Friday, June 24, 2011

TÂM NIỆM THỨ HAI của LS TRỊNH HỘI (Trịnh Hội)



Trịnh Hội
Thứ Sáu, 24 tháng 6 2011

Trong bài blog trước tôi có chia sẻ với các bạn về câu nói “xin lỗi”. Đó cũng là tâm niệm thứ nhất của tôi về đất nước Việt Nam. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn về tâm niệm thứ hai của tôi. Đó là: ngày nào đất nước chúng ta còn bị ách độc tài, độc đảng thống trị thì ngày đó chúng ta vẫn còn sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh người dân Việt Nam phải tìm đường trốn chạy, xin tỵ nạn ở những quốc gia tự do hơn. Con số này sẽ không nhiều như trong thập niên 1970, 1980 nhưng chắc chắn một điều: nó sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam thật sự tôn trọng những quyền hạn tối thiểu của người dân theo đúng như luật pháp quốc tế quy định.

Tôi xin nói thêm. Nhận định trên của tôi hoàn toàn không phải dựa vào cảm tính nhất thời mà đó là sự đúc kết sau gần hai thập niên làm việc tỵ nạn trên khắp Đông Nam Á. Từ lúc tôi vẫn còn đi học mãi cho đến tận bây giờ. Và có thể là ít nhất cũng 5, 7 năm nữa cho đến khi tôi… chán thì thôi.

Tôi dùng từ “chán” ở đây vì thật chính nó là vậy. Tôi làm vì tôi thích làm, thế thôi. Lúc nào tôi cảm thấy chán thì tôi sẽ ngưng. Rất đơn giản. Vì từ lúc bắt đầu công việc này, tôi chưa bao giờ “phải” làm “cho” ai, hoặc “bị” ai bắt buộc mình phải làm, hay vì chức tước, lương bổng, hoặc bị… dụ khị.

Hơn thế nữa, từ đó cho đến nay động lực lớn nhất và duy nhất thúc đẩy tôi lao vào công việc là vì lý do nhân đạo. Chứ không phải là vì lý do chính trị như một số nhận định (của anh bạn tên Vũ đang làm công an ở phòng A25 trên đường Nguyễn Văn Cừ chẳng hạn). Từ năm 14 tuổi tôi đã rời Việt Nam và vì thế những nhận định của tôi về đất nước và thể chế chính trị vào lúc bấy giờ rất hời hợt nếu không muốn nói là rất hạn hẹp. Bản chất tôi lại là người thích được tự do, phóng khoáng nên từ nhỏ tôi đã không ham mê gì chuyện hội họp, vào hội đoàn, gia nhập đảng phái, v.v… bất kể đó là của người Úc chính cống hay của cộng đồng Việt Nam.
Nói tóm lại tôi là thằng ham chơi hơn là làm chuyện chính trị.

Thoạt đầu ở Hồng Kông và sau này ở Philippines tôi chỉ muốn giúp đỡ một số trường hợp vợ chồng có hồ sơ bị tách ra một cách vô lý và vì vậy họ đã không sống được gần nhau. Tôi muốn thấy họ được sum họp. Như chính gia đình tôi mười năm trước đó.

Sau này tôi lại muốn thấy mẹ gặp được con, anh em gia đình được đoàn tụ, xum vầy và vì thế tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác tôi tiếp tục đeo đuổi công việc đơn giản vì tôi thấy mình làm cũng… OK. Và quan trọng hơn nữa là tôi luôn cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc với công việc của mình.

Nhưng lúc ấy trong thâm tâm tôi cứ mong sao cho công việc sớm thành công để mọi người ai cũng có thể về nhà người ấy – finito – coi như xong. Tôi cứ nghĩ việc tỵ nạn tôi làm là để giải quyết một vấn đề tồn đọng chứ không phải là một công việc sẽ mãi mãi hiện hữu, không bao giờ dứt. Cách đây 5 năm, tôi vẫn nghĩ thế.

