Wednesday, June 1, 2011

KHI MÂU THUẪN LÊN ĐẾN CẤP ĐỘ NHÀ NƯỚC THÌ TÌNH "HỮU NGHỊ" MẶC NHIÊN BỊ VỨT VÀO SỌT RÁC (Hà Văn Thịnh)


Hà Văn Thịnh
Thứ Tư, 01/06/2011

Chính phủ Trung Quốc ngày càng lộng hành ngang ngược ở Biển Đông (thuộc chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải không thể chối cãi của Việt Nam, được luật pháp quốc tế thừa nhận) là điều không mới (nếu có mới chăng chỉ là cái “mới” sợ thêm, mới vì lo mất ghế, mới hèn hơn của một số lãnh đạo có trách nhiệm), vì gần 90 triệu con dân nước Việt chẳng ai lạ lùng gì cái bụng đầy dao găm của bành trướng phương Bắc. Thế nhưng, “16 chữ vàng” vẫn có đất để dung thân, để múa may quay cuồng nơi đầu môi chót lưỡi là ở chỗ cứ cho rằng sự thù địch chỉ “giới hạn” trong những hiểu lầm, chuyện của các cá nhân (nhân dân nào chẳng cá nhân trong xã hội này?); ví dụ cái lệnh cấm quái gở về cấm đánh bắt cá là “cả hai cùng có lợi” nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản “của chung” – tuy hàng tỷ con cá, cái tôm di cư lên phương Bắc để tránh nóng rồi chui luôn vào nồi của Đại Hán là điều không ai lạ lùng. Bây giờ, sự kiện tàu Hải Giám (sự thực là tàu hải quân TQ được dân sự hoá về lý thuyết) tiến sâu vào hải phận Việt Nam, ngang nhiên cắt cable – phá hoại tài sản, thiết bị của Chính phủ Việt nam thì rõ ràng không thể biện minh bằng bất cứ lý lẽ nào!

Thời gian gần đây không ai không biết đến cái gọi là “cơ hội” mà phía TQ muốn “làm một lần cho xong” trong chuyện chiếm nốt Trường Sa để đặt dư luận quốc tế vào chuyện đã rồi. Thậm chí, một số tờ báo TQ đã nói rõ là sau khi Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng TQ thăm Mỹ trở về là cơ hội tốt nhất để đánh chiếm Trường Sa(!?) “Người lạ” lập luận rằng TQ đã nhượng bộ quá nhiều cho Mỹ nên đây là lúc cần phải “thu hoạch” cả vốn lẫn lời, bỏ qua cơ hội này là chuyện rất “đáng tiếc”?

Vì thế, phải coi việc tàu TQ xâm phạm lãnh hải Việt Nam đến gần 100 hải lý không thể là cái “ngẫu nhiên” của một bộ phận quá khích nào đó. Động thái trên đây phải được mặc định ngay lập tức cái sự hiểu rằng: Đây là đòn thăm dò của phía TQ đối với thái độ của Chính phủ Việt nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân dân thế giới. Nếu dư luận phản ứng theo kiểu “người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam” thì nguy cơ mất một phần lãnh thổ đất nước thực sự là điều trông thấy nhãn tiền. Gì không biết chứ thăm dò theo kiểu trên, lịch sử có rất nhiều bài học rồi. Hãy nhớ năm 1964, ngày 5.8, Mỹ ném bom Quảng Ninh (cách biên giới Trung Việt 100 km đường chim bay), Vinh (quê hương của Hồ Chủ tịch), Quảng Bình (quê hương của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là một dạng thông điệp hoàn hảo của cấu trúc ba, là để xem thử TQ phản ững có dữ dội không, là để biết thái độ của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như thế nào, là test được chính xác tương đối phản ứng của thế giới. Mao đã phản ứng rất nhanh bằng câu nói nổi tiếng, được dịch sát nghĩa là, mi không động đến ta thì ta không động đến mi, Hàm ý thật rõ ràng: Mỹ cứ việc dạy cho Việt nam một bài học để Việt Nam (và cả Mỹ) càng suy yếu, Trung Quốc càng có lợi. Mãi đến ngày 7.2.1965, Mỹ mới chính thức leo thang ném bom miền Bắc. Thời gian của “phép thử” (test) là 6 tháng, 2 ngày!

Lch sử không lặp lại nhưng lịch sử luôn bắt chước kinh nghiệm của chính nó! Các nhà lãnh đạo cần phải học bài học không thể không thuộc này và cần học thêm một số điều khác mà, với tư cách là một công dân, tôi kiến nghị:

1. Hãy cho cụm từ “hữu nghị” vào sọt rác ngay lập tức. Không thể hữu nghị với kẻ cướp khi nó cấm ta làm ăn (đánh bắt cá trên ao làng của ta), phá hoại tài sản của ta, chà đạp thô bạo lên chủ quyền đất nước ta.

2. Phải huy động sức mạnh toàn dân, sức mạnh quốc tế để nhanh chóng chuẩn bị một tinh thần quyết chiến thật triệt để, rõ ràng nhằm đối phó với nguy cơ bị xâm lược trong thời gian trước mắt.

3. Phải có một liên minh an ninh chặt chẽ, hiệu quả để đủ khả năng đối phó với sự đe doạ vô cùng nguy hiểm tử phía TQ. Cần nhấn mạnh rằng Việt Nam đã từng có một Liên minh quân sự với Liên Xô (tháng 11.1978) để rồi thấy người ta xoa tay, để được nghe “rất lấy làm tiếc” để phải giơ lưng ra mà chịu trận những đòn đánh tàn nhẫn suốt nhiều năm trời.

4. Hãy vất bỏ các tư tưởng, quan niệm, ý nghĩ coi tinh thần yêu nước, cách nhìn thẳng thắn của trí thức, của đa số người dân là thù địch. Chẳng lẽ lại quên rằng bao nhiêu lần mất nước đều xuất phát từ cái lý do đầu tiên: Sợ dân hơn sợ giặc?

5. Phải huy động sức mạnh của toàn dân vì tình thế của Việt nam hiện nay đã gần giống như thời điểm mà Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh phát Lệnh Tổng động viên hồi nào. Nếu cứ nhân nhượng, nếu cứ chìa hết má này đến má khác cho người ta sỉ nhục, bức bách thì kẻ tàn bảo, tàn nhẫn không lấn tới, không làm càn mới là chuyện lạ.

Kể từ năm 1979, chưa bao giờ vận nước nguy nan và nhiều hiểm hoạ như lúc này. Kinh tế thì đang như cái bong bóng dại khờ, lòng dân thì ly tán, lãnh đạo thì có cả một bầy sâu, hiểm hoạ thì được hiểu như là vở tuồng ngu ngơ, thiển cận, đồng minh thì bạn ít, bè nhiều, kẻ thù thì hung hiểm và càn rỡ đến mức khó lường... Hãy nhìn thẳng vào những sự thật đó. Người dân sẵn sàng bỏ qua tất cả khi vận nước gặp nguy biến khôn lường!

Huế, 30.5.2011. Tel: 0914.079.210.
Hà Văn Thịnh
Đại học Khoa học Huế
.
.
.

No comments:

Post a Comment