Tuesday, July 5, 2011

Giới Thiệu Sách HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19-1-1974 của ỦY BAN HOÀNG SA (2004)



Nhân dịp báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc thuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam, cho đăng bài  Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 (1)  và bài  Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam” (2) , trong khi đó Tuần Việt Nam cũng có bài Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974(3)  , chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc tập tài liệu về trận hải chiến này do người trong cuộc nghiên cứu và thực hiện qua Ủy Ban Hoàng Sa.
.
---------------------------
ỦY BAN HOÀNG SA
ỦY BAN NGHIÊN CỨU TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Sau hơn 5 năm sưu tầm, nghiên cứu, phỏng vấn. Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã hoàn tất thiên nghiên cứu HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19-1-1974 với 470 trang, bìa cứng, nhiều tài liệu, hình ảnh, và 16 bài phỏng vấn trong và ngoài Hải Quân trực tiếp liên hệ đến trận hải chiến Hoàng Sa ngày  19 tháng 1 năm 1974.

XEM TIẾP TẠI  : http://www.ubhoangsa.org/

------------------


Cuốn Hải Chiến Hoàng Sa do Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa soạn thảo. Ủy ban được gọi tắt là Ủy Ban Hoàng Sa (UBHS) và do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử bảo trợ thành lập.

UBHS ra đời năm 2004 và cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là kết quả của 6 năm làm việc không ngừng của UBHS do cựu Hải Quân Thiếu Tá Trần Trọng Ngà làm Trưởng Ban cùng với 7 Ủy viên khác đều là cựu sĩ quan hải quân.

Trận hải chiến Hoàng Sa giữ gìn bờ cõi giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) và Hải quân Trung quốc (HQ/TQ) ngày 19/1/1974 là trận hải chiến đầu tiên với vũ khí hiện đại trong lịch sử Việt Nam không kể những trận hải chiến bằng tàu thuyền gỗ giữa các đội thủy quân Việt Nam với Chiêm Thành và Trung quốc trong những thế kỷ trước.

Trận hải chiến Hoàng Sa đã làm mất nhiều giấy mực. Nhưng trong xúc động và xáo trộn của biến cố 30/4/1975 liền sau đó các sự việc của trận đánh (như nguyên nhân, diễn tiến, kết thúc, thắng bại, hoạt động ngoại giao…)  chưa được phân tích đầy đủ. Các tài liệu được viết đã khác nhau ở rất nhiều điểm then chốt, ngay cả sự kể lại diễn tiến trận đánh của các sĩ quan chỉ huy trận đánh, Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc và 3 vị hạm trưởng tham dự trận chiến còn sống sót. Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San chỉ huy chiến hạm HQ 4, Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy chiến hạm HQ 5, Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy chiến hạm HQ 16. Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà chỉ huy chiến hạm HQ 10 đã tử trận khi lâm chiến.

Ngày 30/4/1975  khi đoàn tàu HQ/VNCH rời khỏi nước không ai mang theo các tài liệu liên quan đến trận hải chiến, trong đó có một tài liệu quan trọng là Bản Tường Trình của Ủy Ban điều tra về trận đánh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ). Nếu có tài liệu này sự tranh cãi giữa các nhân vật liên hệ có thể đã không diễn ra hay ít nhất cũng giới hạn được rất nhiều các điểm cần tranh cãi.

Đại tá Hà Văn Ngạc trước khi qua đời năm 1999  tại Hoa Kỳ có viết một tài liệu nhan đề “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” nói về trận đánh. Đây là tài liệu có thẩm quyền nhất của người trong cuộc. Nhưng một số hạm trưởng trong hải  đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa của ông nhìn diễn tiến cuộc chiến qua lăng kính của chiến hạm họ chỉ huy đã nêu ra nhiều điểm khác biệt. Và trong nội bộ HQ/VNCH đã có những cái nhìn rất khác nhau ngoài mẫu số chung là HQ/VNCH đã giao chiến với HQ/TQ  khi Trung quốc muốn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sự khác biệt nhau rất rộng ngay cả sự đánh giá thắng hay bại.

