Tuesday, July 12, 2011

MAI THÁI LĨNH - NGƯỜI HAY LO VIỆC NƯỚC (Nguyễn Thanh Giang)





Mai Thái Lĩnh (trái) và Nguyễn Đức Quang tết Canh Dần 2010. Ảnh: Tổ quốc

Đầu năm 2010 trên các trang mạng nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi và lý thú về biên giới phía bắc Việt Nam giữa hai ông Mai Thái Lĩnh và Trương Nhân Tuấn.
Cuộc tranh luận bắt nguồn từ chỗ ông Mai Thái Lĩnh phát hiện một tòa nhà kiểu Pháp ở phía sau Hữu Nghị Quan trong một tấm ảnh chụp từ phía Việt Nam để khẳng định rằng Hữu Nghị Quan hiện thời không phải Ải Nam Quan xưa mà đã bị xây lấn sang phía Việt Nam.

Ông Mai Thái Lĩnh viết:
“Thấp thoáng phía sau cổng Hữu Nghị là một công trình kiến trúc mà phía Trung Quốc gọi tên tiếng Anh là Tòa nhà kiểu Pháp (French-style building), nhưng trong tiếng Việt lại có cái tên hết sức hấp dẫn là “Lầu thành kiếu Pháp”, hoặc có khi còn gọi là “Lâu đài kiểu Pháp” hay “Pháp Quốc Lầu” .
“Lầu thành kiểu Pháp” từ đâu mà có? Tại sao một công trình kiến trúc xây trên đất Trung Hoa lại có phong cách kiến trúc kiểu Tây phương với đường nét tương tự như những tòa nhà được xây dưới thời thuộc địa mà chúng ta thường nhìn thấy trong một số thành phố ở Việt Nam?” ( 1 )

Ông Trương Nhân Tuấn đặt nghi vấn:
“Nên biết, hiện nay, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều thành phố các tỉnh Hoa Nam vẫn còn rất nhiều kiến trúc Pháp được xây dựng từ thời đầu thế kỷ 20. Vùng Hoa Nam là vùng thuộc ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Pháp. Tại Côn Minh (Vân Nam) có nhiều dãy phố cất theo lối Pháp. Tại Long Châu, toà lãnh sự của Pháp được xây theo lối Pháp. Ở vùng nhượng địa Quảng Châu Loan (bán đáo Quỳnh Châu, Quảng Đông), cả một khu phố lớn được xây cất theo lối Pháp. Ở Thượng Hải, mỗi khu phố là một nét kiến trúc khác nhau, có nơi giống Anh vì là tô giới Anh, có nơi giống Pháp vì thuộc tô giới Pháp v.v…Ta không thể dựa vào lý do toà nhà xây theo lối Pháp mà kết luận rằng nhà đó của Pháp” ( 2 )

Ông Mai Thái Lĩnh biện minh:
“Điều chúng ta có thể đồng ý với nhau là: trên lãnh thổ Trung Hoa, có thể có rất nhiều ngôi nhà xây theo kiểu Pháp. Nhưng nếu là nhà xây trong tô giới Pháp hoặc là toà lãnh sự của Pháp thì không thành vấn đề, vì người Pháp xây nhà kiểu Pháp trên lãnh thổ một quốc gia khác là chuyện bình thường. Ở các vùng tô giới hay nhượng địa, việc nhà cửa được xây theo kiểu Pháp hay kiểu Anh cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề là tại sao chính phủ Trung Quốc (nhà Thanh hay Quốc dân Đảng?) lại xây trụ sở của một cơ quan công quyền ngay tại biên giới mà lại xây theo kiểu Pháp thay vì theo kiểu Trung Hoa? Hơn nữa, cho dù chính phủ Trung Hoa ngày xưa có làm cái công việc đáng gọi là kỳ cục đó thì chính phủ Trung Quốc ngày nay chắc hẳn phải có vô số bằng chứng để chứng minh lai lịch của Pháp Quốc Lầu; tại sao lại phải bịa đặt chuyện toà nhà đó được xây dưới thời vua Quang Tự? Đó mới là lý do khiến chúng ta đặt nghi vấn ” ( 3 ).

Trước đó ông Mai Thái Lĩnh đã từng khẳng định ý kiến của mình qua việc vạch rõ sự gian dối trong một bản văn của Trung Quốc:
“Lời giới thiệu Hữu Nghị Quan đăng trên một trang mạng “hợp tác” giữa Trung Quốc và Việt Nam có tên là Trung-Việt (www.sinoviet.com ) cho biết lai lịch của công trình kiến trúc này như sau: “Năm Quang Tự đời Thanh, tri phủ Thái Bình Cam Nhữ Lai tái dựng lại lầu ải bằng một kiến trúc lâu đài kiểu Pháp (Pháp Quốc Lầu), dỡ bỏ Miếu Quan Đế và Đền Chiêu Trung. Sau này tuy có tiến hành nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ nguyên mạo diện Pháp Quốc Lầu. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, thành lầu lại bị phá hủy, nay chỉ còn lại tầng dưới tức là cổng thành hình vòm”
Căn cứ vào nội dung của một tấm bảng quảng cáo được dựng tại khu vực Hữu Nghị Quan, người ta được biết: Tòa nhà kiểu Pháp (hoặc Lâu đài Pháp Quốc) được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 22 (1896).