Nhưng tôi đã lầm. Vì đối với công việc này, mình càng thành công thì càng có nhiều người tự động tìm đến mình. Và cũng nhờ vậy mà tôi biết được nhiều hơn về hiện trạng của đất nước Việt Nam.

Và dựa vào kinh nghiệm bản thân trong suốt quá trình bị điều tra, ức hiếp ngay tại Việt Nam, ngay trong thời đại này, chứ không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa của hai, ba mươi năm về trước tôi lại càng khám phá ra được nhiều điều ở sự độc tài, độc đảng. Và hiểu được tại sao ngày nào còn cộng sản Việt Nam thì ngày đó sẽ còn người tỵ nạn Việt Nam.

Thật ra nếu các bạn ai cũng biết định nghĩa của từ “tỵ nạn” theo các văn bản luật pháp quốc tế thì lời nhận xét trên của tôi không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Công ước Quốc tế về Người Tỵ nạn (The 1951 Convention Relating to the Status of Refugees) định nghĩa người tỵ nạn (a refugee) là người thật sự sợ hãi họ sẽ bị đàn áp (has a well-founded fear of persecution) vì một trong những 5 lý do sau:
1. Tôn giáo (Religion)
2. Chủng tộc (Ethnicity)
3. Dân tộc (Nationality)
4. Chính kiến hay bị cho là có chính kiến (Political opinion – imputed or otherwise)
5. Trực thuộc một thành phần xã hội (Membership in a particular social group)

Trong 5 lý do trên, chỉ có lý do thứ 4 liên quan đến vấn đề chính kiến. Bốn lý do còn lại hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện chính trị cả. Đây là điều mà rất nhiều người bị lầm, nhất là những người thích dán cái mác “tỵ nạn kinh tế” vào ngực người khác mặc dù chính đương sự chẳng hiểu luật tỵ nạn quốc tế là cái quái gì.

Tôi cho thí dụ. Nếu như anh là nhà giàu và vì lý do đó anh bị đàn áp, hay sợ bị đàn áp (vì anh thấy có nhiều người giống như anh đã bị đàn áp nhưng riêng anh thì chưa bị đàn áp) và vì vậy anh phải trốn đi, đi qua một nơi anh có thể yên tâm làm giàu thì theo luật quốc tế anh đương nhiên là một người tỵ nạn. Không phải một người “tỵ nạn chính trị” hay “tỵ nạn kinh tế” (vì làm gì có sự hiện hữu của cụm từ này trong luật) mà đơn giản là một người tỵ nạn. Và vì vậy anh có quyền được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR) công nhận và giải quyết.

Một thí dụ khác. Nếu như bạn không phải là một người hoạt động chính trị, không có chính kiến hay chưa có dịp bày tỏ chính kiến (như lúc tôi còn ở Việt Nam cách đây 3 năm về trước chẳng hạn), nhưng công an Việt Nam vẫn thích cho là bạn có chính kiến và vì thế họ tiếp tục sách nhiễu, đàn áp bạn (y như tôi đã bị trong suốt 6 tháng!) hoặc đơn giản là bạn sợ bạn sẽ bị đàn áp như… tôi thì theo Công Ước 1951, bạn sẽ được công nhận là người tỵ nạn.

Đấy là tôi chưa nói đến việc mỗi nước tự đặt cho mình những tiêu chuẩn riêng để nhận người tỵ nạn. Có thể bạn bị Philippines “đá”, Cao Ủy Tỵ Nạn không chấp nhận bạn là người tỵ nạn nhưng Mỹ hay Canada hoặc Úc lại công nhận bạn là người tỵ nạn. Vì họ dùng một tiêu chuẩn rộng rãi hơn để giải quyết vấn đề. Trường hợp của 2.500 người Việt tỵ nạn tại Philippines là một thí dụ điển hình.

