Wednesday, June 1, 2011

MELANINE TRONG "BỊCH SỮA" MẠC-LÊ (Phan Thế Hải)


Phan Thế Hải
Đăng ngày: 09:54 31-05-2011

Như đã nói ở trên, Mạc cho rằng, “Lợi ích giai cấp tư sản và vô sản là đối lập và không điều hòa được. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản là tất yếu và sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản.” Mâu thuẫn là đương nhiên, nhưng nâng tầm mâu thuẫn giai cấp lên thành đối kháng là một sai lầm chết người.

Thực ra thì giữa những người vô sản và những người hữu sản có một sự khác nhau nho nhỏ. Người hữu sản trước hết là người biết quản lý tài sản. Đặc biệt là khả năng quản lý tư liệu sản xuất. Người vô sản thường là người mà năng lực đó không bằng những người hữu sản. Bởi nếu họ có năng lực ấy,họ sẽ được thuê để quản lý tài sản, quản lý tư liệu sản xuất, làm cho nó sinh lợi. Sớm hay muộn họ cũng trở thành người hữu sản.

Giữa người vô sản và người hữu sản chỉ là khái niệm tương đối trong từng thời điểm, từng cộng đồng. Nếu ai đó là người vô sản vĩnh viễn,họ có vấn đề về năng lực. Trong một cộng đồng xã hội, việc tồn tại những người có khả năng quản lý tài sản và những người không có khả năng ấy là điều đương nhiên. Người có năng lực quản lý tư liệu sản xuất sẽ làm gia tăng của cải vật chất cho xã hội, và đó là con đường duy nhất để biến những người vô sản thành những người hữu sản.

Ngược lại, những người vô sản là lực lượng chủ yếu bán sức lao động cho những người hữu sản. Một bộ phận lớn những người hữu sản vẫn là người bán sức lao động của chính mình cho những người hữu sản khác theo sự phân công của xã hội.

Vì lý do đó, một xã hội bình thường là một xã hội mâu thuẫn trong sự thống nhất giữa những người vô sản và những người hữu sản, giữa những người bán sức lao động và những người sử dụng lao động. Thế  nhưng, Mạc lại cho rằng, mâu thuẫn giữa những người vô sản và những người tư sản là mâu thuẫn đối kháng, không thể dung hoà lợi ích. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Mạc hô hào bạo lực cách mạng. “Vô sản thế giới hãy liên kết, các bạn không có gì để mất ngoài xiềng xích!” là lời hiệu triệu của Mạc trong“Tuyên ngôn đảng Cộng sản” đã kích động vô sản bạo động cách mạng.

Thấm nhuần lý luận này, Tiệc ta đã hô hào quần chúng cướp chính quyền năm 1945, rồi sau đó tiến hành những hoạt động bạo lực khác như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản tư doanh. Thực tế cho thấy, bạo lực chỉ đẻ ra chính quyền bạo lực hơn. Đám bần cố nông vô sản không đủ sáng suốt để luận tội giai cấp tư sản. Hàng ngàn vụ án oan, án sai đã được thực thi trên đất Việt Nam. Cũng may, Tiệc CS đã có chính sách sửa sai ngay sau Cải cách ruộng đất.

Thực tiễn ở các nước XHCN khác cũng đã chứng minh cách mạng vô sản chỉ sinh ra các chính quyền cộng sản bạo lực tàn ác từ Âu sáng Á, từ đông sang Tây. Trung Quốc được coi là một điển hình của chính sách ấy với hơn10 năm động loạn vì cái gọi là “Đại cách mạng văn hoá” khiến hàng chục triệu người dân nước này phải bỏ mạng.
Mãi đến năm 1976, khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình thâu tómđược quyền lực. Ông đã phát hiện ra chất “Melamine” trong bịch sữa Mạc- Lê. Tuy nhiên, hơn một tỷ dân nước này, sau bao nhiêu năm đã quen với loại sữa này nên chưa thể bỏ ngay Mạc- Lê. Đặng đưa ra chủ trương “Cải cách mở cửa”. Ông lờ tịt đi cái học thuyết đấu tranh giai cấp chết người kia, thay vào đó là “Lý luận con mèo”.

Đặng cho rằng, nhiệm vụ trung tâm của “thời kỳ quá độ” không phải là đấu tranh giai cấp mà là xây dựng kinh tế. Câu nói của người Tứ Xuyên “Mèo trắng mèo đen hễ bắt được chuột đều là mèo tốt” được Đặng nhắc đến ở mọi diễn đàn.

Lý luận con mèo của Đặng được coi là cách giải độc hiệu quả nhất để vô hiệu hoá Melamin trong bịch sữa Mạc- Lê. Sau một thời gian nước mẹ Trung cộng cải cách mở cửa, nhà Sản của Tiệc ta cũng phát phát động công cuộc đổi mới, mà thực chất là bắt chước chính sách của Đặng  tiên sinh ở xứ Tàu.

Tuy nhiên, do đều tôn thờ Mạc Lê, Nhà Sản và nhà Tàu vẫn choành choẹ nhau về biên giới, lãnh thổ, đặc biệt là chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Điều này nó đang bác bỏ luận điểm của Tiệc: Bốn phương vô sản đều là anh em.

PhanThế Hải
-------------------------

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 12:41 30-05-2011

Sinh thời Mạc là người có bằng cấp nhưng lận đận mãi vẫn không kiếm được việc làm. Thông minh, tài năng lại sống trong cảnh túng quẫn khiến giòng máu nổi loạn cuồn cuộn chảy trong huyết quản của ông. Để thực hiện được khát vọng đổi đời, Mạc tìm kiếm những người cùng cảnh ngộ với mình, chủ yếu là tầng lớp vô sản, thất nghiệp, không một xu dính túi.

Muốn đổi đời phải làm cách mạng. Muốn làm cách mạng phải tập hợp được lực lượng. Muốn tập hợp được lực lượng phải có chủ thuyết. Học thuyết giai cấp của Mạc được ra đời vì lý do đó.

Theo Mạc, giai cấp là những tập đoàn người to lớn, khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất và phân công lao động, về vai trò của họ trong những tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng.

Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất quy định việc phân chia xã hội thành hai giai cấp cơ bản, hai phe - những người có tư liệu sản xuất và những người không có tư liệu sản xuất. Ông cho rằng, mối quan hệ với tư liệu sản xuất là "bí mật cuối cùng, được che giấu cho sự giải thích toàn bộ xã hội".

Mạc cho rằng do giai cấp tư bản bốc lột làm công nhân nghèo đi hình thành nên giai cấp vô sản. Ngày nay, khi xã hội thông tin phát triển, người có trình độ trung bình đều có thể hiểu được đó là sự ngộ nhận, giản đơn và cẩu thả.
Thực ra thì từ khi có xã hội loài người, do nhiều nguyên nhân khác nhau đều có một tầng lớp vô sản. Những nguyên nhân này có thể là do năng lực bản năng của một số người. Hoặc làm chỉ đủ ăn, hoặc làm có dư giả nhưng không có khả năng tích luỹ.

Một bộ phận khác từ chỗ là người hữu sản nhưng gặp rủi ro do thiên tai hoặc bệnh tật cũng có thể trở thành vô sản. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nông dân ở các vùng thôn quê nghèo khó bỏ ruộng ra thành thị làm công cho các nhà máy đang phát triển như nấm cùng sau mưa, trong số đó có một bộ phận trở thành hữu sản, một bộ phận khác thành vô sản. Nhưng số vô sản này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong tầng lớp vô sản.