Sự thật là như thế nào? Vua Quang Tự (1869 – 1908) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Ông trị vì từ năm 1875 đến năm 1908 với niên hiệu là Quang Tự. Ông mất vào năm 1908, trước Từ Hi Thái hậu một ngày. Cho dù Tòa nhà kiểu Pháp được xây dựng vào năm 1896 hay muộn hơn (nghĩa là trước năm 1908) thì tòa nhà này phải hiện diện trên những tấm ảnh chụp vào thời điểm đó ” ( 1 ).

Hai ông còn “cãi cọ” nhau về lịch sử. Ông Mai Thái Lĩnh viết:
“Tấm bia gỗ viết bằng 3 thứ tiếng (Hán, Anh và Việt) mà một nhà báo ở miền Bắc đã gửi cho anh Trương Nhân Tuấn thật ra cũng không khác gì tấm bảng quảng cáo mà tôi giới thiệu.
Tôi gọi đó là bảng quảng cáo vì những điều ghi trên đó ít có giá trị khoa học. Những tấm bảng quảng cáo như thế có nhan nhản trong khu vực của Hữu Nghị Quan, nội dung nhằm giới thiệu cái-gọi-là “lịch sử” của Hữu Nghị Quan, trong đó xen lẫn giữa sự thật là những điều không đáng tin. Vì vậy khi xem xét chúng, cần phải phân biệt thật và giả, không thể tin một cách dễ dàng được.

Hãy thử trích một đoạn trong tấm bia gỗ mà anh Trương Nhân Tuấn giới thiệu:
“Hữu Nghị Quan xây vào nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần, tên trước là Ung Kê Quan, sau lại đổi tên Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, đến đầu nhà Minh lại đổi tên Trấn Nam Quan, tháng 1/1953 đổi tên Hữu Nghị Quan”.( 2 )

Không rõ căn cứ vào đâu mà phía Trung Quốc cho rằng “Hữu Nghị Quan” xây vào đời nhà Hán”? Bởi lẽ vào thời đó, ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa lùi đến tận vùng biên giới như sau này, làm sao lại có cái-gọi-là Ung Kê Quan tại nơi đó?

Theo Đào Duy Anh trong cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời”, địa bàn của nước Âu Lạc bao gồm “cả dải đất miền Bắc Việt Nam từ Hoành Sơn cho đến miền Nam tỉnh Quảng Tây”. Về sau, Triệu Đà chiếm Âu Lạc, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Khi nhà Hán diệt nhà Triệu (năm 111 trước công nguyên), họ chiếm đất Âu Lạc, nhưng vẫn giữ nguyên hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhà Hán chiếm thêm đất ở phía Nam hai quận của nước ta, đặt làm quận Nhật Nam, sau đó đem ba quận mới chiếm gộp với bốn quận ở miền nam Trung Quốc là Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố và hai quận ở đảo Hải Nam là Châu Nhai và Đạm Nhĩ để hình thành bộ Giao Chỉ .
Quận Giao Chỉ là một trong 9 quận của bộ Giao Chỉ. Phạm vi của quận Giao Chỉ – quận phía bắc của nước ta thời đó, rộng đến đâu? Học giả Đào Duy Anh viết: “Như thế thì đất quận Giao Chỉ ở thời Hán là đất Bắc Bộ ngày nay, trừ miền tây-bắc còn ở ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán, một góc tây-nam tỉnh Ninh Bình bấy giờ là địa đầu của quận Cửu Chân và một dải bờ biển từ Thái Bình đến huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, bấy giờ chưa được bồi đắp; lại phải thêm vào đấy một vùng về phía tây-nam tỉnh Quảng Tây”.
Tóm lại, quận Giao Chỉ bao gồm cả một phần đất của Quảng Tây ngày nay.

Mặt khác, xét cái tên Ung Kê Quan, ta thấy trong Cương mục, các nhà sử học đời nhà Nguyễn dựa theo Địa lý chí trong Tiền Hán thư, chú giải như sau về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm thống trị 12 huyện: Bồ Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Uất, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương, Ung Kê”. Về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm: đời Tần, thuộc đất quận Quế Lâm nay thuộc đất Quảng Tây”. (Cương mục, Tiền biên, II, 5) [8]. Như vậy, Ung Kê thuộc quận Uất Lâm chứ không thuộc quận Giao Chỉ. Ung Kê Quan (nếu có) phải nằm rất xa Lạng Sơn, ở tận lưu vực của sông Tả Giang, trong địa phận của tỉnh Quảng Tây, chứ làm sao có thể nằm ở vị trí của Hữu Nghị Quan ngày nay? Nhìn vào tấm bản đồ in kèm trong cuốn sách nói trên, chúng ta có thể thấy ranh giới của Giao Chỉ nằm ở tận Quảng Tây, ở lưu vực của sông Tả Giang.
Để có thể kết luận “Ải Nam Quan được xây dựng cách đây vào khoảng 2 ngàn năm”, các nhà sử học và địa lý học Trung Quốc phải bác bỏ được lập luận của học giả Đào Duy Anh mà tôi vừa trình bày tóm tắt.

