Monday, May 2, 2011

THÁNG TƯ-THÁNG NĂM – NHỮNG ƯỚC NGUYỆN TUỔI TRẺ (Trần Đan Hà)

28.04.2011

Hôm qua chị bạn ở phía Nam gọi điện rủ, “Về đây chơi mấy bữa đi. Lúc này ở đây đang chuẩn bị kỷ niệm ngày 30/04, nhiều mục lắm…” Không khí kỷ niệm ấy –mà thực ra tôi đang nghĩ tới một từ khác, hoài niệm – đã có thể cảm thấy được từ vài tuần trước, trên các tờ báo mạng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ngày trước lúc còn ở trong nước, mỗi năm gần tới ngày 30/04, trên các mặt báo cũng có những kỷ niệm được khơi lại, một số tài liệu được đưa ra, danh sách những hoạt động văn nghệ, triển lãm… được tổ chức đó đây,…nhưng tôi thảy đều không mấy quan tâm. Hoài nghi và ngán ngẩm thông tin một chiều, cộng với bận rộn cơm áo gạo tiền đã khiến tôi từ lâu không muốn quan tâm tới chính trị-bao gồm những đổi thay nhân sự và cả chính sách trong bộ máy cầm quyền.

Lúc tôi rời xa quê, những dòng nhiệt lưu cuồn cuộn của “mở cửa và cải cách kinh tế” như khiến toàn xã hội-từ những chốn thị thành se sua xây cất đến những làng quê quạnh vắng vì thanh niên kéo nhau đi làm ăn xa- hăm hở nhập vào cơn sốt đổi thịt thay da, mặc cho cuộc đại phẫu thay thế tim óc chưa hề có cơ xảy đến. Ngày 30/04 ở trong nước, đối với nhiều người đơn giản chỉ là một dịp nghỉ lễ, để vui chơi giải trí hoặc nghỉ ngơi thư giãn sau nhiều tháng tất bật mưu sinh (hay làm giàu). Sang đây thì khác. Mỗi dịp 30/04 lại là lúc để những ký ức quay về. Tôi lúc ấy chỉ là cô học trò lớp bảy một trường nữ trung học lớn ở Sài gòn. Những ngày ấy chúng tôi đến trường trong hoang mang thảng thốt. Những Hoàng Anh, Vân An, rồi Phạm Thị Hiền… theo nhau bỏ lớp; những chỗ ngồi bỏ trống ngày một nhiều thêm. Khi Kim Chi với vầng khăn trắng bước vào, thầy bạn bùi ngùi với nỗi thống khổ không sao xẻ chia. Cô giáo dạy môn Kim văn cho một đề bài cuối cùng trước buổi chia tay vì một mùa hè đến sớm: Hãy viết về mùa hè năm nay. Tôi cắm cúi trút những cảm xúc của mình trên bốn trang giấy tập. Nhiều quá những cảm xúc suy tư đến nay tôi không sao nhớ hết, chỉ nhớ đoạn kết: “…Và tôi bước đi trên lối nhỏ quanh co trong sân trường. Những cánh phượng đỏ năm nay dường như thẫm màu hơn bao giờ hết. Thốt nhiên trong tôi văng vẳng những câu thơ: ‘…Bầy phượng vĩ khác thường/Đang nhỏ máu trên sân trường’ (Nhã Ca). Vâng, mùa hè năm nay tôi nhìn thấy cây phượng vĩ trong sân trường mình dường như đang nhỏ máu. Những máu đỏ của chiến tranh và chia rẽ của đất nước này sẽ còn nhỏ tới bao giờ???” Bài văn được cô giáo cho đọc lên để cả lớp nghe. Hôm đó cô cũng vào lớp với vầng khăn sô…

