Friday, July 8, 2011

BÀI PHÁT BIỂU CỦA DÂN BIỂU LUKE SIMPKINS TẠI HẠ VIỆN ÚC vê VI PHẠM NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM


Luke Simpkins
Cập nhật: 7/07/2011

HẠ VIỆN QUỐC HỘI Thứ Hai, 4 tháng Bảy năm 2011
Dân biểu LUKE SIMPKINS (Khu vực bầu cử Cowan)

Ông SIMPKINS: Tôi xin dùng cơ hội này để bày tỏ sự phản đối chính sách bạo ngược của nhà cầm quyền Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và việc đối xử khốc liệt đối với những nhà hoạt động nhân quyền, các nhân vật đối kháng và những người vận động cho dân chủ. Ngay khi nhận được thông tin về buổi điều trần này tôi đã lập tức tìm cách có được cơ hội phát biểu về vấn đề nói trên. Tôi tin chắc rằng trong lĩnh vực này tôi luôn là người ủng hộ mạnh mẽ cho một Việt Nam tự do và dân chủ. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người bạn của tôi trong cộng đồng người Việt tại Tây Úc: Ông Peter Lê, Chủ tịch Cộng đồng; ông Đại Nguyễn, Phó Chủ tịch Cộng đồng; các thành viên Ban Chấp hành Cộng đồng, cũng như các người bạn trong đảng Việt Tân, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng; và trụ trì ngôi chùa Việt Nam tại địa phương, Hòa thượng Thích Phước Nhơn.

Tôi đặc biệt thiết tha tham gia tìm hiểu về vấn đề vì bản thân có các mối liên hệ cá nhân. Tôi nói như vậy vì chính bản thân tôi đã được cùng tham gia buổi cầu nguyện với các thành viên của Hội tháng Chuồng bò vào hôm Chủ Nhật, ngày 9 tháng Giêng vừa rồi, và gặp mặt bạn bè cùng thân nhân của bảy vị sẽ được đề cập trong buổi trình bày hôm nay. Tôi đã cùng hát và cầu nguyện với các thành viên hội thánh vào ngày hôm đó. Khi trao đổi với các thành viên hội thánh, chúng tôi nhắc đến năm trong số những người có tên hôm nay: Mục sư Khải; truyền đạo Nguyễn Chí Thành; các tín hữu Phạm Văn Thông, Nguyễn Thành Tâm và Phạm Ngọc Hoa. Ngày hôm đó khi tôi tới thăm Hội thánh Chuồng bò đang bị ngập nước tại Sài Gòn thì những vị này khi đó đều đang trong tù.

Thật là một điều đáng buồn là sau khi bị bắt bớ, bảy nhà đấu tranh đã bị đưa ra tòa xử vào ngày 30 tháng Năm năm 2011. Trên thực tế nó là một sự cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam cùng với bộ máy tòa án của họ đã cố gắng quy kết cho những nhà đấu tranh tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền” khi mà tất cả những gì họ làm là nhằm đưa tới một chính quyền minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn, đảm bảo nhân quyền và hành động như những người yêu nước, cho một đất nước Việt Nam thực sự tự do và độc lập. Đó chính là những gì mà bảy nhà đấu tranh này đã làm khi họ chọn con đường vận động cổ xuý dân chủ; tham gia các cuộc biểu tình bất bạo động để chuẩn bị và phân phát các tài liệu tuyên cáo chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; giúp các dân oan khiếu kiện về tình trạng bị mất đất đai; và tham gia vào việc quảng bá cho công bằng xã hội một cách ôn hòa.
Mỗi khi nghĩ về những con người dũng cảm đã phải chịu đàn áp này vì một mục tiêu cao cả, tôi luôn nhớ lại buổi sáng hôm đó với gia đình và bè bạn của họ. Tôi sẽ không nêu tên từng người đã tham gia buổi gặp mặt trong Hội thánh ra đây vì tôi biết những gì tôi từng nói trong quá khứ tại đây đã bị theo dõi bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, và do đó tôi không muốn những người mà tôi gặp phải chịu đựng thêm những rủi ro áp chế hơn những gì họ đang phải trải qua. Cho tới hôm nay, không có ngày nào mà tôi không nghĩ đến căn nhà lợp tôn được gọi là Hội thánh Chuồng bò, và những thành viên mà tôi được gặp. Tôi nghĩ tới sự ngoan cường không hề sợ sệt của họ, sự can đảm và quyết tâm của họ khi phải đối mặt với một chế độ vốn bằng mọi cách níu giữ quyền lực thông qua một bộ máy an ninh công an to lớn với một nhân viên trên mỗi 10 gia đình Việt Nam.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những người đã quyết chí trên con đường đấu tranh đó đã phải hy sinh rất nhiều cho lý tưởng và niềm tin của mình. Mục sư Dương Kim Khải từng bị đuổi ra khỏi nhà mình, nơi được dùng làm chỗ Hội thánh gặp gỡ và do đó phải chuyển tới ở tại một cái chuồng bò cũ. Và khi tôi nhớ lại cái chuồng bò lụp xụp lợp tôn và lá cọ với các tấm nhôm lá cách nhiệt làm vách trên các khung gỗ mà người vợ của ông dùng làm nơi ngủ, trong tâm trí tôi hiện lên các vấn nạn lớn hơn nhiều tại Việt Nam. Những hình ảnh đó nhắc tôi rằng đất nước này chưa được dân chủ và do vậy quá nhiều người đang còn bị chế độ đàn áp. Tôi nhớ lại chặng đường khó khăn đến với Hội thánh sau khi phải thay đổi phương tiện di chuyển liên tục để tránh bị bám theo. Với tôi đó chỉ là một buổi sáng, còn đối với những ai còn sống trong chế độ thì đó là cả cuộc sống, và điều đó làm tôi đau nhói trong tim. Vì thế tôi hoàn toàn tán thành các quan điểm được đưa ra trong buổi điều trần hôm nay rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang dùng các bộ máy pháp luật để hợp thức hóa những hành vi đàn áp nhân quyền và ngăn chặn tiếng nói đối lập ôn hòa đối kháng với họ.