Nói chung, phần lớn các tài liệu về lịch sử của Trung Quốc hiện nay đều lẫn lộn thực hư, nhất là khi chúng được dùng để phục vụ cho mục tiêu chính trị, vì thế chúng ta phải cảnh giác, không thể tin hoàn toàn. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: không những ghi nhiều điều bịa đặt trong các tấm bia bằng gỗ, đá, xi-măng ở Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc còn đưa lên mạng để tuyên truyền cho người Việt chúng ta”.( 3 )

Ông Mai Thái Lĩnh và ông Trương Nhân Tuấn đều bị nhà cầm quyền Việt Nam quy là những kẻ chống đối, phản động. Đơn cử vài đoạn trong cuộc tranh luận để thấy rằng dù bị vu cáo thế nào đi nữa, họ bao giờ cũng giữ thái độ khách quan khoa học, không nói lấy được, không bao che cho nhau để hùn nhau cố ý bôi xấu chính quyền.

Ông Mai Thái Lĩnh đã dựa trên tài liệu của ông Trương Nhân Tuấn và nhiều nguồn tài liệu khác để chỉ ra rất rõ ràng một số cột mốc đã bị di dời và đường biên đã bị đẩy sang phiá lãnh thổ của ta ít nhất là 100m ngay tại Hữu Nghị Quan và hơn 150 m trên tuyến đường sắt Việt – Trung so với đường biên lịch sử. Nói cách khác, tại khu vực Ải Nam Quan, Việt Nam đã bị mất một hay nhiều dải đất có tính chất trọng yếu về mặt quân sự chứ không phải chỉ mất đất tại một vài điểm.
Điều ngạc nhiên là ông không chỉ tỏ ra tinh tường về sử liệu mà còn sử dụng tổng hợp các tài liệu địa dư, địa mạo, không ảnh … để phân tích tài liệu nhằm minh giải các kết luận của mình. Bài viết của ông tương đương với những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc có giá trị lớn mà Nhà nước đã phải đầu tư bạc triệu, bạc tỷ cho các viện nghiên cứu.

Xin đơn cử vài ví dụ:
“ … cột mốc số 24 (tức là cột mốc về sau mang số 19) được ghi chú như sau: “sur le sommet placé(e) en face du fort chinois de Kouei Tao”. (Tạm dịch: trên đỉnh, trước mặt đồn (hay công sự) Kouei Tao của Trung Hoa). Như vậy, cột mốc 19 nằm trên đỉnh đồi chứ không phải ở dưới thấp. Khi Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố bức ảnh chụp cột mốc số 19, họ đã vô tình chứng minh cho việc cột mốc biên giới đó đã bị dời đi so với đường biên giới pháp lý cuối thế kỷ 19” ( 3 ).
“ …căn cứ vào bản đồ của Chapès, đường biên giới phía trước ải Nam Quan sau khi bị đẩy lùi 100 m theo Hiệp định Pháp-Thanh, vẫn là một đường tương đối thẳng….Trong khi đó nếu quan sát bản đồ khu vực 249 C, ta thấy cả đường biên giới mà Việt Nam yêu sách lẫn đường biên giới đã thống nhất đều là những đường gãy góc rất kỳ lạ. Nếu từ bên trái (hướng tây) chúng ta vạch một đường biên giới với độ nghiêng tương tự như trên tấm bản đồ của thời Pháp thuộc thì đường đó sẽ chạy ở phía bắc, sau lưng địa điểm được ghi là Nam Quan. Sự thay đổi của đường biên giới nơi đây cho thấy khi xây dựng lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc đã thay đổi vị trí của cửa quan.
Nhìn vào các tấm ảnh được chụp vào thời Pháp thuộc, chúng ta dễ dàng nhận thấy các ngọn đồi ở phía đông và đông-nam ải Nam Quan đều có độ cao tương đương với ngọn đồi ở phía tây của ải Nam Quan….Điều đáng nói là khi nhìn vào ngọn đồi ở phía đông-nam Hữu Nghị Quan ngày nay, ta thấy đó chỉ là một ngọn đồi rất thấp. Mặc dù người ta đã trồng cây để cố làm tăng thêm chiều cao của nó, ngọn đồi đó vẫn không thể đạt độ cao ngang với các ngọn đồi ở xung quanh ải Nam Quan trước kia … Trên ảnh, không phải chỉ ngọn đồi phía đông-nam sát Hữu Nghị Quan mà cả ngọn đồi đối diện về phía nam cũng chỉ là những ngọn đồi thấp, hoàn toàn không giống với các ngọn đồi ở phía đông và đông-nam của ải Nam Quan như trong các tấm ảnh chụp ngày xưa” ( 3 ).

Lo cho chốn biên ải xa xôi, lại thương cho Đà Lạt gần trong hơi thở.
Mà cũng lạ, tuy không phải nhà khoa học tự nhiên nhưng khi lo, khi thương, ông đều đo đếm rất chi li:
“Bất cứ ai có chút kiến thức về Đà Lạt đều thấy rõ nơi đây không phải là một thành phố đồng bằng, cho nên khi nói cao nguyên Lang-Bian có cao độ trung bình là 1.500m thì điều đó không có nghĩa là tất cả các địa điểm ở vùng này đều cao bằng nhau. Do địa hình cao thấp khác nhau, một tòa nhà 49m xây phía sau chợ Đà Lạt, nghĩa là trong một thung lũng có cao độ khoảng 1480m, sẽ đạt đến độ cao 1529m. Chiều cao này trong thực tế đã vượt hơn ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ ở phía bắc vì cao độ ở đây là 1525,3m. Trong khi đó, một cao ốc 45m đặt tại Khu Hòa Bình (có cao độ 1494m) sẽ đạt đến độ cao 1539m, nghĩa là cao hơn 10m so với tòa cao ốc thứ nhất, cao hơn 13,7m so với ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ, thậm chí còn cao hơn cả ngọn đồi Dinh III (1535,8m)” ( 4 ).