Lực lượng làm công ăn lương bị chủ bóc lột thậm tệ trở nên vô sản chỉ chiếm một tỷ lệ nào đó trong xã hội. Trong nguyên nhân trở thànhvô sản của bộ phận này cũng cần nói thêm là do năng lực của họ. Họ biết bị bóc lột thậm tệ nhưng chính họ cũng tự nguyện chui vào cái vòng bóc lột ấy hoặc họ không có khả năng thoát ly ra khỏi cái vòng ấy. Nói khác đi là sự hình thành của giai cấp vô sản có sự tự nguyện của những người dân tham gia làm nên giai cấp đó ngay từ đầu.

Mạc đã không phân tích sự khác biệt đó hay cố tình lờ đi sự khác biệt đó trong nguồn gốc của giai cấp vô sản để chĩa mũi nhọn, đổ vấy mọi nguyên nhân vô sản lê đầu giai cấp tư sản. Ông kêu gọi giai cấp vô sản trút hận thù lên giai cấp tư sản.

Độc tố “Melamine” thứ nhất trong luận điểm của Mạc mà với những người bình dân không dễ nhận ra là: Mạc kêu gào hận thù giữa hai giai cấp đang cùng hình thành trong một mối quan hệ sản xuất mới, luôn có xung đột và mâu thuẫn giai cấp cần giải quyết.

Mạc và sau này học trò của ông là Lênin đã nâng tầm thành lý luận đấu tranh giai cấp. Ngay trong tác phẩm “ Tuyên ngôn của đảng cộng sản”được công bố lần đầu vào năm 1848, ngay sau Phần I có tên: “Tư sản và vô sản”, Mạc đã viết: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.”

Luận điểm này đã được các nước trong phe XHCN áp dụng và phát động thành cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó, theo tư tưởng chết người của hai ông là: “Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”; “Lợi ích giai cấp tư sản và vô sản là đối lập và không điều hòa được. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản là tất yếu và sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản.” Theo đó, giai cấp vô sản dùng bạo lực cách mạng để trấn áp giai cấp tư sản.

Từ những chỉ dẫn tầm bậy này, cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước XHCN dưới sự lãnh đạo của Tiệc đều đẫm máu. Trong đó có không ít hiện tượng đau lòng, trái với luân thường đạo lý như chuyện con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, học trò đấu tố thầy mà điển hình là cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ năm 1953- 1956.

Cuộc đấu tranh giai cấp theo sự xúi bẩy của Mạc và Lê đã huỷ hoại văn hoá truyền thống, tiêu diệt những tầng lớp ưu tú của xã hội. Đây được coi là “Melamine thứ nhất” trong học thuyết Mạc- Lê.
PhanThế Hải

---------------------

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 08:53 27-05-2011

Dẫu đã thất bại thảm hại ngay chính trên mảnh đất sinh ra nó và đã thất bại trên hầu hết các nơi mà học thuyết này được truyền bá, nhưng học thuyết Mạc- Lê vẫn được nhiều nhà cầm quyền coi như một vũ khí để mê hoặc dân chúng. Hơn thế là để biện minh cho nền chính trị độc tài hiện hữu. Trên thực tế nó cũng đã từng mê hoặc được nhiều người, Chủ tịch cũng không là ngoại lệ.

Tại sao với những nước văn minh, học thuyết này không còn đất sống? Tại sao một học thuyết đã từng gieo rắc bao nhiêu đau thương cho nhân loại vẫn đang được Tiệc ta tôn thờ? Tại sao không ít kẻ là nạn nhân của học thuyết vẫn ngoan ngoãn khuất phục? Thực tiễn này khiến người ta liên tưởng đến sản phẩm sữa của tập đoàn Tam Lộc (Trung Quốc) vẫn được hàng triệu người dân nước này sử dụng trong nhiều năm. Mãi tới tháng 12/2008, khi Bộ y tế Trung Quốc công bố, melamine trong sữa khiến khoảng 294.000 em nhỏ bị bệnh và 6 bé khác tử vong.

