Wednesday, July 13, 2011

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG II ĐẢNG CSVN KHÔNG BÀN VỀ HỒ SƠ BIỂN ĐÔNG (tin tổng hợp)



Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Ba, 12 tháng 7 2011

Cuộc họp lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam khóa XI từ ngày 4-7 vừa bế mạc. Theo thông cáo, ngoài việc thông qua Chương trình công tác toàn khóa và Quy chế làm việc, 2 vấn đề lớn nhất được thảo luận và quyết định tại cuộc họp này là việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992 hiện hành và bàn về nhân sự cấp cao của nhà nước sẽ được đưa ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII vừa được bầu tháng 5 – 2011.

Trong vấn đề thứ nhất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã thảo luận nhiều vấn đề cụ thể, thứ yếu, cố tình bỏ qua mong đợi của đông đảo nhân dân và một bộ phận không ít đảng viên là nhân sửa đổi Hiến pháp cần thảo luận kỹ lưỡng việc đổi mới cả hệ thống chính trị cầm quyền hiện tại theo hướng dân chủ đa nguyên. Hệ thống chính trị hiện nay đã tỏ ra lỗi thời, chứa đựng nhiều yếu kém, bất cập, không đi kịp với bước tiến của thời đại, gây nên trì trệ cho đất nước, làm ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống chính trị, tinh thần, vật chất và văn hóa của toàn dân. Đã có nhiều chính kiến, luận văn, kiến nghị của cán bộ lão thành, trí thức, đảng viên theo hướng trên, yêu cầu mạnh dạn từ bỏ không luyến tiếc các giáo điều: chủ nghĩa Mác-Lênin đã dẫy chết, chủ nghĩa xã hội mơ hồ ảo tưởng, nền chuyên chính một đảng duy nhất, từ bỏ nền kinh tế quốc doanh là chủ đạo…tất cả đã tỏ ra không còn sức sống, gây nên trì trệ, trở ngại cho mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Lãnh đạo Đảng CSVN đã cố tình bỏ ngoài tai yêu cầu khẩn thiết là thảo luận kỹ các vấn đề cơ bản cấp bách trên đây, nếu cần mở ra một cuộc trưng cầu dân ý trong toàn dân.
Đây là một khiếm khuyết cực kỳ tệ hại, một điều phi lý khổng lồ của cuộc hội nghị Trung ương Đảng trong 7 ngày qua.

Vấn đề thứ hai được quyết định là phân chia các vị trí cao nhất trong hệ thống cầm quyền, về chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng để đưa ra khoá họp Quốc hội sắp tới.
Theo những tiết lộ trước đây, ông Trương Tấn Sang sẽ nhận chức chủ tịch nước, ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ nhận chức chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ. Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Vũ Văn Ninh sẽ nhận chức phó thủ tướng. Ở trong đảng, ông Lê Hồng Anh sẽ là ủy viên thường trực của Bộ Chính trị, thay ông Trương Tấn Sang.
Việc Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN quyết định về các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước là một việc làm sai trái, một điều phi pháp khổng lồ, vì trong Hiến pháp không có một điều khoản nào quy định cái quyền ấy.
Tuy thông báo nói rằng Ban Chấp hành Trung ương đề nghị với Quốc hội về những vị trí then chốt, còn quyết định cuối cùng là thuộc về Quốc hội, đó chỉ là một thủ đoạn xảo trá, không đánh lừa được ai. Vì trong Quốc hội, 90% là đảng viên CS, mọi đảng viên phải tuân theo nghị quyết của Trung ương Đảng. Vậy là Quốc hội trên thực tế không mảy may có chút quyền gì trong việc lựa chọn và cử người vào những vị trí cao nhất của đất nước.

Trên thực tế là Ban Chấp hành Trung ương đã thoán đoạt quyền tối cao của Quốc hội. Trong Hiến pháp có ghi rõ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Cao nhất có nghĩa là không một ai có quyền gì ở trên Quốc hội.

