Wednesday, June 29, 2011

VẤN ĐỀ CỐT LÕI TẠI BIỂN ĐÔNG HAY VIỆC HÌNH THÀNH MỘT “TRẬT TỰ ĐẠI HÁN” MỚI TẠI Á CHÂU (Đinh Xuân Quân)



Đinh Xuân Quân
Tuesday, June 28, 2011

Gần đây trong năm 2011 có nhiều tranh chấp tại Biển Đông (BĐ) với VN và Philippines, tàu TQ bắt giữ nhiều tàu đánh cá VN, tiến vào hải phận VN và Philippines, cho tập trận trên biển Nam Hải (tức Biển Đông) tại vùng đảo Trường Sa và gần đây nhất cắt giây cáp của tàu dò địa chất Bình Minh 02 và Viking 02. [1]

Tại cuộc họp Diễn Đàn Khu Vực các Bộ Trưởng Ngoại Giao (ARF - ASEAN Regional Forum) hay tại Hà Nội tháng 7 2010, NT Clinton tuyên bố BĐ là một quyền lợi của HK và TQ rất phẫn nộ coi việc này như chống TQ.

TQ tự coi mình có chủ quyền trên gần toàn BĐ và muốn thực thi chủ quyền này. Đây là cách nhìn từ ngàn năm đối với vai trò của TQ tại Á Châu, cái vai trò đàn anh “Đại Hán,” có quyền trên các nước nhỏ trong vùng - ai cũng phải tuân theo “mệnh lệnh của thiên triều TQ”.

Tại Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng gọi là Sangri La đầu tháng 6. 2011 tại Singapore thì TQ “có vẻ hoà hoãn” trong khi Mỹ vẫn giữ đúng nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hoàn bình, không dùng vũ lực, và dựa trên luật pháp.

Tại cuộc họp của các học giả tại Viện CSIS (Center for Strategic International Studies) ngày 20-21 tháng 6. 2011 đại diện TQ nhắc lại yêu sách về "đường lưỡi bò 9 vạch" đòi chủ quyền trên 80% Biển Đông. TQ đã khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” trên vùng biển quốc tế tại BĐ dựa trên lý do lịch sử. Đã có nhiều tranh cãi giữa các học giả nhưng không ai chấp nhận chủ quyền mà không dựa trên luật quốc tế.

Các nước ASEAN thấy sự hiện diện của Mỹ như một “trọng lực cân bằng” cho thế đang lên của TQ là cần thiết. Ngày 19 tháng 6 tại LHQ 6 nước ASEAN (Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, VN và Thailan) đã cùng với Philippines kêu gọi hoà bình và triệt để áp dụng luật biển UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea).

Philippines đã cầu cứu Mỹ và ngày 23 tháng 6, NT Mỹ bà Clinton đã cam kết giúp Philippines: “Lập trường của chúng tôi về Biển Nam Trung Hoa lâu nay vẫn nhất quán và rõ rệt. Chúng tôi ủng hộ một quy trình hợp tác ngoại giao giữa tất cả các nước đòi chủ quyền để giải quyết các tranh chấp của họ mà không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực. Chúng tôi quan ngại trước các sự cố gần đây trong Biển Nam Trung Hoa khiến làm tăng căng thẳng và đặt ra các quan tâm về hòa bình và an ninh trong khu vực. Và như tôi đã nói, Hoa Kỳ, không đứng về phe nào trong các phe đòi chủ quyền về đất đai. Và như ngài bộ trưởng đã nói, chúng ta có luật pháp quốc tế, có pháp luật về biển. Cái gì thuộc về họ là của họ và sau đó cái gì đang tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Tuy nhiên, nếu có nhiều người đòi chủ quyền về đất và biển, thì họ phải tôn trọng luật pháp quốc tế và làm mọi thứ có thể để cố gắng giải quyết những tranh chấp này bởi vì, cuối cùng, tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bởi các bên đòi chủ quyền. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến do ASEAN dẫn đường và làm việc với các bên đòi chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa là để đáp ứng các quan tâm của họ…”

Tại sao TQ có thái độ này? Họ suy nghĩ ra sao và đòi hỏi cái gì? Các nước ASEAN có thể làm gì trong tình huống này?

