Saturday, July 2, 2011

DÂN HÃY NGỒI YÊN, MỌI CHUYỆN ĐỂ NHÀ NƯỚC LO, KỂ CẢ YÊU NƯỚC! (Lê Diễn Đức)




Biểu tình ôn hoà là hình thức thị uy lực lượng hợp pháp của công dân tại các nước dân chủ.

Ở Pháp các công đoàn lao động rất mạnh và có ảnh hưởng, nên Pháp là quốc gia gần như dẫn đầu châu Âu về biểu tình phản đối chính phủ. Cách đây vài năm, một nghệ sĩ người Bulgaria thiết kế biểu tượng các nước thành viên treo trước trụ sở của Liên hiệp châu Âu (EU), đã cắm tấm biển với chữ “biểu tình” trên bản đồ Pháp.
Quốc hội Hy Lạp đang nỗ lực thông qua chương trình thắt lưng buộc bụng, giảm chi phí ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công vốn đã vượt quá khả năng thanh toán, nhằm nhận được nguồn chi viện của EU, bị dân chúng phản đối dữ dội, làm tê liệt Hy Lạp suốt nhiều ngày nay.

Vào ngày thứ Năm, 30 tháng 6, chính phủ Anh nói việc thay đổi chính sách hưu trí là “công bằng với người dân đóng thuế”, nhưng các công sở và trường học tại Anh đã phải đóng cửa do nhân viên nhà nước và giáo viên đình công chống lại kế hoạch này.

Mặc dù trong phong trào xuống đường lật đổ chế độ độc tài đã thành công, thanh niên Ai Cập vẫn không quên nhắc nhở chính quyền thực hiện các cam kết. Suốt đêm thứ Ba ngày 28 tháng 6, hàng ngàn người tụ tập trên quảng trường Tahrir đòi nhà chức trách tăng tốc tiến trình xét xử cựu Tổng thống Mubarak. Cuộc xô xát đã xảy ra do cảnh sát chặn đường và sử dụng hơi cay, làm khoảng 590 người bị thương, trong đó có 40 nhân viên an ninh.
Ba Lan cũng không kém ai về truyền thống biểu tình. Kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, trong suốt hơn 20 năm xây dựng thể chế dân chủ, tự do, hầu như không có tháng nào không nổ ra biểu tình phản đối chính phủ.

Trong ngày 30 tháng 6, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan tổ chức biểu tình ở 16 thành phố với hàng chục ngàn người tham gia, riêng ở thủ đô Warsaw có mười mấy ngàn người tập trung trước Văn phòng Thủ tướng. Cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, không có gì thái quá xảy ra.

Tuy nhiên không khí biểu tình rất ồn ào bởi tiếng còi, tiếng vuvuzela và cũng không thiếu những tiếng hô lớn của những người không bằng lòng với chính phủ như “Quân ăn cắp!”, “Thủ tướng, chúng tôi biết Ngài dối trá”, “Chính sách của các vị, đói nghèo của chúng tôi!”.

Phát ngôn viên của Công đoàn Đoàn kết nói rằng, mục đích của cuộc biểu tình là gửi thông điệp đến chính phủ Ba Lan và châu Âu rằng “Ba Lan vẫn còn nhiều vấn đề xã hội, lương lao động còn thấp và thất nghiệp trong giới trẻ”.
Trong khi đó, năm 2006 tôi đã từng đưa ra nhận định rằng dân chủ là cách làm kinh tế hiệu quả nhất của Ba Lan (trong một bài viết cho BBC).

Thực vậy! Xoá bỏ chế độ cộng sản, Ba Lan đã được quá nhiều, không chỉ trong lĩnh vực nhân quyền.
Ngay sau khi nhà nước dân cử thiết lập, các Câu lạc bộ Tài chính quốc tế Paris và London đã xoá cho Ba Lan phân nửa số nợ do chế độ cộng sản để lại, trị giá hơn 20 tỷ đôla. Còn Liên minh châu Âu (EU) đã và đang chi viện cho Ba Lan phát triển kinh tế với 67 tỷ € (69 tỷ € tính theo vật giá cố định) trong tài khoá 2007-2013. Một số tiền khổng lồ!