Chính ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội, từng khẩn thiết yêu cầu phải đổi mới hẳn hệ thống chính trị, chấm dứt tình trạng “Bộ Chính trị là 14 ông vua tập thể” ngự trị trên đầu nhân dân.

Cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN vừa kết thúc có thể nói là một sự thách thức vô lễ với 500 đại biểu Quốc hội vừa được bầu, chưa kịp họp, dù cho họ được bầu theo kiểu “đảng chọn dân bầu” cổ lỗ, phi lý. Đây cũng là thách thức láo xược đối với cử tri và nhân dân cả nước.

Lãnh đạo đảng CS ăn nói ra sao, trả lời ra sao, nếu như trong cuộc họp Quốc Hội sắp tới, có đại biểu chất vấn về 2 việc làm phi lý khổng lồ hiển nhiên trên đây, cũng như chất vấn về một vấn đề nóng bỏng khác là “thái độ nhu nhược với bành trướng, hung ác với nhân dân” trong cuộc khủng hoảng Biển Đông?

Quốc hội mới có thể vẫn dễ bảo, dễ bị xỏ mũi, nhưng nhân dân, cử tri, kẻ sỹ dân tộc, trí thức thức tỉnh, tuổi trẻ yêu nước sẽ không thể ngồi im khi bộ máy chính trị trong thời đổi mới vẫn cứ cổ lỗ, bám chặt chủ nghĩa Mác – Lê đã thành thây ma, kiên trì chủ nghĩa xã hội mờ mờ ảo ảo, giữ chặt độc quyền đảng trị đầy tật bệnh và ôm chặt “16 chữ vàng” đầy hiểm họa cho toàn dân gánh chịu.

--------------------------------

BBC
Cập nhật: 13:57 GMT - thứ ba, 12 tháng 7, 2011

Hội nghị Trung ương II của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất một tuần họp bàn nhưng lại không đề cập đến chủ đề thời sự nóng bỏng là tranh chấp ngoài Biển Đông, gây ra thất vọng trong giới vận động chính trị.
Trả lời BBC Việt Ngữ ngày 12/7, ông Lê Hồng Hà, cựu chánh văn phòng Bộ Công an nhưng nay là nhà bình luận thời sự, cho rằng phương án nhân sự cao cấp đệ trình lên Quốc Hội khóa tới "vẫn là theo đường lối lâu này, chưa có gì đổi mới".
Nhưng theo ông, riêng việc Hội nghị trung ương kết thúc kỳ họp hôm Chủ Nhật 10/7 vừa qua mà không đề cập tới chủ đề Biển Đông là chuyện rất đáng nói.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong mấy tháng gần đây đã dẫn tới phản ứng của Việt Nam và Philippines trước hoạt động khẳng định chủ quyền mạnh bạo của Trung Quốc tại đây.
Trung Quốc một mặt kêu gọi giải quyết tranh chấp qua thương lượng một cách hòa bình, mặt khác kiên quyết tuyên bố chủ quyền tại phần lớn khu vực Biển Đông.
Philippines nói Trung Quốc đã vi phạm hải phận hàng chục lần từ cuối tháng Hai và chính phủ Manila có dự tính đưa vấn đề Biển Đông ra diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Indonesia vào giữa tháng này và khiếu nại Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc gây hấn và phá hoại thiết bị tàu thăm dò dầu khí và chính những vụ việc này đã dẫn tới các cuộc biểu tình quần chúng phản đối Trung Quốc tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

