Monday, July 4, 2011

NGÀY HIỆP CHÚNG QUỐC HOA KỲ RA ĐỜI (BS Lê Văn Lân)



BS Lê Văn Lân (www.khoahoc.net)

Jul 3rd, 2011

Ngày July 4 năm nay lại về để tưng bừng ăn mừng Ngày Sinh nhật của quốc gia trẻ trung Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ này. Thế là dân chúng Mỹ có một ngày lễ hội lớn: ban ngày coi diễn binh, coi triển lãm, ban đêm coi pháo bông, tiệc tùng chè chén barbecue.

Nước Hoa Kỳ được người Trung Hoa dịch chính thức từ chữ The United States of America trong các tự điển là: “Hiệp Chúng Quốc“ vì Chúng là nhiều người, ý nói một quốc gia do nhiều người họp lại mà lập ra. Nhưng người Việt chúng ta thường thuận miệng gọi là “Hiệp Chủng Quốc“ có lẽ liên tưởng rằng dân Mỹ là do nhiều người của những chủng tộc khác nhau mà lập nên. Riêng tại đô thị New York, ngoài tiếng Mỹ, còn có khoảng hơn sáu mươi ngôn ngữ được nói hàng ngày, nên trên thực tế, hiểu là Hiệp Chủng quốc cũng không sai! (Tôi còn nhớ về cách đọc quen miệng như sau là vùng phi trường Phú Bài ở Huế viết theo chữ nho ghi chính thức là Phù Bài nhưng ít ai để ý. Cũng như ở Huế có vùng sông gần lăng Minh Mạng mà dân quen gọi là Bảng Lãng, kỳ thực có tên là Bằng Lãng, nghĩa là bằng yên không có sóng!)

Mang danh làm công dân Mỹ, nhiều người di dân hay tỵ nạn từ nhiều xứ trên thế giới cũng đương chia xẻ niềm vui về ngày July Fourth. Ngẫm nghĩ lại về những động lực khiến cho biết bao người di dân và tỵ nạn quyết tâm chọn xứ này để dung thân là ngoài nhu cầu theo đuổi hạnh phúc vật chất, tinh thần thoải mái phải chăng họ còn nhắm đến nhiều điều cao hơn nữa mà người ta gọi là “niềm mơ uớc Hoa Kỳ“ (American Dream) như:

1) một đời sống đầy tự do và công bình: tự do phát biểu, tự do hành động, tự do di chuyển không ai kiềm chế v.v… và được đối xử bình đẳng không bị kỳ thị về mầu da và chủng tộc

2) bầy con lũ cháu được hưởng một nền giáo dục khai phóng tiên tiến để tài năng phát triển và có những cơ hội đồng đều về công ăn việc làm.

Chúng ta thấy “niềm mơ Hoa Kỳ“ là những điều chân lý đã được tóm gọn trong nghị quyết đầu tiên của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ với lời lẽ như sau:
“Chúng tôi coi đó là những chân lý vô cùng hiển nhiên, nghĩa là mọi người sinh ra đều bình đẳng, mọi người được Đấng Tạo Hoá ban cho những thứ Quyền bất khả nhượng, trong đó có Đời Sống, Tự Do và sự theo đuổi Hạnh Phúc“
(We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.)

Nếu chúng ta có dịp coi lại bài Tuyên Ngôn Độc Lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng Trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng ta thấy ông đã diễn tả cái ý trên qua câu mở đầu nguyên văn như sau:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chuyện đề ra những khẩu hiệu cao đẹp như Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc để hô hào cho người dân đi theo thì quá dễ, nhưng vấn đề quan trọng là phải đồng thời nêu ra những nguyên tắc hiến pháp để bảo đảm cho sự thực thi và phản đối trong quyền của người dân khi những cứu cánh trên không được chính quyền mang tiếng là đại diện cho dân làm trọn mà tệ hại hơn là còn phản bội và đàn áp họ.

Đọc tiếp bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Hoa Kỳ, chúng ta thấy họ đã minh xác một cách khẳng định mực đen trên giấy trắng như sau:
“Và để bảo đảm cho những Quyền nói trên, những Chính Quyền được thiết lập trong Nhân Dân, chỉ nên lấy quyền lực chính đáng từ sự thỏa thuận của người dân dưới quyền. Chừng nào một Hình thức nào của Chính Quyền trở nên phá hoại đối với những cứu cánh trên, đây là Quyền của Nhân Dân phải thay đổi hay thủ tiêu nó, và thiết lập Chính Quyền mới, xây nền tảng của nó trên những nguyên tắc như thế, tổ chức uy quyền theo những hình thể như vậy, ngõ hầu để người dân có thể thực thi sự An Ninh và Hạnh Phúc cho mình.”
(That to secure these rights, Governments are instituted among Men, deriving their just powers from the consent of the governed, – That whenever any Form of Government becomes destructive of these ends, it is the Right of the People to alter or to abolish it, and to institute new Government, laying its foundation on such principles and organizing its powers in such form, as to them shall seem most likely to effect their Safety and Happiness.)

