Sunday, June 26, 2011

MẤY NHẬN XÉT về NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (Đào Trung Đạo)



Đào Trung Đạo
Sat, 06/25/2011 - 21:41

Theo dõi tin tức trên hai tờ báo giấy CAND và Nhân Dân tường trình những sự kiện liên quan đến ngày ‘Báo chí cách mạng Việt Nam’ người ta không khỏi cảm thấy trước tiên là kinh ngạc, kế đến là buồn bã cho nền báo chí hiện nay ở Việt Nam.

Kinh ngạc vì những phát biểu của các nhân vật vật lãnh đạo Đảng và nhà nước trước tình trạng tụt hậu và đánh mất lòng tin của quần chúng độc giả của báo chí hiện nay. Còn buồn bã là vì báo chí đã không có cơ hội để hoàn thành trách nhiệm nếu như chưa hướng dẫn được dư luận xã hội thí ít ra cũng phải đưa thông tin đúng và nhanh. Chúng tôi viết như vậy vì vẫn còn niềm tin (dù sắp cạn đáy) rằng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn có những người viết báo lương thiện, dù là thiểu số.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến do ban Biên tập báo CAND tổ chức với sự có mặt của vị khách mời là ông TS (!) Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và Trung tướng, nhà văn (!) Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Tổng Biên tập báo CAND, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam [lời bàn ngoài đề: Cho đến bây giờ đã sang thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 người đọc báo Việt Nam vẫn ‘còn khổ’ vì phải đọc những chức danh dài ngoẵng ‘như chợ đệu’ nằm sau tên của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước. Thêm vào đó là sự ‘trưng bảnh’ bằng cấp không cần thiết của các vị này. Tìm kiếm sự kính trọng của người khác bằng cách này chỉ nói lên cái mặc cảm sợ bị coi thường.]

Trước hết nhận định về nền báo chí Việt Nam hiện nay cũng như đội ngũ người làm báo Việt Nam ông Nguyễn Thế kỷ nói: báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc dựa trên những số liệu như đã có tới 720 cơ quan báo chí, 830 ấn phẩm và chương trình PTTH, báo điện tử và hơn 17.500 nhà báo chuyên nghiệp cộng thêm hàng chục ngàn cộng tác viên, và Đài Tiếng nói VN phủ sóng đến 97,5% dân số. Ông NTKỷ đã rất khôn khéo khi lướt nhanh không đi vào chi tiết khi nói về “chất lượng”. Trước hết người đọc thấy lạ ở điểm “nhà báo chuyên nghiệp” được ông NTK định nghĩa là “được cấp thẻ nhà báo”! Tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” này của nhà nước VN có lẽ là tiêu chuẩn không nước nào trên thế giới có thể giầu trí tưởng tượng đặt ra như vậy! Về những con số ông NTKỷ đưa ra người ta có thể kết luận có lẽ Việt Nam là một trong những xứ hiếm hoi có một “nền” báo chí khủng đến như vậy. Chắc nền báo chí xứ Mỹ cũng không thể so sánh về số lượng với VN.

Nhưng câu hỏi lập tức được đặt ra: lượng thì có đấy còn phẩm thì sao? Câu trả lời không khó kiếm: chỉ một thí dụ nhỏ gần đây nhất là việc tường trình những vụ xuống đường biểu tình ở Hà Nội và Saigon ngày 5 và 12 tháng 6, 2011 nói lên sự phẫn nộ và lòng yêu nước của người dân Việt Nam trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đủ cho thấy chất lượng thông tin của cơ quan TTXVN. Trong khi các hãng thông tấn ngoại quốc và những trang mạng xã hội của người Việt tường trình đầy đủ chi tiết kèm hình ảnh về hai sự kiện lịch sử này thì TTXVN đưa ra một bản tường trình bóp méo sự thật, gán cho những cuộc biểu tình này hai chữ “tụ tập” và còn cả gan cho rằng các hãng thông tấn quốc tế loan tải thông tin sai sự thực! Quí vị lãnh đạo ngành thông tin có hiểu rằng khi chỉ thị cho TTXVN đưa tin kiểu này quí vị trước hết đã làm cho dư luận xã hội mất niềm tin vào “nền báo chí VN” và cũng đã chứng tỏ thái độ khinh thị đối với quần chúng và các nhà báo “chuyên nghiệp” của nhà nuớc hay không? Còn đối với các hãng thông tấn ngoại quốc họ sẽ có thái độ ra sao? Tức giận, coi thường, và từ nay không thể tin cậy thông tin từ các cổng thông tin của nhà nước?

Khi có độc giả hỏi về vụ việc nêu trên ông NTKỷ cho rằng “đây là việc không nên tranh cãi”! Việc đưa thông tin sai sự thực của các nhà báo “chuyên nghiệp” của nhà nước làm sao có thể là “không nên tranh cãi” được nhỉ? Lý do không nên tranh cãi được ông Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW giải thích vì các nhà báo của TTXVN đã lấy tin từ các cơ quan chức năng. Nếu nhà báo tác nghiệp kiểu này thì chi bằng cứ nằm nhà nhấc điện thoại lấy thông tin từ các cơ quan chức năng, khỏi cần đến hiện trường để lấy thông tin xác thực và nhanh chóng. Và đấy là cách tác nghiệp “chuyên nghiệp” theo ông NTKỷ!

Thực ra cách giải thích của ông Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW là rất đúng sự thực: Bài viết trên TTXVN về các vụ biểu tình xuống đường đã được cơ quan chức năng do ông lãnh đạo “viết sẵn” cho TTXVN. Và đòi hỏi phải kỷ luật TTXVN có nghĩa là phải kỷ luật cái cơ quan chức năng đã cho TTXVN thông tin. Nhưng ông NTKỷ đã quá trơ trẽn, không biết xấu hổ khi tuyên bố: “Nếu nói TTXVN bị kỷ luật là nặng nề quá. Mà nếu làm thế là chúng ta vi phạm tự do báo chí.” Trơ trẽn, không biết xấu hổ vì quan niệm tự do báo chí theo ông tức là đi lấy tin tức từ các cơ quan chức năng và chờ bản tin viết sẵn của Ban Tuyên giáo TW.

Kịch bản cuộc giao lưu trực tuyến này còn một màn ngây ngô ngu xuẩn khác khi nặn ra câu hỏi của “một độc giả” về đệ tứ quyền của báo chí. Trước đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội cũng như của quốc tế về quyền tự do thông tin, phát biểu ý kiến cá nhân, tự do internet, nên Ban Tổ chức giao lưu trực tuyến cũng như Ban Tuyên giáo TW đưa kịch bản này ra để răn đe xã hội và phản bác đòi hỏi của những quốc gia tiến bộ chỉ trích chính quyền Việt Nam hiện nay không tôn trọng quyền tự do thông tin và phát biểu của người dân.

Lý do ông NTKỷ không chấp nhận đệ tứ quyền của báo chí nghe tuy ngây ngô nhưng hóa ra lại đúng sự thực: coi báo chí là quyền lực thứ tư là quan niệm của “một số” nhà nghiên cứu của các nước tư bản! Câu hỏi này ngây ngô vì người hỏi phải biết rằng ở Việt Nam hiện nay quyền lực chỉ có một do Đảng độc quyền. Đến như Quốc Hội cũng còn phải nghe theo Đảng, không được quyền quyết định việc nước, nói chi báo chí. Báo chí phải là tiếng nói của Đảng nên không cần có quyền lực hay tự do gì cả.

Trong thời đại thông tin bùng nổ nếu báo chí Việt Nam được lãnh đạo theo cách của Ban Tuyên giáo TW như thế thì tương lai “nền báo chí cách mạng” xem ra thật tối tăm. Truớc hết, người dân sẽ không tin báo chí lề phải nữa, không mua báo lề phải, và càng ngày số lương phát hành càng tuột dốc thảm hại nên báo giấy sẽ phải chết. Những tờ báo của Đảng như tờ Nhân Dân, theo chỗ chúng tôi biết, từ hai thập niên nay số lượng phát hành rất thấp, in ra chỉ để phát không cho các cơ quan của Đảng và nhà nước và chở đi vùng xa vùng xâu phát không. Sau nữa, người dân sẽ quay sang tìm thông tin, nhất là những thông tin trực tiếp liên hệ tới đất nước và cuộc sống qua các trang mạng xã hội hay những báo mạng lề trái có uy tín.

Chính vì thực trạng của báo Nhân Dân như vậy nên ngày 26-6 nhân kỷ niệp 86 năm báo chí “cách mạng Việt Nam” ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phải đến “làm việc” tại tòa soạn báo Nhân Dân. Ông ta “làm việc”gỉ? Lại bài bản cũ soạn lại: đánh giá cao những việc báo Nhân Dân đã làm được, chỉ thị phải tiếp tục đổi mới, phát triển thế mạnh, vân vân và vân vân. Ông ta cũng chỉ thị phải phát triển nguồn nhân lực và tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Quả thực ông Phó Thủ tướng NTNhân hoặc là đang mơ ngủ khi giao cho báo Nhân Dân nhiệm vụ đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân, hoặc ông ta đã quá khinh thường quốc dân khi cho rằng quốc dân cần phải được giáo dục thêm nữa. Ông ta mơ ngủ vì giờ đây mấy ai còn mua đọc tờ Nhân Dân nữa đâu. Còn ông ta khinh thường quốc dân vì thời gian trước đây chính ông Nguyễn Thiện Nhân khi nắm nhiện vụ lãnh đạo ngành giáo dục ông đã hoàn toàn thất bại và bị những chuyên gia giáo dục có uy tín và xã hội phê phán nặng nề.

Còn nhớ, bốn năm trước đây khi ông Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Chính trị chỉ định vào chức vụ Thủ tướng đã có sự dàn xếp nhằm “cân bằng quyền lực phe nhóm” nên ông Nguyễn Thiện Nhân được cài xếp vào chức vụ Phó Thủ tướng. Nhưng suốt nhiệm kỳ ông đã chứng tỏ khả năng “ăn hại” khi nắm Bộ Giáo dục. Thế nhưng, không chịu nhìn nhận sự thất bại của mình, nay ông còn tiếc nuối muốn “đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân” chứng tỏ ông ta là người không biết xấu hổ.

Nay thử nhìn sang nhân vật “nhà văn” Hữu Ước xem ông này tuyên bố gì trong buổi giao lưu trực tuyến. Ngoài vai trò “nâng bi, thợ vịn” cho ông NTKỷ cấp trên, ông Trung tướng nhà văn này trơ trẽn kể công về báo CAND. Ông ta khoe rằng báo CANd của mình có tính nhân văn, các bài trên CAND có bút “pháp văn học”! Đọc mấy chữ “bút pháp văn học” người ta không khỏi ôm bụng cười ngất vì chính ông Hữu Ước từ lâu nay cũng tỏ ra “không có văn học” chút nào. Điều này nghe thật lạ tai, chỉ xảy ra ở cái xứ “nước ta nó như vậy”, vì từ bản chất báo CANN là một tờ lá cải, người dân hiếu kỳ mua để đọc những sự kiện tiêu cực nhất trong xã hội như các vụ án mạng, cướp bóc, hiếp dâm, lừa dối, lường gạt v.v…Báo của ông Trung tướng còn sống lây lất (chính ông ta đã thú nhận số lượng phát hành nay đã giảm nhiều) là vì vậy mà thôi.

Vẫn thói quen của những kẻ ăn trên ông NTKỷ kết luận buổi giao lưu trực tuyến bằng “huấn thị” giới ký giả phải được “giáo dục và rèn luyện” hơn nữa! Ô hay, mở đầu buổi giao lưu ông ta lỡ khoe “nền báo chí cách mạng Việt Nam” có đông đảo những nhà báo chuyên nghiệp “có thẻ nhà báo”, sao bây giờ ông lại chỉ thị phải giáo dục và rèn luyện giới viết báo? Huấn thị này rõ ràng có tính răn đe cấp bách.

Kịch bản của hai ông Nguyễn Thế Kỷ và Nguyễn Thiện Nhân phải nói là những kịch bản tạo “ấn tượng vô duyên trơ trẽn” kỷ lục trong giai đoạn đang suy sụp của “nền báo chí cách mạng Việt Nam” cũng như của Đảng Cộng sản Việt Nam vậy.
.
.
.
.

No comments:

Post a Comment