Các con tôi được sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước mở cửa giao thương với thế giới. Những câu chuyện và trao đổi trong các bữa ăn gia đình, cách cha mẹ chúng giải thích ý nghĩa những hình ảnh biếm họa trên báo-thường là về các nhân vật tai tiếng trong giới cầm quyền, và cả những lời phê bình sách giáo khoa của chúng, ít nhiều cũng giúp chúng có khái niệm về tự do tư tưởng. Và, không phải tự nhiên mà càng lớn chúng càng không thích học môn Văn. Những chuyện kể đó đây trong đám bạn lứa tuổi thiếu niên của chúng khiến tôi cảm thấy các con tôi không phải là cá biệt. Khi cánh cửa kinh tế được mở ra, nhiều dòng tư tưởng “khác với tư tưởng lề phải” cũng ùa vào cùng với dòng vốn ngoại tệ. Bản thân người dân trong nước, nay không còn phải mải miết lắm với chuyện sinh nhai, cũng trở nên có nhiều thời gian và tâm trí hơn để suy nghĩ, bàn luận những ý tứ nằm phía sau các dòng tin lề phải và nói chuyện với con cái của mình. Kết quả gần như có thể thấy ngay được, khi lứa tuổi học trò tìm cách nói lên suy nghĩ của mình. Trong các trường tiểu học và trung học ở Việt Nam vốn vẫn duy trì loại nghi thức nhồi sọ- gọi là nhồi sọ vì loại nghi thức ấy khiến người thực hiện cứ tưởng đó là sự thật nếu cứ mãi làm theo: khi nghe ở trên (thường là người Hiệu Trưởng) hô “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của bác Hồ vĩ đại, thiếu niên sẵn sàng!”, cả sân trường sẽ rền lên theo phản xạ bầy đàn “S…ẵ…n S…à…n…g!” Trong một buổi chào cờ như thế, nhóm bạn của con tôi, lúc đó đang học lớp 7, cứ đứng yên bất động, không hô theo. Bị Sao đỏ (là những học sinh trực nhật, có nhiệm vụ ghi tên những học sinh nào không làm theo nội quy nhà trường) tới ghi tên, chúng liền phản ứng, “Tại sao bắt lỗi tụi tao?” Khi được trả lời “Vì tụi bay không hô ‘sẵn sàng’”, chúng vặn lại, “Tao không biết tổ quốc XHCN là cái gì, lại càng không biết lý tưởng của bác Hồ nó vĩ đại ra làm sao, làm sao tao hô sẵn sàng được! Vậy chứ mày hô sẵn sàng mà mày có biết nó là cái gì không?” Thằng nhóc Sao đỏ dĩ nhiên không trả lời được, đành tiu nghỉu bỏ đi trong tiếng cười khoái trá của mấy ông nhóc “mầm mống nổi loạn” (là chồng tôi gọi âu yếm như thế!) Một lần khác, trong giờ học vẽ, cũng của lớp bảy. Với chủ đề Vẽ tự do, một đứa bạn của con tôi đã vẽ quang cảnh một trận đánh với đầy đủ súng ống, xe tăng (đúng gu lứa tuổi và thời đại!). Trên nóc một trong những chiếc xe tăng ấy là…lá cờ vàng ba sọc đỏ. Khi được thầy giáo hỏi, “em có biết đây là cờ gì không?”, thằng bé dõng dạc trả lời, “Dạ, cờ của quân đội Việt nam Cộng hòa hồi trước.” Thầy giáo, “Biết vậy sao còn vẽ? Sao không vẽ cờ đỏ sao vàng bây giờ?” Trò, “Dạ, tại con thích vẽ cờ này!” Thầy giáo im lặng quay đi, không nói gì thêm. Tôi không biết người thầy ấy nghĩ gì, có “báo cáo” lại với Hiệu trưởng để mời cha mẹ thằng bé đến trường làm việc hay không. Thế nhưng tôi biết, đối với những mầm mống nổi loạn ấy, sự im lặng của thầy là khúc ca khải hoàn của trò, mà tinh thần giáo dục Á đông đã giúp chúng tự kềm chế được để khỏi…tung nón lên trời mà reo vang chiến thắng “Yeah”! Thâm tâm tôi thấy mừng, vì được thấy dấu hiệu của việc đòi tự do tư tưởng trong thế hệ con cháu mình, đã đành. Tôi còn mừng vì một lẽ khác: bất kể vì lý do sâu thẳm bên trong ra sao, sự việc người thầy đó đã không hề cố công giảng giải – để thuyết phục, nói thẳng ra là để nhồi sọ, những điều mà bản thân thầy có khi cũng không thể tin, ít nhiều cũng là một dấu hiệu manh nha khác của tinh thần tự do…

Những chuyện kể của con, cùng làn sóng du học dấy lên trong nước trong thập niên gần đây, khiến tôi – mãi tới ngày đặt chân lên xứ cờ hoa sau chuyến vượt biên bằng máy bay (để, như người ta vẫn nói, tị nạn giáo dục) cũng cứ mãi phân vân. Có thể hy vọng được không, khi đang có một thế hệ Việt Nam được sinh ra và lớn lên trong những luồng thông tin đa dạng, nhiều chiều (báo chí trong nước cũng đã đang vừa dũng cảm, vừa khéo léo nói lên được những gì cần nói, thay vì cứ chăm chỉ “giữ trọn lề phải” như nhiều năm qua, dù cũng đã có những cái giá phải trả), được người lớn-bao gồm cha mẹ, người thân và thầy cô giáo-quan tâm chăm sóc phần hồn; nay một phần-dù không lớn-trong thế hệ ấy đang được trực tiếp hít thở bầu không khí tự do? Năm đầu tiên ở Mỹ, cậu con út của tôi, học lớp sáu, một bữa mang về đề bài “Lập bảng câu hỏi phỏng vấn (questionnaire) về màu sắc”, và nhờ mẹ giúp thêm hai câu cuối cùng để hoàn tất. Đọc xong những câu cháu đã tự soạn trước, tôi vừa buột miệng thốt lên, “Thì con hỏi, bạn có thích màu đỏ không?”, thằng bé đã nhảy nhổm, “Không được! Mẹ hỏi như vậy là có ý bias[1] quá!” Tôi thật sự bất ngờ: liệu có bao nhiêu sinh viên trong các giảng đường đại học ở Việt Nam (được dạy để) nhận ra được thế nào là câu hỏi có ý định hướng để mà phản đối như một học sinh lớp sáu của Mỹ đã được dạy như thế này? Khi đem điều này chia xẻ với chồng, vốn đã từng được mời đứng lớp tại một trong những trường đại học tư đầu tiên trong nước chính thức đưa vào chương trình giảng dạy môn “Tư duy phản biện” (Critical Thinking), anh cũng bất ngờ. Rồi lắc đầu, “Đại học Việt Nam lấy đâu ra cái critical để mà thinking, khi cứ buộc phải bám lấy ‘sợi chỉ đỏ xuyên suốt’?!”