Vấn đề cốt lõi tại Biển Đông hay Việc “Hình Thành Một Trật tự Đại Hán”

Hiện nay VN nói là đang có tranh chấp về vấn đề Hoàng sa và Trường sa. Trong vùng Biển Đông hiện nay, sáu nước đang tranh nhau chủ quyền: TQ, Đài Loan, VN, Malaysia, Phi luật Tân và Brunei. Tại đây một số nước đang đóng quân trên một số hòn đảo.

TQ đòi chủ quyền dựa trên “lịch sử” về cuộc thám hiểm và một số tài liệu. Họ công bố một bản đồ hình "đường lưỡi bò 9 vạch" đi từ Hải Nam đến gần Indonesia, cách lục địa hay đảo Hải Nam hàng ngàn km. VN đòi chủ quyền dựa trên các tài liệu lich sử và các tài liệu của Pháp. Philippines, Malaysia, và Brunei đòi một phần trong vùng Trường Sa dựa trên tiềm lục địa và trên EEZ - Exclusive Economic Zones (khu vực độc quyền kinh tế).

Vấn đề cốt lõi không phải chỉ là vấn đề luật biển (luật pháp) mà TQ đòi quyền kiểm soát trên gần toàn vùng biển (chính trị, kinh tế và quân sự).

TQ muốn tái lập trật tự Đại Hán?

Tất cả các nước trong vùng đều dùng luật trong tranh chấp chủ quyền vùng này trong khi TQ dùng “yêu sách chủ quyền không chối cãi,” với sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự đòi mọi nước phải công nhận chủ quyền của họ.[2] TQ “chứng tỏ chủ quyền qua các tài liệu rất mơ hồ” là họ có mặt tại BĐ từ 2000 năm nay (có liên tục hay không? Có mặt trên đảo hay không?

TQ không chứng minh được là có người ở và chiếm đóng các đảo từ lâu, ngược với điều 121 của UNCLOS (phải chứng minh là có người ở hay chiếm đóng mới có thể coi là chủ quyền của mình). Vì vậy họ không muốn bàn việc này một cách đa phương mà chỉ muốn điều đình song phương để TQ có thể “ép”.

Năm 1992, TQ cho công bố “Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” gồm 17 điều. Điều 2 của bộ luật này khẳng định phạm vi chủ quyền của TQ “trên tất cả các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư (Senkaku của Nhật) quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và kể cả các đảo nhỏ khác”. Tây Sa và Nam Sa chính là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN.

Điều đáng chú ý là chính quyền CSVN không hề lên tiếng phản đối.

Cách suy nghĩ của TQ là ngày xưa tất cả các nước chung quanh TQ phải “triều cống” cho TQ. Khi đảng CSTQ nắm quyền tại lục địa vào 1949 họ cũng tiếp tục cái nhìn về chính sách trước của “Thiên triều Đại Hán” [3] chiếm lại các nước nhỏ họ coi là của TQ như Tây Tạng, Tân Cương.

TQ luôn luôn coi là bị các nước Âu châu và Nhật bắt họ ký “các hiệp ước bất công” lúc triều đình nhà Thanh yếu kém. Nay TQ “trổi dậy” trở thành một cường quốc kinh tế, họ muốn thiết lập lại một “trật tự mới theo trật tự Đại Hán ngày xưa.” TQ coi là họ bị mất quyền trên 100 năm đối với các nước Đông Nam Á và nay muốn lập lại quyền trước đây của Đại Hán. Đây là cách suy nghĩ và hành xử của TQ tại Á châu hiện nay.

Trật tự Đại Hán mới được thực thi tại ĐNA hay trên thế giới qua nhiều cách: võ lực, doạ nạt, kinh tế, mua chuộc hay tất cả các thủ đoạn kể trên.

Võ lực: Việc dùng võ lực đầu tiên là cuộc chiến giữa VNCH – TQ tại Hoàng Sa vào năm 1974. Chiến tranh Việt Trung 1979 là lần thứ hai trong thời hiện đại TQ dùng võ lực đối với VN. Trong sách “On China,” Kissinger [4] cho rằng “Việc HK và TQ phải tìm đến nhau lúc đó là nhu cầu của thời điểm” … “trước sau cũng phải đến dù ai lãnh đạo, HK hay TQ”. Hai nước đang bị Liên Xô đe dọa nên thấy cần phải gác lại những căng thẳng trong chiến tranh VN và vấn đề Đài Loan để tìm tới nhau. Cả hai áp dụng nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta.” [Kissinger sai lầm to trong việc ủng hộ TQ với hậu quả là TQ ngày nay].

Buổi họp của Bộ Chính trị ĐCSVN tháng 6/1976, Đảng CSVN công khai xác định TQ là kẻ thù chính của VN. Cũng trong tháng 6/1976 VN gia nhập khối kinh tế Comecon do LX cầm đầu. Đến tháng 11/1978 VN và LX ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (Treaty of Friendship and Cooperation).

HK và TQ đồng ý thiết lập bang giao vào ngày 1/1/1979. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong dịp này, Đặng Tiểu Bình báo cho TT Carter biết là TQ sẽ đánh VN để chận đứng sự bành trướng của LX tại Á Châu. ĐTB thành công trong việc làm cho LX dè dặt và ngày 17/2/1979 TQ xua khoảng 300.000 quân gồm hải lục không quân, quân chính quy và địa phương quân từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây tiến vào VN. TQ đã trả một giá nhân mạng rất cao trong cuộc chiến 6 tuần, với hơn 50.000 binh sĩ tử trận, xấp xỉ con số tổn thất của HK tại VN từ 1964 đến 1975.

Sau đó vào năm 1988, TQ đánh chiếm một đảo trong vùng Trường Sa do VN đồn trú. Sau khi LX và Đông Âu sụp đổ, CSVN lại quay về TQ để bảo vệ “đảng” với “đồng chí anh em.” “Trật tự mới” là Hiệp-Ước Việt-Trung về biên giới và từ năm 1992 cho đến 2000, VN bị ép tái thương thuyết và ký lại hiệp định trên bờ và ngoài biển với TQ thay hiệp ước ký giữa Pháp và TQ thời 1887. [5] Hiệp định Việt –Trung “bất công” này vẫn bị nhà cầm quyền CSVN giấu không cho dân chúng VN biết.

Doạ nạt: Trong tranh chấp Nhật –Trung về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, TQ dùng tàu đánh cá để doạ nạt Nhật.

Từ 2008 đến nay, TQ luôn luôn doạ nạt bằng cách bắt ngư dân VN, Philippines và các nước khác. Hôm 9 tháng 6, 2011, Bộ Ngoại Giao VN (BNGVN) tường thuật vụ tàu đánh cá TQ hộ tống bởi tàu Ngư chính TQ cắt cáp tầu Viking 2 ngoài khơi VN. Theo TTXVN thì tàu đánh cá TQ số 62226 có sự hộ tống của 2 chiếc tàu ngư chính 311 và 303. Trước đó thì tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp.

Theo một số báo VN 3 tàu TQ mang số hiệu 989, 27 và 28 đã tiến rất gần đến 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên bắn xuống nước đe dọa. Các tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên câu cá ngừ đang hoạt động ở tọa độ 8 độ 56' vĩ Bắc, 112 độ 45' kinh Ðông, cách đảo Ðá Ðông thuộc quần đảo Trường Sa của VN khoảng 15 hải lý về phía Ðông Nam.

Philippines đã gởi công hàm đến sứ quán TQ và đến LHQ phản đối về việc tàu TQ bắn vào ngư dân Philippines, 6 vụ tàu TQ phạm lãnh hải và việc TQ xây dựng trên vùng biển của Philiipines. Việc này cho thấy TQ cũng đang ép Philippines về vụ thăm dò dầu khí, thi hành “yêu sách lưỡi bò” của TQ.

Kinh tế

Vào năm 2004 có Thoả ước Phillipines – TQ về việc tìm dầu khí. TT Gloria Macapagal Arroyo đã cố giữ bí mật bản thoả ước này cho phép TQ vào EEZ (Khu độc quyền kinh tế – thềm lục địa của Philippines trên 24,000 km vuông. Việc này đã gây nhiều sóng gió tại Philippines. Dân Philippines cũng như VN coi là các lãnh đạo của họ đã bị mua chuộc hay “bán lãnh thổ” cho TQ. Các trường hợp như Cambodia và Miến Điện thì TQ đã dùng kinh tế và tăng cường quân sự để có ảnh hưởng.

Ta có thể đưa ra nhiều ví dụ khác nữa. Chính sách của TQ là gì? Theo TS Carl Thayer thì “Hành động của TQ đại diện cho một làn sóng mới về sự khẳng định chủ quyền một cách hiếu chiến trên BĐ. TQ đang thiết lập một cơ sở pháp lý để chứng minh rằng họ “quản lý Biển Đông” và có quyền quản lý hành chính ở đó. Hành động của TQ rất nguy hiểm bởi vì họ không dựa trên sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế… Hành động của TQ chắc chắn sẽ gia tăng. Họ đang đẩy mạnh việc xây dựng tàu giám sát nhiều hơn. Và họ đã đưa giàn khoan thăm dò dầu rất lớn, nói rằng họ sẽ thăm dò trên BĐ. Từng bước một, TQ thiết lập quyền bá chủ trên vùng biển trong bản đồ lưỡi bò 9 vạch. Tuyên bố của TQ trực tiếp lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của VN và Philippines…”

Tóm lại hành động của TQ là áp đặt một trật tự Đại Hán tại BĐ.

Cái nhìn quan hệ quốc tế dựa trên Công Pháp quốc Tế

Từ đệ nhị thế chiến một trật tự mới đã được xây dựng trên công pháp quốc tế - qua LHQ. Cái nhìn quan hệ quốc tế dựa trên công pháp quốc tế khác hẳn với cái “trật tự kiểu Đại Hán.”

Các nước ĐNA giành được độc lập từ các nước Âu châu và cách nhìn chịu ảnh hưởng bởi luật pháp chứ không phải những mệnh lệnh theo kiểu “Thiên Triều.” Nếu TQ thành công trong việc áp đặt “trật tự đại hán” thì sẽ có vấn đề sau đây tại BĐ:

§ Không có tự do hàng hải, và thương thuyền phải theo luật của TQ – dưới quyền kiểm soát và trật tự TQ.
§ Các nước trong vùng không được tự do đánh cá và mất quyền khai thác tài nguyên.

Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thailan lập khối ASEAN vào 1967 với căn bản là “tôn trọng độc lập, công nhận chủ quyền và lãnh thổ” và sau 1975 đã nhận thêm các nước như Brunei, Myanmar, Kampuchia, Lào và VN nhằm phát triển kinh tế.

Hiện các quốc gia này đang tăng ngân sách quân sự trước nguy cơ TQ. Malaysia mua nhiều tàu ngầm Pháp và may bay của Nga trong khi nhiều nước khác cũng tăng trong việc mua quân cụ: Thailan tăng cường không quân. VN, và Indonesia tăng cường hải quân và không quân với trang bị của Nga trong khi Singapore mua của nhiều nước Tây phương.

Quân lực ASEAN khá nhưng không thể so sánh với TQ, hơn nữa, không có một hiệp ước quân sự giữa các nước ASEAN với nhau.

Các nước ASEAN chỉ muốn một sự hiện diện thông thường – đều đặn của hải quân HK để cân đối với mối đe doạ của TQ nhưng họ hoan nghênh đầu tư kinh tế của TQ. Ngày 19/6/2011 lần đầu tiên 7 nước (trên 10) dưới sự thúc giục của Philippines đã kêu gọi hoà bình cho BĐ theo Công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS).

TẠM KẾT

Có hai cách nhìn về BĐ. Cái nhìn của TQ là yêu sách “lưỡi bò 9 vạch.” Vì kinh tế và vì dầu khí cho nên TQ đang cố gắng áp đặt một “trật tự kiểu thiên triều Đại Hán” khẳng định BĐ thuộc về họ. Tại hội thảo quốc tế CSIS thì đa số chuyên gia đều cho là không có căn cứ pháp lý vì không dựa trên Công Ước LHQ (UNCLOS). Việc thiết lập quyền bá chủ tại BĐ theo bản đồ đường lưỡi bò được coi như việc thiết lập “một trật tự mới kiểu Đại Hán” khi TQ muốn ngăn VN và Philippines khai thác các nguồn tài nguyên tại BĐ.

Mỹ và ASEAN có cái nhìn khác – dựa trên luật. Các nước ASEAN chưa nhất quán trong vấn để cư xử với TQ. Họ chưa có thể trông vào sự can thiệp mạnh mẽ của HQ Mỹ nhất là nếu họ chưa lên tiếng. Vừa rồi 7 nước ASEAN đã làm bước đầu tiên kêu gọi hoà bình tại BĐ dựa trên công pháp quốc tế - trên UNCLOS. Đây là biểu hiện mới mẻ của ASEAN đi lại gần Mỹ. Hơn nữa chính phủ Philippines đã cầu cứu Mỹ, Ngoại trưởng nước này đã viếng thăm Washington và được Mỹ ủng hộ một cách tích cực (vì có thoả ước quân sự với Mỹ).