Thậm chí khi Hội Bạch Đằng ở San Jose tự sưu tầm tài liệu và nhân chứng thực hiện một DVD ngắn nói về trận hải chiến Hoàng Sa được vị cựu Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn và nhiều sĩ quan HQ/VNCH  khác xem là tương đối gần sự thật nhất cũng đã gặp phải sự “phiền hà” gay gắt của một trong 3 hạm trưởng còn sống sót khi DVD nói một trong 4 chiến hạm tham chiến đã gặp trở ngại tác xạ sau phát súng đại bác đầu tiên.

Có lẽ đó là lý do UBHS ra đời với mục đích nghiên cứu để viết một tài liệu lịch sử thật chính xác về cuộc hải chiến Hoàng Sa. Thiếu Tá Trần Trọng Ngà trưởng ban, và Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí, ủy viên UBHS tâm sự rằng để đạt mục đích này UBHS đã phải cố gắng hết mình gạt bỏ ra ngòai mục tiêu tuyên truyền và các xúc động cá nhân.

Thiện chí của UBHS thể hiện  trong cách sắp xếp công việc của Ủy Ban không theo thủ tục thường lệ là sĩ quan thâm niên nhất làm trưởng ban. Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí khóa 10 SQHQ Nha Trang là một người  nghiên cứu về “Tranh Chấp Biển Đông” với Web www.tranhchapbiendong.com  của ông làm ủy viên,
và Thiếu Tá Trần Trọng Ngà khóa 12 SQHQ Nha Trang làm Trưởng Ban (đúng ra phải gọi là Chủ tịch Ủy Ban). Ông Trần Trọng Ngà được biết nhiều ở hải ngoại qua biệt danh Trần Quốc Bảo, một trong những sáng lập viên và hiện là chủ tịch Tổ chức Phục Hưng Việt Nam (thành lập năm 1978), và cũng là Trưởng ban Điều hành Phong Trào Sài Gòn, đoàn thể đã thực hiện phim “Sự thật về Hồ Chí Minh”.

Trận đánh diễn ra cách đây 36 năm nên chưa đủ dài để có một lịch sử thật chính xác. Thí dụ các tài liệu mật về phía Trung quốc (Trung quốc có tiết lộ một số chi tiết với mục đích tuyên truyền). Và những sự việc quan trọng như ông Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói gì với Thủ tướng Chu An Lai khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh cuối năm 1973 bàn về quan hệ Mỹ-Nga-Tàu.

UBHS đã dùng một số tài liệu Trung quốc công bố sau khi gạn lọc.
Nhưng về  quan hệ Mỹ-Trung  – có lẽ UBHS cho là một vấn đề tế nhị và chưa có bằng chứng xác thực – đã không nghiên cứu kỹ hơn, mặc dù đã có những bài viết nghiêm chỉnh đăng trên tờ Đi Tới ở Canada (1) và nhiều báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ bàn về vấn đề này (2)

Tài liệu về phía HQ/VNCH cũng thiếu sót nhiều. Vị sĩ quan hải quân Chủ tịch Ủy Ban điều tra hiện ở Hoa Kỳ cũng cho biết không còn nhớ được bao nhiêu vì thời gian. Riêng tài liệu về phía Hoa Kỳ chỉ có một bản tường trình công khai của ông cựu đại úy Gerald Kosh khi theo đoàn tàu HQ/VN ra Hoàng Sa và bị bắt trên đảo. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ còn cất giữ nhiều tài liệu về vụ Hoàng Sa. UBHS có thể dùng luật “Information Act” của Hoa Kỳ để xin giải mật những tài liệu này nhưng UBHS không đủ thời gian và phương tiện.

Cuộc phỏng vấn các sĩ quan hải quân cao cấp VNCH liên hệ còn sống tại hải ngoại trong đó có vị TL/HQ năm nay đã hơn 90 tuổi và phó Đề Đốc Tư lệnh Vùng I Duyên Hải lúc đó thì nói chung vì tuổi tác và thời gian cũng không ăn khớp với nhau.  Đáng tiếc nhất là ngoài đại tá Hà Văn Ngạc đa qua đời, trong 3 vị hạm trưởng còn sống, chỉ có Trung Tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ 16 nhận trả lời phỏng vấn của UBHS.

Dù 36 năm chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn để UBHS có thể viết một tài liệu đầy đủ các mặt của vấn đề. Về mặt này UBHS đã rất thành công.

Cuốn HCHS gồm 3 phần chính:
Phần I nói về địa lý và lịch sử của quần đảo Hoàng Sa.
Phần II nói về trận hải chiến.
Phần III là phụ bản ghi lại nguyên văn (verbatim) các cuộc phỏng vấn, ngoại trừ cuộc trà đàm với ông Nguyễn Văn Ngân, cựu cố vấn đặc biệt tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được UB ghi lại.

Ở đây tôi không đi vào chi tiết của các phần. Cuốn HCHS tự nó đã rất đầy đủ. Tôi chỉ ghi lại những nhận xét tổng quát của từng phần .

Phần I, với những bằng chứng lịch sử, diện địa, đất đai, và tài liệu ngoại giao UBHS đã chứng minh một cách hùng hồn quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành lại biển đảo đã mất sẽ rất cam go. Thế kỷ này là thế kỷ của Trung quốc trên con đường vươn lên để làm bá chủ. Trung quốc đang biến quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự nối dài về phía sau với căn cứ Hải quân tại Yulin ở cực nam đải Hải Nam, và nối dài về phía trước với quần đảo Trường Sa trong sách lược chiếm cứ Biển Đông và chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ .

Phần II miêu tả những vận chuyển chiến thuật của 4 chiến hạm VNCH khi lâm trân. HQ/VNCH đã phải nổ súng trước, khi các tàu Trung quốc ngăn cản không cho đổ lính và người nhái lên đảo. Mặt khác, nổ súng trước để lấy thế thượng phong.
HQ/VNCH  cũng như HQ/TQ đều chưa có nhiều kinh nghiệm hải chiến trên đại dương nên UB không thể trình bày một thế trận theo sách vở tại các trường dạy về hải chiến. Cuối cùng HQ/VNCH  quyết định triệt thối về căn cứ hải quân Đà Nẵng để bảo toàn chủ lực. HQ/TQ bắt tù binh trên đảo và trên biển, trong đó có đại úy Kosh. Sau đó Trung quốc đưa nhiều tiểu đoàn bộ binh đến đổ bộ chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung quốc đưa tất các tù binh về đảo Hải Nam và Quảng Đông, được ghi nhận đối đãi tử tế. Sau khi phỏng vấn tù binh lấy lệ, 10 ngay sau Trung quốc trả tự do cho ông Kosh và 4 quân nhân Việt Nam, và cuối tháng 2/1974 tất cả 45 tù binh sĩ quan cũng như binh sĩ VNCH còn lại đều được trả tự do tại Hồng Kông.

Phần III là phần phỏng vấn. Nội dung các cuộc phỏng vấn đã được UB dùng một cách có hệ thống trong suốt cuốn HCHS. Trong 16 nhân vật được phỏng vấn có 3 cuộc phỏng vấn đáng quan tâm, và đáng ra UBHS nên in lại nguyên văn bài viết “Trận Hải chiến lịch sử Hoàng Sa” của Đại Tá Hà Văn Ngạc trong phần này dù ông đã qua đời .
Cuộc  phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Vương Văn Bắc tiết lộ cuộc đấu  tranh ngoại giao hết sức tích cực và đúng bài bản trên diễn đàn quốc tế để chứng minh quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Trước cuộc chiến, Bộ Ngoại Giao VNCH đã đưa ra những tuyên bố tố cáo định tâm xâm lăng của Trung quốc. Và sau cuộc chiến cũng đã đệ nạp cho Liên hiệp quốc những văn kiện khiếu nại cần thiết. Các thủ tục ngoại giao quốc tế và các tài liệu để lại sẽ là căn bản pháp lý quan trọng cho công cuộc đấu tranh giành lại đất đai về sau.

Cuộc phỏng vấn thứ hai với cựu Thiếu Tá Không quân Hồ Kim Giàu, phi đoàn trưởng phi đoàn nghênh cản 538 là lý thú nhất vì từ trước đến nay chưa được ai đề cập tới.
Phi đoàn nghênh cản của Không quân Việt Nam được thành lập cuối năm 1973 để đối phó với Không quân Bắc Việt trường hợp họ tấn công các phi trường thuộc Vùng I chiến thuật. Ngày 19/1/1974 khi cuộc chiến tại Hoàng Sa còn chưa ngả ngủ, Thiếu Tá Giàu được lệnh chuẩn bị phi đoàn bay ra Hoàng Sa oanh tạc các chiến hạm Trung quốc. Phi đoàn nghênh  cản gồm 4 chiến đấu cơ F5-A và 12 chiến đấu cơ F5-E tối tân và với bình xăng phụ có khả năng bay ra Hòang Sa tác chiến trong vòng 15 phút và trở về. Các phi công đều được huấn luyện không chiến tại Hoa Kỳ.
Sáng ngày 20/1 phi đoàn sẵn sàng lên đường. Nhưng đến trưa có lệnh từ phủ tổng thống hủy bỏ công tác.

Cuộc phỏng vấn thứ ba là một cuộc trà đàm không ghi âm với ông Nguyễn Văn Ngân do UB ghi lại theo trí nhớ gồm 7 điểm. Trong đó chỉ có điểm số 6 liên quan đến những gì ông Ngân nghe biết về vụ Hoàng Sa. Sáu điểm còn lại không liên quan đến vụ Hoàng Sa mà chỉ là những nhận xét chính trị của ông Ngân về quan hệ Việt –Mỹ sau Hiệp Định Paris.
Nhưng trong điểm 6 ông Ngân là người duy nhất trong 16 nhân vật được phỏng vấn nêu nghi vấn Hoa Kỳ đã thỏa thuận làm ngơ để cho Trung quốc chiếm Hoàng Sa trước khi Hà Nội chiếm miền Nam Việt Nam, một điều Hoa Kỳ biết trước sau cũng xẩy ra. Ý của Hoa Kỳ là dùng Trung quốc cản đường Nga Xô sau này dựa thế đồng minh với Hà Nội tiến vào Biển Đông đe dọa eo biển Malacca và Ấn Độ Dương.
Rất tiếc UB không đi vào chi tiết để tìm hiểu cơ sở lý luận của  ông Ngân, và đào sâu thêm nghi vấn quan trọng này trong mối quan hệ giữa VNCH và Hoa Kỳ vào giờ thứ 25.
Tuy chỉ là giả thuyết nhưng các sự việc lạ lùng về thái độ của Hoa Kỳ và Trung quốc chung quanh nó đủ cho chúng ta xây dựng một giả thuyết vững chắc về mặt sử liệu.

Vào thời điểm năm 1974 Hoa Kỳ đã rút Bộ binh và Không quân ra khỏi Việt Nam nhưng HQ/HK vẫn kiểm soát mặt Tây Thái Bình Dương và họ biết nhất cử nhất động của Trung quốc trong viêc chuẩn bị chiếm Hoàng Sa. Thế nhưng Hoa Kỳ chỉ cho HQ/VNCH  biết như là một tin không quan trọng khi quân Trung quốc đã lén lút chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa.
Thứ  hai, cựu đại úy Kosh khi ra đến Hoàng Sa đã xin lên đảo thay vì ở trên chiến hạm. Phải chăng ông Kosh biết sẽ có hải chiến và ở trên tàu nguy hiểm hơn?
Sau trận hải chiến thủy thủ chiến hạm HQ 10 trôi dạt trên biển Việt Nam yêu cầu các chiến hạm Hoa Kỳ của hạm đội 7 gần đó vớt nhưng hạm đội 7 đã làm ngơ.
Sau cùng Trung quốc đã trả tự do cho ông Kosh và các quân nhân VNCH bị bắt giữ một cách nhanh chóng .
Theo tiền lệ Trung quốc không trao trả tù binh, nhất là tù binh Mỹ nhanh như thế. Họ đã từng giam giữ những linh mục, mục sư Hoa Kỳ nhiều chục năm sau khi chiếm Trung quốc lục địa năm 1949.
Ngoài ra mấy tháng trước cuộc tấn công ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger đã đi Bắc Kinh trao đổi tình hình thế giới nhất là mối quan hệ Mỹ-Nga-Tàu.

Ngòai những điểm nêu trên, cuốn Hải Chiến Hoàng Sa là một tài liệu công phu và nghiêm chỉnh nhất từ trước đến nay. Quyết định của Tổng Hội HQ&HH Việt Nam Cộng Hòa và Hội Đồng Hải Sử thành lập Ủy ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa là một quyết định có tầm vóc.

Cuốn sách chứng minh một điều không thể chối cãi trên công pháp quốc tế và Luật Biển 1994 Hoàng Sa là của Việt Nam và nếu kiên trì tranh đấu trên mọi địa bàn thì – như cựu Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã nói – nếu không trong thế hệ này, thế hệ con cháu chúng ta vẫn có đủ căn bản để lấy lại Hoàng Sa. Lịch sử chứng tỏ rằng sau một xáo trộn lớn (như Thế giới chiến tranh I, Thế giới chiến tranh II) ranh giới nhiều quốc gia thay đổi và “châu lại về hợp phố ” .

UBHS với số ủy viên chỉ còn 5 người khi hoàn thành cuốn Hải Chiến Hoàng Sa, đã làm việc kiên trì và liên tục trong 6 năm liền là một đóng góp lớn lao cho kho lịch sử dựng nước và giữ nước, và là một phần của lịch sử HQ/VNCH khi đất nước còn bị chia cắt.

Đây là một tài liệu sống động mang màu sắc lịch sử, nhất là trong thời điểm này lúc Trung quốc đang biến cải Hoàng Sa thành một căn cứ hải quân nhỏ với phi trường, kho tiếp liệu, kho vũ khí, đài quan sát và cũng là lúc cuộc tranh chấp về Hoàng Sa (và Trường Sa) giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang làm cho Biển Đông lại dậy sóng.

Tài liệu này là một thứ vũ khí đóng góp không nhỏ cho công cuộc tranh đấu đòi đất, đòi đảo của dân tộc Việt Nam không phân biệt chính kiến.

Ngày 24/10 Ủy Ban Hoàng Sa sẽ ra mắt cuốn Hải Chiến Hoàng Sa tại Little Sài gòn. Đây là một dịp hiếm có để đồng bào hải ngoại có cơ hội đọc một tài liệu quý, phong phú, và đầy đủ mọi mặt của vấn đề và nhất là được trình bày bởi những cựu sĩ quan quân lực VNCH nắm vững vấn đề Hoàng Sa nhất .

Oct. 18, 2010
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
————————-
(1)    Tờ “Đi Tới” nay đã đóng cửa
(2)    Xem tài liệu số 118 phần Bình Luận

------------------------------

(10/26/2010)

WESTMINSTER, California (VH): 1 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 24 tháng 10 năm 2010 vừa qua, Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải VNCH, Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã tổ chức ra mắt giới thiệu và phát hành thiên nghiên cứu “Hải Chiến Hoàng Sa”, tại CLB Hải Quân Hoàng Sa (Nhà Hàng Paracels), thành phố Westminster.

Đây là một tài liệu lịch sử sống động, nóng bỏng trong thời điểm xảy ra cuộc tranh chấp về Hoàng Sa (và Trường Sa) giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang làm cho Biển Đông dậy sóng như hiện nay. Tác phẩm cũng  là một đóng góp không nhỏ cho công cuộc tranh đấu đòi đất, đòi đảo của dân tộc Việt Nam.