Hôm 29 tháng 6, Hội đồng châu Âu đề xuất chi cho Ba Lan 80 tỷ € trong dự thảo ngân sách 2014-2020. Như vậy Ba Lan dự kiến vẫn là nước hưởng lợi lớn nhất cho các chương trình năng lượng, giao thông trong dự toán ngân sách của Quỹ Cơ sở hạ tầng của EU.

Tiếp nhận một nền kinh tế kiệt quệ từ chế độ cộng sản, dù không phải không còn những nan đề, Ba Lan là nước duy nhất ở châu Âu giữ được tăng trưởng kinh tế đều đặn qua suốt cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008.
Một nước có diện tích nhỏ hơn Việt Nam, dân số chỉ hơn 1/3 dân số Việt Nam, không ngợi ca có “rừng vàng biển bạc”, nhưng Ba Lan đang là nền kinh tế thứ 20 trên thế giới với GDP hơn 468,5 tỷ USD (số liệu 2010 của IMF), đời sống vật chất không ngừng được cải thiện, an ninh xã hội ổn định.

Là thành viên của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, Ba Lan có tiếng nói tự tin trên trường quốc tế. Song song với chính sách láng giềng thân thiện và khôn khéo, hai cường quốc sát sườn là Đức và Nga trở thành đối tác quan trọng trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Vậy tại sao dân Ba Lan vẫn không ngớt kêu ca, oán trách nhà nước, vẫn biểu tình thường xuyên?
Vâng, đây là một quyền lợi bình thường trong một xã hội dân sự được hiến pháp bảo đảm. Chính phủ của đảng cầm quyền không thể muốn làm gì thì làm. Phải nghe tiếng nói của dân, nghe cả những chỉ trích gay gắt của phe đối lập, để toan tính và điều chỉnh mình, nếu không muốn thất bại trong kỳ tranh cử tiếp theo.
Phát biểu về những mục tiêu của Ba Lan trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU bắt đầu từ ngày 1/07/2011, ông Buzek, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viện châu Âu nói: “Mọi người ai cũng muốn nhiều hơn, nhưng sự phát triển của Ba Lan là tuyệt vời. Hàng chục ngàn người nhân dịp này sẽ tới Ba Lan. Hãy để họ xem Ba Lan đã phát triển như thế nào”.

Với người Việt trong nước, tinh thần phản kháng trước bất công dường như chỉ còn lại rất ít, vì đã tê liệt dần bởi văn hoá sợ hãi và nô lệ, bởi chính sách nhồi sọ và thuần hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Số người tham gia biểu tình phản đối sự khiêu khích, xâm phạm chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh ít hơn mức lẽ ra phải có, là nỗi bất hạnh và xót xa!

Trao đổi với nhiều bạn trên mạng xã hội Facebook, tôi nhận thấy nhiều người Việt mãn nguyện với những gì họ có hôm nay. Có bạn cho rằng từ xe đạp lên ngôi xe gắn máy là tốt lắm rồi. Nếu ĐCSVN không tài giỏi làm sao có cuộc sống thay đổi như bây giờ, họ đặt câu hỏi.
Thật tội nghiệp cho họ! Có lẽ vì không được sống và trải nghiệm tại những nước đã lột xác khỏi hệ thống cộng sản, nên họ chỉ biết so sánh với chính mình. Họ không suy ngẫm rằng, nếu thể chế chính trị đặc quyền, đặc lợi của ĐCSVN không kìm hãm sáng tạo cá nhân, nếu số vốn tự có và tiền vay nước ngoài đầu tư cho các công trình không bị thất thoát vì tham nhũng tới 30-40%, nếu lãnh đạo ĐCSVN không liên tục mắc phải sai lầm, trong chừng ấy thập niên hoà bình, Việt Nam đã có thể đạt đến mức cao hơn nhiều lần.