Việc thực thi một “Trật Tự kiểu Đại Hán” khó thành công vì ngày nay thế giới ở trong môi trường Pháp trị, có LHQ và có những luật ràng buộc các nước với nhau. Tóm tắt khuynh hướng chung của thế giới:

§ No to U (nói KHÔNG đối với yêu sách lưỡi bò – 9 vạch)
§ Yes to UNCLOS (ủng hộ áp dụng công pháp quốc tế tại BĐ)

Dù sao các nước ASEAN cũng cần phải tăng cường khả năng quân sự của họ theo nguyên tắc “Muốn Hoà Bình phải sửa soạn chiến tranh.”

Ngoài ra Mỹ phải nhắc nhở TQ là có luật lệ quốc tế và ai cũng phải thương thuyết theo các tiêu chuẩn quốc tế đó. Chính sách ngoại giao Mỹ dưới thời Kissinger (làm bạn với TQ để bao vây LX) nay có thể đảo lại: chính TQ sẽ là nước bị bao vây nếu tiếp tục chính sách “Trật tự kiểu Đại Hán”. Việc thiết lập quyền bá chủ trên các đảo tại BĐ theo bản đồ đường lưỡi bò sẽ được coi như việc thiết lập “một trật tự mới kiểu Đại Hán” khi TQ muốn ngăn VN và Philippines khai thác các nguồn tài nguyên tại BĐ.

Trong vụ tranh chấp Việt-Trung, VN có kêu gọi Mỹ vào giúp giải quyết. Hiện nay có nhiều trao đổi giữa hai quân đội Mỹ-Việt. Nhưng trong việc theo đuổi, tăng cường quan hệ với ĐNÁ và bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình, Mỹ phải gánh cơn thịnh nộ của TQ tại Diễn Đàn Khu Vực các Bộ Trưởng Ngoại Giao tại Hà Nội tháng 7 năm ngoái.

Theo nhà nghiên cứu R. Pierson [7] thì “mặc dù VN nhiệt tình chào đón các tàu HQ Mỹ, hay việc tham gia ‘Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - Trans Pacific Partnership’, một diễn đàn được Washington ưa chuộng, chứng tỏ VN mong muốn hội nhập chánh trị và kinh tế rộng lớn hơn. Nhưng VN vẫn tiếp tục có những hành động đối nội mà giới quan sát Mỹ không ưa khiến cho mối quan hệ mật thiết VN mong muốn, trở nên bất khả thi về chánh trị, và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, … như tiếp tục đàn áp các nhà lãnh đạo chánh trị, xã hội và tôn giáo; gia tăng truy tố và xử tội nặng những nhà bất đồng chánh kiến VN, cũng như tiếp tục duy trì cấm đoán chặt chẽ trên mạng Internet, truyền thông và báo chí, khiến cho VN khó có thể được chấp nhận trọn vẹn bởi chánh quyền Obama. Tất cả những điều này có nghĩa là VN cần phải dấn bước mạnh mẽ hơn….” Các việc này cho thấy còn nhiều giới hạn trong quan hệ Mỹ-Việt. Nhưng vậy nếu có đánh nhau với TQ thì chưa chắc Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp giúp VN. Chính quyền CSVN cần thay đổi rất nhiều và rõ ràng nếu muốn được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới và của Mỹ.

TS DXQ

1/ Bài cùng tác giả “Trong tranh chấp ảnh hưởng tại Biển Đông VN có thể làm gì?” Diễn Đàn Thế Kỷ www.diendantheky.net
2/ Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, “Jurisprudential Evidence to Support China’s Sovereignty over the Nansha Islands” (2000).
3/Giovanni Andornino, “The Nature and Linkages of China’s Tributary System under the Ming and Qing Dynasties,” Global Economic History Network working paper 21 (2006).
4/ Trong sách của TS Kissinger “On China” Chap. 13
5/ Zou Keyuan, “The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin,” Ocean Development & International Law 36 (2005).
6/ Phỏng vần TS Carl Thayer trên tờ Người Việt ngày …
7/ Xem “The Limits to US-Vietnam Ties”của Richard Pierson Ngày 16/6/2011`

.
.
.

No comments:

Post a Comment