Buổi ra mắt thiên nghiên cứu “Hải Chiến Hoàng Sa” thu hút hơn một trăm người đến tham dự và những diễn giả đã giữ chân hầu hết ở lại đến cuối giờ vì những bài nói chuyện sâu sắc. Trong số người tham dự, ngoài đồng hương, phần lớn là những cựu chiến sĩ Hải Quân, các cựu quân nhân quân binh chủng VNCH, có sự tham dự của nhiều nhân sĩ cộng đồng như Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu thứ trưởng Giáo Dục VNCH, cựu luật sư Trần Thanh Hiệp từ Paris – Pháp quốc sang, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH Nguyễn Xuân Dục đến từ Dalas–Texas…

Trò chuyện với phóng viên Việt Herald, ông Hà Quang Tự, thiếu tá hải quân, ủy viên kiêm thư ký trong Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa tâm sự:
“Tôi đảm nhận một chương trong sách và phụ trách ghi âm phỏng vấn các nhân vật, tôi về viết lại ra giấy, rồi trình lại cho ủy ban xem, rồi gửi cho những người được phỏng vấn xem để duyệt xét lại, đồng ý chỗ nào rồi mới đưa đi ấn bản.
Khi viết chương sách trận hải chiến Hoàng Sa, tôi phải căn cứ trên 5 nguồn tài liệu, tài liệu thứ nhất từ VNCH, tài liệu khi các tàu trong trận hải chiến Hoàng Sa báo cáo về hải quân VNCH, tìm kiếm khá khó khăn, vì sau 1975, nó bị thất tán nhiều nơi, may mắn kiếm được hồ sơ báo cáo trận hải chiến của hạm trưởng HQ 5 báo cáo lại tư lệnh bộ duyên hải.
Phối kiểm tin tức từ phía Trung cộng, tài liệu giải mật của Hoa Kỳ. Các tài liệu của anh em hải quân tham chiến Hoàng Sa viết lại.
Hạm trưởng HQ 10, là người bạn đồng khóa của tôi, khóa 12, anh thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh theo tàu, anh em cùng khóa chúng tôi rất thân thiết nhau. Khi mất đi một người, giống như mất đi một người anh em trong nhà, chúng tôi rất thương cảm.
Chuyến đi thực hiện chương sách với tôi chuyến nào cũng quan trọng, vì được gặp những chỉ huy cũ, những đồng đội cùng binh chủng…
Tâm nguyện chúng tôi mong đây là quyển sử liệu, mô tả lại trận hải chiến Hoàng Sa anh dũng và bi hùng, để thế giới biết chúng ta là nạn nhân của kẻ cướp đất Trung cộng.”

Sau nghi thức khai mạc và giới thiệu quan khách do thiếu tá hải quân Vũ Kim Thanh điều khiển, Hải Quân Nguyễn Mạnh Trí, trưởng ban tổ chức buổi ra mắt sách, đã gửi lời chào mừng quan khách, cảm tạ sự hiện diện của mọi người đã đến khích lệ tinh thần cho 5 anh em trong ủy ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa, là những người tham gia chính trong việc biên soạn quyển “Hải Chiến Hoàng Sa”.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Trí nói:
“Trước đây cũng đã có nhiều người viết về trận hải chiến này, cả trong và ngoài hải quân. Một số viết theo cảm tính cá nhân, một số lại không nắm vững được tình hình cụ thể nên trận hải chiến Hoàng Sa đã chưa được viết lại một cách khách quan, trung thực. Nay với một tập thể làm việc, thận trọng đặt sự việc vào lịch sử mà không có tính thời sự cũng như tuyên truyền để trận hải chiến Hoàng Sa xuất hiện trong lịch sử VN như một chứng tích chứng minh tinh thần và chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Trước tham vọng Trung cộng, cuốn biên khảo này không chỉ là tài liệu quan trọng của anh em chúng tôi, mà là tài liệu của dân tộc Việt Nam trong sứ mạng đấu tranh giành lại Hoàng Sa ngay tại quốc gia Việt Nam.”

Tiếp lời, trong bài phát biểu của mình, tổng hội trưởng Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH Nguyễn Xuân Dục đã chia sẻ nỗi đau của mình trước việc Trung cộng và chính quyền Hà Nội cấu kết với nhau Trung quốc hóa Việt Nam.
Ông khen ngợi anh em trong ủy ban đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thiện thiên nghiên cứu “Hải chiến Hoàng Sa”, và phổ biến rộng khắp. Ông cho rằng quyển sách đã trưng ra những tài liệu, hình ảnh, bản đồ minh chứng chủ quyền VN trên Quần Đảo Hoàng Sa và ghi lại cuộc chiến giữa Hải Quân VNCH chống Hải Quân Trung Quốc, kẻ xâm lăng mạnh hơn mình gấp bội, nhằm bảo vệ giang sơn, danh dự quân đội VNCH và chủ quyền quốc gia trên quần đảo này.

