Friday, May 27, 2011

SAO LẠI CAN THIỆP SÂU VÀO QUYỀN CỦA CÔNG DÂN ? (Phan Đăng Thanh)



PHAN ĐĂNG THANH
27/05/2011 - 01:15

Nhà, đất là hai thứ tài sản dính liền nhau, song số phận pháp lý của nó khác nhau. Đất là của Nhà nước, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Còn nhà đại bộ phận là của dân, do dân làm chủ.

Về nguyên tắc, Nhà nước giao đất cho dân sử dụng, khi cần thiết Nhà nước có thể thu hồi. Trong các lý do bị thu hồi đất, có việc nếu đất không được sử dụng hay sử dụng không đúng pháp luật. Không thu hồi thì cũng có thể bị xử phạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ như hiện nay, theo Luật Đất đai của Nhà nước, nếu đất dùng để trồng cây mà người được giao không sử dụng trong hạn 12-18 tháng liền thì có thể bị Nhà nước thu hồi lại. Còn đất dự án mà không sử dụng trong thời hạn một năm liền cũng có thể bị thu hồi…

Còn đối với nhà thì khác.

Nhà ở là của công dân, dù là biệt thự hay nhà cấp ba, cấp bốn, hễ của dân thì đều do dân làm chủ sở hữu. Mà theo quy định của pháp luật, người chủ lúc nào cũng có ba quyền căn bản là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. “Sử dụng” là khai thác công dụng tài sản theo ý mình, được hưởng hoa lợi và lợi tức từ tài sản đó, miễn không làm việc gì trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội thì được. Thí dụ: Chủ sở hữu không được dùng nhà của mình để tàng trữ hàng cấm, tổ chức đánh bạc và các hoạt động bất hợp pháp khác. Đó là nghĩa vụ phải thực hiện. Ngược lại, chủ sở hữu cũng không thể bị buộc phải khai thác tài sản của mình nếu người chủ thấy việc khai thác ấy không đem lại lợi ích thỏa đáng theo ý muốn chủ quan của mình. Chính vậy mới gọi đó là quyền. Nhà cửa cũng tùy chủ sở hữu định đoạt: Tự sử dụng cũng được, hay cho người khác cũng được, hoặc cho thuê làm gì đó cũng được mà để không đó cũng được. Đó mới gọi là quyền.

Từ nhận thức như trên, sẽ dễ thấy việc bắt buộc người chủ có nhà biệt thự phải khai thác, sử dụng, không được bỏ hoang (theo nghĩa “bỏ hoang là cất xong rồi, mua xong rồi mà không đưa vào sử dụng”) là sự cưỡng bức hành chính không có cơ sở pháp luật. Cũng từ thông tin báo chí, được biết các cơ quan chức năng ở trung ương đang họp bàn với nhau để tìm cách xử lý các biệt thự bỏ hoang bằng nhiều hình thức: đánh thuế nặng, xử phạt hành chính… Nhưng thử nghĩ lý do gì mà phải xử lý như vậy? Sao cán bộ nhà nước phải bỏ thì giờ công vụ tìm cách can thiệp sâu vào quyền của công dân như vậy, khi mà ở nhiều nước dân chủ khác, quyền tư hữu được coi là “thiêng liêng”, bất khả xâm phạm?!

Suy cho cùng, khi nói đến bản chất của quyền tài sản thì nhà cửa cũng như vàng bạc, thóc gạo, xe cộ và các thứ tài sản khác. Bắt người có biệt thự không được… không sử dụng (bỏ hoang) cũng chẳng khác chi bắt người có nhiều vàng phải đem ra làm đồ trang sức đeo hết, hay “hiến”, bán cho ai đó, không được cất, không làm thì bị phạt, bị đánh thuế; cũng như buộc người có nhiều thóc gạo chứa trong nhà phải đem dùng hết, không được “tích cốc phòng cơ”, không dùng cũng bị phạt, bị đánh thuế; thấy người có nhiều xe buộc phải đem ra sử dụng hết, không được để đó… Rốt cuộc là ta đã biến cái quyền thành nghĩa vụ, càng nghĩ càng thấy không phù hợp với tinh thần của pháp luật!

PHAN ĐĂNG THANH

.
.
.

No comments:

Post a Comment