Giữa học thuyết Mạc- Lê và sữa Tam Lộc phải chăng có những điểm tương đồng?. Chất Melamine trong sữa Tam Lộc đã được chứng minh sự nguy hiểm của nó. Còn chất “Melamine” trong học thuyết Mạc- Lê? Chúng ta hãy ngẫm sâu thêm một chút về vấn đề này.

Trước hết nói về Melamine, đó là một loại hoá chất hữu cơ, thường ở dạng tinh thể màu trắng, rất giàu nitrogen. Nitrogen được dùng như tiêu chuẩn để xác định lượng đạm có trong thực phẩm. Để làm tăng thể tích của sữa, người ta thường thêm nước vào sữa tươi. Đồng thời, họ cũng cho thêm melamine vào để làm cho nồng độ đạm (nitrogen) của sữa đạt tới tiêu chuẩn. Xét nghiệm không phân biệt được đâu là đạm tự nhiên trong sữa và đâu là nitrogencủa melamine.

Năm 2007, melamine được phát hiện trong thức ăn đóng hộp dành cho thú nuôi. Nó đã làm chết một số lượng lớn chó và mèo vì suy thận. Từ một số ca bệnh của trẻ em ở các bệnh viện TQ, tìm hiểu nguyên nhân mới biết được là chúng đều dùng nhiều sữa Tam Lộc và đều có một lượng Melamine cao quá mức cho phép. Tác động của hóa chất này lên con người gần giống với kết quả thử nghiệm trên súc vật.

Đặc biệt, sự kết hợp của melamine với cyanuric a-xit (cũng có trong sữa bột) sẽ tạo thành muối tinh thể đóng trong các ống thận nhỏ gây bít tắc, sỏi thận, ảnh hưởng đến sự tạo tạo nước tiểu và gây suy thận, tử vong. Một số nghiên cứu trên súc vật cho thấy melamine có khả năng gây ung thư. Melamine có khả năng hủy hoại hệ thống miễn dịch của con người.

Sau nhiều xét nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng, Melamine thường gây ngộ độc mãn tính do khó tan trong nước và cần thời gian dài để thải trừ. Tổn thương hệ sinh sản, sỏi bàng quang, sỏi thận và ung thư bàng quan là những hậu quả của việc sử dụng melamine trong thời gian dài.

Để đưa ra được kết luận này, người TQ đã phải trả giá cho hàng ngàn trẻ em bị mắc bệnh và một số em bị tử vong. 294.000 em chỉ là số thống kê được qua các bệnh viện, còn thực tế thì chắc chắn là cao hơn con số đó.

Về học thuyết Mạc Lê, học thuyết này ra đời từ giữa thế kỷ XIX, có nguồn gốc từ châu Âu. Sau một thời gian dài bị áp bức không lối thoát, tầng lớp vô sản và một số nước thuộc địa tiếp cận được với học thuyết này. Đây được coi là hệ thống lý luận bài bản, hoành tráng trang bị cho những kẻ muốn nổi loạn. Theo sự xúi bẩy của Mạc thì: Nếu mất, chỉ có thể là mất xiềng xích nô lệ, còn nếu được thì được cả thế giới.

Gần đây, những cái gọi là “lỗi hệ thống” của thể chế được nhắc đến thường xuyên, như nguyên nhân mọi tình trạng tồi tệ hiện nay của chế dưới sự lãnh đạo của Tiệc CS. Một số quốc gia theo mô hình Mạc Lê đã sụp đổ hàng loạt, một số quốc gia khác thoát chết nhưng vẫn không thể thoát khỏi những di chứng không thể khắc phục được.

Vậy đâu là thứ “Melamine” trong học thuyết Mạc- Lê? Chúng ta hãy đọc lại các tác phẩm kinh điển của Mạc và Lê, mổ xẻ từng luận điểm của hai ông này như các xét nghiệm sinh học của các bác sỹ khi nghiên cứu hiện tượng sữa Tam Lộc.
P.T.H.

.
.
.
.

No comments:

Post a Comment