Monday, May 30, 2011

JACQUELINE NGUYỄN - THẨM PHÁN LIÊN BANG NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN Ở HOA KỲ (Việt Thức)


Viet Thuc
May 17, 2011

Los Angeles vinh danh Chánh Án Jacqueline Nguyễn

LOS ANGELES (NV) – Chánh Án Jacqueline Nguyễn vừa được Thị Trưởng Antonio Villaraigosa và HÐTP Los Angeles vinh danh vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, 13 Tháng Năm, trong một buổi lễ tổ chức tại Phòng Thương Mại Los Angeles, nhân dịp Tháng Di Sản Văn Hóa Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, Tòa Liên Bang Central District of California, cho biết
Chánh Án Jacqueline Nguyễn được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào tòa liên bang hồi Tháng Bảy, 2009. Năm tháng sau, bà được Thượng Viện chuẩn thuận với số phiếu tuyệt đối 97-0, trở thành chánh án gốc Việt đầu tiên trong hệ thống tòa liên bang Hoa Kỳ.

Trước đó, bà là chánh án Tòa Thượng Thẩm California ở Los Angeles County.

Sinh ra tại miền Nam Việt Nam, Chánh Án Jacqueline Nguyễn đến Mỹ năm 1975 sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Bà tốt nghiệp cử nhân đại học Occidental College năm 1987, tốt nghiệp luật tại đại học UCLA năm 1991 và hành nghề luật cho tới năm 1995, trước khi trở thành công tố viên tại tòa liên bang Central District of California.
(Ð.D.)

Jacqueline Nguyễn Thẩm phán Liên bang người Việt đầu tiên ở Mỹ

Với 97 phiếu thuận, 0 phiếu chống, ngày 1/12/2009 vừa qua, Thượng Viện Mỹ đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm bà Jacqueline Nguyễn làm Thẩm phán Liên bang của Tổng Thống Barack Obama. Với quyết định này, lần đầu tiên một người gốc Việt đã trở thành Thẩm phán Liên bang Mỹ.

Cô gái Việt lam lũ học cùng trường với Obama

Thẩm phán Jacqueline Nguyễn là người sinh ra ở Ðà Lạt, Việt Nam. Năm 1975, khi lên 10 tuổi, Jacqueline Nguyễn cùng gia đình sang Mỹ, và đến sống tại Camp Pendleton, San Diego, rồi chuyển đến thành phố La Crescenta, ngoại ô của Los Angeles. Tại đây, cô bé Jacqueline Nguyễn đã từng trải qua một tuổi thơ cơ cực, khi hằng ngày phải giúp mẹ kiếm sống. Sang Mỹ với hai bàn tay trắng, cha mẹ bà phải làm đủ mọi công việc một lúc để nuôi gia đình. Tuy còn bé, nhưng Jacqueline Nguyễn và các anh chị em đều góp tay phụ giúp bố mẹ sau giờ học và trong khi nghỉ hè những công việc như lao công lau chùi, quét dọn văn phòng nha sĩ, gọt vỏ và cắt táo cho một công ty làm nhân bánh, và sau cùng là bán hàng tại hiệu bánh donut mà cha mẹ bà đã mua lại ở North Hollywood. “Tôi làm rất nhiều việc tại cửa hàng bánh. Trong những năm tôi học đại học, mẹ tôi càng phải làm việc vất vả. Vì vậy vào những ngày cuối tuần, tôi thường về nhà để giúp mẹ”, Thẩm phán Jacqueline Nguyễn nhớ lại.

Vượt qua mọi khó khăn, Jacqueline Nguyễn vẫn vào được trường Occidental College ở Los Angeles, nơi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng theo học trước bà mấy khóa. Tại đây, với sự chăm chỉ và học lực xuất sắc, Jacqueline Nguyễn đã được nhận học bổng trong cả bốn năm học. Ngoài ra, vốn là người có khả năng về văn học, Jacqueline Nguyễn còn làm biên tập cho tạp chí văn học của trường Occidental College. Jacqueline Nguyễn cho biết, bà rất yêu thích hai tác phẩm “The Sound and the Fury” (“Âm thanh và Cuồng nộ”) của William Faulkner và “The Joy Luck Club” (“Phúc Lạc Hội”) của Amy Tan.

Vị Chánh án Tòa Thượng thẩm Los Angeles tận tụy và tài năng

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Occidental College năm 1987, Jacqueline Nguyễn theo học Luật tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), và tốt nghiệp luật ở UCLA năm 1991. Ra trường, Jacqueline Nguyễn gia nhập Musick, Peeler & Garrett, một trong những tổ hợp luật sư hàng đầu ở Los Angeles. Bà bắt đầu sự nghiệp pháp lý với công việc xử lý các hồ sơ kiện tụng cho công ty luật này. Năm 1995, sau bốn năm làm việc tại đây, Luật sư Jacqueline Nguyễn chuyển sang làm việc tại văn phòng Biện Lý Liên Bang thuộc quận Trung tâm California (Central District of California), nơi bà trở thành Trưởng Ban Hình Sự (General Crimes Section), và thăng tiến lên chức Giám sát tư pháp của Bộ Tư pháp.
Những người cùng làm việc với Jacqueline Nguyễn đều có ấn tượng về tác phong luôn bình tĩnh khi gặp áp lực, và luôn sẵn sàng lắng nghe cả hai phía trong cuộc tranh tụng của Luật sư người Việt này. Mỗi khi xử án, Jacqueline Nguyễn không ngại tìm hiểu thật kỹ sự vụ để phiên tòa có thể đi tới quyết định hợp tình hợp lý nhất. Là một người di dân gốc Việt, bà cũng hiểu được sự rắc rối của hệ thống pháp luật đối với dân nhập cư vào Mỹ, và cố gắng giải thích để những người đồng hương khi vào chốn công đường hiểu rõ những gì họ sẽ trải qua.

Với uy tín cao trong công việc, năm 2002, sự nghiệp của Luật sư Jacqueline Nguyễn có bước thăng tiến quan trọng khi Thống đốc California Gray Davis bổ nhiệm bà vào chức Chánh án Tòa Thượng thẩm Los Angeles (Superior Court) chuyên làm việc trong lĩnh vực bài trừ tham nhũng và gian lận ở công quyền. Và Luật sư Jacqueline Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ này ở California. Luật sư Jacqueline Nguyễn còn giữ chức Phó Sở Bài Trừ Tội Ác. Trên cương vị Thẩm phán Tòa thượng thẩm Los Angeles, Luật sư Jacqueline Nguyễn rất nổi tiếng qua những phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, nhất là những nghi phạm khủng bố.

Trở thành Thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên

Tháng 7/2009, Tổng thống Barack Obama đã đích thân đề cử Luật sư Jacqueline Nguyễn làm Thẩm phán Tòa án Liên bang khu vực Trung California sau khi nhận được đề nghị của Thượng Nghị sĩ Dianne Feinstein.Trước phiên bỏ phiếu của toàn thể các Thượng Nghị sĩ ngày 1/12 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Thượng viện cũng đã thông qua người được ông Obama tiến cử với 100% số phiếu.
Với sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp cao nhất nước Mỹ, nữ Luật sư 44 tuổi Jacqueline Nguyễn đã chính thức trở thành Thẩm phán Liên bang khu vực Trung California, gồm các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside, San Bernardino, San Luis Obispo, Santa Barbara và Ventura. Khu vực 17 triệu người này được coi là quận tư pháp liên bang lớn nhất tính theo dân số. Mặc dù từ trước đến nay đã từng có không ít người gốc Việt làm việc trong Hệ thống tư pháp liên bang Mỹ, nhưng Jacqueline Nguyễn là Thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên được tổng thống bổ nhiệm và Thượng Viện phê chuẩn. Bà Jacqueline Nguyễn cũng là người phụ nữ gốc châu Á-Thái Bình Dương thứ 3 giữ chức vụ này.

Niềm hãnh diện cho cộng đồng

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Diane Feinstein đại diện cho California,phát biểu: “Thẩm Phán Nguyễn là vị thẩm phán đã từng kinh qua thử thách và có thành tích vững chắc trong vai trò một thẩm phán và một công tố liên bang.” Theo Hiệp hội Luật gia Mỹ đánh giá bà Nguyễn là người có đầy đủ tư cách và năng lực để đảm nhận chức vụ Thẩm phán của Tòa án Liên bang khu vực Trung California.

Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Correa là một luật sư, tốt nghiệp cùng trường luật UCLA với Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đã phát biểu: “Tôi rất vui khi nghe tin này và xin chúc mừng Thẩm Phán Nguyễn cùng gia đình và toàn thể cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có một người con làm cộng đồng Việt Nam vô cùng hãnh diện. Là một thẩm phán Tòa Án Liên Bang, tôi tin chắc Thẩm Phán Nguyễn sẽ đem theo những kinh nghiệm đời của bà: đó là sự tôn trọng thành tích; sự bảo vệ quyền tự do của tất cả chúng ta; và, một sự quyết tâm mãnh liệt để duy trì công bằng trong tòa án của bà”.

Việc lần đầu tiên một người gốc Việt trở thành Thẩm phán Liên bang đã gây xôn xao trong dư luận báo chí Mỹ. Báo Daily Journal, tờ báo chuyên về pháp luật lớn nhất ở California, đã đăng một bài dài đến ba trang về sự kiện này. Theo Daily Journal, Jacqueline Nguyễn là người được các đồng nghiệp coi là Thẩm phán có “sự kết hợp độc đáo của một tính cách tuyệt vời và đầu óc sắc bén”.
Phát biểu với báo chí, tân Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn cho biết: “Việc trở thành Thẩm phán Liên bang vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Tôi có trách nhiệm với tất cả những người đang dõi theo từng bước chân của tôi”.

Được biết, ngoài công việc của một Thẩm phán Liên bang, bà Jacqueline Nguyễn cũng là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Mỹ – châu Á – Thái Bình Dương. Về đời tư, Thẩm phán Jacqueline Nguyễn có chồng cũng là một trợ lý công tố viên trưởng. Họ đã có một con trai 10 tuổi và con gái 8 tuổi.

Chánh Án Jacqueline Nguyễn. (Hình: US Court, Central District of California, cung cấp

.
.
.

No comments:

Post a Comment