Tuesday, May 31, 2011

TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG ĐE DỌA QUAN HỆ ASEAN - TRUNG QUỐC (The Nation)



Kavi Chongkittavorn
The Nation   -   May 30, 2011

Trần Thịnh (gt)
Thứ hai, 30 Tháng 5 2011 15:37

Bài viết "South China Sea disputes a threat to Asean-China relations" trên báo “The Nation” của Thái Lan cho rằng sau 15 năm theo đuổi chính sách ngoại giao thận trọng không làm mất lòng nhau và kiên nhẫn đối với những tuyên bố về chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều bộc lộ sự mệt mỏi khi đã không có tiến triển nào hướng tới một giải pháp hoặc kế hoạch phát triển chung (khai thác biển).

Những cáo buộc về việc đi vào vùng biển của nhau và sự đối đầu trong vùng biển giàu tài nguyên đó đã gia tăng trong hai năm qua. Vụ được coi là nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 2/3, khi tàu thăm dò dầu của Philíppin mang tên MV Veritas Voyager bị các tàu tuần tra thuộc Hải quân Trung Quốc gây phiền nhiễu. Vụ việc này được coi là chủ đề hàng đầu trong chương trình làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khi ông đến thăm Philíppin tuần trước. Vụ việc này ngay lập tức làm người ta nhớ lại vụ việc xảy ra vào tháng 3/1995, khi Philíppin đối đầu với Trung Quốc sau khi phát hiện thấy những công trình mới được dựng lên tại đảo Vành Khăn (Mischief Reefs), dẫn tới việc ASEAN ra một tuyên bố chung được xem là đầu tiên và duy nhất bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước hành động của Bắc Kinh.

Trong nhiều năm qua, người ta hy vọng rằng Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông không chỉ giúp các nước tuyên bố chủ quyền kiềm chế, không tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể sẽ làm mất ổn định trong toàn khu vực mà còn góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ. Cam kết về thúc đẩy thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và cùng khai thác có lợi cho các bên vẫn còn là mục tiêu xa vời trong 9 năm qua.

Các nước tuyên bố có chủ quyền - Việt Nam, Brunây, Malaixia, Philíppin và Trung Quốc - vẫn đấu tranh với nhau khi các quan chức của họ gặp nhau tại Medan (Inđônêxia). Trong bối cảnh tình hình căng thẳng và sự nghi kỵ đang gia tăng hiện nay, nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin, người ta hoài nghi về khả năng các nước có thể hoàn tất đúng thời gian các đường hướng về vấn đề liên quan vào năm 2012. Cuộc tranh chấp ở Biển Đông đã được “dán tem quốc tế” (hồi tháng 7/2010) khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton công khai nêu vấn đề tự do và an toàn hàng hải tại Biển Đông, và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với văn kiện của ASEAN. Hơn nữa, Mỹ cũng đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao để tìm ra một nghị quyết chung. Từ thời điểm đó, Trung Quốc và các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền hiểu rằng những bất đồng đó đã được đẩy lên thành đề tài quốc tế.

Theo bài báo trên, hiện Việt Nam nắm giữ 23 đảo, Trung Quốc và Malaixia mỗi bên chiếm giữ 7 đảo. Philíppin đòi chủ quyền đối với quần đảo Kalayaan gồm 54 hòn đảo, bãi san hô và đá ngầm. Các quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục được thử thách mạnh, và nếu không có bộ (quy tắc) mang tính ràng buộc thì sẽ khó dự đoán về khả năng sẽ có hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông.

Toàn bộ chương trình đang trở nên phức tạp hơn bởi bức tranh chiến lược mới, với sự vươn lên của Trung Quốc và lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng như sự can dự tích cực của Mỹ tại châu Á. Nếu không được giải quyết một cách thỏa đáng, những tranh chấp hiện nay sẽ tác động đến sự ganh đua Mỹ-Trung trong khu vực. Chính phủ Philíppin tin rằng bất kỳ một vụ tấn công nào đối với tàu của Philíppin trong khu vực thuộc sự quản lý của họ sẽ giống như một sự tấn công trực tiếp vào Mỹ, như được nêu trong Hiệp ước Quốc phòng đã ký với Mỹ.
Trần Thịnh (gt)

.
.
.

No comments:

Post a Comment