Vừa qua, gia đình tôi được người bạn gửi cho vé tham dự chương trình biểu diễn văn nghệ của Hội Sinh viên Việt Nam tại trường Đại học bang California-UC Davis. Chương trình biểu diễn mang tên gọi, “Một Thời Để Nhớ”“Remember the Past-Embrace the Future” (dịch sát nghĩa là, “Nhớ Về Quá Khứ-Nắm Giữ Tương Lai”), được dàn dựng kiểu chương trình văn nghệ tạp kỹ, mang màu sắc Thúy Nga-Paris By Night- với đủ thứ thể loại, từ ca nhạc bao gồm đơn ca và hợp ca (lời Anh, hoặc lời Việt) đi kèm múa minh họa, đến múa áo dài-nón lá, múa lân, kể cả…nhảy hip hop, rồi trình diễn thời trang áo dài, diễn kịch. Trên dưới 30 con em sinh viên người Việt, tiếng Anh đúng giọng, tiếng Việt… thì tùy-nghĩa là có em tiếng Việt còn tốt, có người ngọng nghịu không tròn chữ- chung sức dựng nên một chương trình, nói theo kiểu người mình là, “rất có ý.” Ý ở đây có thể hiểu là “ý nghĩa” (meaningful), và cả “ý tứ” (subtle), khiến tôi đôi lần thấy cay nơi sống mũi Suốt buổi biểu diễn trong tôi cứ rung lên những cảm giác biết ơn chân thành. Tôi muốn được gửi lời tri ân tới các bậc phụ huynh đã dày công nuôi dạy con em, những con trẻ dù sinh ra và lớn lên trong bầu không khí tự do này, hay là những di dân nhỏ tuổi giao tiếp vất vả khi “tiếng Anh (thì) chưa biết (mà) tiếng Việt thì đã quên.” Biết bao nỗ lực và gian khó trong từng ấy tháng năm, để hôm nay có được những chàng trai, cô gái Việt đứng trên sân khấu ấy, trong một hoạt động tưởng như chỉ là trò vui chơi giải trí của tuổi trẻ mà lại chở được bao điều. Tôi cũng muốn cảm ơn cả… Thúy Nga-Paris Bynight (và những hãng băng dĩa nhạc khác), vì những hoạt động có vẻ chỉ là thương mại của họ ít nhiều đã gieo được những hạt giống truyền thống dân tộc trong các thế hệ đi sau-khi âm nhạc và nghệ thuật tạp kỹ được dùng làm phương tiện để văn hóa nảy mầm và nở hoa. Chương trình của các em trong Hội Sinh viên Việt Nam ở trường UC Davis được xây dựng trên nền một kịch bản xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đó là câu chuyện về số phận của một phụ nữ tên Phương ở Việt Nam trước năm 1975 – từ thưở thanh niên với cuộc tình sinh viên trong trắng ngây thơ, đến lúc lấy chồng, rồi chồng bị bắt lính bặt vô âm tín khi cô đang hoài thai đứa con đầu lòng. Đất nước xáo trộn, màu cờ đổi thay, cô quyết định vượt biển ra đi để bảo vệ tương lai đứa bé. Đứa bé ra đời trong trại tị nạn, cũng là lúc cô nhận được thư báo tin người chồng đã bỏ mạng trong một cuộc đụng độ với quân Cam-bốt (?). Phương được nhận tị nạn sang Mỹ, đứa bé lớn lên thành một thanh niên (Michael) đẹp trai, ngoan ngoãn, tốt bụng. Cậu để ý, giúp đỡ, bênh vực và đem lòng yêu thương một cô bạn cùng lớp (Thảo) mới từ Việt Nam di dân sang mà lại gặp nhiều kỳ thị, đố kỵ từ các bạn bè người Việt khác trong trường. Lời thoại của các “diễn viên” theo kiểu Mỹ-Việt xen kẽ, có lẽ do kịch bản cố ý viết như thế để có thể vừa thỏa mãn yêu cầu (tự đặt ra?) là phải nói bằng tiếng Việt, vừa tránh được nguy cơ…kiếm không ra “diễn viên” nếu như dùng tiếng Việt hoàn toàn (?!). Những lời thoại hợp chủng ấy, ngay cả những khi gây cười, cũng thể hiện được sự quan sát tinh tế của lứa tuổi đôi mươi, lứa tuổi mà tự thân nó đã chất chứa bao hoang mang trăn trở. Huống chi những đôi mươi này còn phải chịu nhiều lắm những lần mặt ủ mày chau khi muốn trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, hay khi phải tìm giải pháp dung hòa giữa cái “tôi muốn” với cái…”cha mẹ tôi muốn”. Lắng nghe lời thoại – trong các cảnh đối đáp giữa cậu thanh niên Michael với Phương-người mẹ một thân một mình kiếm sống bằng nghề làm móng để nuôi dạy con nơi xứ lạ quê người; giữa Thảo-cô học trò vừa rời khỏi quê nhà, chân ướt chân ráo bước vào môi trường mới quá nhiều lạ lẫm- với cha mẹ cô, những bậc phụ huynh ngày đêm vất vả, không chỉ để lo giúp con hội nhập và ăn học thành tài mà còn đau đáu mong con vẫn giữ được những giềng mối truyền thống Á đông… ta sẽ thấy, con em chúng ta đã biết tự đặt họ vào chỗ của các bậc cha anh, để hiểu và, do đó, có quyền mong được hiểu, như thế nào. Những nhận xét không chỉ tinh tế khi được gói trong đời sống gia đình với quan hệ cha mẹ-con cái; mà cả ở mức độ quan hệ xã hội, khi các em xây dựng một nhân vật rất phụ-người phụ nữ chủ tiệm neo chỗ mẹ của Micheal làm việc. Với tôi, những lời thoại đó gần như một lời cảnh tỉnh, rằng người lớn, hãy nhìn lại cách mình cư xử, với thế hệ con em và với nhau. Nào ai có chút suy nghĩ mà không thấy ngậm ngùi khi nghe nhân vật Thảo thảng thốt kêu lên bằng thứ tiếng Việt không tròn chữ, “Trời ơi, tại sao cùng là người Việt Nam mà lại không thương nhau chứ?!” Và đây nữa, hãy quan sát trang bìa của tờ chương trình. Khi được mở ra, bìa trước và bìa sau hợp lại thành một bức tranh: bìa sau-phía trái bức tranh-là hình ảnh làng quê với mái tranh, cây cau, cánh diều,… và một con đò mong manh đang rẽ sóng xa bờ. Bìa trước-phía phải bức tranh là phố xá thị thành với building, cao ốc, và một phi cơ đang quay hướng về bờ đại dương bên kia, nơi có làng quê và cánh diều nọ. Thông điệp quá rõ ràng đó khiến tôi cứ muốn dấn thêm bước nữa trong những nhận xét và nghĩ suy của mình: những đôi mươi vốn đang hăm hở “đứng trên vai người khổng lồ”[2]-tiếp thu kho tàng tri thức của nhân loại- ấy, cũng đang rất hăm hở “embrace the future-nắm giữ tương lai”-một tương lai rộng mở không chỉ cho bản thân các em, mà còn cho cả dải đất cong chữ S kia, bất luận màu cờ đang bay trên đó không giống với màu cờ các em đang dựng trên sân khấu và ngoài cổng vào…

Suy nghĩ về màu cờ dẫn tôi về một dịp kỷ niệm hàng năm, trong tháng năm, của người Mễ sống ở đây-một trong những bang của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ giáp ranh với đất Mễ. Năm thứ nhì đinh cư ở Mỹ, trong tuần lễ Cinco de Mayo[3], các con tôi đi học về với trạng thái bức rức không yên. Khi được gặng hỏi, các cháu mới kể: trong trường các cháu, khi các học sinh gốc Mễ vui vẻ đến trường với những trang phục, cặp xách… có hình cờ Mễ, thì các học sinh người Phi-lip-pin… cũng có những chiếc áo với dòng chữ “Proud to be the Philippino[4].” “Con cũng muốn vẽ lên cặp con một lá cờ Việt Nam với dòng chữ “Proud to be the Vietnamese,” cháu lớn giấm giẳng, “mà không biết phải vẽ lá cờ nào bây giờ!” Nhận thấy ánh mắt đau khổ của tôi, cháu dịu giọng, “cờ ba sọc thì con chưa bao giờ biết tới; mà cờ đỏ sao vàng thì ở đây người ta chống!” Thằng em hào hứng, “Anh hai, mình chế ra một lá cờ xài chung cho hai bên đi anh!” Nỗi phân vân “cờ sọc hay cờ sao” sau này còn trở lại vài lần nữa với các con tôi, mỗi khi phải làm những dự án trong lớp có liên quan tới lịch sử hay văn hóa; còn lúc đó, niềm phấn khích muốn tỏ bày cho thế giới biết bạn là ai (đây là một khẩu hiệu quảng cáo điện thoại di động ở Việt Nam) đã được chồng tôi xoa dịu. Anh hỏi chúng, “Vậy chứ con đi học có thấy mấy đứa người Nhật có mặc áo “Proud to be the Japanese” không? Còn tụi Ấn độ thì sao? Không thấy, đúng không? Vậy mà, cả thế giới phải xài đồ Nhật, người Nhật đi du lịch khắp nơi mà không cần biết tiếng Anh, vì đồng yen của họ quá mạnh. Còn cộng đồng người Ấn ở Mỹ này là một cộng đồng người châu Á rất mạnh đó con, họ mạnh không chỉ vì giàu hay vì đông như người Hoa. Họ mạnh vì đa số di dân người Ấn nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty máy tính, cả bác sĩ nữa. Họ rất giỏi cho nên dĩ nhiên họ phải rất tự hào, nhưng họ đâu có cần show ra đâu con?!” Thằng út hào hứng, “Đúng rồi, trong lớp con có một thằng Ấn độ rất là khủng. Những bài toán khó trong lớp chỉ có hai đứa làm được, một là nó, hai là… con!”
Sau này đường đời muôn nẻo, những đôi mươi tràn nhiệt huyết hôm nay sẽ tỏa ra muôn phương. Có thể sẽ có những mảnh đời bị cuốn đi xa mãi trong cơn lốc danh vọng áo cơm; nhiều người khác, dù muốn dù không cũng có khi phải mãi hoài loay hoay trong những bận bịu kiếp người. Nhưng tôi vẫn hằng mong, trong một tương lai gần, những đốm lửa hôm nay ấy sẽ thắp lên được những ngọn đuốc ngày mai cho hai chữ Việt Nam ngời sáng trong một màu cờ duy nhất. Người đi trước thôi không hằn học nặng lòng, kẻ đi sau không còn bối rối phân vân, bạn bè năm châu không ngại ngần vấp phải những ý tứ ngoại giao tế nhị…

Bắc Cali, một ngày cuối tháng 4/2011.
Trần Đan Hà


[1] thiên lệch, định hướng
[2] Từ khẩu hiệu của một công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet-Google: “Stand on the shoulders of giants”
[3] Kỷ niệm ngày chiến thắng quân Pháp xâm lược-ngày 5 tháng 5 năm 1862-của người Mễ Tây cơ. Người Mỹ gốc Mễ hàng năm đều tổ chức những sự kiện trọng thể để kỷ niệm ngày này, như một cách để thể hiện tính truyền thống và lòng tự hào dân tộc của họ.
[4] Tự hào là người Phi-lip-pin
.
.
.

No comments:

Post a Comment