Kinh nghiệm sống của dân Việt Nam trong mấy thập niên qua trên vùng đất quê hương cho thấy điều minh xác về Quyền của Nhân Dân muốn thay đổi chính quyền một cách chính đáng đã hoàn toàn thiếu vắng, nếu không nói là bị phản bội.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ là một bản văn trứ danh của nhân loại vậy. Tuy mang tiếng là đã học để thi nhập quốc tịch Hoa Kỳ, nhưng ít người công dân Mỹ còn nhớ ai là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa kỳ, nó có bao nhiêu chữ ký và ban bố lần đầu ra sao.

Người soạn thảo chính của bản Tuyên Ngôn là ông Thomas Jefferson. (Ông cũng là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ nữa). Đương nhiên cũng có vài người khác tham gia đóng góp ý kiến khi soạn thảo như các ông Benjamin Frankin, Robert Livingston nhưng trứ danh nhất là ông John Adams (ông này vào năm 1789 làm phó tổng thống cho Tổng thống thứ nhất ở Hoa Kỳ là George Washington, sau được bầu làm Tổng thống thứ nhì vào năm 1796. Hai mươi năm sau, con trai của ông là John Quincy Adams được bầu làm Tổng thống thứ 6)

Hình trái: Bản đồ 13 Thuộc địa của nước Anh ở Mỹ

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập mang chữ ký của 13 đại diện từ 13 thuộc địa của Anh ở Mỹ với chữ ký của ông John Hancock là chủ tịch cuả Đại Hội Châu Lục thứ 2. Chữ ký của ông J Hancock đứng đầu và nổi tiếng độc đáo là chữ ký to bự nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Do đó, trong tiếng Mỹ, từ “John Hancock“ mang ý nghĩ lóng, ví dụ nói: Giao kèo viết xong rồi, anh hãy viết chữ John Hancock của anh vào đi!

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ được ký ở Philadelphia trong dinh thự Pennsylvania State House, sau này biến thành di tích lịch sử Independence Hall.

Về chi tiết chuẩn bị phổ biến bản Tuyên Ngôn này ở thời điểm lịch sử July 4 chính là một điều cực kỳ bí mật. Tuy rằng tuyên bố độc lập vào thời điểm này, nhưng quân ở New England đã thực sự nổ súng chiến đấu chống quân Anh từ April 1775, và chờ đến June 8, 1776 mới có sự vận động cho nền Độc lập trong kỳ Đại Hội Toàn Dân Châu Lục. Đến July 2 thì mới có nghị quyết chấp thuận của toàn thể (12 – 0), nhưng sự thể vẫn hoàn toàn trong vòng bí mật. Còn bản văn Tuyên Ngôn Độc Lập mãi đến sau 11 giờ trưa ngày July 4 mới được 13 đại diện thuộc địa bầu chấp thuận, nhưng khi bản văn đầu tiên giao cho nhà in phổ biến vẫn mang không có chữ ký gì hết. Và đến July 8 thì ở Philadelphia mới tuyên đọc cho dân chúng và đốt pháo bông. Phải chờ đến August 8 thì một bản văn đàng hoàng mới mang chữ ký của những thành viên của Đại Hội, nhưng dù thế, bản này vẫn giữ bị mật để bảo vệ họ khỏi bị người Anh trả thù.

Nói đến sự giành độc lập, thì không có thể không nói đến sự đấu tranh sắt máu, súng đạn. Có bao giờ một biến cố lịch sử đem lại tự do chống bạo tàn xảy ra mà không phải là thành quả của một cuộc cách mạng. Vì vậy, chúng ta phải ôn lại những tình tiết về cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ trong 8 năm gian khổ với bao nhiêu máu xương đổ ra.
Cuộc Cách Mạng Mỹ (The American Revolution) là Cuộc Chiến Khởi Nghĩa của 13 thuộc địa của Anh ở Mỹ (1775 – 1783) chống với nước Anh dưới triều vua George III.

Những nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa mang tính chất vừa là chính trị và vừa là kinh tế. Đối với phần lớn địa phương, những thuộc địa Mỹ đều do dân tự cai quản. Nhưng sau khi người Anh đánh bại người Pháp trong cuộc chiến Pháp và Da Dỏ (1754- 1763), nguời Anh làm nhiều điều để áp đặt sự kiểm soát của họ. Họ quyết định lập đồn trú cho rất nhiều đạo quân binh sĩ Anh trong những thuộc địa và bắt dân thuộc địa phải trả tiền về nuôi quân và chi phí. Người Anh lại ngăn cấm dân thuộc địa định cư trên vùng đất phía tây dãy núi Appalachian. Người thuộc địa chỉ được phép giao thiệp với người Anh thôi. Người Anh lập ra nhiều đạo luật như Luật về Tem Thuế (Stamp Act). Dân Mỹ cảm thấy rằng người Anh cai trị dân Mỹ vì quyền lợi của nước Anh – chứ không phải của những thuộc địa.

Lòng căm phẫn của dân Mỹ càng lúc càng sôi sục nhất là khi một số người Mỹ bị quân lính Anh giết trong cuộc Tàn Sát ở Boston năm 1770. Khi người Anh đánh thuế trên trà, dân thuộc địa phản ứng lại với biến cố Boston Tea Party. Để trừng phạt dân Mỹ, người Anh thông qua những đạo luật mà dân Mỹ gọi là Intolerable Acts (Luật Bất Khả Kham) vào năm 1774. Mà một trong những đạo luật này là đóng cảng khẩu của Boston.

Tình cảnh nghe càng lúc càng gay cấn chúng ta nên biết chi tiết thêm thế nào là Luật Tem Thuế, Cuộc Tàn sát Boston, Vụ quăng trà xuống biển ở Boston và đạo Luật Bất Khả Kham

Thứ nhất là Stamp Act hay Luật về Tem Thuế do Quốc hội Anh Quốc thông qua năm 1765. Tem Thuế này là một loại thuế mà người Anh đặt ra để đánh trên những văn kiện chứng từ, môn bài, báo chí, niên giám, bộ bài và hột xí ngầu dùng trong các thuộc địa Mỹ. Mục đích của luật Tem Thuế là muốn tăng tiền để trả cho tiền đóng quân của nước Anh ở thuộc địa. Đây là thứ thuế nặng phải trả một cách vô lý bằng tiền tệ nước Anh. Vì dân thuộc địa không có đại diện trong Quốc Hội Anh nên họ ghét loại thuế này mà họ cho là “nạp thuế mà không có quyền đại diện”. Nhiều người dân từ chối trả tem thuế, và ở vài nơi có phản kháng bằng nổi loạn. Mặc dù luật này được thu hồi vào năm sau, nhưng luật này đã khởi phát một tinh thần độc lập mạnh mẽ trong các thuộc địa.
Rồi đến xảy ra vụ tàn sát ở Boston thì chắc chắn có máu đổ để cho dân Mỹ căm hờn.
Nguyên do là vào ngày 5 tháng 3 năm 1770, một đám dân thuộc địa đã tụ họp để phản đối sự hiện diện của toán quân Anh trên đất thuộc địa Boston. Vài người bèn lấy những nắm tuyết và đá chọi vô một người lính Anh đứng canh ở nhà Quan thuế Thương cảnh. Thế là, khoảng 20 lính Anh bèn a tới đám đông với lưỡi lê gắn đầu súng. Cuối cùng, một lính Anh bị một cú chầy nên đã cáu tiết nồ súng khiến đồng bạn cũng nổ súng theo. Năm người dân bị gục chết. Biến cố này khiến cho những người thuộc điạ căn bản bèn cho đó là “một cuộc tàn sát” để quất mạnh mối căm thù với sự hiện diện của quân đội Anh.

Còn vụ quẳng trà xuống nước ở cảng khẩu Boston, biến cố diễn tiến như sau:
Vào năm 1773, Quốc Hội Anh cho Công ty Đông Ấn độ bán trà cho thuộc địa Mỹ với một giá rẻ nào đó, có nghĩa là không có ai khác bán rẻ hơn nữa để phá giá, cốt ý để cho công ty này độc quyền. Dân thuộc địa thấy đây là nguy cơ suy sụp kinh tế vì người Anh còn muốn áp đặt thêm nhiều thứ độc quyền khác. Vì họ đồng lòng ghét thuế đánh trên trà nên nhiều cảng khẩu khác ở Mỹ bèn từ chối không mở cửa cho tầu chở trà của Anh vào. Ở Boston, khi hai chiếc tàu đến, dân bèn xin thống đốc ra lệnh tàu rời bến. Nhưng bị ông này từ khước, nên một nhóm người Mỹ trong tổ chức Nghĩa Tử Tự do ( Sons of Liberty) ăn mặc giả làm dân Da đỏ leo lên tầu vào đêm ngày 16 December 1773, rồi quẳng 342 thùng trà xuống nước.
Vụ trà ở Boston (Boston Tea Party) gây ra một số giả trang khác để quẳng trà như ở New York vào tháng April 1774, dân ở đây cũng giả làm Da đỏ để quăng trà Anh xuống East River, và tháng October cùng năm, dân ái quốc ở Annapolis, Maryland, đốt thương thuyền Peggy Steward chở trà của Anh.
Người Anh bèn thông qua thêm nhiều luật khác, nên lại càng làm gia tăng sự căm phẫn của dân thuộc địa nên dân Mỹ gọi đó là những đạo “Luật không chịu thấu” (Intolerable Taxes – Intolerable tức là bất khả kham!)
{Xin mở một dấu ngoặc: Vì biến cố tẩy chay trả thuế trà, nên dân Mỹ phần lớn gốc Anh tuy có lệ ghiền trà qua tục “tea time” hằng ngày đã cương quyết dứt uống trà và xoay ra uống cà-phê ở Mỹ về sau}
Bao nhiêu sự kiện trên dồn dập xảy ra càng khiến dân thuộc địa càng căm hận để đoàn kết lại mà hành động. Việc đầu tiên là dân thuộc địa bèn nhóm thành một Nghị Hội Châu Lục đầu tiên (the First Continental Congress) để kháng tố những đạo luật của người Anh và tuyên bố không muốn giao thương với nước Anh. Tuy nhiên phần lớn chỉ muốn được đối đãi công bình chứ không muốn đòi độc lập nên lá cờ Mỹ với 13 sọc vẫn giữ ở góc hình cờ Anh quốc. Dù sao, các thuộc địa đã bắt đầu có những đội dân quân thành lập nên khi người Anh gửi quân đi tiêu diệt những đội dân quân ở Concord ở Massachusetts, thì người Mỹ đã mãnh liệt chống trả. Những trận đánh ở Lexington và Concord kể như mở màn cho cuộc chiến khởi nghĩa của Cách Mạng Hoa Kỳ.

Vào tháng 7 năm 1775, Đại Hội Châu Lục nhóm lần thứ hai chỉ định ông George Washington làm tổng chỉ huy Quân đội Châu Lục. Một năm sau, vào ngày July 4 1776 thì bản Tuyên Ngôn Độc Lập được ra đời và được toàn dân chấp nhận tuyên bố.

Nhiều trận đánh ác liệt xẩy ra nhưng không hẳn bên nào có sự thắng lợi quyết định. Nhưng một điểm rẽ xảy ra vào năm 1778 là khi nước Pháp ký một liên minh với Hiệp Chúng Quốc và gửi quân viện và tầu chiến để giúp. Nguyên do là có ông Lafayette một quí tộc người Pháp vào năm 1777 tình nguyện đánh trong hàng ngũ dân quân thuộc địa trong nhiều trận quan trọng. Chính ông đã thuyết phục vua Pháp là Louis XVI gữi sự giúp đỡ cho người Mỹ. Cuộc chiến tiếp diễn ác liệt và Công tước Charles Cornwallis, là chỉ huy trưởng của quân Anh bắt buộc ký đầu hàng lực lượng Hoa Kỳ ở Yorktown ở Virginia vào ngày 19 October 19, năm 1781. Sau trận này, có vài đụng độ nhỏ và vào ngày 3 September 1793, dưới những điều khoản của Hiệp Ước Paris, nước Anh công nhận nền độc lập của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Hình phải: Dân quân Hoa Kỳ chống trả quân Anh tại trận Guildford Courthouse, North Carolina vào ngày March 15, 1781

Chúng ta thấy trong cuộc chiến Cách Mạng Hoa kỳ, khi lòng dân căm phẫn thì chỉ cần một giọt nước cũng làm cho tràn một bát nước nên cuối cùng cũng phải hy sinh liều chết tranh đấu thôi. Ông George Washington quả là một tướng giỏi nhưng một yếu tố quyết định khác cũng quan trọng là sự đoàn kết của những thuộc địa Mỹ từ bắc xuống nam nên mới đánh bật người Anh ra khỏi đất Mỹ.

Để kết luận, ta thấy cuộc Cách Mạng Mỹ là một cái gương soi cho nhân loại vào thời đại mới. Khi ta nhìn lại lịch sử Việt Nam, tinh thần này đã ẩn hiện trên những trang sách ngày xưa của ta.

