Monday, May 2, 2011

"SEAL TEAM 6" : ĐỘI HẢI KÍCH HẠ SÁT BIN LADEN (Người Việt)


Monday, May 02, 2011 12:05:05 PM

WASHINGTON (National Journal) – Từ phi trường quân sự Ghazi Air Base ở Pakistan, những chiếc trực thăng MH-60 biến cải của hải quân Mỹ cất cánh bay về phía thành phố Abbottabab, chỉ cách trung tâm thủ đô Islamabad khoảng 50 km.

Trên các phi cơ này là lính hải kích Mỹ (Navy SEAL), vừa được đưa từ Afghanistan sang, cùng với các chuyên viên truyền tin, tình báo điện tử và các chuyên viên tình báo khác.
Sau hơn 40 phút (dù có nguồn tin nói rằng việc nổ súng bắn hạ Osama bin Laden và những kẻ chống cự chấm dứt chỉ sau mấy phút đầu giao tranh), có 22 người trong căn biệt thự nơi đây bị giết hay bị bắt.
Trong số người chết có Osama bin Laden, bị hai phát vào mặt phía bên trái. Xác của bin Laden được đưa lên một trong số các trực thăng quay về. Một chiếc trực thăng gặp trở ngại kỹ thuật và bị phá hủy tại chỗ, theo giới hữu trách.
Nếu không vì mục tiêu tối quan trọng này, thì đây đã có thể là một cuộc hành quân bình thường của đội hải kích được huấn luyện đặc biệt và đầy huyền thoại, được nghe nói đến dưới tên SEAL Team Six, dù rằng không hiện hữu trên giấy tờ.
Đơn vị này thuộc Liên Đội Phát Triển Chiến Đấu Đặc Biệt Hải Quân (Naval Special Warfare Development Group, DevGru), căn cứ đặt tại Dam Neck, tiểu bang Virginia.
Đây là được coi là đội hải kích thiện chiến nhất trong các đội hải kích của hải quân Mỹ. Thành viên không tự nộp đơn xin vào mà được chọn từ các đơn vị hải kích khác.

Mục tiêu tấn công này rất đặc biệt và cuộc tấn công đòi hỏi phải thực tập kỹ lưỡng, nên giới hữu trách cho thiết lập mô hình căn nhà tương tự trong khu vực rộng một mẫu ở trại Alpha, một khu vực biệt lập trong căn cứ không quân Bagram Air Base. Các cuộc thực tập đã khởi sự vào đầu tháng Tư năm nay.
DevGru ở trong Bộ Chỉ Huy Hỗn Hợp Hành Quân Đặc Biệt (Joint Special Operations Command JSOC), gồm các đơn vị hoạt động bí mật cho các công tác đặc biệt. Hoạt động của họ được báo cáo trực tiếp lên tổng thống và hiện diện ở mọi nơi trên khắp thế giới cho các công tác theo chỉ thị của tổng thống.

Dù công chúng hay nghe nói về các hoạt động của các hải kích đặc biệt này cũng như một đơn vị tương tự phía bộ binh là Delta Force, phần lớn các cuộc hành quân của JSOC không bao giờ được tiết lộ ra ngoài.
Chúng ta chỉ nghe về JSOC khi có sự thất bại (như việc một nữ nhân viên thiện nguyện Anh bị giết lầm trong cuộc hành quân giải cứu) hay một công tác lớn mà nhiều người biết (như vụ giải cứu trên biển một thuyền trưởng tàu buôn), và ngay cả trong những trường hợp đó, quân đội vẫn không muốn tiết lộ về sự hiện hữu của họ.
Khoảng vài chục quân nhân JSOC thiệt mạng ở Pakistan trong mấy năm qua. Tên họ cũng được bộ Quốc Phòng Mỹ công bố như trong các trường hợp hy sinh khác, nhưng thường với vỏ bọc, như họ thiệt mạng trong tai nạn khi huấn luyện ở vùng đông Afghanistan.

Làm sao các trực thăng của lực lượng đặc nhiệm này tránh né được hệ thống phòng không của Pakistan? Phải chăng họ dùng các máy phát sóng điện tử đặc biệt? Phải chăng họ sơn trực thăng với huy hiệu không quân Pakistan và đánh lừa được nhân viên trách nhiệm?

Nếu quả đúng như vậy, và có thể điều này sẽ không bao giờ được công bố, thì hai đơn vị khác thuộc JSOC là Văn Phòng Ứng Dụng Kỹ Thuật (Technical Application Programs Office) và Liên Đội Lượng Định Kỹ Thuật Hàng Không (Aviation Technology Evaluation Group), đã thực hiện tốt đẹp nhiệm vụ này.

Đây là những chiến sĩ thật sự vô danh—không bao giờ được tuyên dương và họ cũng không cần được tuyên dương.
Chi phí điều hành JSOC hiện vào khoảng hơn $1 tỉ mỗi năm. JSOC cũng gặp một số chỉ trích nhưng nói chung hoạt động tự do và không bị giới hạn nào từ sau vụ khủng bố 9/11. (V.Giang)


---------------------






.
.
.

No comments:

Post a Comment