Monday, May 2, 2011

TRUNG QUỐC CÓ NGUY CƠ XUNG ĐỘT VỚI CÁC LÁNG GIỀNG ĐỂ KIỂM SOÁT NGUỒN NĂNG LƯỢNG (RFI)

Đc Tâm  -   RFI
Thứ hai 02 Tháng Năm 2011
Trong năm 2011, Trung Quốc sẽ tăng cường nhân sự và phương tiện để “áp dụng luật pháp và bảo vệ quyền lợi trong các vùng biển của Trung Quốc”. Theo giới phân tích, Bắc Kinh không chỉ muốn độc chiếm nguồn hải sản, mà còn muốn làm chủ các nguồn dầu lửa và khí đốt trong các vùng từ biển Hoa Đông cho đến Biển Đông. Hành động của Trung Quốc có thể làm xung đột bùng lên.
Hôm nay, 02/05/2011, báo chí Trung Quốc đưa tin, Cơ quan Tuần dương nước này sẽ phát triển các phương tiện giám sát vùng biển : Trong năm nay, Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng thêm 1000 người và đưa tổng số nhân viên làm việc trong lĩnh vực này lên đến ít nhất là 10 000. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ trang bị thêm 36 tàu tuần tra, bổ xung vào hạm đội tàu ngư chính hiện có là 360 chiếc.
Theo đại diện Cơ quan Tuần dương, ngay trong năm 2011, Trung Quốc sẽ « tiến hành các hoạt động tuần tra đều đặn và thường xuyên hơn nhằm tăng cường áp dụng luật pháp trong các vùng biển của Trung Quốc, bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ». Đồng thời, Bắc Kinh cảnh báo là một bộ phận tàu tuần dương sẽ được lắp đặt các thiết bị mới, nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật.
Qua những yêu sách về lãnh thổ và vùng biển, Trung Quốc không chỉ muốn độc chiếm nguồn hải sản. Một trong những ý đồ chính của Bắc Kinh là muốn làm chủ các nguồn dầu lửa và khí đốt tại đây. Giới phân tích cho rằng, tham vọng này của Trung Quốc có nguy cơ gây ra xung đột với các nước láng giềng.
Theo báo trên mạng của Úc, Canberra Times, hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục tăng cuờng các hoạt động tìm kiếm và khai thác nhiên liệu trong các vùng biển để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng này sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, và một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi vì Biển Đông là nơi có các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và tự do lưu thông của các tàu bè và máy bay quân sự các nước.
Ngày 19/04/2011, Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) của Trung Quốc đã đăng một báo cáo đặc biệt coi Biển Đông là « Vùng Vịnh thứ hai » có trữ lượng lên tới hơn 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20 nghìn tỷ mét khối khí đốt, tức là lớn gấp 25 lần các nguồn dầu khí đã được thẩm định của Trung Quốc. Một quan chức cao cấp của bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc nhấn mạnh, việc tăng cường tìm kiếm và khai thác dầu khí ở ngoài khơi đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết khó khăn về nhiên liệu của nước này.
Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc tự bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu, thì đến năm 2010, Bắc Kinh phải nhập khẩu 55% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và như vậy, theo Hoàng cầu Thời báo, mức độ an ninh năng lượng đã vượt qua ngưỡng báo động thuờng được quốc tế công nhận là 50%.
Ngân hàng đầu tư Úc Macquarie dự báo là tỷ lệ tự cung tự cấp về khí đốt của Trung Quốc đã giảm từ 90% xuống còn 65% trong năm 2010. Do vậy, các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đang chuẩn bị các kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở ngoài khơi, càng ngày càng xa lãnh thổ.
Chiến lược mở rộng địa bàn tìm kiếm nhiên liệu được phối hợp chặt chẽ với hoạt động ngoại giao. Ngày 14/04/2011, Bắc Kinh đã cho lưu hành một bức thư, gửi tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc, tái khẳng định 80% diện tích Biển Đông và tất cả các đảo lớn nhỏ, bãi đá nằm trong hình chữ U – mà Việt Nam thường gọi là đường lưỡi bò – thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong bức thư này, Bắc Kinh nói rằng từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm chiếm một số hòn đảo và bãi đá trong vùng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tức Trường Sa – Spratly.
Phạm vi khẳng định chủ quyền mà Bắc Kinh nêu trong bức thư này còn lớn hơn cả vùng biển và đảo mà Trung Quốc đã đề cập trong bức thư trước đây gửi Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và Malaysia. Cụ thể là bức thư ngày 14/04 vừa qua, Trung Quốc quyết đoán là có chủ quyền đối với toàn bộ vùng quần đảo Trường Sa bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho dù phần lớn những hòn đảo ở đây không có người ở và chỉ thấp thoáng nhìn thấy khi thủy triều lên.
Điều ngang ngược hơn cả là Trung Quốc dựa trên những luật lệ quốc gia về biển và hàng hải để khẳng định các đòi hỏi của mình, bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 và đây chính là nguy cơ dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.
.
.
.
TQ tăng cường hoạt động trên biển
BBC
Cập nhật: 10:16 GMT – thứ hai, 2 tháng 5, 2011
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/05/110502_china_island_tensions.shtml
Trung Quốc sẽ mở rộng cơ quan giám sát đại dương của mình nhằm bảo vệ các lợi ích trên biển của mình, một quan chức cao cấp nước này nói.

Cơ Quan Giám Sát Hải Dương Trung Quốc, Sun Shuxian, nói rằng họ sẽ bổ sung thêm 1.000 nhân sự mới cùng các thiết bị mới.
Các đội tuần tra trên biển sẽ hoạt động thường xuyên hơn để “tăng cường việc thực thi pháp luật trên vùng biển liên quan tới Trung Quốc,” tờ Trung Hoa Nhật Báo trích lời ông này nói.
Trong những tháng gần đây, tình trạng căng thẳng dâng cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng quanh việc tuyên bố đòi quyền lợi ở các vùng biển chồng lấn.
Nhiều hòn đảo có tranh chấp nằm ở nơi dồi dào nguồn cá và gần với các khu vực có trữ lượng dầu khí.
Cuộc tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bùng lên hồi năm ngoái quanh các hòn đảo có tranh chấp ở biển Đông Trung Hoa, nơi mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài.
Ở vùng Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Sun, phó giám đốc cơ quan giám sát của Trung Quốc nói rằng bên cạnh việc tăng thêm nhân sự, sẽ có 36 tàu thanh tra được bổ sung trong vòng năm năm tới.
Ông được báo chí trích lời, nói: “Thiết bị mới sẽ được lắp đặt trên một số tàu của đội tuần tra, nhằm nâng cao khả năng cưỡng chế pháp lý.”
.
.
.

No comments:

Post a Comment