Friday, June 24, 2011

"BƯỚC SANG KIA ĐƯỜNG, TÔI LÀ NGƯỜI KHÁC" (Khánh An, RFA)



Khánh An, phóng viên RFA
2011-06-23

Có quá nhiều chuyện để kể về các cuộc biểu tình được xem là “lịch sử” vừa qua, đặc biệt là cuộc biểu tình đầu tiên vào hôm 5/6.
Chỉ qua một buổi sáng, giới trẻ Việt Nam đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng và cảm động. Không chỉ thế, chính các bạn trẻ cũng ngỡ ngàng và bất ngờ với những phát hiện mới về mình, về những hành động, cảm xúc lạ lẫm xuất phát từ trái tim mình đối với dải đất hình chữ S.
Khánh An sẽ bắt đầu loạt bài “Thử chụp lại hình ảnh thanh niên Việt Nam qua các cuộc biểu tình” bằng câu chuyện của một bạn trẻ xin được giấu tên đã tham gia biểu tình lần đầu tiên tại Hà Nội vào hôm 5/6.

Chống TQ nhưng sợ chính quyền

Trước khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên diễn ra, cô bạn trẻ xin được giấu tên đã nhận được quá nhiều tin nhắn cảnh báo và đe dọa trên trang Facebook, không ít trong số đó, cô đoán là từ các anh công an mạng. Những công văn được đưa xuống tận trường, tận chỗ làm việc để nhắc nhở các nhân vật được xem là “nhạy cảm”, trong đó có bản thân cô.
Cô nhớ lại:
"Đêm trước khi diễn ra cuộc tuần hành, em cực kỳ căng thẳng. Em biết là sự kiện đó sẽ là một sự kiện lịch sử, rất muốn được chứng kiến nhưng lại rất sợ, sợ lắm! Và phải nói thật, cho đến tận giờ phút này vẫn chưa hết sợ đâu, bởi vì em tin là vẫn còn lại hậu quả. Có thể biết đâu được, 1 – 2 tháng nữa, người ta đối chiếu danh sách, những sinh viên nào tham gia, họ xử lý chẳng hạn. Ai biết đâu được!"

Tất nhiên cũng có những người bạn, người thân vì ý tốt mà khuyên cô nên cân nhắc thiệt hơn trước khi quyết định, nhưng gì thì gì, cô nhất quyết phải có mặt và chứng kiến sự kiện mà bản thân cô nghĩ sẽ đi vào lịch sử này.
Quyết tâm là thế, nhưng phải đến lúc đặt bước chân đầu tiên để sang bên kia đường, nơi có Tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc – đích đến của đoàn biểu tình, thì cô mới thực sự đo được mình là “đá” hay “vàng”.
Cô kể:
"Nói thật, lúc bước sang đường, em cảm thấy một cái gì đó gần như là chấp nhận, tức là biết có thể bị xúc lên xe. Lúc đấy mình biến thành một con người khác, phải đến lúc đấy em mới dám bước sang đường, chứ nếu em vẫn là một người như những ngày bình thường, em sẽ không dám sang.
Ở thời điểm đấy em nghĩ là chấp nhận mất tất, có thể bị bắt, có thể mất nghề mất nghiệp, đủ thứ cả, chấp nhận, thì em mới sang đường được chứ không thì không dám sang.
Chỉ có con đường hẹp bước vài bước chân thôi mà thấy nó khác hẳn. Bên kia đường nào là cảnh sát, dùi cui, khiên, nó ghê lắm! Nó gây một không khí nặng nề, mà đó lại là một vườn hoa."

Đúng như cảm nhận của cô, bên kia đường là một thế giới khác, cũng có một phần như cô hình dung trước đó, nhất là ở những giây phút đầu tiên khi đoàn biểu tình bước xuống đường:
"Lúc đầu căng lắm, có sự xô đẩy mạnh, tất nhiên là họ không đến mức đánh, nhưng mà họ dùng sức họ xô, họ lấy khiên họ đẩy, không ai đứng lại được. Họ không chỉ sử dụng cơ động mà còn thêm một lực lượng nữa, không biết gọi là gì, không phải dân phòng, tức là những người mặc thường phục, tay đeo băng đỏ, rất trẻ, rất hung hãn, em cảm thấy là văn hóa thấp."


Phải đến khi chứng kiến những cảnh xô đẩy ấy thì cô mới thấy nỗi lo của mẹ buổi sáng là đúng. Mẹ biết là con gái của mẹ yêu nước, cương trực, thẳng thắn và mẹ cũng tin con mình đủ thông minh để xử lý các tình huống, nhưng mẹ vẫn là mẹ và cô vẫn là báu vật quý nhất trên đời của bà:
"Em nhớ lúc em ra khỏi nhà, buổi sáng dậy sớm để đi, mẹ em nói gần như là van nài: “Con đừng đi! Con đừng đi!”. Thật, có người con nào chịu được khi nghe những câu như thế. Sau đấy em nói là: “Con không đi không được, bởi vì bạn bè con chờ con ngoài kia”. Thật sự là lúc đấy không muốn đi tí nào vì sợ. Sợ quá! Nhưng nghĩ đến bạn bè ngoài đấy thì không đi cũng thấy hèn hèn, không đi phải nói là rất hèn ấy chứ, vừa hèn vừa ích kỷ. Thế là nói với mẹ: “Con phải đi mẹ ạ. Con đi, con sẽ gọi về cho mẹ để mẹ đừng lo”.
Thế là mẹ em ở nhà túc trực điện thoại chờ con gọi về. Buồn!"

Hai hình ảnh trái ngược

Tuy nhiên, sau khi bị đẩy ra khỏi khu vực Đại sứ quán Trung Quốc thì chính những bạn trẻ tham gia biểu tình đã tạo ra một hình ảnh khác. Hình ảnh đó quá đẹp, quá tươi mà cô chẳng bao giờ tưởng tượng sẽ được nhìn thấy ở một buổi xuống đường mà ai cũng ngại chuyện dữ nhiều hơn chuyện lành như thế này.
Cô kể:
"Trong tình huống như thế thì các bạn vẫn nhắc nhở nhau là phải hết sức bình tĩnh, không được nổi nóng, không được chửi bậy, không được văng tục, nói chung là ngoan lắm, cái mà bình thường người ta không hình dung được. Em cũng như nhiều người hay nghĩ là thanh niên Việt Nam hư hỏng, ăn chơi, chửi bậy nhiều, nhất là miền Bắc, chả biết gì, kiến thức chính trị thì không có, nhưng đúng là hôm qua em thấy rất tuyệt vời.
Các bạn cực kỳ có ý thức, rất giữ hình ảnh. Em nghĩ là kể cả công an có muốn đánh thì cũng khó mà nghĩ ra cớ. Em chưa bao giờ thấy sự tương thân tương ái như thế ở người Việt, có lẽ là từ SEAGAMES mới thấy thân thiết nhau như thế, chứ còn bình thường ở ngoài đường mà đụng xe vào nhau là chửi nhau luôn. Bây giờ thì không."

Điều làm cho cô ngỡ ngàng không chỉ vì phát hiện được những viên ngọc đẹp lấp lánh ẩn bên trong tâm hồn của những bạn thanh niên tham gia biểu tình hôm ấy, mà cô còn cảm động vì cái vẻ sần sùi bên ngoài vốn rất cần được mài dũa của những hạt ngọc ấy. Chẳng hạn ở họ vẫn cố hữu cái vẻ trí thức nhưng lại yếu ớt về thể lực:
"Các bạn hết sức lịch sự, không dẫm lên cỏ nhưng công an thì cứ đứng lên cỏ, đạp lên cỏ và đẩy tay, dùng khiên xô, chả có một chút tình người nào cả! Nhìn rất ức chế, thực sự các bạn kiềm chế được là một nỗ lực lớn. Em rất thương, nhìn những cảnh đấy mình nhiều lúc muốn rơi nước mắt. Sinh viên thì nghèo, gầy, ai cũng mồ hôi mồ kê, nhiều người mắt kính dầy cộp, trông hom hem. Nhưng có một điều phải khẳng định là em tin rằng không chủ trương đánh, bởi vì nếu mà mạnh tay thì tan hết. Sinh viên ta thì thể lực hơi yếu, rất ít bạn to khỏe. Em nghĩ là với những bạn đấy mà nếu đánh thì… chết chứ không phải không, gầy yếu quá! (cười)"

Cũng vẫn là điểm yếu về ngoại ngữ:
"Có một phóng viên người nước ngoài đi cùng đoàn, các bạn cũng rất nhiệt tình trả lời mà các bạn nói tiếng Anh thì rất tệ (cười). Em cũng muốn nói một điểm là có lẽ thanh niên Việt Nam phải cập nhật thêm tiếng Anh của mình. Các bạn ấy vừa thở vừa nói (vì đi cũng mệt, tay cầm cờ nặng), thở hổn hển và nói rất ê a đúng kiểu tiếng Anh Việt Nam: “They cut our cable. They hate us. We do hate them!”, tức là nó rất… bồi!"

Nhưng trên tất cả, cô phải thừa nhận là họ đẹp. Không dưới một lần, họ đã cho khiến khóe mắt cô cay cay:
"Vẻ đẹp của các bạn là vẻ đẹp vừa ngây thơ trong sáng, vừa đoàn kết, yêu nước. Nhiều bạn không có cờ quạt gì đâu, chỉ in khẩu hiệu ra giấy A4 rất bình thường, trông khá là nghèo, trên đó in chữ “Phản đối Trung Quốc gây hấn”. Có một bạn thanh niên còn vác một chiếc xe đạp ra để chặn ngang, để cho họ không đẩy được nữa, che cho các bạn.
Hình ảnh đó rất cảm động, tức là dùng thân mình và lấy xe đạp chặn để cho các bạn xung quanh không bị đẩy nữa."

Cô bảo, càng chứng kiến những hình ảnh đẹp, cảm động như thế, cô càng thấy đau lòng và nỗi đau ấy át cả niềm vui phát hiện ngọc quý:
"Cái khổ lớn nhất của cuộc biểu tình, em thấy là lẽ ra như ở nước khác thì họ phải sợ Trung Quốc chứ ai lại đi sợ chính quyền. Đi biểu tình đâm ra lại sợ nhất người nhà mình, chứ không phải sợ bên kia. Đấy là cái đau khổ nhất!"

Vừa rồi là tâm sự của một bạn trẻ tham gia biểu tình tại Hà Nội vào ngày 5/6. Sau sự kiện lịch sử trên, thanh niên Việt Nam tiếp tục xuống đường các tuần tiếp theo mặc cho số lượng người tham gia có phần giảm đi. Phải chăng thanh niên Việt Nam đã “vươn vai thành Thánh Gióng” qua các sự kiện trên? Các nhà giáo dục, các chuyên gia nhận xét thế nào về những gì thế hệ trẻ thể hiện trong các cuộc biểu tình vừa qua? Khánh An mời quý vị theo dõi phần tiếp theo của loạt bài trong chương trình kỳ tới.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments:

Post a Comment