Wednesday, June 1, 2011

NHỚ NGHĨ VỀ SÀI GÒN (Phạm Xuân Đài)



(Bài này nguyên có tên là ‘Bài Thuyết Trình Không Đọc’, được đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 180, tháng 4 năm 2004.)
PHẠM XUÂN ÐÀI
Sunday, May 29, 2011

LTS. Một phần của bài dưới đây được tác giả soạn để nói tại buổi sinh hoạt “Ðêm nhớ về Sài Gòn,” một chương trình có chủ đề Sài Gòn do một số anh em văn nghệ ở Boston dự trù tổ chức vào ngày 6 tháng Mười Hai, 2003, nhưng vào giờ chót phải hủy bỏ vì một trận bão tuyết bất ngờ. Cũng vì trận bão, tác giả đã phải quay trở về lại Cali sau khi đã đi được quá nửa đường đến Boston.

-----------------

Ý định hát về Sài Gòn, viết về Sài Gòn, nói về Sài Gòn tự nhiên nảy ra cùng một lúc nơi nhiều người làm văn nghệ. Riêng tạp chí Thế Kỷ 21 thì gần đây đã được một độc giả ở Chicago viết thư về trách sao quý vị không làm một số báo về Sài Gòn mà lại làm số báo về Hà Nội. Bức thư ấy làm chúng tôi giật mình, mới thấy ra sự vô tình của mình đối với một thành phố mà mình quá nặng nợ. Ðúng thế, Sài Gòn đối với chúng ta như một kẻ rất thân yêu và gần gũi, đến nỗi chúng ta thấy không cần nhắc nhở đến, kiểu như con cái thì không hay nói nhiều về cha mẹ của mình, mà chỉ nói về thiên hạ.

Từ đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một nỗi quyến rũ người cả nước. Ðó là một đô thị văn minh đích thực trước bất cứ một thành phố nào của Việt Nam. Tổ chức đô thị có những quy luật riêng của nó, không cứ hễ dồn dân lại ở đông đúc một nơi mà có thể gọi là đô thị. Hà Nội chưa hề có một nếp sống đô thị, yếu tố nông thôn, yếu tố tùy tiện hãy còn đầy rẫy nơi ấy. Các thành phố khác của Việt Nam thì đều có kích thước nhỏ. Chỉ có Sài Gòn, nhờ vị thế đặc biệt về địa lý và lịch sử của nó, đã rất sớm xứng đáng gọi là một đô thị đúng nghĩa của Việt Nam.

Vài nét lịch sử
Năm 1998 vừa qua, Sài Gòn tròn 300 tuổi. Năm 1698 lần đầu tiên địa danh Sài Côn được ghi vào bản đồ hành chánh xứ Ðàng Trong nước Ðại Việt khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính, tức Nguyễn Hữu Cảnh, thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nền cai trị trực tiếp phần đất Nam Tiến, phân chia lãnh thổ Ðồng Nai ố Gia Ðịnh thành hai dinh trấn: Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Ðịnh), lấy đất Nông Nại (Ðồng Nai) làm huyện Phước Long và xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình.

Năm 1698 là một thời điểm lịch sử, chính thức hóa sự thành lập một đơn vị hành chánh mới mẻ vào cực nam của đất nước Việt Nam. Nhưng để có sự chính thức hóa đó, người Việt Nam phải hiện diện tại vùng đất này sớm hơn nhiều. Sau khi Nguyễn Hoàng ly khai với chính quyền Lê Trịnh ngoài Bắc đi về miền Nam với vùng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại ung thân” thì công cuộc di chuyển về phía Nam của dân tộc Việt Nam cứ âm thầm lặng lẽ nhưng với một tốc độ khá nhanh. Sau khi lấn xong toàn vẹn lãnh thổ của người Chàm, người Việt tiếp tục tiến vào lãnh thổ của nước Chân Lạp, tức là Cao Miên. Trong lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam, những người đàn bà vương giả đã đóng góp một phần tích cực. Chúng ta đã biết từ đời nhà Trần, công chúa Huyền Trân đã làm một công việc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã gọi là “đổi phấn son lấy cõi giang san,” nghĩa là kết hôn với vua Chiêm Thành để mang lại châu Ô và châu Rí về cho nhà Trần. Khi dân Việt Nam vào đến đất Chân Lạp, sự kiện ấy lại tái diễn: đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đầu thế kỷ 17, công chúa Ngọc Vạn lại được gả cho vua Chân Lạp, và cuộc hôn nhân này đã lót đường một cách vững chắc cho bước tiến của chúng ta vào phần đất Thủy Chân Lạp. Hai con trai của hoàng hậu Ngọc Vạn, Nặc Ông Thu làm chính vương ở Oudong, và Nặc Ông Nộn, con trai thứ hai làm đệ nhị vương, đóng đô ở Prey Kor, đất sau này là Sài Gòn. Cái chiến lược bành trướng lãnh thổ bằng hôn nhân đã thu được kết quả nửa thế kỷ sau. Prey Kor, biến thành Sài Côn, và được chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam năm 1698.
Cùng với người Việt Nam, người Trung Hoa cũng đã đến nương náu tại vùng đất này. Thoạt tiên họ cư ngụ làm ăn tại Cù lao Phố ở Biên Hòa. Năm 1778, khi tiến quân vào Ðồng nai - Gia Ðịnh, quân Tây Sơn đã quét sạch người Trung Hoa ra khỏi Biên Hòa, khiến đám người này phải chạy đi kiếm một vùng đất mới, và họ đã dừng chân tại một địa điểm bên cạnh Bến Nghé gọi là Ðề Ngạn, mà sau này chính là Chợ Lớn. Như vậy ta thấy rằng non một trăm năm sau khi Sài Gòn chính thức ra đời thì phần Chợ Lớn được thành lập, và ngay từ đầu đó đã là phần đất của người Tàu. Từ đấy Sài Gòn và Chợ Lớn như hai anh em song sinh, như đôi bạn đường không lìa xa được. Sài Gòn có Chợ Lớn bên cạnh trở thành trung tâm kinh tế bán đảo Ðông Dương; Chợ Lớn có hải cảng quốc tế Sài Gòn đi kèm càng thêm phát đạt thịnh vượng.