Hai kỳ Quốc Dân Nghị Hội Châu lục (Continental Congress) của dân thuộc địa Mỹ đã mang hình thức giống như Hội Nghị Diên Hồng với sự tham dự của toàn thể nam phụ lão ấu dưới đời Trần khi quân Nguyên Mông cổ qua xâm lược nước ta vậy.
Và qua những áng văn cổ, chúng ta thấy thấp thoáng đó là những bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt ngày xưa:

Thứ nhất là bài thơ của Lý Thường Kiệt làm sau khi phá quân nhà Tống với câu:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bai hư
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Tuyệt đối đã ghi ở sách trời
Bè lũ chúng bây qua xâm phạm
Chỉ rước vào thân thất bại thôi)

Chữ “ Cách Mạng” không phải là danh từ mới mẻ của thời đại mới, nó đã có trong sách sử ngày xưa. Nếu hiểu một cách linh động theo tinh thần quân chủ anh minh ngày xưa, người dân coi vua là kẻ thay Thiên Mạng để trị dân, (Thế Thiên Hành Đạo), nếu vua không thi hành đúng đúng sứ mạng của mình, thì nguời dân có quyền làm “cách mạng”, nghĩa là phế bỏ vua này mà tôn vua khác. Đó là một điều lý tưởng nêu lên nhưng trải qua bao nhiêu đời, lý tưởng vẫn là không tưởng.

Trong câu “Sông núi nước Nam, vua Nam ở, Tuyệt đối đã ghi ở sách trời” thì vua Nam là đại diện cho toàn thể dân Nam để cai trị nước Nam, nguyên tắc “định phận tại thiên thư “ này cũng giống bây giờ người Mỹ tuyên bố trung thành với “One Nation under God” vậy!

Thứ hai là bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi sau khi chiến thắng quân nhà Minh với đoạn kể ra bao nhiêu tội ác của người Tầu đã khiến dân quân Việt Nam khởi nghĩa ở Lam Sơn như trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ đã hài ra bao nhiêu điều áp bức Vua George III của nước Anh trên thuộc địa.

Để kết luận cho bài này về lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, phải chăng ta thấy một nguyên tắc hay đúng ra là một chân lý được nêu ra: đó là Ý dân là ý trời vậy. Chân lý Thiên Mạng này đã diễn tả bằng những lời đanh thép sau trong bản
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ như trên đã nói.
Muốn bảo đảm để thành công một cuộc Cách Mạng nào, người ta phải biết kết hợp ba yếu tố là Thiên Thời, Địa Lợi, và Nhân Hoà (nghĩa là phải biết nắm lấy thời cơ, những điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh cụ thể và tâm lý đoàn kết nhân tâm).

Vào thời đại nào, người dân cũng có thể nuôi những ý niệm Cách Mạng. Nhưng dưới chế độ quân chủ tuyệt đối ngày xưa, dù nhà vua là một bậc anh minh thì ý niệm trên chỉ là bàng bạc và rời rạc nhất là không đặt thành hệ thống luật pháp. Vào thời đại mới, khi ý thức dân chủ phát huy trong đầu óc của nhân loại, thì ý niệm Cách Mạng mới trở nên cụ thể để đi từ từ qua những hình thức Quân Chủ lập hiến, Cọng Hoà ở các nước với những bản Tuyên Ngôn Độc Lập, những Hiến Pháp và những tu chính án…

Sách xưa có câu “Lão Ô bách tuế bất như Phượng Hoàng sơ sanh”:
Quạ già trăm tuổi vẫn xoàng,
So sao bì kịp Phượng hoàng còn non.

Hình trái: Bald Eagle ( Phượng Hoàng đầu bạc Hoa Kỳ)

Hiệp chúng quốc Hoa kỳ là một quốc gia sanh sau đẻ muộn với tuổi đời là hơn hai trăm năm so với những quốc gia khác có từ cả ngàn năm. Nó đúng là một Phụng Hoàng non trẻ như cái phù hiệu mà dân Mỹ đã chọn cho mình qua hình ảnh Con Bald Eagle (nói là bald là sói trụi lông đầu, kỳ thực là lông đầu màu bạc coi tưởng như là trụi sói). Nhưng người dân Hoa Kỳ đã làm một cuộc Cách Mạng Dân Chủ lý tưởng đầu tiên để cho nhân loại noi theo vậy.

LÊ VĂN LÂN
.
.
.

No comments:

Post a Comment