Trước khi trình bày về nhiệm vụ của Ủy Ban Hoàng Sa và ý nghĩa của thiên nghiên cứu “Hải Chiến Hoàng Sa”, ông Trần Trọng Ngà (cựu thiếu tá hải quân- giám đốc sản xuất phim “Sự thật Hồ Chí Minh”, Chủ Tịch tổ chức Phục Hưng Việt Nam), là trưởng Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa, đã giới thiệu 4 thành viên trong Ủy ban cùng ông thực hiện thiên nghiên cứu này, gồm ủy viên kiêm thư ky Ô- cựu hải quân thiếu tá Hà Quang Tự, ủy viên – cựu hải quân Trung tá Nguyễn Mạnh Trí, ủy viên giáo sư Phạm Văn Thanh – nguyên là cựu hải quân Trung úy, đến từ Michigan, và cựu ủy viên kiêm webmaster – cựu hải quân thiếu úy Vũ Văn Thiện.
Ông cũng không quên cảm ơn những sự giúp đỡ của các vị cố vấn của ủy ban Ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. TS Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. GS Trần Anh Tuấn, cựu Giáo Sư Sử Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Cám ơn Chiến Hữu Hội Trưởng Hội Cửu Long và quý anh chị em trong Ban Chấp Hành Hội và ông bà chủ nhân nhà hàng Paracel đã tích cực yểm trợ buổi ra mắt hôm nay.

Ông Trần Trọng Ngà chia sẻ:
“Khi soạn thảo quyển sách này, anh em chúng tôi trong UBHS lúc nào cũng tâm niệm là đang nỗ lực để đốt một nén hương dâng lên hương hồn 74 anh hùng tử sĩ HQ đã hy sinh trong việc bảo vệ bờ cõi, trong đó có anh hùng Ngụy Văn Thà, hạm trưởng HQ10 – cũng là người bạn đồng khóa với tôi và vài anh em trong ủy ban.
Quyển sách HCHS đến tay quý vị đúng vào lúc lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam ngày càng bị mất về tay Trung Quốc. Vì vậy, bên cạnh vai trò của một sử liệu  ghi lại đầy đủ và trung thực diễn tiến trận hải chiến Hoàng Sa, cuốn HCHS còn là một phần trong hồ sơ vạch trần dã tâm xâm chiếm nước ta của Bắc Kinh qua việc trắng trợn chiếm đoạt Quần Đảo Hoàng Sa…”

Khi trình bày nhiệm vụ của Ủy Ban Hoàng Sa, cựu thiếu tá Hải quân Trần Trọng Ngà cho biết:
“Cũng tại địa điểm này, gần đúng 6 năm trước, vào chiều tối ngày 30 tháng 10 năm 2004, hơn 20 cựu SQHQ, đáp lời mời của Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải và Hội Đồng Hải Sử, tham dự cuộc họp để bàn thảo về nhu cầu soạn thảo một tài liệu đày đủ và xác thực về trận hải chiến Hoàng Sa.
Hơn 2 tháng sau, vào ngày 5 tháng 12 năm 2004, Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa chính thức ra đời với 8 thành viên, nhưng qua thời gian, vì những lý do cá nhân, 3 vị đã xin ngưng, nên hiện nay UB còn 5 thành viên.

Cựu thiếu tá Hải quân Trần Trọng Ngà nói:
“Sau nhiều lần cân nhắc, UBHS quyết định chỉ đưa ra sơ lược bối cảnh chính trị trước cuộc hải chiến Hoàng Sa để độc giả có ý niệm tổng quát về tình hình Việt Nam vào thời điểm đó, mà không đi vào chi tiết, nhất là tìm hiểu, đào sâu các tin tức, sự kiện chính trị, như biến chuyển về liên hệ giữa Hoa Thịnh Đốn – Bắc Kinh mà một số người tin rằng liên quan đến việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa.         
Bù lại, UB tập trung vào việc phỏng vấn những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến trận hải chiến. Trong nỗ lực này, Ủy Ban Hoàng Sa đã phỏng vấn được 16 người thuộc nhiều thành phần khác nhau.”

Cựu hải quân Trung úy- Giáo sư Phạm Văn Thanh trong vai trò là người edit và lay out quyển sách, đã trình bày chi tiết về quá trình soạn thảo và nội dung cuốn sách này, về lịch sử quần đảo Hoàng Sa, minh chứng chủ quyền, tổng quát trận hải chiến Hoàng Sa, diễn biến trước hải chiến.

Trong phần phát biểu cảm tưởng về tác phẩm Hải chiến Hoàng Sa, bằng giọng nói ôn tồn, từ tốn và hùng hồn Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cựu luật sư Trần Thanh Hiệp, bình luận gia Trần Bình Nam đã không ngớt lời ngợi khen tác phẩm, đi vào vài chi tiết trong sách để phân tích và khai triển cho rõ hơn, để minh chứng Hải Chiến Hoàng Sa là tài liệu, chứng từ được sử dụng một cách khách quan; có thể nói, phong phú về chất liệu, kết hợp những mảnh chi tiết rời rạc theo nhãn quan, nhận xét từ nhiều phía, nhiều khía cạnh thành trận hải chiến sống động, khốc liệt như thật sự xảy ra. Một công trình soạn thảo quy mô, với rất nhiều tài liệu phong phú, chính xác, quý giá, với những phân tích, suy luận khoa học, vững chắc, và lối trình bày trang nghiêm rõ ràng.

Cả ba vị cũng trình bày những kỷ niệm của cá nhân đã có với quần đảo Hoàng Sa, và những đóng góp thêm cho tác phẩm để trong những lần tái bản sau sẽ hoàn thiện hơn. 
Nhân dịp này, Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã trích $400 từ số tiền hơn $1,000 vừa thu được từ việc bán sách, để gửi tặng Hội Cửu Long cho chương trình yểm trợ cô nhi quả phụ các tử sĩ trận hải chiến Hoàng Sa và thương phế binh Hải Quân VNCH của hội đang thực hiện. 

Trước khi tạm biệt, thiếu tá Trần Trọng Ngà nhờ phóng viên Việt Herald chuyển lời nhắn đến đồng hương:
“Động lực thôi thúc anh em chúng tôi ngồi lại bên nhau viết quyển sách này, bởi vì chúng tôi muốn rằng là chúng ta phải có tài liệu chứng tỏ với thế giới biết rằng Hoàng Sa là của Việt Nam. Để các thế hệ mai hậu thấy được kinh nghiệm của thế hệ hiện tại, bảo vệ đất nước hiệu quả hơn. Trên căn bản đó, những tài chánh mà chúng tôi thu được khi ấn hành quyển hải chiến hoàng sa, được dùng để yểm trợ cô nhi quả phụ, các tử sĩ trận hải chiến Hoàng Sa, thương phế binh Hải Quân VNCH, và chuyển dịch tác phẩm này qua các ngoại ngữ Anh, Pháp để phổ biến sâu rộng hơn.” (D.U)

Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974
Do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải VNCH ấn hành
Ấn phí 25 Mỹ Kim – Cước phí Bưu điện: 5 Mỹ Kim
Chi phiếu xin đề: Mr. Ha Quang Tu
P.O. BOX 6005, Torrance, CA 90504, USA

Ngoài Bắc Mỹ, xin liên lạc:
Âu Châu: Ô. Nguyễn Gia Nam: nguyengianam@hotmail.com
Úc Châu: Ô. Nguyễn Khương Ninh: nkninh@yahoo.com

—————–

TIN LIÊN QUAN

Việt Báo 
Thứ Ba, 10/26/2010, 12:00:00 AM

Hương Vinh
Tường trình từ Little Saigon
24 tháng 10, 2010

Trần Bình Nam
.
.
.

No comments:

Post a Comment