Năm 2009, tổ chức New Economics Foundation có trụ sở tại Anh quốc công bố “Chỉ số Hành tinh Hạnh Phúc” HPI (Happy Planet Index). Báo chí trong nước đồng loạt đưa tin Việt Nam nằm trong Top 5 hạnh phúc nhất thế giới.
Không ít người ngộ nhận đến mức hoang tưởng, đưa điều này ra trong các cuộc tranh luận nhằm khẳng định mọi thứ ở Việt Nam đều tuyệt vời, nói khác đi là nói xấu quê hương, đất nước!
Thực chất chỉ số HPI chỉ là biểu hiện mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường, chứ không phải là số đo hạnh phúc của một quốc gia. Đấy là chưa bàn đến một thực tế rằng, trong các nước có tự do ngôn luận, nơi nào người dân có ý thức phản kháng với các chính sách của nhà nước, nơi đó ít khi họ bằng lòng với chính phủ, với những gì đang có.

Tôi đưa ra một số vị trí trong bảng xếp hạng đã dẫn của các quốc gia giàu có, thịnh vượng, có phúc lợi xã hội cao, nhưng lại ở những hạng thứ rất thấp vì các yếu tố khác không nằm phạm trù khảo sát của New Economics Foundation, để chúng ta thấy còn rất nhiều người Việt hoặc ít học, hoặc thiếu thông tin, đáng thương thật sự trước cơn lên đồng, phát cuồng lên tự sướng bởi chủ nghĩa dân tộc mù quáng của họ.
Nước Đức hạng 51, Thuỵ Sĩ: 52, Thụy Điển: 53, Pháp 71, Na Uy: 88, Úc: 102, Đan Mạch: 105, Mỹ 114 (trong 143 nước được nghiên cứu xếp hạng).

Những điều nói trên cũng tương tự lúc Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay giữ chức Chủ tịch khối ASEAN. Một số người nghĩ rằng, vị thế của Việt Nam đã được đẩy lên mức ngang hàng với các cường quốc, có thể “thức canh giữ hoà bình thế giới”, trong khi những chức vụ này mang tính luân phiên, xếp hàng là đến lượt!
Người dân thì như vậy, trong khi ĐCSVN thực thi chính sách hết sức quái đản và vô nhân đạo. Từ cổ tới kim, từ thời phong kiến đến thời hiện đại, chưa có một nhà nước nào đàn áp dân chúng tập hợp bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm hoạ bị ngoại bang xâm lược. Trong ngày 26/6 vừa rồi, giải tán biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, công an nói ra những câu trơ trẽn như “Yêu nước thế đủ rồi”, “Về đi, để nhà nước lo”!

Cũng chưa thấy nước nào cho ra một chủ trương ngu xuẩn như Nghị định 38/2005 của Chính phủ Việt Nam, quy định “hoạt động tập trung đông người, từ năm người trở lên, ở nơi công cộng sẽ phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền”, và “hoạt động tập trung đông người nơi công cộng được định nghĩa là tập trung từ năm người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội”.

Tôi nhấn mạnh lần nữa, một chủ trương cực kỳ ngu xuẩn, bởi vì trong thực tế không thể thực hiện nổi, vừa ấu trĩ, vừa hài hước. Ví dụ một gia đình với hai ông bà, cha mẹ và hai con (6 người), rủ nhau ra công viên vui chơi, hoặc đi bách bộ trên vỉa hè, đi xem phim, xem hát, v.v… cũng phải xin phép ư? Tổ chức một buổi tiệc sinh nhật, lễ cưới cũng phải xin phép ư?…

Để thực hiện nghị định này, trong thông tư hướng dẫn, Bộ công an còn cho phép “sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, xe phun nước, chó nghiệp vụ, chất gây cay (hơi, khói, nước), quả nổ và các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng khác vào mục đích bảo đảm trật tự công cộng”.
Độc ác, dã man đến thế là cùng!

Cách đây mấy chục năm, phản ánh tình trạng xã hội Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp, Cụ Tản Đà ngao ngán viết:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan”!

Thế nhưng chế độ cai trị của thực dân Pháp chưa thấm vào đâu về mức độ tệ hại so với chế độ cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai câu thơ của Cụ Tản Đà nếu mang áp dụng cho hôm nay còn là quá ít!

© Lê Diễn Đức – RFA Blog

------------------------------------------------------------------

* Đây là Blog của cá nhân Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết phản ánh quan điểm độc lập của tác giả.

.
.
.

No comments:

Post a Comment