Sài Gòn mà chúng ta có hôm nay là một thành phố được xây dựng theo lối Tây phương. Nhưng ngày xưa dưới đời các chúa Nguyễn, rồi đến triều đại nhà Nguyễn nó phải được tổ chức theo lối Việt Nam, nghĩa là phải có thành. Thành là một sản phẩm mà loài người đã có từ thời xa xưa để khẳng định và bảo vệ uy quyền. Các cơ quan quyền lực của kẻ thống trị gồm cơ sở hành chánh và quân sự được tập trung vào một địa điểm, rồi xây một bức tường lớn bao quanh, bên ngoài lớp tường thường có hào sâu, mục đích không gì khác hơn là để ngăn chặn kẻ địch đến chiếm đóng. Thành là đầu não của quyền lực, mất thành coi như thua trận, nên công tác giữ thành luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của bất cứ kẻ chỉ huy nào. Năm 1790, thu phục xong thành Sài Gòn từ tay nhà Tây Sơn và bình định xong toàn cõi đất đai Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh giao cho Olivier de Puymanel, tức Victor Olivier công tác họa đồ thủ phủ mới trong ranh giới các trấn Biên Hòa, Gia Ðịnh và Long Hồ, bản đồ thị trấn Sài Gòn có dấu son được coi như tài liệu thiết kế đô thị đầu tiên ở Việt Nam. Bản đồ Sài Gòn năm 1790 của Victor Olivier cho đến năm 1975 hãy còn lưu giữ và đánh số 1 tại sở Ðịa Chánh Sài Gòn: plan de la ville de Saigon levé en 1795. Echelle 1/4000. Thành xây theo kiểu Vauban, mà sau này Gia Ðịnh Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Ðức gọi là thành Bát Quái, và còn một tên gọi khác là Quy thành (chắc vì giống con rùa), cách tổ chức và các dinh thự bên trong theo cung cách như cung điện của triều đình, chứng tỏ trước khi thống nhất đất nước và dời đô về Huế, chúa Nguyễn Ánh đã chính thức đóng đô và trú ngụ ở đây. So với thành phố Sài Gòn bây giờ thì Quy thành nằm khoảng giữa những con đường sau đây (tên cũ, trước 1975): phía nam là đường Lê Thánh Tôn, phía tây là đường Công Lý, phía bắc, đường Phan Ðình Phùng và phía đông là Ðinh Tiên Hoàng và Cường Ðể. Trung tâm của thành này, nơi dựng cột cờ, là chỗ nhà thờ Ðức Bà. Ðó là theo sự mô tả của Trương Vĩnh Ký.

