Tuesday, May 31, 2011

NHỮNG CÂU HỎI TIẾP TỤC CHÁY TRONG VỤ NGƯỜI HMONG BỊ ĐÀN ÁP Ở MƯỜNG NHÉ (AFP)

AFP  -   Ngày 30 tháng 5 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 31/05/2011

Bản HUỔI KHON, Việt Nam — Mặt đất cháy đen là một trong vài dấu hiệu còn lại từ những đống lửa trại của hàng ngàn người Hmong đã đổ về một cái bản hẻo lánh hồi đầu tháng 5 vừa qua để đón “đáng cứu thế” của họ.
Song, nhiều câu hỏi xoay quanh sự kiện này vẫn đang tiếp tục cháy rừng rực và những người chỉ trích đều cho rằng thái độ nhận thức của chính quyền đối với vấn đề tôn giáo là một phần nguyên nhân của sự kiện căng thẳng sắc tộc tồi tệ nhất tại đất nước này trong khoảng một chục năm nay trở lại đây.
Những đám đông người Hmong, chủ yếu là những người theo đạo Thiên Chúa, đã dựng lều để ở lại trong một tuần lễ liền trên hai quả đồi ở một địa điểm nằm ở vùng tây bắc của đất nước cộng sản này trong một sự kiện bị gán cho là một nghi lễ sùng bái.
Mặc dù động cơ của những người Hmong sùng đạo này là thành thật, song họ bị lôi cuốn bởi những người dẫn dắt họ đã rao giảng một thứ lý thuyết “hổ lốn độc hại” pha trộn giữa thuyết ly khai và thuyết “ngàn năm” [millenialism: niềm tin rằng một đấng cứu thế sẽ tái lâm để trị vì một thời đại hoàng kim ngàn năm] phù hợp với tín ngưỡng truyền thống tin rằng một vị vua của người Hmong sẽ xuất hiện như một đấng cứu thế, một nhà ngoại giao nước ngoài đã nói như vậy.
Theo lời nhà ngoại giao này thì cuộc tập hợp của người Hmong ở tỉnh Điện Biên rút cục đã bị giải tán với sự can thiệp của các lực lượng an ninh, song việc chính quyền tìm cách không cho một ai tới khu vực đó và bưng bít thông tin đã khiến cho người ta chỉ có một vài thông tin lờ mờ về mục đích của những người Hmong này và sự phản ứng của chính quyền.
“Tại sao chính quyền lại đưa cảnh sát chống bạo động và quân đội tới khu vực đó?” nhà ngoại giao làm việc tại Hà Nội không muốn tiết lộ danh tính đã nói như vậy và cho rằng sự phản ứng đó là “đàn áp”.
“Họ đã tỏ ra không minh bạch về mọi mặt khi xử lý vấn đề này,” nhà ngoại giao này nói thêm đồng thời đặt câu hỏi tại sao chính quyền cộng sản đã đợi đến ba tuần lễ sau đó mới cho phép các nhà báo nước ngoài tới khu vực đó.
Hôm Thứ Sáu vừa qua một nhóm phóng viên của AFP đã tới bản Huổi Khon dưới sự kiểm soát của chính quyền, song nhóm phóng viên đã không được phép thực hiện các cuộc phỏng vấn độc lập hoặc tự đi đi lại một mình.
Các quan chức nói rằng người Hmong đã bị “những cá nhân có dụng ý xấu” dụ dỗ và tung tin rằng một “vị vua” sẽ xuất hiện để đưa họ về một miền đất hứa.
Theo tổ chức vì tự do tôn giáo Christian Solidarity Worldwide (CSW) có trụ sở tại Luân Đôn thì “trong văn hóa của người Hmong có một tín ngưỡng mang tính thần thoại cho rằng một “đấng cứu thế” sẽ tái lâm để thành lập một vương quốc của người Hmong.”
Tổ chức này và các nguồn tin khác đã cho rằng lời tiên tri của nhà thuyết giáo Harold Camping của nhóm nghiên cứu tôn giáo Family Radio ở Mỹ khẳng định rằng ngày tận thế sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 5 là lý do chính giải thích cho thời điểm của cuộc tập hợp này.
Hậu quả là đây là vụ căng thẳng sắc tộc tồi tệ nhất tại đất nước này kể từ khi 2000 người Thượng đã bỏ trốn sang Campuchia hồi năm 2001 và năm 2004 sau khi quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ở Tây Nguyên.
Quan hệ sắc tộc có thể vẫn đang là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam ở nơi mà một bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2009 đã viện dẫn “vô số những định kiến có nguồn gốc từ văn hóa” chính là một yếu tố dẫn đến tỉ lệ đói nghèo cao ở các tộc người thiểu số so với người Kinh.
Nhiều người Hmong, một tộc người ở vùng Đông Nam Á, đã giúp quân đội Mỹ chống lại Bắc Việt Nam trong các hoạt động bí mật ở nước láng giềng Lào trong thời gian chiến tranh và họ đã bị trả thù sau cuộc tiếp quản của những người cộng sản.
“Người Hmong không được xem là những công dân trung thành … và rất nhiều người Hmong đã coi họ trước hết là người Hmong rồi sau đó mới là người Việt Nam,” theo lời của CSW.
Từ thành phố Điện Biên tới khu vực tập hợp của người Hmong tại bản Huổi Khon phải ngồi xe sáu tiếng đồng hồ xóc như đánh trứng trong bụng qua những đoạn đường núi ngoằn ngoèo ở một trong những vùng đất được coi là nghèo nhất tại Việt Nam.
Lý A Tình sống tại một bản có bốn nóc nhà nói rằng những người Hmong có mặt tại cuộc tập hợp đã bị cô lập trên hai quả đồi. “Vợ và các con tôi muốn đi kiếm ít rau để ăn nhưng họ không cho ra khỏi nơi đó,” Lý A Tình kể.
Vết tích của dường như của ít nhất là bảy đống lửa vẫn còn được thấy tại một trong hai quả đồi và những cái lỗ được chọc sâu xuống đất cho thấy có thể những người Hmong đã dựng tạm những chỗ để ở.
Trong đống rác bỏ lại có nhiều giấy gói mỳ ăn liền, một lọ dầu gội đầu nhỏ và một mẩu vải thổ cẩm của người Hmong.
Chính quyền nói rằng họ đã thuyết phục người Hmong trở về nhà, hỗ trợ phương tiện đi laị và tiền bạc cho họ.
“Tôi muốn khẳng định một lần nữa là chúng tôi không hề sử dụng bất cứ hình thức bạo lực nào và không hề giải quyết tình hình bằng vũ lực,” phó chủ tịch tỉnh Giàng Thị Hoa đã nói như vậy.
Nhưng một nguồn tin từ quân đội đã nói với phóng viên AFP rằng “những cuộc xung đột nhỏ” đã xảy ra sau khi quân đội cử thêm quân tiếp viện, trong khi đó thì một người dân địa phương đã kể lại rằng hàng trăm người đã bỏ chạy vào rừng vì sợ hãi sau khi các lực lượng an ninh ra lệnh cho đám đông giải tán.
Người dân này nói rằng rất nhiều người Hmong vẫn còn lẩn trốn ở quanh khu vực đó rất lâu sau khi chính quyền tuyên bố tình hình đã trở lại bình thường và mọi người rút cục đều trở về nhà sau khi đấng cứu thế đã không xuất hiện hôm 21 tháng 5.
Hôm Thứ Sáu vừa qua, phóng viên AFP đã nhìn thấy một chiếc xe tải chở đầy lính có vũ trang đang đi ra từ huyện Mường Nhé là nơi mà người Hmong đã tập hợp.
Không rõ những người lính đó vừa hoàn thành nhiệm vụ gì, song cái biển số màu đỏ của quân đội làm lộ tẩy chân tướng đã bị ai đó bôi bẩn lên để cho nhìn không rõ còn những người lính thì được giấu kín sau tấm vải bạt.
Chính quyền tỉnh Điện Biên nói rằng bảy người không rõ lai lịch do “chống đối hung hăng” đã bị bắt giữ để điều tra còn những người ngoài cuộc thì đều đồng ý là chính quyền có lý do để mà lo lắng.
Theo lời của nhà quan sát tình hình Việt Nam Carl Thayer sống tại Australia thì một sự kêu gọi đòi tự trị có lẽ là một “dấu hiệu nguy hiểm” đối với các quan chức an ninh.
Người Hmong dù theo Thiên Chúa Giáo hay không “đều cùng phải chịu đựng sự phân biệt đối xử của chính quyền địa phương”, ông nói thêm.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Ảnh 1: Theo một tổ chức đấu tranh vì tự do tôn giáo có trụ sở ở Luân Đôn thì người Hmong có một tín ngưỡng mang tính thần thoại về một nhân vật “đấng cứu thế” (Tư liệu AFP/Hoàng Đình Nam).
Ảnh 2: Chữ trên bản đồ: tình trạng căng thẳng liên quan đến sắc tộc ở Việt Nam. Cuộc tập hợp mang tính tôn giáo của hàng ngàn người Hmong đã bị các lực lượng an ninh xua đuổi để giải tán.
Chú thích ảnh: Hàng ngàn người Hmong đã tập hợp tại bản Huổi Khon vào đầu tháng 5 (AFP/Ảnh mô phỏng bằng máy tính).
Ảnh 3: Quan hệ với các nhóm dân tộc thiểu số vẫn đang là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam (Tư liệu AFP/Hoàng Đình Nam).
Ảnh 4: một người lính biên phòng đang dẫn các nhà báo tới địa điểm mà người Hmong đã tập hợp vì một sự kiện mang tính tôn giáo (Tư liệu AFP/Hoàng Đình Nam).

.
.
.

No comments:

Post a Comment