(Bài này nguyên có tên là ‘Bài Thuyết Trình Không Đọc’, được đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 180, tháng 4 năm 2004.)
PHẠM XUÂN ÐÀI
Sunday, May 29, 2011
LTS. Một phần của bài dưới đây được tác giả soạn để nói tại buổi sinh hoạt “Ðêm nhớ về Sài Gòn,” một chương trình có chủ đề Sài Gòn do một số anh em văn nghệ ở Boston dự trù tổ chức vào ngày 6 tháng Mười Hai, 2003, nhưng vào giờ chót phải hủy bỏ vì một trận bão tuyết bất ngờ. Cũng vì trận bão, tác giả đã phải quay trở về lại Cali sau khi đã đi được quá nửa đường đến Boston.
-----------------------------
Ý định hát về Sài Gòn, viết về Sài Gòn, nói về Sài Gòn tự nhiên nảy ra cùng một lúc nơi nhiều người làm văn nghệ. Riêng tạp chí Thế Kỷ 21 thì gần đây đã được một độc giả ở Chicago viết thư về trách sao quý vị không làm một số báo về Sài Gòn mà lại làm số báo về Hà Nội. Bức thư ấy làm chúng tôi giật mình, mới thấy ra sự vô tình của mình đối với một thành phố mà mình quá nặng nợ. Ðúng thế, Sài Gòn đối với chúng ta như một kẻ rất thân yêu và gần gũi, đến nỗi chúng ta thấy không cần nhắc nhở đến, kiểu như con cái thì không hay nói nhiều về cha mẹ của mình, mà chỉ nói về thiên hạ.
Từ đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một nỗi quyến rũ người cả nước. Ðó là một đô thị văn minh đích thực trước bất cứ một thành phố nào của Việt Nam. Tổ chức đô thị có những quy luật riêng của nó, không cứ hễ dồn dân lại ở đông đúc một nơi mà có thể gọi là đô thị. Hà Nội chưa hề có một nếp sống đô thị, yếu tố nông thôn, yếu tố tùy tiện hãy còn đầy rẫy nơi ấy. Các thành phố khác của Việt Nam thì đều có kích thước nhỏ. Chỉ có Sài Gòn, nhờ vị thế đặc biệt về địa lý và lịch sử của nó, đã rất sớm xứng đáng gọi là một đô thị đúng nghĩa của Việt Nam.
Vài nét lịch sử
Ý định hát về Sài Gòn, viết về Sài Gòn, nói về Sài Gòn tự nhiên nảy ra cùng một lúc nơi nhiều người làm văn nghệ. Riêng tạp chí Thế Kỷ 21 thì gần đây đã được một độc giả ở Chicago viết thư về trách sao quý vị không làm một số báo về Sài Gòn mà lại làm số báo về Hà Nội. Bức thư ấy làm chúng tôi giật mình, mới thấy ra sự vô tình của mình đối với một thành phố mà mình quá nặng nợ. Ðúng thế, Sài Gòn đối với chúng ta như một kẻ rất thân yêu và gần gũi, đến nỗi chúng ta thấy không cần nhắc nhở đến, kiểu như con cái thì không hay nói nhiều về cha mẹ của mình, mà chỉ nói về thiên hạ.
Từ đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một nỗi quyến rũ người cả nước. Ðó là một đô thị văn minh đích thực trước bất cứ một thành phố nào của Việt Nam. Tổ chức đô thị có những quy luật riêng của nó, không cứ hễ dồn dân lại ở đông đúc một nơi mà có thể gọi là đô thị. Hà Nội chưa hề có một nếp sống đô thị, yếu tố nông thôn, yếu tố tùy tiện hãy còn đầy rẫy nơi ấy. Các thành phố khác của Việt Nam thì đều có kích thước nhỏ. Chỉ có Sài Gòn, nhờ vị thế đặc biệt về địa lý và lịch sử của nó, đã rất sớm xứng đáng gọi là một đô thị đúng nghĩa của Việt Nam.
Vài nét lịch sử
Năm 1998 vừa qua, Sài Gòn tròn 300 tuổi. Năm 1698 lần đầu tiên địa danh Sài Côn được ghi vào bản đồ hành chánh xứ Ðàng Trong nước Ðại Việt khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính, tức Nguyễn Hữu Cảnh, thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nền cai trị trực tiếp phần đất Nam Tiến, phân chia lãnh thổ Ðồng Nai ố Gia Ðịnh thành hai dinh trấn: Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Ðịnh), lấy đất Nông Nại (Ðồng Nai) làm huyện Phước Long và xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình.
Năm 1698 là một thời điểm lịch sử, chính thức hóa sự thành lập một đơn vị hành chánh mới mẻ vào cực nam của đất nước Việt Nam. Nhưng để có sự chính thức hóa đó, người Việt Nam phải hiện diện tại vùng đất này sớm hơn nhiều. Sau khi Nguyễn Hoàng ly khai với chính quyền Lê Trịnh ngoài Bắc đi về miền Nam với vùng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại ung thân” thì công cuộc di chuyển về phía Nam của dân tộc Việt Nam cứ âm thầm lặng lẽ nhưng với một tốc độ khá nhanh. Sau khi lấn xong toàn vẹn lãnh thổ của người Chàm, người Việt tiếp tục tiến vào lãnh thổ của nước Chân Lạp, tức là Cao Miên. Trong lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam, những người đàn bà vương giả đã đóng góp một phần tích cực. Chúng ta đã biết từ đời nhà Trần, công chúa Huyền Trân đã làm một công việc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã gọi là “đổi phấn son lấy cõi giang san,” nghĩa là kết hôn với vua Chiêm Thành để mang lại châu Ô và châu Rí về cho nhà Trần. Khi dân Việt Nam vào đến đất Chân Lạp, sự kiện ấy lại tái diễn: đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đầu thế kỷ 17, công chúa Ngọc Vạn lại được gả cho vua Chân Lạp, và cuộc hôn nhân này đã lót đường một cách vững chắc cho bước tiến của chúng ta vào phần đất Thủy Chân Lạp. Hai con trai của hoàng hậu Ngọc Vạn, Nặc Ông Thu làm chính vương ở Oudong, và Nặc Ông Nộn, con trai thứ hai làm đệ nhị vương, đóng đô ở Prey Kor, đất sau này là Sài Gòn. Cái chiến lược bành trướng lãnh thổ bằng hôn nhân đã thu được kết quả nửa thế kỷ sau. Prey Kor, biến thành Sài Côn, và được chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam năm 1698.
Thành Bát Quái
Cùng với người Việt Nam, người Trung Hoa cũng đã đến nương náu tại vùng đất này. Thoạt tiên họ cư ngụ làm ăn tại Cù lao Phố ở Biên Hòa. Năm 1778, khi tiến quân vào Ðồng nai - Gia Ðịnh, quân Tây Sơn đã quét sạch người Trung Hoa ra khỏi Biên Hòa, khiến đám người này phải chạy đi kiếm một vùng đất mới, và họ đã dừng chân tại một địa điểm bên cạnh Bến Nghé gọi là Ðề Ngạn, mà sau này chính là Chợ Lớn. Như vậy ta thấy rằng non một trăm năm sau khi Sài Gòn chính thức ra đời thì phần Chợ Lớn được thành lập, và ngay từ đầu đó đã là phần đất của người Tàu. Từ đấy Sài Gòn và Chợ Lớn như hai anh em song sinh, như đôi bạn đường không lìa xa được. Sài Gòn có Chợ Lớn bên cạnh trở thành trung tâm kinh tế bán đảo Ðông Dương; Chợ Lớn có hải cảng quốc tế Sài Gòn đi kèm càng thêm phát đạt thịnh vượng.
Sài Gòn mà chúng ta có hôm nay là một thành phố được xây dựng theo lối Tây phương. Nhưng ngày xưa dưới đời các chúa Nguyễn, rồi đến triều đại nhà Nguyễn nó phải được tổ chức theo lối Việt Nam, nghĩa là phải có thành. Thành là một sản phẩm mà loài người đã có từ thời xa xưa để khẳng định và bảo vệ uy quyền. Các cơ quan quyền lực của kẻ thống trị gồm cơ sở hành chánh và quân sự được tập trung vào một địa điểm, rồi xây một bức tường lớn bao quanh, bên ngoài lớp tường thường có hào sâu, mục đích không gì khác hơn là để ngăn chặn kẻ địch đến chiếm đóng. Thành là đầu não của quyền lực, mất thành coi như thua trận, nên công tác giữ thành luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của bất cứ kẻ chỉ huy nào. Năm 1790, thu phục xong thành Sài Gòn từ tay nhà Tây Sơn và bình định xong toàn cõi đất đai Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh giao cho Olivier de Puymanel, tức Victor Olivier công tác họa đồ thủ phủ mới trong ranh giới các trấn Biên Hòa, Gia Ðịnh và Long Hồ, bản đồ thị trấn Sài Gòn có dấu son được coi như tài liệu thiết kế đô thị đầu tiên ở Việt Nam. Bản đồ Sài Gòn năm 1790 của Victor Olivier cho đến năm 1975 hãy còn lưu giữ và đánh số 1 tại sở Ðịa Chánh Sài Gòn: plan de la ville de Saigon levé en 1795. Echelle 1/4000. Thành xây theo kiểu Vauban, mà sau này Gia Ðịnh Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Ðức gọi là thành Bát Quái, và còn một tên gọi khác là Quy thành (chắc vì giống con rùa), cách tổ chức và các dinh thự bên trong theo cung cách như cung điện của triều đình, chứng tỏ trước khi thống nhất đất nước và dời đô về Huế, chúa Nguyễn Ánh đã chính thức đóng đô và trú ngụ ở đây. So với thành phố Sài Gòn bây giờ thì Quy thành nằm khoảng giữa những con đường sau đây (tên cũ, trước 1975): phía nam là đường Lê Thánh Tôn, phía tây là đường Công Lý, phía bắc, đường Phan Ðình Phùng và phía đông là Ðinh Tiên Hoàng và Cường Ðể. Trung tâm của thành này, nơi dựng cột cờ, là chỗ nhà thờ Ðức Bà. Ðó là theo sự mô tả của Trương Vĩnh Ký.
Sài Gòn mà chúng ta có hôm nay là một thành phố được xây dựng theo lối Tây phương. Nhưng ngày xưa dưới đời các chúa Nguyễn, rồi đến triều đại nhà Nguyễn nó phải được tổ chức theo lối Việt Nam, nghĩa là phải có thành. Thành là một sản phẩm mà loài người đã có từ thời xa xưa để khẳng định và bảo vệ uy quyền. Các cơ quan quyền lực của kẻ thống trị gồm cơ sở hành chánh và quân sự được tập trung vào một địa điểm, rồi xây một bức tường lớn bao quanh, bên ngoài lớp tường thường có hào sâu, mục đích không gì khác hơn là để ngăn chặn kẻ địch đến chiếm đóng. Thành là đầu não của quyền lực, mất thành coi như thua trận, nên công tác giữ thành luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của bất cứ kẻ chỉ huy nào. Năm 1790, thu phục xong thành Sài Gòn từ tay nhà Tây Sơn và bình định xong toàn cõi đất đai Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh giao cho Olivier de Puymanel, tức Victor Olivier công tác họa đồ thủ phủ mới trong ranh giới các trấn Biên Hòa, Gia Ðịnh và Long Hồ, bản đồ thị trấn Sài Gòn có dấu son được coi như tài liệu thiết kế đô thị đầu tiên ở Việt Nam. Bản đồ Sài Gòn năm 1790 của Victor Olivier cho đến năm 1975 hãy còn lưu giữ và đánh số 1 tại sở Ðịa Chánh Sài Gòn: plan de la ville de Saigon levé en 1795. Echelle 1/4000. Thành xây theo kiểu Vauban, mà sau này Gia Ðịnh Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Ðức gọi là thành Bát Quái, và còn một tên gọi khác là Quy thành (chắc vì giống con rùa), cách tổ chức và các dinh thự bên trong theo cung cách như cung điện của triều đình, chứng tỏ trước khi thống nhất đất nước và dời đô về Huế, chúa Nguyễn Ánh đã chính thức đóng đô và trú ngụ ở đây. So với thành phố Sài Gòn bây giờ thì Quy thành nằm khoảng giữa những con đường sau đây (tên cũ, trước 1975): phía nam là đường Lê Thánh Tôn, phía tây là đường Công Lý, phía bắc, đường Phan Ðình Phùng và phía đông là Ðinh Tiên Hoàng và Cường Ðể. Trung tâm của thành này, nơi dựng cột cờ, là chỗ nhà thờ Ðức Bà. Ðó là theo sự mô tả của Trương Vĩnh Ký.
Tòa Đô chánh Sài Gòn năm 1925
Chúng ta đều biết vào đời Minh Mạng có loạn Lê Văn Khôi, phe nổi loạn chiếm Quy thành, chống cự với triều đình trong hai năm. Năm 1835, dẹp xong vụ nổi loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy Quy thành để xây một thành Sài Gòn mới, sử sách nói vắn tắt là về phía đông bắc của thành cũ. Thành này nhỏ hơn thành cũ, mà người Pháp gọi là Citadelle de Saigon, theo cụ Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa thì thành này bắt đầu từ khu Lê Thánh Tôn, gồm khu nhà thương Ðồn Ðất, khu Onzième Régiment d’Infanterie Colonial (Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11) tức khu thành Cộng Hòa ở cuối đường Thống Nhất chỗ gần Sở Thú, và một khu thương mại phồn thịnh gần thành xưa. Nếu xem địa đồ thì có thể đóng khung Citadelle trong bốn con đường hiện tại: Phan Ðình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Ðỉnh Chi và Nguyễn Du. Nhưng thành này ngày nay cũng không còn, vì năm 1859 liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã chiếm được, về sau phá hủy thành bình địa để xây thành phố Sài Gòn mà chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta chỉ còn thấy vài dấu tích mơ hồ, như bộ Giáo Dục ở đường Lê Thánh Tôn được xây cất trên một mô đất cao một cách đột ngột khác thường giữa khu phố buôn bán bằng phẳng, hoặc trước khu nhà thương Ðốn Ðất có một đoạn đường dốc thoai thoải về phía mé sông, nhiều người nói đó là dấu vết của thành xưa. Chúng ta bùi ngùi vì sự mất mát đó. Những cố đô của chúng ta là Hà Nội và Huế đều lưu giữ nhiều hình ảnh của quá khứ, chỉ riêng Sài Gòn là mất sạch để hoàn toàn biến thành một đô thị thuộc địa theo lối Tây phương. Phải chăng đó là số mệnh của một thành phố mới mẻ mang trong mình sứ mạng nhìn hướng về tương lai chứ không vướng mắc nhiều vào dĩ vãng. Nhưng dù sao, công khai phá và xây dựng phần phía nam của đất nước trải qua bao đời Chúa và Vua nhà Nguyễn, một công lao quá lớn và quan trọng mà lại không lưu giữ được gì những hình ảnh đã qua thì thật là một điều rất đáng tiếc.
Một số danh xưng
Có nên tìm hiểu về một số danh xưng xưa liên quan đến Sài Gòn hay không? Nên lắm, biết được gốc gác một tên gọi cũng là biết một phần quá khứ. Trước hết, cái tên Sài Gòn: từ đâu và từ bao giờ mà ra tên này? Một giả thuyết thường nghe là dựa theo lối phát âm của người Tàu, vốn đã có mặt khá sớm tại vùng này, họ gọi Sài Gòn là Xấy Con, đọc theo âm Hán Việt là Tây Cống, và từ Tây Cống mà gọi trại ra thành Sài Gòn. Một giả thuyết khác: Sài, đọc theo chữ Hán hoặc nôm, có nghĩa là củi. Gòn là cây gòn, một loại cây có trái cho bông gòn. Giả thuyết của Trương Vĩnh Ký là: tên cũ của người Miên gọi đất này là Prei Nokor, theo một loạt biến âm, Prei Nokor được người Việt đọc là Sài Gòn. Cho đến nay, chưa có kết luận ngã ngũ. Chúng ta chỉ biết rằng tên Hán nôm Sài Gòn đã xuất hiện từ 1776. Trong thư viện của Hội Truyền Giáo Paris có lưu trữ hai bức thư của giám mục Bá Ða Lộc gửi từ Sài Gòn: bức thứ nhất đề “Saigon le 14 Septembre 1791”, bức thứ hai đề “Saigon le 30 Mai 1795.” Ðó là những dấu tích rõ rệt về những năm tháng xa xôi nhất tên Sài Gòn được sử dụng.
Một số địa danh khác thuộc Sài Gòn nay còn biết được gốc gác, tưởng cũng nên nhắc qua:
Bến Nghé: Ðó là tên của Sài Gòn cũ. Nghé là con trâu con. Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của ghi: “Vàm sông kinh Chợ Lớn nhằm chỗ tắm trâu thuở trước.” Nhưng theo Sơn Nam thì “nghé” là tiếng con cá sấu kêu. Bến nghé là nơi nhiều cá sấu.
Bến Thành: Chỗ bến sông lên thành Gia Ðịnh cũ, về sau chỗ ấy thuộc về Sài Gòn.
Cầu Bông: Theo Vương Hồng Sển thì từ đầu thế kỷ 19, cầu ấy gọi là cầu Cao Miên, sau đổi thành Cầu Hoa, rồi vì húy tên một bà phi tần của vua Minh Mạng nên gọi là Cầu Bông.
Ðakao: Người Pháp phiên âm địa danh Ðất Hộ thành Dak-co. Sau đó dân ta lại đọc theo Pháp thành Ðakao.
Hàng Sanh: Nay là đường Bạch Ðằng, ngày xưa có trồng cây sanh hai bên lề. Sanh thuộc loại cây đa, nhánh có tua, lá nhỏ. Nay thường gọi là Hàng Xanh. Cùng loại với tên này còn có Hàng Dừa (gần chợ Bà Chiểu), Hàng Keo (nay là đường Phan Ðăng Lưu) trước kia có trồng những thứ cây này hai bên đường. Nên phân biệt những tên Hàng của Hà Nội như Hàng Bạc, Hàng Mã v.v... Với Sài Gòn “hàng” là hàng cây, trong khi Hà Nội là hàng hóa.
Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã tiến hành xây ngay thành phố mới lên trên địa điểm thành cũ. Có thể nói Sài Gòn hoàn toàn là con đẻ của nền kiến trúc và văn minh Pháp, không bị vướng víu một chút gì với những dấu tích cũ. Ta hãy nhìn khu trung tâm: dinh Toàn quyền, nhà thờ Ðức Bà, nhà Bưu điện, ngay cạnh đó là bót Catinat, rồi Pháp đình và nhà tù Khám Lớn cạnh nhau, rồi Nhà hát và khách sạn trên đường Tự Do, xa hơn chút nữa là trường Chasseloup Laubat và nhà thương Ðồn Ðất. Họ xây đô thị chứ không xây thành, một đô thị hoàn toàn Tây phương, nằm giữa một rừng cây xanh nhiệt đới. Từ đầu thế kỷ 20 Sài Gòn đã được xưng tụng là Hòn Ngọc Viễn Ðông, thì hòn ngọc ấy hoàn toàn là do bàn tay gọt dũa của người Pháp, chứ nền văn minh Việt Nam không đóng góp một chút gì trong đó.
Muốn kiểm chứng điều này, chúng ta nên đến Paris. Dĩ nhiên chúng ta sẽ bị choáng ngợp vì những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới của thành phố này, như tháp Eiffel, cổng Khải Hoàn Môn, nhà thờ Ðức Bà, cung điện Versaille, bảo tàng Louvre hay là khu đồi Montmartre v.v... Sài Gòn không có bất cứ một thứ gì tương tự, về tầm cỡ cũng như về giá trị nghệ thuật. Nhưng đi giữa Paris chúng ta sẽ luôn luôn có cảm giác gặp gỡ lại Sài Gòn của chúng ta, cảm giác về một cái gì đó thân quen cứ bất chợt xuất hiện trong tâm hồn nơi này nơi khác, lúc này lúc khác. Cái gì đó là cái gì? Sau nhiều ngày lang thang ở thủ đô nước Pháp, tôi đã tìm ra điều ấy, đó là về phương diện kiến trúc thành phố Sài Gòn chính là anh em cùng cha của thành phố Paris, và người cha đó không ai khác hơn là ngành kiến trúc Pháp. So với Paris, Sài Gòn quá nhỏ bé, nhưng cái nét giống nhau của những đứa con cùng cha thì không thể chối vào đâu được. Sài Gòn đẹp vì được xây cất theo một chủ đề thuần nhất, không phải pha trộn vá víu với những yếu tố khác, thuộc một nền văn hóa khác. Không có cái thuận lợi đó, hẳn nó khó có được danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Ðông. Người Pháp đã dựa vào tính chất địa lý của một xứ viễn đông để thực hiện một tác phẩm của chính mình, đó là kiến trúc nên thành phố Sài Gòn.
(Còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment