.
Trong một bài viết về lưu vong trên trang Tiền Vệ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc viết: “Theo tôi, tính tưởng tượng ở cộng đồng lưu vong không chừng còn rõ nét hơn ở quốc gia. Lưu vong không có lãnh thổ: nó chỉ là một mạng lưới xuyên quốc gia. Nó không phải là một thực thể: nó chỉ là một quá trình và là một quan hệ. Nó không có yếu tính: yếu tính của nó, nếu có, chỉ là kết quả của quá trình thương lượng liên lỉ giữa nhu cầu hội nhập và nỗi hoài hương cũng như hoài cổ không nguôi. Nó không có sẵn: nó được tạo thành”.
Một nghiên cứu của tác giả Trung Quốc tên Yin (2007) nói rằng, có đến 70% người Hoa nhập cư vào Mỹ vẫn luôn quan tâm sâu sắc hoặc khá sâu sắc đến tin tức liên quan đến tình hình ở trong nước. Ngoài ra, báo chí của Hoa Kiều cũng thường in lại bài vở từ Đại lục và báo chí Đại lục thì đăng những thông điệp về sự thành công của người Hoa ở hải ngoại.
Chúng ta không có những con số định lượng tương tự về người Việt ở nước ngoài nhưng theo quan sát, có thể thấy sự phân hóa sâu sắc về chính trị, về văn hóa, về thế hệ, về đặc điểm của quốc gia sở tại mà cộng đồng Việt Nam sinh sống.

Quay trở lại câu chuyện ở đầu bài viết này, có thể nói, thệ hệ người Việt thứ hai sinh ra ở đây đã hòa nhập sâu sắc hơn vào dòng chính mạch của nước Úc, để bớt dần mối quan tâm, thậm chí cảm thấy ‘tẻ nhạt’ trước những câu chuyện liên quan đến căn tính dân tộc hay chủ quyền quốc gia mà giờ đây họ cảm thấy xa lạ hơn.
Theo cách phân chia của nhà dân tộc học người Pháp Arnold van Gennep, có ba giai đoạn của sự chuyển hóa trong xã hội nói chung và cộng đồng lưu vong nói riêng. Một là, sự tách ra khỏi những ràng buộc về cấu trúc xã hội và lề thói văn hóa của cái gốc. Hai là, bước vào một thời kỳ mơ hồ về sự nhận diện bên này / bên kia, gọi là ở ranh giới (margin), hay tính tại ngưỡng (liminality), hay tính lưỡng biên (in-betweenness). Đây là giai đoạn phức tạp nhất, cá nhân ở trong tình thế nước đôi: vừa muốn xác nhận những căn tính dân tộc của bản thân, lại vừa tự xem mình là không giống với những người cùng sắc tộc đang ở trong nước. Ba là, quay trở lại cộng đồng cũ sau khi đã hội nhập vào cộng đồng mới để khẳng định cái vị trí nay đã được xác định rõ ràng, vững chắc, ví dụ như: “Tôi là người Úc (gốc Việt)”, hoàn toàn khác với “Tôi là người Việt sống ở Úc”!
Vấn đề nhận diện /căn tính và chủ nghĩa dân tộc là một câu chuyện dài chưa hồi kết. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của Internet, một mặt tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên của những cộng đồng tưởng tượng, mặt khác Internet luôn có tiềm năng phá vỡ mọi khuynh hướng tập trung trong bối cảnh hậu hiện đại của văn hóa truyền thông. Do đó, chúng ta nhìn thấy những bức tranh tương phản rõ rệt: những người xuống đường biểu thị lòng yêu nước, và những người lên mạng đọc báo, thậm chí bàn luận về tinh thần dân tộc rồi… tắt máy đi ngủ!
Đây rõ ràng là một thời kỳ phức tạp và đa diện về mặt chính trị chứ không thuần chất. Chủ nghĩa dân tộc được ví như là con dao hai lưỡi, một mặt là sự gắn kết, một mặt là sự đe dọa. Kịch bản xấu nhất mà loài người có lương tri không bao giờ nên để xảy ra một lần nữa: chiến tranh giữa các quốc gia nhân danh dân tộc chủ nghĩa.
.
.
.

No comments:

Post a Comment