Nói phải có sách, mách phải có chứng. Viết dông dài đến đây chắc các bạn đã thấy rõ tại sao chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến cảnh người Việt phải bỏ nước ra đi. Cho đến khi nào những quyền lợi tối thiểu của tất cả mọi người trong xã hội được tôn trọng.

------------------------

Trịnh Hội
Thứ Sáu, 17 tháng 6 2011

Trong bài diễn văn đầu tiên ở Quốc Hội vào đầu năm 2008, cựu thủ tướng Úc ông Kevin Rudd đã đại diện cả nước Úc có những lời phát biểu mà tôi xin tạm dịch như sau:
Đã đến lúc đất nước phải mở một trang sử mới để chuộc lại những lỗi lầm của quá khứ, để chúng ta có thể tự tin vững bước tới tương lai.
Chúng ta xin tạ lỗi vì chính sách và luật pháp của những chính phủ và quốc hội trước đây đã gây nên biết bao đau khổ, mất mát đối với chính những đồng bào của chúng ta.
Vì những đau thương, mất mát của nhiều thế hệ đã bị cướp mất, hậu duệ của họ và những gia đình bị bỏ lại, chúng ta xin tạ lỗi.
Với những bà mẹ, những người cha, những anh chị em trong những gia đình, cộng đồng đã bị tan vỡ, chúng ta xin tạ lỗi.
Chúng ta quốc hội Úc thành kính cầu xin lời xin lỗi này sẽ được đón nhận trong tinh thần đã được đưa ra như là một phần của sự hàn gắn vết thương của cả nước.

Đối với những ai chưa có dịp biết nhiều về quá khứ đau thương của những thổ dân Úc đã bị đàn áp, bức hại trong suốt gần 200 năm kể từ ngày người Anh đặt chân đến châu Úc vào năm 1788, lời xin lỗi trên của ông Kevin Rudd đã được đưa ra để xoa dịu vết thương dân tộc mà nhiều thế hệ thổ dân Úc đã phải chịu đựng. Tuy nó không thể nào trả lại tất cả những gì đã bị cướp mất, phục sinh hàng vạn sinh mạng đã bị giết dã man, đoàn tụ hàng chục ngàn gia đình đã bị ly tán, nhưng lời xin lỗi chính thức của cả nước đã một phần nào đó được xem như đã phục hồi nhân phẩm và lòng tự trọng cho tất cả các bộ lạc thổ dân còn sống sót đến ngày nay. Như lời tạ lỗi tiếp theo của ông:
Và vì nhân phẩm của cả một dân tộc, một văn hóa kiêu hùng đã bị chà đạp, chúng ta xin tạ lỗi.

Đối với bất cứ lời nói, hành động hối lỗi nào, tôi nhận thấy nó còn có giá trị thêm ở hai điểm. Thứ nhất, lời xin lỗi trực tiếp xác nhận sự đàn áp, bất công đã xảy ra trong quá khứ. Nó minh bạch hóa vấn đề và trả sự thật về với sự thật.

Thứ hai và quan trọng hơn, nó gián tiếp đánh thức lòng tự trọng và sự thành thật ở tất cả mọi người trong xã hội. Ai cũng có thể nói sai, làm bậy trong đời. Nhưng điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là biết nhận lỗi và hối lỗi. Để trong tương lai chúng ta, con chúng ta, cháu chúng ta biết đường mà… tránh.

Cái hay của lời xin lỗi là ở chổ đó. Tôi không nghĩ nó chỉ là một lời nói suông, một câu nói để cho có nói mà là một cách ứng xử rất văn hóa, rất văn minh trong các xã hội Tây Phương.

Và dĩ nhiên nó khác rất nhiều so với văn hóa, cách ứng xử hiện nay ở Việt Nam.

Trên phương diện xã hội, cách đối xử giữa người và người với nhau trong thường ngày tôi nhận thấy rất ít khi tôi nghe được câu “xin lỗi”. Ở nhà nếu cha mẹ lỡ làm sai, la sai thì sau khi bằng chứng được đưa ra hẳn hoi, các bậc phụ huynh thường chỉ cười trừ đại loại theo kiểu “rồi, được rồi, hiểu rồi”. Chứ ít khi nào chúng ta nghe được câu “cho ba mẹ xin lỗi con nha!”.
Ra đường xe đạp, xe gắn máy, xe hơi mạnh ai nấy đi, chèn ép lẫn nhau, xem như đó là chuyện dĩ nhiên và chẳng ai thèm nói với ai một câu xin lỗi. Ngay cả khi bằng chứng có thể thấy ngay trước mặt, người mạnh hiếp kẻ yếu, ỷ thế đông, có tiền nên chẳng cần sắp hàng đứng chờ như người khác, cứ tự động nhảy rào nhưng vẫn được tiếp xúc như ai. Điều này tôi thấy xảy ra ở tất cả mọi nơi. Từ chổ bán vé ngay cạnh bến xe cảng cho đến cảnh đứng sắp hàng đợi bàn ăn trưa ở những quán ăn đắt khách, đông người. Ở Sài Gòn lẫn Hà Nội.
Người Việt Nam nói chung rất hà tiện nói câu xin lỗi.

Trên phương diện đất nước, giữa nhà nước và người dân, điều này xét ra còn tệ hơn. Vì những sai lầm trong quá khứ đã mang đến biết bao mất mát, đau khổ cho biết bao gia đình Việt Nam, từ Nam ra Bắc.

Đã có bao nhiêu người ở miền Bắc bị bức hại trong cải cách ruộng đất trong thập niên 1950?

Sau năm 1975 ở miền Nam, đã có bao nhiêu gia đình bị ly tán vì chính sách học tập cải tạo và sau đó là kinh tế mới, tịch thu tài sản? Bao nhiêu người bị giết và bao nhiêu trẻ em phải chết vì thiếu thuốc men, dinh dưỡng trên khắp tất cả các vùng kinh tế mới ở những vùng sâu, vùng xa?

Gần đây hơn, theo ước tính của UNHCR tức Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, sau khi so sánh số người ra đi, bị cho là mất tích và tổng số thuyền nhân Việt Nam đến được các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á trong thập niên 1980, có tổng cộng khoảng độ chừng 30% trong số này vĩnh viễn không đến được bến bờ.
Nếu vậy, nếu hiện nay dự đoán có khoảng trên 1 triệu thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đang có mặt trên khắp quả địa cầu này thì có phải chăng đã có trên 300,000 người bỏ thây trên biển cả?
300 ngàn người. Người Việt Nam. Cùng chung một dòng, một giống.
Một con số không hề nhỏ.

Ai sẽ nói lời xin lỗi đối với vong linh họ? Gia đình họ? Những bà mẹ, ông cha, anh chị em của những người đã vĩnh viễn ra đi?

Hỏi đã là trả lời. Và nếu cho đến nay vẫn chưa có câu xin lỗi chính thức và thành tâm đến từ những người cầm quyền thì chúng ta ai cũng biết tại sao.

Đơn giản là vì Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn chưa có đủ sự tự tin để xác nhận những lỗi lầm to lớn trong quá khứ. Và vì vậy họ vẫn chưa thể và không thể trả sự thật về với sự thật.

Trong bài viết gần đây của tôi có tựa đề là “Ba Giai Đoạn”, tôi có nhắc đến việc nếu có dịp tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số tâm niệm của tôi. Tôi muốn nói thật, nói rõ những gì tôi nghĩ.

Hôm nay tôi muốn nói thật, nói rõ điều thứ nhất. Đó là ngày nào sự thật vẫn bị chối bỏ, ngày nào Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục làm lơ không nói một lời xin lỗi với dân tộc, thì khó mà chúng ta, đất nước chúng ta, giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước thật sự có thể hòa hợp, hòa giải, hàn gắn vết thương dân tộc.

Để lần tới tôi sẽ nói thật, nói rõ với các bạn điều thứ hai.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment