Friday, May 27, 2011

Ý THỨC DÂN CHỦ (Nguyễn Hưng Quốc)


Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Năm, 26 tháng 5 2011

Trong bài “Từ phát triển đến dân chủ”, tôi có nêu lên ý kiến của một số học giả: tuy giữa phát triển và dân chủ có quan hệ khắng khít với nhau nhưng không phải cứ hễ xã hội phát triển cao là tự động có dân chủ. Ngoài sự phát triển kỹ thuật và kinh tế, để có dân chủ, cần hai yếu tố khác nữa: sự hình thành một tầng lớp trung lưu có học đông đảo và sự thay đổi trong thế giới quan cũng như nhân sinh quan của dân chúng.

Trung tâm của thế giới quan và nhân sinh quan đó là tinh thần duy lý, thế tục cũng như khát vọng được tự thể hiện và tự khẳng định bản sắc và quyền lợi của mình. Cũng có thể nói một cách tóm tắt: Phải có ý thức dân chủ.
Một xã hội không thể có dân chủ nếu người dân chưa có ý thức đủ sâu và đủ mạnh về dân chủ.

Nhưng thế nào là ý thức dân chủ?

Ý thức dân chủ thực chất là ý thức về quyền (rights). Quyền của mình. Quyền của mọi người. Quyền làm một công dân.

Trước hết là quyền lựa chọn. Dân chủ trước hết là quyền lựa chọn của mọi người thành niên, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, phái tính và chính kiến. Sự lựa chọn ấy bao gồm nhiều nội dung và cấp độ, nhưng quan trọng nhất là lựa chọn thể chế chính trị và giới lãnh đạo. Không thể có và không thể gọi là dân chủ nếu hai yếu tố quan trọng này, thể chế và lãnh đạo, được quyết định bởi một người hoặc một nhóm người nào đó, nhân danh một ý thức hệ hoặc một huyền thoại nào đó. Hai biện pháp phổ biến để dân chúng thực hiện quyền chọn lựa thể chế và lãnh đạo là các cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử. Trong khi các cuộc trưng cầu dân ý chỉ được tiến hành một cách họa hoằn, khi có nhu cầu; các cuộc bầu cử phải được tổ chức định kỳ, công khai, minh bạch và bình đẳng.

Dân chúng không chỉ có quyền lựa chọn mà còn có quyền quyết định, ít nhất với các chính sách lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống cũng như đến số mệnh của dân tộc. Quyền quyết định ấy chủ yếu được thực hiện thông qua quyền lựa chọn giới lãnh đạo và những người dại diện dân cử. Đó là lý do tại sao ở Tây phương, mỗi cuộc tranh cử đều là những cuộc thi đua về chính sách: Mỗi đảng phái cũng như mỗi cá nhân phải trình bày các chính sách chính của mình. Sự lựa chọn của dân chúng thường tập trung chủ yếu vào các chính sách hơn là vào tính cách của các ứng cử viên.

Nhưng quyết định thông qua lựa chọn bao giờ cũng có những rủi ro nhất định: ví dụ, người được lựa chọn không thực hiện lời hứa, tức các chính sách đã công bố trong lúc tranh cử. Có hai biện pháp chính để giảm thiểu nguy cơ này: Một, dân chúng phải được quyền kiểm tra và kiểm soát Quốc Hội cũng như chính phủ trong suốt nhiệm kỳ. Hai, dân chúng sẽ chọn lựa lại người xứng đáng và khả tín hơn trong cuộc bầu cử tới.

Quyền kiểm tra và kiểm soát của dân chúng được thực hiện thông qua quy chế về quyền thông tin: dân chúng, thông qua giới truyền thông độc lập, phải được biết thông tin liên quan đến các chính sách quan trọng. Dĩ nhiên, để dễ làm việc và nhân danh an ninh quốc gia, chính phủ nước nào và thời nào cũng tìm cách hạn chế yêu cầu về tính minh bạch (transparency) này. Không, hoặc ít nhất, chưa có chính phủ nào tuân thủ nguyên tắc minh bạch một cách tuyệt đối cả. Ở đây, chỉ là vấn đề phạm vi và mức độ. Người ta có thể lần khân giấu giếm các quyết định liên quan đến tình báo hay quốc phòng, nhưng lại không có lý do gì chính đáng để giấu giếm các quyết định liên quan đến kinh tế và xã hội. Bởi vậy, cần thấy sự khác biệt giữa việc, chẳng hạn, chính phủ Mỹ quyết định không công bố các bức ảnh chụp cảnh Osama bin Laden bị bắn chết với lý do chúng có thể kích động các hành động trả thù mang tính khủng bố của al-Qaeda nhắm vào nước Mỹ với việc một chính phủ nào đó, ví dụ Việt Nam, từ chối không công khai hóa các số liệu liên quan đến vấn đề tham nhũng. Hai sự việc ấy có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Tất cả các quyền lựa chọn, quyết định và kiểm soát nêu trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có một quyền căn bản khác: quyền được hành xử các quyền của mình. Ở nhiều nước độc tài, giới cầm quyền vẫn tìm cách dối gạt dư luận quốc tế bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử hình thức, qua đó, rêu rao về quyền lựa chọn, quyết định và kiểm soát của dân chúng. Còn dân chúng thì vẫn như một bầy cừu, hết bị lùa vào phòng phiếu này lại bị lùa vào phòng phiếu khác, ở đó, kết quả bầu cử đã được “quán triệt” trước. Mỗi lá phiếu, như vậy, chỉ là một tờ giấy vụn. Không có một ý nghĩa gì cả.

Quyền hành xử các quyền công dân cần hai yếu tố chính:

Một, yếu tố bên trong: Đó là việc nhận thức đầy đủ về các quyền công dân mà mình có được. Bầu cử là cái quyền. Ứng cử cũng là cái quyền. Yêu cầu chính phủ phải cung cấp thông tin về các chính sách lớn cũng là một cái quyền. Việc phê phán hay phản biện lại các chính sách của nhà nước cũng là một cái quyền khác. Việc ký tên vào các bản kiến nghị gửi lên chính phủ để yêu sách một điều gì đó mà mình cho là chính đáng cũng là một cái quyền. Xin lưu ý: Đó là những cái QUYỀN đã được công nhận trong Hiến pháp. Là quyền, chứ không phải là ân huệ. Là quyền, mọi công dân đều có thể hành xử, chứ không cần ai ban phát cho cả. Bởi vậy, không ai cần phải xin xỏ.

Hai, yếu tố bên ngoài: Đó là điều kiện để bảo đảm tất cả những thứ quyền ấy được thực thi. Yếu tố bên ngoài ấy chính là cơ chế. Có hai loại cơ chế: cơ chế chính phủ và cơ chế dân sự. Thuộc cơ chế chính phủ, ba điều kiện quan trọng nhất là: thứ nhất, sự độc lập của Quốc Hội và tư pháp; thứ hai, tính chất phi-chính trị của quân đội và công an; và thứ ba, nguyên tắc pháp trị. Thuộc cơ chế dân sự, có hai điều kiện quan trọng nhất là: truyền thông và hội đoàn phải được tự do.

Nói tóm lại, một đất nước chỉ thực sự bắt đầu có hy vọng dân chủ nếu dân chúng, đông đảo dân chúng, nhận thức được và quyết tâm bảo vệ những cái quyền bất khả cưỡng đoạt ấy. Một nước chỉ thực sự có dân chủ khi nhận thức và quyết tâm bảo vệ quyền của dân chúng được bảo đảm bằng các cơ chế vững chắc và có hiệu quả.

Việt Nam chưa có một cơ chế dân chủ. Đã đành. Nhưng còn một ý thức dân chủ thì sao? Nó đã có chưa? Nếu có, nó có đến mức nào rồi? Xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


------------------------------

DÂN CHỦ  -   Nguyễn Hưng Quốc

Ý thức dân chủ    -    26 tháng 5 2011
Từ phát triển đến dân chủ   -    24 tháng 5 2011
Chỉ số dân chủ   -   16 tháng 5 2011
Chút son trên miệng cá sấu   -    13 tháng 5 2011
Văn hóa và dân chủ  -  06 tháng 5 2011
Dân chủ luôn luôn chiến thắng     -    26-4-2011
Tại sao cần dân chủ?    -    25-4-2011
Văn hóa dân chủ     -       19-4-2011
Dân chủ và tự do ngôn luận    -    04-4-2011
Dân chủ là gì?    -   29-3-2011
.
.
.

No comments:

Post a Comment