Thương Đà Lạt chi li đến vậy nên không kiềm chế nổi, ông đã “phang” thẳng cánh:
“Một Đà Lạt khác sẽ ra đời: đó là một Đà Lạt “hiện đại” được hình thành từ những bộ óc “đi tắt đón đầu”, “dám nghĩ dám làm” (kể cả nghĩ sai, nghĩ bậy và làm ẩu, làm dối), được thúc đẩy bởi khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và được điều khiển từ xa bởi những đòn bẩy của của kinh tế thị trường nhưng lại bị che đậy dưới cái vỏ đạo đức giả của chiêu bài “định hướng XHCN”. Những đòn bẩy đó, cộng với một quyền lực chính trị vô biên (không ai có thể kiểm soát, cũng không ai dám phê bình) sẽ đem lại cho Đà Lạt một diện mạo mới – đẹp như thế nào thì chưa ai có thể nhìn thấy, nhưng những đường nét xấu xí thì ngày càng bộc lộ, không một ai có thể che đậy” ( 4 ).

Hay đo đếm chi li là biểu hiện cái tư chất khoa học rất đáng quý. Ông thực sự là một nhà khoa học xã hội nghiêm túc.

Hãy điểm danh một số công trình của ông:
1. Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong – Bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx, 2005.
2. Dân chủ – Xã hội là gì?, 2007.
3. Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, 2007.
4. Sự hình thành của phong trào dân chủ – xã hội ở Thuỵ Điển, 2007.
5. Xã hội dân sự là gì? 2008.
6. Độc lập và tự do theo cách nhìn của Phan Châu Trinh, 2008.
7. Từ dân trí đến dân khí, 2009.
8. Ải Nam Quan trong lịch sử, 2009
9. Trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề “Ải Nam Quan”, 2010
10. Hai chữ “dân quyền”, 2010.
11. Ải Nam Quan trong hiện tại, 2010.
12. Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”
13. Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh, 2010.
14. Về mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, 2010
15. Đảng Lao động Na Uy – một tấm gương “tự diễn biến hòa bình” thành công rực rỡ, 2011.
16. Một “Đà Lạt thơ mộng”- còn hay mất?, 2011.
Những bài viết có liên quan đến thân thế, tiểu sử tác giả:
1. Kỷ niệm về một ngôi trường (2004)
2. Trao đổi ý kiến về xã hội dân sự và dân chủ – xã hội, talawas (2008)
3. Hãy trút cơn giận vào nơi đáng trút, talawas (13.7.2009)
4. Người nhạc sĩ du ca đã ra đi mãi mãi …, 2011.


Tôi không gọi đấy là những bài viết mà là những công trình bởi trong đó không chỉ có lượng thông tin dồi dào mà cả hàm lượng tư duy phân tích tổng hợp rất cao.
Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong là một tác phẩm hẳn hoi, một tác phẩm lớn hơn hẳn số trang của nó.
Hãy điểm qua tên các chương mục của cuốn sách này:

Chương I
Quan niệm của Marx về Nhà nước
Chương II
Quan niệm “Chuyên chính Vô sản”
Chương III
Cuộc đấu tranh giữa những người xã hội chủ nghĩa
Chương IV
Những đóng góp của F. Engels
Chương V
Những nghịch lý của Chuyên chính Vô sản
Chương VI
Cuộc đấu tranh giữa hai phái: Cải cách và Cách mạng
Chương VII
Dân chủ Vô sản: Từ lý luận đến hiện thực
Chương VIII
Từ Chuyên chính Vô sản đến Chuyên chính của Đảng
Chương IX
Phê phán quan niệm của Marx về Nhà nước
Chương X
Sự tan vỡ của một huyền thoại
Chương kết
Đi tìm một định nghĩa đúng đắn về Nhà nước



Mai Thái Lĩnh đã nói về lý do và quá trình khổ ải khi viết cuốn sách này như sau:
“Ngay từ thời kỳ còn công tác tại Hội đồng Nhân dân TP Đà Lạt, tôi đã quan tâm đến vấn đề Nhà nước. Trong một số bài báo đăng trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990, tôi đã bắt đầu đề cập đến việc tách Đảng ra khỏi Nhà nước, tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử (như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp), cũng như việc áp dụng nguyên tắc “tam quyền phân lập” để cải tổ bộ máy Nhà nước nhằm ngăn chặn các tệ nạn lạm quyền và tham nhũng. …
… Bản thảo đầu tiên của tác phẩm này mang tên “Những nghịch lý của chuyên chính vô sản”. Bản thảo này mới được phác thảo thì đã bị xoá theo yêu cầu của công an, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ nhất trong vụ “chiếc cặp đựng tài liệu” của Tiêu Dao Bảo Cự (cuối năm 1996). Sau đó ít lâu, tôi cố gắng khôi phục lại bản thảo để tiếp tục công trình, nhưng những gian truân, trắc trở trong cuộc sống khiến tôi không thể hoàn thành được tác phẩm. Do đó, vào cuối tháng 4 năm 2000, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ hai (trong cùng một “vụ án” với Hà Sĩ Phu), bản thảo này vẫn còn dang dở. Lần này thì máy vi tính không được trả lại, và bản thảo mất luôn theo nó.
… Tập sách nhỏ mà độc giả cầm trên tay ra đời trong hoàn cảnh như thế. Nó không phải là một tác phẩm được sản sinh trong môi trường đại học hay viện nghiên cứu, do đó không thể tránh khỏi thiếu sót về mặt học thuật. Nhưng để bù lại, nó mang hơi thở của cuộc sống, mang tâm huyết của một con người “dấn thân”. Dấn thân lần đầu vào giữa lứa tuổi hai mươi, khi giã từ giảng đường đại học để lao vào cuộc đấu tranh trên đường phố, để rồi sau đó, rời bỏ cuộc sống thành thị đầy tiện nghi để vào bưng, chịu đựng gian khổ trong rừng sâu với niềm hy vọng đem lại hoà bình, dân chủ cho đất nước. Đất nước có hoà bình nhưng không có tự do dân chủ, vì vậy phải dấn thân một lần nữa vào lứa tuổi bốn mươi, lần này thì hành trình trí thức dằn vặt hơn, gian nan thử thách cũng gay gắt hơn nhiều”( 5 ).

