Monday, May 30, 2011

Ý ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC TRONG VỤ TÀU BÌNH MINH 02 (BBC)


BBC
Cập nhật: 09:16 GMT - thứ hai, 30 tháng 5, 2011

Báo chí Việt Nam một vài ngày nay tràn ngập các thông tin về vụ tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam, được cho là hành động vi phạm chủ quyền thuộc loại nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc từng thực hiện tại vùng biển của Việt Nam.

Sáng ngày 26/05, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã quấy nhiễu và phá hoại thiết bị của tàu khảo sát Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PetroVietnam.
Vị trí xảy ra vụ gây hấn được nói là nằm sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh tỉnh Phú Yên chưa đầy 120 hải lý.

BBC đã có cuộc phỏng vấn ngắn với một nhà nghiên cứu chủ đề an ninh hàng hải khu vực, Thạc sỹ Iskander Rehman, về vụ việc mới xảy ra.

Iskander Rehman: Sự kiện mới rồi dường như khá nhất quán với cách ứng xử gần đây của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông và Đông Hải, theo đó Bắc Kinh thường sử dụng cả hai biện pháp là cưỡng ép về ngoại giao và ra chỉ dấu mạnh mẽ về quân sự để khẳng định chủ quyền.
Cách ứng xử này đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật và Philippines.
Cần chú ý rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển không chỉ mạnh bạo hơn mà còn trở nên đa dạng hơn trước.
Đụng độ trên biển mức độ nhỏ chỉ là một trong các biện pháp mà Bắc Kinh đang sử dụng nhằm củng cố chủ quyền trên các đảo đá và bãi cạn tại Biển Đông, vốn được cho là giàu khoáng sản.
Một biện pháp khác là phát tín hiệu quân sự như tổ chức tập trận và tăng cường tuần tra ngoài khơi gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là biện pháp chúng ta thấy được sử dụng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Các hình thức khiêu khích này thường được thực hiện cùng điều mà các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc gọi là 'chiến tranh pháp lý', tức người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc mang một số điều đã được công nhận trong luật biển quốc tế ra công khai tranh cãi về khía cạnh pháp lý.

BBC: Có nhận định rằng Trung Quốc đang quan ngại về sự tiến lại gần Mỹ của Việt Nam. Liệu những gì xảy ra cuối tuần trước có phải là phản ứng của Trung Quốc trước sự nồng ấm dần trong quan hệ Việt-Mỹ hay không?
Iskander Rehman: Cần xem xét vụ đụng độ mới rồi trong bối cảnh địa chính trị đang dần thay đổi ở Đông Nam Á. Việt Nam, với truyền thống dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và thái độ bất phục tùng xưa nay đối với Trung Quốc, luôn luôn bị nhà cầm quyền Bắc Kinh xem là một quốc gia cứng đầu ở Đông Nam Á.
Tuy hai nước này đã dàn xếp xong tranh chấp biên giới trên đất liền, căng thẳng vẫn còn đó xung quanh vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự căng thẳng này đã dẫn tới một số cuộc đụng độ trên biển trong quá khứ, năm 1974 và 1988, và nói chung chúng ta không thể loại trừ khả năng các cuộc đụng độ tương tự sẽ còn nổ ra trong tương lai không xa.
Giới chức Trung Quốc đã tỏ ra quan ngại về quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh chóng giữa Washington và Hà Nội, và đã phản ứng rất quyết liệt trước thông tin hai nước này bàn việc tập trận chung tại Biển Đông.
Bắc Kinh vì thế có thể sẽgiữ một lập trường cứng rắn hơn đối với Việt Nam như một hình thức trừng phạt Hà Nội về quan hệ với Hoa Kỳ, đồng thời cũng để cảnh báo về cái giá mà Việt Nam sẽ phải trả trong tương lai nếu tiếp tục giữ chính sách xích lại gần với Mỹ.

BBC: Vậy vụ gây hấn mới rồi cho thấy các xu hướng và tính toán chiến lược gì của Trung Quốc, thưa ông?
Iskander Rehman: Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về cả kinh tế và quân sự đang ngày càng lan rộng và Bắc Kinh cũng ngày càng muốn thể hiện quyền lực của mình.
Đối với nhiều nhân vật trong giới hoạch định chính sách của Trung Quốc, vốn đang ngày càng trở nên hung hăng, việc nắm kiểm soát khu vực trong vòng hải đảo tiền đồn từ quần đảo Kuriles, Nhật Bản chạy xuống Đài Loan, Philippines và Borneo; cùng với nguồn lợi dầu khí bên trong khu vực này và các tuyến hàng hải xuyên qua đó, là điều kiện tiên quyêt để Giải phóng quân Trung Quốc chuyển biến từ "quốc phòng trên biển" sang "quốc phòng ngoài đại dương", tức tăng tầm ảnh hưởng từ khu vực lên thành toàn cầu.
Đang có thông tin quân đội Trung Quốc đang muốn thiết lập một loạt các trạm theo dõi hải quân gần đảo Hải Nam để bảo vệ cho căn cứ tàu ngầm nguyên tử mà nước này đang xây dựng ở Tam Á. Cũng vì lẽ này mà Trung Quốc đang hướng tới nắm kiểm soát hoàn toàn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


-----------------------------------------

BBC
Cập nhật: 11:20 GMT - thứ hai, 30 tháng 5, 2011

Các nước trong vùng lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Hà Nội và Bắc Kinh to tiếng quanh cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam hôm 26/05.

Biển Đông

Xã luận ngày hôm nay của nhật báo tiếng Anh Thái Lan,  Bangkok Post, gọi Biển Đông là vấn đề cũ nhưng đang xuất hiện những đe dọa mới.
"Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh, ngọn gió thay đổi một lần nữa lại quất vào chính trị Biển Đông... Sẽ cần cả may mắn và sự hợp tác xuyên biên giới để tránh xảy ra xung đột thực sự."
Tờ báo nhắc nhở rằng đã từng xảy ra chiến tranh vì giành giật lãnh hải và nhiều vụ va chạm ngắn ngủi mà đáng sợ:
"Tháng Giêng 1974, Nam Việt Nam và Trung Quốc, khi đó là kẻ thù, đã có trận đánh ngắn thực sự vì Hoàng Sa. Trung Quốc thắng trận đó, nhưng chính phủ ngày hôm nay ở Hà Nội khẳng định quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam."
"Xa hơn về hướng nam, bốn quốc gia thỉnh thoảng lại đánh nhau và thường va chạm tàu bè vì Trường Sa. Trong vụ xung đột nghiêm trọng nhất, năm 1988, hải quân Trung Quốc giết 70 lính Việt Nam và đánh chìm tàu của Hà Nội tại Trường Sa. Sáu năm sau, tàu chiến Trung Quốc can thiệp và buộc ngừng việc khoan dầu cũng tại vùng này. Trường Sa, thực ra chỉ là bãi cát ngập nước mà không có cư dân bản địa, hiện có các căn cứ kiểu quân sự với lính của cả bốn nước. Suốt hơn mười năm qua, khu vực Trường Sa nói chung yên bình nhưng xung đột luôn là một khả năng."
Bangkok Post đề cập biến cố mới nhất liên quan con tàu của PetroVietnam, đồng thời nhắc lại việc mấy tuần gần đây, Philippines cấp giấy phép khảo sát dầu hỏa cho Forum Energy của Anh, trong khi Việt Nam cũng hợp tác với Talisman Energy để khoan dầu. Trong khi đó, trữ lượng dầu và khí đốt của Trung Quốc giảm đi, và Bắc Kinh cũng cấp nhiều hợp đồng khoan dầu tại khu vực tranh chấp, trong đó có một dành cho một công ty Mỹ.
Cùng ngày, tờ báo tiếng Anh khác của Thái, The Nation, cũng có bài cho rằng sau 15 năm ngoại giao kiên nhẫn thì có vẻ như cả Asean và Trung Quốc "đang chứng tỏ dấu hiệu mệt mỏi vì chẳng có tiến bộ nào cho một giải pháp rốt ráo hay kế hoạch khai thác chung".

The Nation phân tích cho đến tận bây giờ, Asean và Trung Quốc vẫn chưa thể đồng ý quanh việc thực thi Tuyên bố Hành xử Các bên về Biển Đông, ký năm 2002. Theo tờ báo, có lẽ các bên cũng sẽ chẳng thể đồng ý để kịp cho dịp kỷ niệm 10 năm vào 2012 tại Phnom Penh, khi Campuchia chủ trì hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 20.
Tác giả bài báo, Kavi Chongkittavorn, cho rằng không khí tương đối yên ổn quanh Biển Đông thực ra chấm dứt từ tháng Bảy năm ngoái, khi tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công khai nêu vấn đề, khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bất mãn rõ rệt.
"Một hậu quả tức thời từ sự thay đổi này có thể là thái độ và chính sách bớt lịch sự hơn của Trung Quốc đối với Asean...Bắc Kinh xem thái độ của Asean quanh các khuyến nghị là có vấn đề và gây hại cho tuyên bố chủ quyền của nước này."
Ông Kavi Chongkittavorn cảnh báo nếu tranh chấp không được giải quyết hợp lý, nó sẽ có tác động lan tỏa lên sự đua tranh Mỹ - Trung trong khu vực.
"Philippines là đồng minh có hiệp ước với Mỹ, cũng như Nhật và Hàn Quốc, vốn đang có tranh chấp về đảo với Trung Quốc. Ví dụ, một cuộc tấn công vũ trang nhỏ tại quần đảo Kalayaan có thể dễ dàng trở nên xấu đi giữa sự đua tranh gia tăng Mỹ - Trung.
Chính phủ Philippines tin rằng một vụ tấn công vào tàu Philippines trong khu vực họ quản lý cũng là tấn công trực tiếp vào Mỹ, như đã ghi trong hiệp ước quốc phòng với Mỹ."

Cảnh cáo?

Một bài của Bloomberg News hôm 28/05 đề cập đến vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 hôm 26/05.
Bloomberg dẫn lời James A. Lyons Jr, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng hành động gần đây của cả Việt Nam và Philippines xuất phát từ việc Mỹ bày tỏ quan điểm về Biển Đông hồi năm ngoái.
Ông Lyons, dẫn dắt Hạm đội từ 1985 đến 1987 và hiện làm tư vấn tại bang Virginia, nói thêm giá dầu hỏa tăng cao cũng khiến Việt Nam và Philippines đẩy mạnh việc tìm dầu cho phát triển kinh tế.
"Với tình hình kinh tế ở Philippines và Việt Nam, việc khảo sát dầu và khí đốt có lý về mặt kinh tế. Họ phụ thuộc vào Mỹ để có cây dù an ninh."
Theo kế hoạch, Talisman, công ty dầu hỏa lớn thứ ba của Canada, sẽ sớm bắt đầu khoan tìm ở khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc chừng 1000 cây số.
Điều đáng nói, Talisman là đối tác của PetroVietnam, và điều này đặt câu hỏi phải chăng hành động của Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 là sự cảnh cáo?
Các lô 133 và 134 của Talisman nằm cách Việt Nam khoảng 300 kilomet, được Trung Quốc gọi là lô WAB-21 – nơi vào năm 1992 họ đã đem cấp cho Crestone Energy Corp., nay nằm trong tay Harvest Natural Resources Inc. (HNR) đóng tại Houston.
Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng trong một phỏng vấn tháng Tám năm ngoái, giám đốc điều hành của Harvest James Edmiston thừa nhận Trung Quốc "bày tỏ họ rất lo ngại và rằng họ sẽ can thiệp theo cách nào đó."

'Bắt nạt'

Trong khi đó, theo báo The Philippine Star, một thượng nghị sĩ nước này cảnh báo nếu xảy ra xung đột, Philippines chắc chắn bại trận trước Trung Quốc.
Bà Miriam Defensor-Santiago, cũng là luật sư, nói hôm 29/05: "Giữa thế giới chính trị quốc tế phức tạp, thật dễ dàng nói chúng ta sẽ chiến đấu. Nhưng có thể Trung Quốc sẽ thắng vì họ lớn hơn chúng ta. Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt chúng ta và các nước Đông Nam Á."
Thượng nghị sĩ, từng là chủ tịch ủy ban Thượng viện về đối ngoại của Philippines, nói nước bà không thể dựa vào Mỹ vì Washington cũng cần bảo vệ quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Dẫu vậy, bà tin rằng Mỹ và Tây Âu sẽ không để Trung Quốc tự do khai thác dầu và khí đốt ở Trường Sa.
"Mỹ và các nước Tây Âu sẽ không cho phép vì như thế sẽ có sự bất cân đối trong phân bổ quyền lực trên thế giới một khi Trung Quốc có thể chiếm tài nguyên dầu hỏa và khoáng sản bên dưới Biển Nam Trung Hoa."
Bà thượng nghị sĩ than thở rằng quân đội Philippines thậm chí không thể biết liệu Trung Quốc có xâm nhập không phận hay chưa vì thiếu trang bị.
"Chúng ta kém quá xa về khả năng quân sự. Chúng ta không thể tự vệ. Hiện thời, khả năng tự vệ chỉ kéo được năm phút hay chưa tới năm phút. Sau đó...tất cả chúng ta đều toi," bà thượng nghị sĩ bi quan.

Chạy đua vũ trang?

Hôm cuối tuần, một chuyên gia quốc phòng tại Singapore nói Trung Quốc đang không chỉ đánh giá sức mạnh quân sự trong tương quan với Đài Loan mà còn cả với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông Trung Hoa (East China Sea) và Nam Trung Hoa (South China Sea).
Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược đặt ở Singapore, viết trên trang web quốc phòng DefenseNews.com trong bối cảnh viện của ông sắp sửa tổ chức hội nghị quốc phòng thường niên Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng Sáu.
Hội nghị này có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, gồm cả Mỹ, Nhật, Việt Nam, và Trung Quốc.
Ông Tim Huxley nói một số nước Đông Nam Á đang hiện đại hóa quân đội vì muốn "ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc - và của các nước liên quan - tại Biển Nam Trung Hoa."
"Rõ ràng sự phát triển quân sự hiện nay tại châu Á chẳng giống với cuộc đua hải quân Anh - Đức trước 1914 hay cuộc đua vũ tên lửa Mỹ - Liên Xô thập niên 1960."
"Tuy vậy, cũng rõ ràng là có nguy hiểm thực sự về các cuộc đua tranh quân sự cấp vùng đa chiều và tốn kém gây bất ổn cho an ninh châu Á, và hiện không có các định chế an ninh khu vực hiệu quả để phòng ngừa đe dọa này."

.
.
.

No comments:

Post a Comment