Chúng tôi khẩn yêu cầu Chính quyền liên bang sử dụng tối đa sức mạnh ngoại giao của mình với Việt Nam để vận động cho những cải tiến cần thiết về nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người, căn cứ theo các điều khoản trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà cả Úc và Việt Nam đều đã ký kết. Dịp này cũng là thời điểm đúng đắn để tôi bày tỏ thêm về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Qua hai lần thăm Việt Nam, tôi đã có kết luận với bản thân là không có tự do tôn giáo tại nước này. Nếu muốn thờ phượng, bạn có thể làm, nhưng phải cung cấp danh sách các tín hữu cho giới chức. Bạn cũng phải cung cấp tên của những người đến nhà thờ hay chùa của mình. Các giáo chức phải đăng ký. Nếu làm đầy đủ các việc này, đồng thời phải bảo đảm rằng các bài giảng của mình không chỉ trích chính quyền, và treo cờ của nhà nước trước cổng, thì có thể tiếp tục hành đạo. Nhưng tôi không cho đó là tự do tôn giáo; đó chỉ là thứ tôn giáo quốc doanh, và đó là những gì mà chúng ta không thể chấp nhập tại nước Úc.

Cũng về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong chuyến đi Việt Nam hồi tháng Giêng vừa rồi của tôi, tôi đặc biệt muốn thực hiện hai chuyến viếng thăm. Tôi muốn tới thăm một vị Linh mục Công giáo tại Huế là Linh mục Lý, và tôi cũng muốn tới thăm Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Sài Gòn, hai vị mà trước đây tôi đã từng đề cập tại Quốc hội, cùng với nghị viên vùng Fowler.

Linh mục Lý sinh năm 1947 và đã từng thọ nạn 15 năm tù vì tranh đấu cho tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Ông dùng phương thức đấu tranh bất bạo động và ôn hòa để tranh đấu. Linh mục Lý đã từng quảng bá và hoạt động để vận động cho dân chủ và tự do tôn giáo nhiều năm nay. Từ năm 1977, ngài thường xuyên bị sách nhiễu, bắt giữ, đánh đập và bỏ tù vì những hoạt động của mình.

Ngày 8 tháng Tư năm 2006, một nhóm các nhà đối kháng đã cùng nhau ký bản Tuyên ngôn về Tự do Dân chủ cho Việt Nam. Bản tuyên ngôn kêu gọi thể chế đa đảng tại Việt Nam và từ đó được biết tới với tên gọi Khối 8406, tức là ngày tháng được tuyên cáo. Bản tuyên ngôn này kêu gọi dân chủ và Cha Lý là một trong những người sáng lập ra tuyên ngôn. Cũng tháng Chín năm đó, Cha Lý đã tham gia thành lập một đảng chính trị mang tên Đảng Thăng tiến Việt Nam. Chỉ vì sự kiên định và quyết tâm đấu tranh cho dân chủ và hỗ trợ Khối 8406 của mình, Cha Lý đã bị xử án tám năm tù vào ngày 30 tháng Ba năm 2007. Ông bị bắt giữ trong một cuộc khám xét ngày 19 tháng Hai trước đó của an ninh tại Tòa Giám mục Huế. Cha Lý là một người dũng cảm và đáng kính trọng, một người đã hy sinh rất nhiều cho những điều mình tranh đấu. Ông đã phải chịu nhiều năm tháng cuộc đời trong tù. Ông cũng đã phải trải qua nhiều năm tháng bị quấy nhiễu áp chế thậm chí đánh đập bởi chế độ hà khắc. Sau khi trải qua được một cơn đột quỵ, ông được ra khỏi tù nhưng nay vẫn bị quản thúc tại gia ở Huế.

Cuộc gặp gỡ của tôi với Cha Lý dự tính là vào ngày 7 tháng Giêng năm 2011. Trước đó, ngày 6 tháng Giêng, tại Hà Nội, tôi đã gặp phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. Một quan chức cao cấp của Bộ là ông Hoàng Chí Trung đã nói với tôi là nếu cố tìm cách gặp Cha Lý tại Huế thì họ không thể đảm bảo an toàn cho tôi, tôi hiểu là có lẽ họ sẽ bắt hay trục xuất tôi nếu làm vậy. Ông Trung cũng nhắc tới việc tôi ủng hộ cho một tổ chức mà ông ta gọi là “tổ chức khủng bố” - đảng Việt Tân. Khi đề cập tới Cha Lý, một điều rõ ràng là quan điểm của ông ta là những gì Cha Lý nói hay bất cứ ai khác về việc thành lập các đảng chính trị hay tổ chức đối kháng nằm ngoài khuôn khổ kiểm soát của chế độ và bộ máy đang cầm quyền đều là những mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Trong trường hợp này, để tránh khả năng bị trục xuất, tôi đã quyết định đi thẳng tới Sài Gòn để gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ vào ngày 8 tháng Giêng. Sau khi được hai tín đồ của Hòa thượng đón lên một chiếc Taxi, chúng tôi đi tới vùng ngoại vi Sài Gòn trong khi bị các nhân viên an ninh đeo bám. Cho dù bị theo, chúng tôi vẫn cứ tới Thanh Minh Thiền Viện nhưng không bị các công an thường phục luôn trực ở phía bên đường đối diện cổng chùa ngăn chặn. Do đó tôi thấy vui mừng vì chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã để cuộc gặp xảy ra. Trong cuộc trao đổi, Đại lão Hòa thượng khẳng định rằng chẳng có gì thay đổi trong suốt 30 năm qua. Ông nói ở Việt Nam người ta phải tuân phục đảng Cộng sản và tuân hành theo những gì đảng đó đưa ra. Ông nói tại Việt Nam, cứ 10 gia đình thì có một cán bộ công an hay an ninh, và rằng tuy tình trạng tại Sài Gòn là đã tệ hại vì an ninh quản lý hết các quận, tình hình tại các vùng nông thôn còn xấu hơn nữa, tại những nơi đó các lực lượng an ninh có thể đàn áp người dân địa phương dễ dàng và khắc nghiệt hơn, theo dõi và ngăn chặn các cuộc nhóm hội họp. Cuộc sống tại các vùng quê cũng còn rất khổ vì nhiều nơi không đủ ăn.

Thầy Thích Quảng Độ cũng nói với tôi là Ngài và những người theo Ngài luôn luôn bị bám đuôi bất cứ khi đi đâu, do đó Ngài thường ít khi ra khỏi chùa trừ những khi đi thăm khám sức khỏe. Chính tôi cũng thấy rõ khi tới nơi là có các công an thường phục ở phía đối diện cổng chùa. Thầy cho biết bản thân mình chưa bao giờ chính thức bị cáo buộc tội danh, đưa ra tòa xét xử, hay kết án, nhưng bị thông báo miệng rằng mình bị quản thúc tại gia. Ngài nói thêm rằng họ lại rất cẩn thận không để lại bất cứ dấu vết nào về việc chà đạp nhân quyền đối với Ngài.

Khi nói về tình trạng hiện tại ở Việt Nam, Ngài cho biết Cộng sản cầm quyền chỉ vì lợi ích của đảng mình và sẽ không bao giờ từ bỏ hay chia sẻ quyền lực tại Việt Nam. Ngài nói họ đã bán cả quốc gia này cho Trung Quốc và cướp các lợi ích kinh tế có được rồi chia chác cho nhau - một thiểu số cầm quyền. Ngài nói dưới chế độ Cộng sản, nhiều người đã chết, nhưng còn một vấn nạn vô cùng quan trọng là nạn tham nhũng và hối lộ. Tham nhũng hoành hoành từ tầng lớp quan chức địa phương lên tới thượng tầng chóp bu lãnh đạo.

Với tình hình mà chúng ta thấy được tại Việt Nam, cho dù có các hứa hẹn suông từ chế độ cầm quyền, còn lâu mới có được tự do tôn giáo thực sự. Sự áp chế đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ tôn giáo tới dân chủ - tình trạng đàn áp người Tin lành Montagnards, đàn áp các thành viên Mennonite, giới đối kháng Công giáo, và giới đối kháng Phật giáo. Đàn áp xảy ra mọi nơi mọi chỗ và rất có rất ít cải thiện. Do đó chúng ta cần phải đề cập trong ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng Chính phủ (Úc) sẽ nêu vấn đề và tiếp tục áp lực – và áp lực ngày càng mạnh lên nhà cầm quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thúc đẩy các thay đổi cần thiết về mặt nhân quyền và tự do, thông qua các kênh ngoại giao của chúng ta với quốc gia này.

***

BẢN TIẾNG ANH :

.
.
.

No comments:

Post a Comment