Chúng ta đều biết vào đời Minh Mạng có loạn Lê Văn Khôi, phe nổi loạn chiếm Quy thành, chống cự với triều đình trong hai năm. Năm 1835, dẹp xong vụ nổi loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy Quy thành để xây một thành Sài Gòn mới, sử sách nói vắn tắt là về phía đông bắc của thành cũ. Thành này nhỏ hơn thành cũ, mà người Pháp gọi là Citadelle de Saigon, theo cụ Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa thì thành này bắt đầu từ khu Lê Thánh Tôn, gồm khu nhà thương Ðồn Ðất, khu Onzième Régiment d’Infanterie Colonial (Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11) tức khu thành Cộng Hòa ở cuối đường Thống Nhất chỗ gần Sở Thú, và một khu thương mại phồn thịnh gần thành xưa. Nếu xem địa đồ thì có thể đóng khung Citadelle trong bốn con đường hiện tại: Phan Ðình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Ðỉnh Chi và Nguyễn Du. Nhưng thành này ngày nay cũng không còn, vì năm 1859 liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã chiếm được, về sau phá hủy thành bình địa để xây thành phố Sài Gòn mà chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta chỉ còn thấy vài dấu tích mơ hồ, như bộ Giáo Dục ở đường Lê Thánh Tôn được xây cất trên một mô đất cao một cách đột ngột khác thường giữa khu phố buôn bán bằng phẳng, hoặc trước khu nhà thương Ðốn Ðất có một đoạn đường dốc thoai thoải về phía mé sông, nhiều người nói đó là dấu vết của thành xưa. Chúng ta bùi ngùi vì sự mất mát đó. Những cố đô của chúng ta là Hà Nội và Huế đều lưu giữ nhiều hình ảnh của quá khứ, chỉ riêng Sài Gòn là mất sạch để hoàn toàn biến thành một đô thị thuộc địa theo lối Tây phương. Phải chăng đó là số mệnh của một thành phố mới mẻ mang trong mình sứ mạng nhìn hướng về tương lai chứ không vướng mắc nhiều vào dĩ vãng. Nhưng dù sao, công khai phá và xây dựng phần phía nam của đất nước trải qua bao đời Chúa và Vua nhà Nguyễn, một công lao quá lớn và quan trọng mà lại không lưu giữ được gì những hình ảnh đã qua thì thật là một điều rất đáng tiếc.

Một số danh xưng
Có nên tìm hiểu về một số danh xưng xưa liên quan đến Sài Gòn hay không? Nên lắm, biết được gốc gác một tên gọi cũng là biết một phần quá khứ. Trước hết, cái tên Sài Gòn: từ đâu và từ bao giờ mà ra tên này? Một giả thuyết thường nghe là dựa theo lối phát âm của người Tàu, vốn đã có mặt khá sớm tại vùng này, họ gọi Sài Gòn là Xấy Con, đọc theo âm Hán Việt là Tây Cống, và từ Tây Cống mà gọi trại ra thành Sài Gòn. Một giả thuyết khác: Sài, đọc theo chữ Hán hoặc nôm, có nghĩa là củi. Gòn là cây gòn, một loại cây có trái cho bông gòn. Giả thuyết của Trương Vĩnh Ký là: tên cũ của người Miên gọi đất này là Prei Nokor, theo một loạt biến âm, Prei Nokor được người Việt đọc là Sài Gòn. Cho đến nay, chưa có kết luận ngã ngũ. Chúng ta chỉ biết rằng tên Hán nôm Sài Gòn đã xuất hiện từ 1776. Trong thư viện của Hội Truyền Giáo Paris có lưu trữ hai bức thư của giám mục Bá Ða Lộc gửi từ Sài Gòn: bức thứ nhất đề “Saigon le 14 Septembre 1791”, bức thứ hai đề “Saigon le 30 Mai 1795.” Ðó là những dấu tích rõ rệt về những năm tháng xa xôi nhất tên Sài Gòn được sử dụng.

Một số địa danh khác thuộc Sài Gòn nay còn biết được gốc gác, tưởng cũng nên nhắc qua:
Bến Nghé: Ðó là tên của Sài Gòn cũ. Nghé là con trâu con. Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của ghi: “Vàm sông kinh Chợ Lớn nhằm chỗ tắm trâu thuở trước.” Nhưng theo Sơn Nam thì “nghé” là tiếng con cá sấu kêu. Bến nghé là nơi nhiều cá sấu.

Bến Thành: Chỗ bến sông lên thành Gia Ðịnh cũ, về sau chỗ ấy thuộc về Sài Gòn.

Cầu Bông: Theo Vương Hồng Sển thì từ đầu thế kỷ 19, cầu ấy gọi là cầu Cao Miên, sau đổi thành Cầu Hoa, rồi vì húy tên một bà phi tần của vua Minh Mạng nên gọi là Cầu Bông.

Ðakao: Người Pháp phiên âm địa danh Ðất Hộ thành Dak-co. Sau đó dân ta lại đọc theo Pháp thành Ðakao.

Hàng Sanh: Nay là đường Bạch Ðằng, ngày xưa có trồng cây sanh hai bên lề. Sanh thuộc loại cây đa, nhánh có tua, lá nhỏ. Nay thường gọi là Hàng Xanh. Cùng loại với tên này còn có Hàng Dừa (gần chợ Bà Chiểu), Hàng Keo (nay là đường Phan Ðăng Lưu) trước kia có trồng những thứ cây này hai bên đường. Nên phân biệt những tên Hàng của Hà Nội như Hàng Bạc, Hàng Mã v.v... Với Sài Gòn “hàng” là hàng cây, trong khi Hà Nội là hàng hóa.

Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã tiến hành xây ngay thành phố mới lên trên địa điểm thành cũ. Có thể nói Sài Gòn hoàn toàn là con đẻ của nền kiến trúc và văn minh Pháp, không bị vướng víu một chút gì với những dấu tích cũ. Ta hãy nhìn khu trung tâm: dinh Toàn quyền, nhà thờ Ðức Bà, nhà Bưu điện, ngay cạnh đó là bót Catinat, rồi Pháp đình và nhà tù Khám Lớn cạnh nhau, rồi Nhà hát và khách sạn trên đường Tự Do, xa hơn chút nữa là trường Chasseloup Laubat và nhà thương Ðồn Ðất. Họ xây đô thị chứ không xây thành, một đô thị hoàn toàn Tây phương, nằm giữa một rừng cây xanh nhiệt đới. Từ đầu thế kỷ 20 Sài Gòn đã được xưng tụng là Hòn Ngọc Viễn Ðông, thì hòn ngọc ấy hoàn toàn là do bàn tay gọt dũa của người Pháp, chứ nền văn minh Việt Nam không đóng góp một chút gì trong đó.

Muốn kiểm chứng điều này, chúng ta nên đến Paris. Dĩ nhiên chúng ta sẽ bị choáng ngợp vì những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới của thành phố này, như tháp Eiffel, cổng Khải Hoàn Môn, nhà thờ Ðức Bà, cung điện Versaille, bảo tàng Louvre hay là khu đồi Montmartre v.v... Sài Gòn không có bất cứ một thứ gì tương tự, về tầm cỡ cũng như về giá trị nghệ thuật. Nhưng đi giữa Paris chúng ta sẽ luôn luôn có cảm giác gặp gỡ lại Sài Gòn của chúng ta, cảm giác về một cái gì đó thân quen cứ bất chợt xuất hiện trong tâm hồn nơi này nơi khác, lúc này lúc khác. Cái gì đó là cái gì? Sau nhiều ngày lang thang ở thủ đô nước Pháp, tôi đã tìm ra điều ấy, đó là về phương diện kiến trúc thành phố Sài Gòn chính là anh em cùng cha của thành phố Paris, và người cha đó không ai khác hơn là ngành kiến trúc Pháp. So với Paris, Sài Gòn quá nhỏ bé, nhưng cái nét giống nhau của những đứa con cùng cha thì không thể chối vào đâu được. Sài Gòn đẹp vì được xây cất theo một chủ đề thuần nhất, không phải pha trộn vá víu với những yếu tố khác, thuộc một nền văn hóa khác. Không có cái thuận lợi đó, hẳn nó khó có được danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Ðông. Người Pháp đã dựa vào tính chất địa lý của một xứ viễn đông để thực hiện một tác phẩm của chính mình, đó là kiến trúc nên thành phố Sài Gòn.

Giở lại những trang viết cũ

Ðọc lại phần viết trên đây nói về việc Sài Gòn giống Paris, tôi sực nhớ đến những trang mình viết cách đây bảy năm, sau khi lần đầu tiên đi Paris về. Có lẽ nên trích vài đoạn, để xem lại những nhận xét còn nóng hổi của hồi ấy.

Tôi khám phá ra rằng tại một số nơi Paris rất giống Sài Gòn, khiến gây nơi tôi những hoài niệm rất bất ngờ. Một buổi chiều trời mưa, tôi che dù đi ở một phố nào đó tôi không nhớ, bỗng nhiên tôi thấy y hệt như tôi đang đứng chỗ ngã tư Lê Thánh Tôn với đường Tự Do, ngay trước quán La Pagode. Còn giống hơn là ngày ra khỏi tù cải tạo về Sài Gòn tôi đứng ngay chỗ góc phố đó, mà thấy như đang ở nơi xa lạ.
Ði vắng khỏi Sài Gòn mười ba năm kể từ năm 1975, khi quay về tôi ngẩn ngơ vì cái cảm giác “mất hết.” Sài Gòn không còn nữa, sau khi được liên tiếp “cải tạo,” mọi thứ trở nên xấu xí, tầm thường, mất cái thần sắc mà đô thị mến yêu ấy ngày xưa vẫn tỏa ra, như mùi hương bát ngát của một cây hoa, như vẻ duyên dáng của một người đàn bà. Không riêng Sài Gòn, từ sau năm 1975 cả miền Nam mất cái thần sắc ấy, mất nơi từng cá nhân con người, trong từng xóm làng, từng thành phố. Cái guồng máy gọi là cách mạng kia nó có biệt tài xóa đi rất nhanh cái mà tôi gọi là lớp men của sự sống vốn vẫn tồn tại nơi các xã hội lành mạnh, trong đó chứa đầy hơi hướng của tình người và của sự phát triển tự nhiên các khả năng tinh thần, tình cảm, mơ mộng và cần lao của con người. Nó xóa sạch không thương tiếc, khiến tất cả đều trần trụi, cắt đứt với quá khứ, cắt đứt với tương lai. Tôi đã về lại Sài Gòn đối diện với nỗi trần trụi ấy nơi đường Tự Do, nơi đường Lê Thánh Tôn, trước quán La Pagode, thấy đây không phải là Sài Gòn của ngày xưa nữa. Tôi có một người bác mà tôi rất yêu mến, năm 75 khi chào ông để đi cải tạo bác tôi vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn, nhưng khi về gặp lại thì ông đã hoàn toàn lẫn, bác chào thằng cháu ngày xưa như một người xa lạ, không còn phân biệt được ai với ai. Ðứng trước bác tôi, tôi cảm thấy lòng quặn đau, biết vĩnh viễn không còn cách gì có lại người bác ngày xưa. Sài Gòn cũng thế, đã già sụm và biến dạng đi không ngờ, và cũng đã đi vào cơn mê lẫn, lờ đờ nhìn tôi không còn nhận biết tôi là ai, cũng như tôi không còn tìm ra một ngôn ngữ chung nào để tôi và cái đô thị mến yêu ấy còn có thể trao đổi nhận ra nhau trở lại. Từ ngày còn ở trong tù, khi biết có một bài hát mới hát rằng “em ra đi nơi này vẫn thế” tôi đã cười và lắc đầu nghi ngờ tính chất chân thật của lời nói ấy, đến khi về đến tận “nơi này” thì tôi thấy không còn phải nghi ngờ gì nữa. Ðứng giữa Sài Gòn mà tôi đã mất Sài Gòn. Tôi biết cảm giác đó không phải chỉ riêng tôi có. Vô số bạn hữu đã đau khổ, hụt hẫng, và phẫn nộ nữa, khi đối diện với một Sài Gòn xác xơ và trần trụi.

(Trích lại từ bài Ði Tây đăng trên Thế Kỷ 21 số 100, tháng Tám, 1997).

Nhớ lại hồi năm 1997, tôi đi Pháp với Trần Ðại Lộc, một người bạn chơi thân với tôi từ thời còn học trung học, lúc bấy giờ Lộc đang bị ung thư gan thời kỳ cuối, hai đứa rủ nhau đi chơi chung một chuyến, không nói ra nhưng đều ngầm hiểu là chuyến chót. Từ thời học chung ở Petrus Ký Sài Gòn cuối thập niên 1950 cho đến năm ấy, chúng tôi đã đi với nhau biết bao nhiêu lần, đến lần này biết là sắp chấm dứt cuộc chơi chung rồi, nhưng hai thằng vẫn háo hức, vui vẻ như thuở nào trước cảnh lạ đường xa, đi chơi chẳng chút u sầu. Chắc tại bản chất của Lộc và tôi như vậy, hay “ham dzui,” hãy biết thưởng thức những gì đang có trước mắt đã, chuyện gì sẽ tới tính sau. Ba tháng sau chuyến đi, Lộc mất, nhưng tất cả những gì tôi viết về nước Pháp, Lộc đều đọc và góp ý kiến rồi mới làm chuyến viễn du khác, một mình.

Báo Thế Kỷ 21 số 100 (có đăng đoạn trích trên đây) phát hành được ít lâu thì tôi có một người bạn mới, qua một bức thư gửi về Tòa soạn, đó là anh Nguyễn Hữu Chung ở Montreal, Canada. Bức thư của anh Chung được đăng vào mục Bạn Ðọc Viết số 102, như sau:

Ngày 9 tháng Chín 1997
Thân gửi Phạm Xuân Ðài,
Nếu bạn ở đây thì tôi đã khui một chai Champagne mời bạn. Cám ơn bạn đã làm cho tôi thấy lại Sài Gòn một cách rõ nét hơn, sau hơn 22 năm xa cách.
Anh chàng xứ Quảng đã thấy rõ Sài Gòn và thân thương Sài Gòn hơn cả triệu dân Sài Gòn khác. Với tư cách của tên đã từng sống chết với Sài Gòn, đã từng làm mưa làm gió ở đây, tôi cám ơn bạn.
Tôi thật sự đã gặp bạn trong bài “Ði Tây,” và tôi hiểu tại sao tôi đã thích đi Paris chơi hơn là đi Mỹ. Washington, New York, Los Angeles, San Francisco, chưa nơi nào làm tôi cảm hứng khi đi dạo. Ở những nơi đó không có hè phố, không có sinh hoạt đầy chất người, chỉ có sinh hoạt vô danh (anonyme).

Những điều bạn viết sau đây đã “đánh trúng huyệt”: “Sự giống nhau giữa hai đô thị phải vừa ở kiểu mẫu kiến trúc, vừa ở khí hậu văn hóa, và cái sau bổ túc và quyết định cho cái trước. Ðời sống văn hóa có tương đương mới tạo ra nét tương tự được. Nếu tiệm may thanh lịch Aux Ciseaux d’Art bên kia đường biến thành Cửa hàng May mặc quốc doanh, nếu người ta phóng uế vào các gốc cây bên đường và thi nhau lột vỏ cây đem về làm củi đun, nếu người ta mắc máy phóng thanh khắp các góc phố để cả ngày ra rả các khẩu hiệu tiến nhanh và tiến mạnh..., ở trong một thành phố Hồ Chí Minh như thế, tôi đoan chắc có đi Paris người ta cũng sẽ không nhận ra điểm tương đồng giữa hai thành phố đâu. Trái lại, chỉ nhận ra toàn cái xa lạ, như dương gian và âm phủ.”

Tôi cũng đã nghĩ tới điều nầy và nó đã làm cho tôi buồn nhiều vì tôi thấy ra rằng tôi đã mất hẳn Sài Gòn như tôi đã mất tuổi trẻ. Tôi đã đem tuổi trẻ sống bên lề xã hội nầy như bạn đã đem tuổi trẻ chôn trong tù. Bây giờ tuổi trẻ chẳng bao giờ trở lại cũng như Sài Gòn sẽ chẳng bao giờ thấy lại với những con người ngây ngô của nó, với cái không khí nửa chợ nửa quê, nửa mới nửa cũ, nửa tây nửa ta của nó. Chính vì vậy mà chẳng những tôi chưa tìm về Sài Gòn, tôi còn rất ghét những ai về đó trở qua nói rằng Sài Gòn bây giờ vui lắm, nhiều Honda, nhiều khách sạn... Mấy người đó không cảm nhận cái khí hậu văn hóa của nơi mà họ đến, cũng như nhiều người không hề nghe tiếng chim khi chim hót trên cành.
Nguyễn Hữu Chung (Montreal, Canada)


Bạn Nguyễn Hữu Chung đã từng làm dân biểu nhiều khóa tại Quốc Hội Ðệ Nhị Cộng Hòa, và đúng như bạn nói, đã “từng làm mưa làm gió” ở Sài Gòn, lại cũng vừa từ giã chúng ta vào tháng Hai 2004 vừa qua tại Montreal, cũng lại vì bệnh ung thư. Hóa ra, hai người bạn của tôi, có dính líu xa gần đến chuyến “đi tây” ấy đều đã ra đi về miền Tây phương cực lạc. Ôi, chúng tôi đều là những người của Sài Gòn xưa, đã sống những ngày trai trẻ ở đó, đã từng “làm mưa làm gió” mỗi người một cách, bây giờ đã đến lúc, kẻ trước người sau, từ giã cõi đời. Thế hệ chúng tôi có Sài Gòn riêng, từ 1954 đến 1975, không giống thời Pháp thuộc, càng không giống thời cộng sản cai trị. Cái Sài Gòn ngưng đọng hai mươi năm ấy, nay không còn nữa, những cư dân của nó thời ấy đang dần dà ra đi. Trong một nghĩa nào đó, tất cả những gì thuộc Sài Gòn ấy đều đã bị bức tử, dù là đi di tản ngay 75 như Chung, vào tù như Lộc và tôi, bị bức tử cả cái khí hậu văn hóa phơi phới của nó.

Trong hai mươi năm ấy, ít nhất thế hệ chúng tôi đã có 15 năm trưởng thành trước khi miền Nam và Sài Gòn bị khối cộng sản nuốt chửng. Cái thắng và cái thua của một trận thế hẳn phải có nguyên do chính xác của nó trong cái nhìn lịch sử toàn cục. Ở đây trong lòng tưởng nhớ Sài Gòn ta chỉ nhìn cái chết của Sài Gòn đang lúc giữa độ thanh xuân, giống như cái chết giữa độ thanh xuân của cả một thế hệ chúng tôi, như Nguyễn Hữu Chung nói đến trong bức thư. Sài Gòn thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa trước khi chết đã đặt để các nền móng căn bản cho một nước Việt Nam tương lai, về văn hóa, kinh tế, chính trị, như một di chúc viết sẵn, mà trước sau gì rồi dân tộc Việt Nam cũng sẽ đi theo, nếu không nói là từng bước đang đi theo. Chủ nghĩa cộng sản trong một thời điểm lịch sử có thể có sức mạnh man rợ của hung nô, nhưng một khi hung nô phải sống với loài người văn minh thì dần dần phải tập nhiễm đời sống văn minh. Sài Gòn thủ đô của chúng ta đã sắp sẵn khuôn mẫu của cuộc sống văn minh ấy, từ nếp sống đô thị, tinh thần khai phóng, và nhất là tinh thần tự do. Sài Gòn cũ đã chết, nhưng những tinh túy đã kết tinh không thể tan biến, trái lại còn đó như một dưỡng chất bàng bạc nuôi sống cuộc tranh đấu của bao nhiêu người trong hiện tại.