"Buồn và thất vọng"
Theo phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, giải thích thì biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông".
Tuy nhiên, tại hiện trường, công an Việt Nam đã bắt giữ một số người biểu tình cùng với các trợ lý báo chí của các cơ quan thông tấn nước ngoài đến đưa tin về vụ việc trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 10/7.
Việc chính phủ Việt Nam không có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc đã khiến những người như ông Lê Hồng Hà cảm thấy "buồn và thất vọng".
Ông Lê Hồng Hà giải thích: "Vấn đề sôi nổi, liên hệ trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, đến tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, là vấn đề Biển Đông, thì Hội nghị Trung ương đã không bàn gì hết, cũng như không đưa ra một tuyên bố gì về vấn đề này."
"Có lẽ người ta cho rằng cần có sách lược đúng đắn trong việc đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông nên họ có thái độ như vậy, nhưng theo tôi Trung ương họp bàn mà không tỏ thái độ về vấn đề Biển Đông thì như thế sẽ không có lợi cho uy tín của Đảng đối với nhân dân đất nước này," ông Lê Hồng Hà nói.
Vẫn theo ông Lê Hồng Hà trước việc "Trung Quốc có những hành động xâm lấn trắng trợn và rất ngang ngược" thì tất nhiên Biển Đông đang trở thành vấn đề chính trị sôi nổi.
Trước lập luận rằng chính phủ Việt Nam có thể cho rằng Trung Quốc là một nước lớn, nếu tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc thì có thể không có lợi về phương diện ngoại giao, ông Lê Hồng Hà nói:
"Chính phủ Việt Nam có thể cho rằng sách lược như thế là khéo léo mềm mỏng hơn, nhưng tôi không đồng ý với điều đó. Tôi cho rằng thái độ như thế là hơi bạc nhược."

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Hồ Xuân Sơn sang thăm Trung Quốc và họp bàn với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, hôm 25/06, một động thái được nhìn nhận như một nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước qua con đường thương thảo.
Tân Hoa Xã hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn.
Điều này khiến một phần dư luận Việt Nam đã bàn luận nhiều, và sau đó, 18 trí thức trong nước ký tên yêu cầu nhà nước cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc".
Gần đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 11/07 kêu gọi Việt Nam và Philippines sử dụng biện pháp 'ngoại giao khôn khéo' cùng vào thời điểm Bắc Kinh điều tàu ngư chính 46012 tới Trường Sa.
Hãng Reuters trích lời Thứ trưởng Trung Quốc, bà Phó Oánh, nói trong bài phát biểu tựa đề 'Phát triển hòa bình của Trung Quốc và môi trường quốc tế' tại Hong Kong: "Điều quan trọng là cần xử lý các điểm bất đồng".
Quốc hội Việt Nam khóa XIII sẽ bắt đầu họp phiên đầu tiên ngày 21/07, trong thời gian 23/07- 27/07 sẽ bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà nước, và lãnh đạo Chính phủ sẽ được bầu vào ngày 02/08.
Các phương án về nhân sự được báo chí nhà nước ca ngợi là "hợp lý nhất" cho tình hình hiện nay.

BBC
Cập nhật: 11:46 GMT - thứ hai, 11 tháng 7, 2011

Hội nghị 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc hôm Chủ nhật 10/07 sau một tuần họp với phương án nhân sự cao cấp để trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước, BCH Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện cho phép và đã đạt được sự nhất trí cao".
Theo ông Trọng, "việc lựa chọn này được thực hiện trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức bộ máy của QH, Chính phủ, các cơ quan tư pháp nhiệm kỳ XIII; kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển".

Các nhà quan sát gần đây đã đề cập đến điều mà họ gọi là "thiếu vắng người làm lãnh đạo" trong cơ chế Đảng Cộng sản bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ, trong có cả các luật lệ bất thành văn.
Ngoài ra, ông Trọng cũng phải nói đến nhu cầu từ nhiều giới trong và ngoài nước nêu ra, liên quan đến cải tổ Hiến pháp 1992.
Thế nhưng vấn đề này sẽ chỉ được bàn đến dần dần và ngôn ngữ của các văn kiện, thông báo của Đảng dịp này nói đến nhu cầu "bổ sung", "sửa đổi" chứ né tránh hoàn toàn cải tổ chính trị toàn diện.
Quốc hội Việt Nam khóa XIII sẽ bắt đầu họp phiên đầu tiên ngày 21/07 và trong thời gian 23/07- 27/07 sẽ bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà nước.

Một số nhân sự mới
Vũ Văn Ninh: Phó Thủ tướng
Phạm Bình Minh: Bộ trưởng Ngoại giao
Trần Đại Quang: Bộ trưởng Công an
Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ trưởng Y tế
Nguyễn Văn Bình: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Lãnh đạo Chính phủ sẽ được bầu vào ngày 02/08.

Một chi tiết đáng chú ý mà chuyên gia có uy tín về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Australia, đề cập tới với BBC là đang có các chỉ dấu cho thấy nội bộ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam "đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề quan hệ với Trung Quốc".
Dàn nhân sự lãnh đạo các bộ ngành trong chính phủ và tại Quốc hội hiện đang là chủ đề bàn tán trong nhiều diễn đàn mạng.
Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang cho rằng TBT Nguyễn Phú Trọng "khó có bản lĩnh để đương đầu với thực tiễn đang đầy cam go" của tình hình hiện nay.

Lãnh đạo chính phủ
Tuy không ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì, nhưng giới thạo tin gần như đồng thuận về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tại vị.
Theo Giáo sư Thayer, các sự cân nhắc trong "phương án hợp lý nhất trong điều kiện cho phép" có nghĩa Hội nghị Trung ương 2 đã đưa ra các quyết định có tính "an toàn", khi nhiều nhân vật được chọn đã có "quá trình" tiến tới các vị trí được bổ nhiệm.
Một nguồn tin trong Đảng cho hãng Dow Jones biết hội nghị lần này đã thống nhất chọn ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào chức Thống đốc, thay cho ông Nguyễn Văn Giàu nay nhận vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ông Bình mới vào Trung ương Đảng tại Đại hội XI hồi tháng Một.
Hãng Dow Jones cũng nói nguồn tin của họ cho hay Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh được thăng chức Phó Thủ tướng.
Theo dự đoán của hãng này, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, con trai cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, sẽ nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao.
Cũng giống như Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhiều năm nay là nhân vật không có chân trong Bộ Chính trị Đảng CS.
Một số bộ trưởng mới khác, cũng là "lựa chọn an toàn" bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Tiến từ Thứ trưởng nay lên Bộ trưởng Y tế, và ông Trần Đại Quang cũng từ Thứ trưởng lên Bộ trưởng Công an.

Di chuyển bàn cờ?
Một câu hỏi giới quan sát đặt ra là một khi ông Trần Đại Quang, người vừa được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội XI, làm bộ trưởng, thì ông Lê Hồng Anh, bộ trưởng đương nhiệm, sẽ được chuyển dịch đi vị trí nào.
Giới thạo tin đồn đoán việc ông có thể trở thành Thường trực Ban Bí thư Trung ương, thay cho ông Trương Tấn Sang, người sẽ giữ chức Chủ tịch nước.
Ông Trương Tấn Sang được cho là gương mặt đầy quyền lực, nhất là trước Đại hội XI, khi nhiều người cho rằng ông có khả năng "vượt qua" ông Nguyễn Tấn Dũng để trở thành thủ tướng.
Thực tế trong cuộc bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ông Sang đã giành nhiều phiếu hơn ông Dũng.
Theo Giáo sư Thayer, ông Trương Tấn Sang tuy không thành thủ tướng nhưng được ủng hộ của nhiều người trong Đảng và có thể là nhân vật có khả năng đối trọng lại các quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Trong kịch bản ông Lê Hồng Anh thay thế ông Trương Tấn Sang giữ chức Thường trực Ban Bí thư, ông Sang có thể mất đi một chút quyền lực nhưng với vị trí Chủ tịch nước, ông vẫn còn ủng hộ của Đảng và vai trò đã được ghi trong Hiến pháp."
Trong các bản hiện lưu truyền trên mạng gọi là "phương án nhân sự" của Ban lãnh đạo tới hiện vẫn nêu tên hai ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân ở các vị trí Phó Thủ tướng dù có những chỉ trích từ dư luận về cách điều hành mảng công việc của họ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nay đã rời mảng giáo dục để có thể nắm luôn cả Văn hóa - Xã hội - Giáo dục trong khi ông Hải có cơ hội thành Phó Thủ tướng thường trực.

.
.
.

No comments:

Post a Comment