Nghiên cứu “Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong” Mai Thái Lĩnh đã rút ra nhiều nhận xét mà một vài trong số xin được nêu như sau:

- “Nhưng trong thực tế, ở Liên Xô và các nước dựa theo mô hình của Lenin, khi các giai cấp bóc lột bị tiêu diệt, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được xác lập, thì nhà nước không bắt đầu tự tiêu vong mà ngược lại, bắt đầu tự bành trướng. Nhà nước ở tất cả các nước đó, không trừ một nước nào, đều cồng kềnh, kém hiệu lực và quan liêu hơn rất nhiều so với các nước “tư bản chủ nghĩa”. Điều đó chứng tỏ rằng việc tập trung tư liệu sản xuất vào trong tay nhà nước và điều hành một nền kinh tế tập trung chỉ huy thay vì làm giảm lại làm tăng thêm quy mô của bộ máy nhà nước. Do chỗ nhà nước không mất đi như đã dự đoán, vì thế ngoài việc quản lý người, nhà nước vô sản còn phải quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất, từ đó nhà nước buộc phải bành trướng thêm.
Như vậy, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất không đem lại sự tiêu vong của nhà nước, mà ngược lại, còn tạo ra một nhà nước tập quyền kiểu mới. Nhà nước tập quyền kiểu mới này có những nét tương tự như nhà nước quân chủ phương Đông thời trung cổ, nhưng lại được hiện đại hoá: có quân đội thường trực và bộ máy công an hùng hậu, được trang bị những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại và nắm trong tay một khu vực kinh tế quốc doanh rộng lớn” ( 5 ).
- ”Trong xã hội loài người, có hai thứ bất công: bất công về chính trị và bất công về kinh tế. Bất công về chính trị thể hiện trong mối quan hệ thống trị – bị trị, bất công về kinh tế thể hiện trong mối quan hệ làm chủ – làm thuê. Ách áp bức về chính trị cũng đem lại đau khổ cho con người, có khi còn ghê gớm hơn nạn bóc lột. Tiền có thể đem lại quyền như Marx đã trình bày, nhưng quyền cũng dễ dàng mang lại tiền như lịch sử của phần lớn nhân loại từ hàng ngàn năm nay đã chứng minh“ ( 5 ).

- “Đảng mặc dù là siêu-Nhà nước, chỉ đạo hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng luôn luôn giả vờ làm như vô can. Mỗi khi Nhà nước có biểu hiện bê bối, tham nhũng, Đảng lại đứng ra làm trọng tài, giả vờ xử lý kỷ luật, trừng phạt những kẻ làm sai – nhưng thực chất là tìm cách bao che, bảo vệ quyền lợi cho địa vị thống trị của đẳng cấp cầm quyền. Cái màn kịch đó được diễn hết sức khéo léo, cốt tạo ra trong quần chúng cái ý tưởng: Đảng không bao giờ sai lầm, chỉ có một số đảng viên, cán bộ nắm quyền trong bộ máy Nhà nước có thể phạm sai lầm; Đảng bao giờ cũng sáng suốt, bao giờ cũng vì quyền lợi của giai cấp, vì quyền lợi của nhân dân, chỉ có một thiểu số (nhỏ, cực kỳ nhỏ) cán bộ, đảng viên là thoái hoá, biến chất. Sai lầm, tội ác được gán cho những cán bộ cấp dưới (trong thực tế là những con dê tế thần), để bảo đảm cho các lãnh tụ anh minh được muôn đời sáng suốt, trong sạch” ( 5 ).

- “Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà nòng cốt là nước Nga xô-viết, quê hương của cuộc Cách mạng tháng Mười, đánh đấu sự tan vỡ của những huyền thoại cộng sản, mà đáng kể hơn hết là huyền thoại “dân chủ vô sản”. Khi khẩu hiệu công khai (glasnost) được Gorbachev đề ra, hàng loạt sự thật bị che giấu từ hàng chục năm được phơi bày, người ta cảm thấy bàng hoàng trước sự dối trá khủng khiếp đã làm nên huyền thoại “dân chủ vô sản”. Trong thực tế, không hề có một nền dân chủ vô sản mà chỉ có một nền chuyên chính nhân danh giai cấp vô sản. Trong thực tế, không hề có một Nhà nước tự tiêu vong mà chỉ có một Nhà nước toàn năng, có quyền can thiệp vào bất cứ một tổ chức xã hội nào, bất cứ một cuộc sống riêng tư nào. Trong thực tế, không hề có một “nhân dân làm chủ” mà chỉ có những kẻ lạm quyền, lộng quyền đội lốt “đầy tớ của nhân dân”, nói cách khác là những kẻ nhân danh nhân dân để thống trị chính nhân dân” ( 5 ).

- “Ở các nước tiên tiến thường được gọi là “tư bản chủ nghĩa”, bộ máy hành chính dần dần trở thành một bộ máy chuyên môn hoá, phi chính trị, bị kiểm soát bởi các cơ quan dân cử, các phương tiện thông tin đại chúng (mass media), các tổ chức quần chúng phi-chính phủ, các đảng chính trị đối lập, v.v… Trong các nước theo mô hình mác-xít – lê-nin-nít, nhà nước tìm cách hoà tan vào xã hội, nhưng không phải theo hướng tạo ra một chế độ tự quản của nhân dân như Marx đã hình dung mà lại theo hướng bao trùm, khống chế mọi sinh hoạt xã hội, nói cách khác là nhà-nước-hoá xã hội chứ không phải xã-hội-hoá nhà nước ( 5 ).

Đối chiếu giữa nhà nước huyền thoại với nhà nước hiện thực, Mai Thái Lĩnh càng thấy hơn một lần chua xót:
“Đã từng có một thời người ta còn tin tưởng một cách ngây thơ rằng người trong cùng một nước cai trị lẫn nhau sẽ nhân đạo hơn, dân chủ hơn so với sự cai trị của ngoại bang. Thực tế lịch sử đã làm cho người dân các nước thuộc thế giới thứ ba phải mở mắt để nhìn ra một sự thật: kẻ thống trị là “đồng chủng” – thậm chí là “đồng bào”, không hề kém phần độc ác, nguy hiểm so với kẻ thống trị là ngoại bang. Ngược lại, người dân đôi khi còn bị trói tay, không thể đấu tranh để tự bảo vệ mình, bởi vì các nhà thống trị đời mới hiểu rõ văn hoá, tâm lý dân tộc, học được nhiều hơn từ kinh nghiệm của chủ nghĩa chuyên chế cổ xưa. Truyền thống không phải bao giờ cũng tốt đẹp, mà truyền thống được các nhà độc tài, chuyên chế ca ngợi lại thường là những lề thói cổ hủ, những tập quán lạc hậu đáng lẽ phải vứt bỏ đi. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà độc tài Á Đông ngày nay thích học hỏi thuật cai trị, tìm tòi những mánh lới để “giữ ghế” từ các phim truyện Tàu hay các pho sách như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc nhiều hơn là từ các tác phẩm chính trị học hiện đại” ( 6 )
“Cuộc đấu tranh để gỡ bỏ ách thống trị mới do đó trở nên khó khăn hơn, gian khổ hơn so với trước đây, bởi lẽ đẳng cấp thống trị ngày nay dựa vào công lao giải phóng dân tộc như một lá bùa để bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Người yêu nước thường xuyên bị chụp mũ là phản bội Tổ quốc, người đấu tranh cho dân quyền luôn luôn bị gán cho cái nhãn hiệu là “tay sai của phương Tây”, bị vu cáo là “những người cấu kết với thực dân, đế quốc để phá hoại sự an bình của đất nước”. Trong khi đó kẻ phản bội nhân dân, chạy theo quyền lợi riêng tư lại nghiễm nhiên khoác lên mình cái áo của cách mạng, của dân tộc. Họ luôn mồm nói về nhân dân, miệng thơn thớt hai chữ “bà con”, nói leo lẻo hai tiếng “đồng bào”, nhưng lại lén lút kéo cả gia đình, dòng họ vào các vị trí quyền lực, chia chác nhau tiền ăn cắp từ ngân sách hay từ các nguồn vốn vay của nước ngoài, tự do ăn của đút, hăng hái bao che nhau để lọt qua lưới pháp luật. Ngược lại, họ sẵn sàng sử dụng những biện pháp hết sức khắc nghiệt để đàn áp, bịt miệng bất cứ ai – từ những trí thức ưu tú cho đến những thanh niên đầy nhiệt huyết của đất nước mỗi khi những người này mở miệng phê phán những khuyết điểm, đòi hỏi sửa chữa những mặt tiêu cực của chế độ hay nêu lên những yêu sách, nguyện vọng chính đáng của nhân dân” ( 6 ).

Ông quan tâm nhiều đến tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh. Trong một bài nghiên cứu được công bố trên mạng talawas vào năm 2007, ông đã chứng minh Phan Châu Trinh có một quan niệm chính trị nhất quán, mang tính hệ thống gắn liền với cuộc đời hoạt động chính trị, chứ không phải chỉ hiểu biết một cách hời hợt về thể chế dân chủ tự do như một số nhà nghiên cứu đã nhận định. Đánh giá về nhà trí thức cách mạng này, ông viết:

“Đó là nhà dân chủ – xã hội đầu tiên của nước ta, người mong muốn kết hợp các giá trị tự dobình đẳng trong một thể chế chính trị-xã hội tạo điều kiện cho mọi người đều được phát huy năng lực của mình, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng hay quan điểm chính trị. Chính điều này làm cho tư duy của ông thật sự gần gũi với tư duy hiện đại, và tuy đã mất cách đây hơn 80 năm, dường như ông vẫn còn sống đâu đây, vẫn còn thao thức và trăn trở với niềm khao khát đem tự do công bằng xã hội đến cho một đất nước đã quá đau khổ vì chiến tranh và lòng hận thù, cho một dân tộc xứng đáng được hưởng hạnh phúc mà cho đến nay vẫn còn phải sống trong đói nghèo và vô vàn bất công, áp bức.” (10).

Ông cũng nhấn mạnh đến điểm đặc sắc của Phan Châu Trinh: trong khi phê phán quyết liệt một thứ Nho giáo đã bị nhiễm nọc độc của chủ nghĩa chuyên chế phương Đông, vẫn không quên nhấn mạnh những tinh hoa của nền đạo đức Nho giáo cần phải khôi phục để làm nền tảng tinh thần, sức mạnh ban đầu của dân tộc.
Ba năm sau (2010), ông phát hiện Cương lĩnh chính trị của nhà trí thức cách mạng này được gói ghém trong khuôn khổ của một bài thơ, một bản cương lĩnh mà do thành kiến hoặc do không tìm hiểu thấu đáo về tư tưởng chính trị, nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ qua, không lưu ý đến. Đánh giá ý nghĩa của bản cương lĩnh này, ông viết: “Điều đáng nói là toàn bộ nội dung của cương lĩnh chính trị mà Phan Châu Trinh trình bày qua 16 câu thơ nói trên mặc dù đã được viết cách đây gần một thế kỷ, nhưng nội dung của nó không hề lỗi thời mà ngược lại, có thể được coi là quá mới mẻ, quá táo bạo đối với phần lớn các nước Á, Phi và Mỹ La-tinh hiện nay. Lý do căn bản là sự trỗi dậy của phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc trong suốt thế kỷ 20 đã dẫn đến kết quả hầu hết các nước thuộc địa và lệ thuộc đều được giải phóng, nhưng độc lập dân tộc đã không đem lại tự do cho mỗi công dân và cũng không đem lại được những chế độ dân chủ đích thực.” (11)

Việc khôi phục lại đường lối dân chủ – xã hội mà Phan Châu Trinh đã vạch ra vào đầu thế kỷ trước cũng gắn liền với nỗ lực của bản thân ông và những người cùng chí hướng trong nhóm Đà Lạt, như ông đã tâm sự trong một lá thư được công bố vào tháng 8 năm 2008: “Chúng tôi chọn con đường dân chủ – xã hội một phần bởi vì nguồn gốc lịch sử của bản thân anh em chúng tôi. Thật ra, trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam thời hiện đại, cánh tả đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vào lúc mới hình thành, cánh tả ôn hòa chiếm vị trí đáng kể. Nhưng kể từ sau khi Phan Châu Trinh mất, phong trào cánh tả ở nước ta ngày càng “cấp tiến hóa”: từ Nguyễn An Ninh cho đến nhóm Tạ Thu Thâu – Phan Văn Hùm, và Đảng Cộng sản, tất cả đều ngả sang xu hướng cực đoan. Cánh tả ôn hòa dần dần tiêu hao và biến mất. Điều đó khiến cho sự hợp tác giữa cánh hữu và cánh tả gặp khó khăn, cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam chuyển sang con đường bạo động, dẫn đến hai cuộc chiến tranh mà thắng lợi sau cùng rơi vào tay Đảng Cộng sản. Làm sống lại phái tả ôn hòa trong sân khấu chính trị Việt Nam là nhiệm vụ của những người như chúng tôi. Về phía những người tạm gọi là phái hữu, tất yếu sẽ nảy sinh những người có lập trường ôn hòa. Trong cái nhìn dự báo của riêng tôi, nền dân chủ ở Việt Nam sắp tới sẽ là công trình của phái tả ôn hòa hợp tác với phái hữu ôn hòa, cộng với các xu hướng trung dung mà người ta thường gọi là phái giữa (the centre). Có hai phái ngày nay đang ở thế mạnh là phái cực tả (Đảng Cộng sản) và phái cực hữu (những người chống cộng cùng mình); nhưng trong tương lai tôi tin rằng các xu hướng đó sẽ ngày càng bị suy vong cùng với đà phát triển của dân chủ. Mặt khác, Đảng Cộng sản cũng sẽ phân hóa, phái ôn hòa – cải cách có thể tồn tại nếu họ thích nghi, còn phái cực đoan – bảo thủ sẽ mất dần ảnh hưởng.” (12)

*

Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh) sinh năm 1946 tại Lâm Đồng, năm 1969 đỗ cử nhân Triết học tại Đại học Đà Lạt và được giữ lại trường làm trợ giảng. Ông tham gia phong trào trí thức – sinh viên học sinh từ năm 1971. Năm 1973 thóat ly hẳn ra Chiến khu Núi Voi hoạt động Cách mạng. Năm 1979 được Đảng đưa đi học trường Nguyễn Ái Quốc (khóa IX) rồi về làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân TP Đà Lạt (1989 – 1994). Do bất đồng chính kiến, mặc dù vẫn được cử tri Đà Lạt tín nhiệm, ông bỏ nhiệm sở, nghỉ hưu sớm. Sáu năm sau, ông bị quản thúc tại gia để điều tra về tội “phản bội Tổ quốc”, cùng với Hà Sĩ Phu (5/2000 – 1/2001).

Sau đây là trích đoạn một bài báo của ký giả Tưởng Năng Tiến từ hải ngoại khi viết về Mai Thái Lĩnh:

“Người đứng đầu các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đoàn thể quần chúng…phải là người có tài, có đức, được quần chúng tín nhiệm, không phân biệt là đảng viên hay người ngoài đảng. Từ nay trở đi, để có thể giữ những chức vụ trong bộ máy quản lý nhà nước, bộ máy quản lý kinh tế, các đoàn thể quần chúng, đảng viên không còn ‘đặc quyền’ gì mà phải ‘thi đua’ với quần chúng”.
Ðó là ý kiến đóng góp để xây dựng đảng cộng sản Việt Nam của một nghị viên Hội Ðồng Nhân Dân Tỉnh và Thành Phố, ông Mai Thái Lĩnh, được phát biểu vào năm 1988. Ở thời điểm này, dù là đảng Cộng Sản Việt Nam đang hô hào đổi mới và chủ trương cởi trói, ý kiến hoàn toàn không có gì là mới lạ và độc đáo vừa nêu cũng đã khiến cho nhiều đồng chí lãnh đạo rất phiền lòng!
Mai Thái Lĩnh, nghĩ cho cùng, chỉ là một thí dụ cay đắng điển hình của thế hệ sau – ‘thế hệ không chịu học bài’ và vì ‘chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ.’ Ông sinh trưởng ở miền Nam, tốt nghiệp cử nhân triết học và trở thành giảng viên phụ giảng của trường Văn Khoa thuộc viện Ðại Học Ðà Lạt – lúc còn rất trẻ. Ðược lệnh động viên vào mùa hè đỏ lửa 1972, thay vì gia nhập quân đội miền Nam để bảo vệ phần đất đã bảo bọc và nuôi dưỡng mình nên người, Mai Thái Lĩnh – vì thất vọng trước cảnh bất toàn của xã hội mà ông đang sống – đã từ chối nhập ngũ và ‘nhẩy núi’ gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Với tư cách hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Ðồng, ngày 7 tháng 6 năm 1989, Mai Thái Lĩnh lên tiếng phản kháng bằng cách viết thư gửi ban chấp hành của hội. Bức thư này có những đoạn đáng chú ý, như sau:
‘Trước hết, cần phải dẹp bỏ cái ‘giáo điều’ cho rằng không phải là đảng viên thì không được quyền bàn việc của Ðảng… cấm dân bàn chuyện của Ðảng là điều cực kỳ phi lý… khi mà nhân dân bị trói tay, đại biểu nhân dân cũng bị trói tay bởi ‘cơ chế’ bất hợp lý thì làm sao ngăn nổi sự lạm quyền và tình trạng vi phạm dân chủ ?’
Bất ngờ, ngày 31 tháng 5 năm 2000, cơ quan quốc tế đấu tranh cho nhân quyền Human Rights Watch đã phổ biến một tuyên cáo ‘kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả ngay tự do cho Hà Sĩ Phu.’ Cơ quan này cho biết ông Hà Sĩ Phu bị công an tình nghi có liên lạc với một số trí thức, những người đã thảo ra một tuyên ngôn chung đòi dân chủ có danh xưng là ‘Kết Ước 2000′.
Human Rights Watch cũng tiết lộ danh tánh một người thứ hai có liên quan đến nội vụ là ông Mai Thái Lĩnh. Ông cũng bị soát nhà và công an đã tìm ra bản thảo của Kết Ước này.
Cũng theo HRW: ‘Năm ngoái khi soát nhà Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, công an đã tìm thấy một bức thư yêu cầu ông Giang thu thập chữ ký của những nguời bất đồng chính kiến cho bản kết ước, việc này đã dẫn đến chuyện ông Giang bị bắt vào tháng 3 năm 1999” ( 9 )

Trong một bài đăng trên “An ninh Thế giới” số 210, năm 2001 lên án gay gắt “nhóm sỹ phu Đà Lạt”, nhà báo Nguyễn Như Phong cũng đã viết như sau về Mai Thái Lĩnh: “Mai Thái Lĩnh đã có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục của Đà Lạt, có nhiều bài nghiên cứu về Đà Lạt khá hay. Anh hoàn toàn có thể trở thành nhà “Đà Lạt học” nổi tiếng và xứng đáng được mọi người kính trọng như trước đây khi còn là Phó chủ tịch thường trực HĐND TP. Đà Lạt”.

Sự thực, Mai Thái Lĩnh không chỉ xứng đáng được mọi người kính trọng vì “đã có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục của Đà Lạt”, vì có nhiều bài nghiên cứu về Đà Lạt như một nhà “Đà Lạt học” nổi tiếng, mà hơn thế, ông còn là người hay lo việc nước có tầm cỡ.

Hà Nội 6 tháng 7 năm 2011
© Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

© Đàn Chim Việt
———————————————————————————

Ghi chú:
( 1 ) Mai Thái Lĩnh – Ải Nam Quan trong hiện tại
( 3 ) Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”
( 4 ) Mai Thái Lĩnh – Một “Đà Lạt thơ mộng”- còn hay mất?
( 5 ) Mai Thái Lĩnh – Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong
( 6 ) Mai Thái Lĩnh – Hai chữ “ Dân quyền”
(7) Mai Thái Lĩnh, Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh.
(8) Mai Thái Lĩnh, Trao đổi ý kiến về xã hội dân sự và dân chủ – xã hội,
(9) Tưởng Năng Tiến – Từ Nguyễn Mạnh Tường Ðến Mai Thái Lĩnh
(10) Mai Thái Lĩnh – Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh).
(11) Mai Thái Lĩnh – Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh
(12) Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về xã hội dân sự và dân chủ – xã hội
.
.
.

No comments:

Post a Comment