Chỉ riêng đời sống văn hóa văn nghệ của Sài Gòn với quan niệm tự do của nó đã để lại những ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống về sau. Tha hồ cho những vụ “truy quét” sách vở miền Nam sau tháng Tư năm 1975, tha hồ cho những đợt bắt bớ khủng bố giới văn nghệ sĩ, tha hồ cho những bôi xấu một cách thô bỉ vô văn hóa đời sống tinh thần của miền Nam, cái nhân bản, cái đẹp thật sự mà chúng ta đã tạo ra vẫn tồn tại âm thầm trong cuộc sống và chiến thắng nếp văn nghệ tiền chế đẫm mùi nô dịch và tuyên truyền của phe thắng trận. Kẻ thắng trận đã đụng phải một nền văn minh cao hơn, và họ phải chấp nhận sự đồng hóa, dù họ không bao giờ muốn như thế, vì cái lộ trình “tiến lên chủ nghĩa xã hội” của họ đã sẵn rồi, bài bản đã học thuộc mấy mươi năm từ miền Bắc rồi. Họ có thể làm tan hoang một Sài Gòn hoa lệ, có thể đề ra nhiều biện pháp cào bằng đời sống cho mọi người đều đói khổ như nhau để ép mọi người vào cuộc sống trại lính - kịch bản bất di bất dịch của chủ nghĩa cộng sản tại bất cứ xứ sở nào - nhưng gặp phải Sài Gòn hình như họ cảm thấy mọi sự không dễ. Dù tên Sài Gòn bị tiêu diệt để đổi thành thành phố Hồ Chí Minh, nhưng người Sài Gòn vẫn sống với tâm tình của Sài Gòn cũ. Bên dưới cuộc sống “cách mạng” ồn ào bề mặt có một đời sống ngầm phong phú, đa dạng: họ vẫn nghe những bản nhạc yêu thích ngày xưa, họ vẫn đọc sách cũ, vẫn kín đáo gìn giữ những giá trị trước kia đã làm nên miền Nam: giữ gìn truyền thống tình thương yêu và giáo dục trong gia đình, lòng từ thiện đối với xã hội, những sinh hoạt tâm linh thuộc các tôn giáo... Họ biết chế độ mới đang ra sức phá hủy những thành tựu thuộc về cuộc sống cũ để áp đặt những loại giá trị hoang đường kiểu như “tính đảng, tính giai cấp”... và họ lặng lẽ tổ chức phòng thủ đẩy ra ngoài cơ thể của cuộc sống họ những vật thể lạ lùng quái đản ấy, không để chúng làm bẩn bầu không khí truyền thống trong lành cố hữu của Sài Gòn. Và thời gian đã trả lời cho câu hỏi “ai thắng ai?” đầy ngạo mạn và hãnh tiến của người chiến thắng đặt ra trong những ngày đầu chiếm đóng, đặt câu hỏi nhưng cũng hàm ý trả lời rồi: thì chúng ta, cộng sản, thắng kẻ thù chúng ta là tư bản, chứ còn ai vào đây nữa?!

Thời gian đã trả lời rằng một nền văn hóa cao hơn sẽ đồng hóa những gì thấp kém hơn nó. Những gì người ta làm trong thời “đổi mới” thì đối với dân Sài Gòn cũng như toàn thể dân miền Nam chỉ là những bước tập tễnh để quay lại với những gì xưa cũ tại miền Nam, hoặc rộng hơn, với nếp sống vẫn có của dân tộc và nhân loại mà thôi. Nhưng đặt ra chữ “đổi mới” là để tự huyễn hoặc mình và đánh lừa kẻ khác rằng đây là sự chủ động sáng tạo của chính mình chứ chẳng phải học đòi một cái gì của “kẻ thù” (!), mặc dù trong thực chất đó chỉ là bước đầu của một sự đầu hàng. Một hệ thống ý thức hệ vô nhân đầu hàng cái nhân đạo vẫn sống với loài người từ xưa đến giờ mà thôi, chẳng có gì khác cả. Mới chiếm đóng Sài Gòn được mười năm, mới đóng cửa để bắt đầu thao tác một ít màn dã man đốt sách, cướp bóc của cải, nhà cửa, đẩy hàng loạt người đi về những nơi không thể sinh sống được, mở hàng loạt nhà tù để lùa vào đủ thành phần lành mạnh của xã hội - những kẻ giỏi kinh doanh làm ăn, những nhà văn nhà báo nhà nghệ sĩ tự do đã đem lại cho đời biết bao tác phẩm đẹp đẽ... - những kẻ chiếm đóng đã cuống quít nào “mở cửa,” nào “cởi trói,” nào “phá bỏ bao cấp, đổi mới tư duy” v.v... Thì đấy, nền tảng Sài Gòn xưa còn đấy, từ xưa Sài Gòn có đóng cửa bao giờ đâu, có trói ai đâu, có đè nén và nô lệ hóa tư duy của ai đâu... tài nguyên trí tuệ và vật chất cùng tâm hồn Sài Gòn cũ vẫn còn đấy, quý vị có phá phách thì nó cũng chỉ kịp hao hụt chút đỉnh thôi, nếu biết tạo lại những điều kiện bình thường của một cuộc sống tương đối văn minh thì Sài Gòn sẽ tái sinh, thì hòn ngọc cũ bị bỏ lăn lóc lại có thể sáng chói lên trở lại được nhờ ở tiềm năng tự do và sáng tạo sẵn có trong cơ thể của nó.

Sài Gòn có một truyền thống báo chí khá tự do và phong phú, có từ thời còn là thuộc địa của Pháp. “Nhựt trình” đối với dân Sài Gòn là một nhu cầu hàng ngày, để được cung cấp tin tức, bình luận, thông tin thương mại và cả giải trí. Chúng ta đã có một nền báo chí tư nhân khá lành mạnh, làm nền tảng cho quá trình xây dựng dân chủ cho miền Nam. Sau cuộc chiếm đóng 1975, bầu trời u ám hẳn vì mỗi sáng mỗi chiều vắng bóng báo chí tự do, cái phần sinh hoạt vô cùng linh động đem lại vẻ tươi tắn và trí tuệ cho cả Sài Gòn. Với báo chí quốc doanh, ngày nào trời cũng xám xịt những sản phẩm tiền chế hệt những đám mây đen che hết ánh sáng của dân chúng. Người Sài Gòn lầm lũi đi trong một cảnh tranh tối tranh sáng.

Mãi đến khi đổi mới, một vài nét xưa mới được hồi phục, mặc dù ý niệm “tự do báo chí” vẫn là một cái gì húy kỵ. Nói chung, tập thể làm báo Sài Gòn trong thời kỳ này là những người trẻ tuổi, tuy một số trong chiến tranh có theo cộng sản, nhưng là những người đã hấp thụ nền giáo dục và khí hậu văn hóa miền Nam, khi đã được tương đối tự do, họ đã biểu lộ những cung cách sáng tạo và độc lập khác hẳn lề lối ngoan ngoãn buồn tẻ của dân “làm báo đảng” chuyên nghiệp trên đất Bắc. Ðó cũng là một truyền thống làm báo được phần nào tiếp tục tại Sài Gòn, một truyền thống bắt nguồn kể từ thời xa xưa khi đất Nam Kỳ còn là nhượng địa của Pháp với những cây bút đanh thép Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Phan Khôi... đến thế giới báo chí muôn màu muôn vẻ của thời Việt Nam Cộng Hòa. Vả lại di sản văn hóa văn nghệ phong phú của Sài Gòn vẫn sống còn trong mạch ngầm của nó, âm nhạc, tiểu thuyết, phim ảnh, cách ăn mặc, cách nấu nướng, lề thói ăn chơi, phong cách sống v.v... như một cái vốn quá dồi dào để có thể tô điểm tức khắc cho một Sài Gòn vừa thoát ra khỏi sự đè nén tối tăm của nền văn hóa vô sản để làm cuộc đổi-mới-trở-về-với-cái-cũ.

Sài Gòn của chúng ta sẽ không có một cái tên nào có thể thay thế được, trước sau gì cái tên Sài Gòn cũng sẽ trở về với thành phố thân yêu ấy. Bốn năm trước tôi đã đi tới thành phố Saint Petersbourg của nước Nga và đã biết được một điều kỳ diệu: bảy mươi năm sau khi thành phố ấy đổi từ tên Petersbourg thành Leningrad (từ tên Lenin, tay trùm cộng sản của Nga), từ đầu thập niên 1990 đã trở lại với tên cũ, không những thế, tất cả tên các con đường trong thành phố cũng quay lại tên cũ giống hệt như Tolstoi đã ghi trong các tác phẩm của mình. Dân tộc Nga là một dân tộc vĩ đại, họ đã đi hết con đường sai lầm của mình, và không ngần ngại chuyển về chính đạo muôn thuở của nước Nga cũng như của loài người. Rồi người Việt Nam cũng sẽ làm công việc ấy, vứt bỏ cái tên của tay trùm cộng sản Việt Nam, để trả lại cho Sài Gòn những gì là Sài Gòn, chắc chắn với một thời gian ngắn hơn nước Nga nhiều.

Tôi không muốn bắt chước Bà Huyện Thanh Quan than thở trước những đổi thay

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoát mấy tinh sương

khi nhìn thành Thăng Long biết bao mến yêu của bà cũng như của bao tầng lớp sĩ phu khác không còn vị trí then chốt thuở xưa nữa. Chúng tôi mất Sài Gòn với tâm trạng khác người xưa, đau đớn vì cuộc chiến đấu cho lý tưởng tự do của mình đã thất bại, nhưng lại tin chắc lý tưởng ấy trước sau gì cũng phải trở về lại với đất nước Việt Nam và thành phố thân yêu ấy. Sau 13 năm đi cải tạo trở về tôi đã gặp một Sài Gòn hoen ố và gớm ghiếc của thế giới cộng sản. Ấy là khi chủ nghĩa cộng sản chưa sụp đổ và chưa có bàn tay, tri thức và tiền bạc của thế giới văn minh nhúng vào. Bây giờ thì đã khác, Sài Gòn đã thay da đổi thịt, cuộc đồng hóa của văn minh với man di đã bắt đầu. Bài học đã qua thời kỳ vỡ lòng, nhưng bắt buộc phải tiếp tục tiến đến những trình độ cao hơn: tinh thần dân chủ tự do phải được tôn trọng và phát triển. Ðó chính là bản chất của Sài Gòn. Khi tinh thần đó thực sự được thắp sáng bừng lên thì Sài Gòn sẽ tự gọi trở lại tên cúng cơm của nó là Sài Gòn, chẳng khác nào Petersbourg lại trở về với Petersbourg.

PXĐ

-------------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment