Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 30 tháng 5 2011
Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2011 vừa họp tại thành phố Deauville của Pháp, do Tổng thống Pháp Nicolas Sakozy chủ tọa.
Cuộc họp những người đứng đầu các nước phát triển nhất thế giới được bắt đầu từ năm 1975 do sáng kiến của Pháp, lúc ấy gọi là G6, vì gồm có 6 nước: Pháp, Đức, Ý, Anh, Mỹ và Nhật Bản. Đến năm 1976 có thêm Canada nên gọi là G7; từ năm 1997 có thêm Nga, nên gọi là G8 cho đến nay.
Năm nay trong chương trình nghị sự nổi lên 3 vấn đề lớn. Một là cuộc thức tỉnh của các nước theo Hồi giáo ở Bắc Phi, Tây Phi, Trung - Cận đông, còn gọi là cuộc nổi dậy mùa Xuân 2011; hai là vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản; ba là trao đổi về chức vụ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức.
Trong vấn đề thứ nhất, các vị đứng đầu các nước G8 có chung nhận xét đây là sự kiện chính trị tốt đẹp, mang tính thời đại, bắt nguồn từ nguyện vọng sâu xa của đông đảo nhân dân các khu vực đứng lên, xuống đường đòi công bằng xã hội, đòi thay đổi chế độ chính trị theo hướng dân chủ hóa, buộc các chế độ độc đoán, tham nhũng phải lùi bước, nhượng bộ hoặc rút lui. Một đặc điểm của tình hình là các chế độ độc đoán, độc đảng đều chống lại phong trào quần chúng bằng bạo lực của bộ máy đàn áp gồm có công an, cảnh sát, quân đội và lính đánh thuê, nhưng ở một số nước cuộc nổi dậy đã thắng lợi, như ở Tunisie và Ai Cập. Ở Libya tình hình giằng co kéo dài nhưng phần thắng đang ngả về phía nhân dân, còn ở một số nước như Yemen, Syria, Bahrain… tình hình đang căng thẳng, cuộc nổi dậy của quần chúng đang lan rộng và tăng cường độ.
Công luận Pháp và thế giới rất quan tâm đến thái độ của Hoa Kỳ tại cuộc họp hệ trọng này. Tống thống Hoa Kỳ Barack Obama đánh giá cao phong trào mùa Xuân 2011 của thế giới A- rập, nêu rõ sự can thiệp chính đáng về mặt quân sự của một số nước G8, nhất là bằng lực lượng không quân, đã góp phần quan trọng trong việc tiếp sức có hiệu quả cho nhân dân, làm suy yếu nhanh thế lực độc tài hung bạo. Tống thống Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ tự hào đã góp phần của mình vào việc can thiệp quân sự bằng không quân nói trên. Ông nhận xét: ở Libya, Đại tá Gadhafi không có tương lai và phải ra đi, và ở Syria Tổng thống Bashir al-Assad phải lựa chọn dân chủ hay là rời khỏi chức vụ, quân đội phải ngừng nổ súng vào dân và để các nhà quan sát về nhân quyền vào làm việc. Đối với Iran Tổng thống Hoa Kỳ cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt nếu còn có những cuộc đàn áp thô bạo đối với nhân dân. Về viện trợ, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố giảm nợ cho Ai Cập 1 tỷ đôla và cho vay 1 tỷ nữa.
Thủ tướng Anh và đặc biệt là Tổng thống Pháp nói thẳng cho nhà độc tài Gadhafi hiểu rằng thời gian không còn cho ông ta, ông ta phải lựa chọn một thái độ dứt khoát, muốn bảo toàn sinh mệnh thì phải từ bỏ quyền lực và rời khỏi đất nước. Pháp và Anh sẽ tăng cường sử dụng trực thăng vũ trang tại Libya trong những ngày sắp tới.
Những vị đứng đầu các nước Pháp, Hoa Kỳ, Anh Đức, Ý, Canada và cả nước Nga cùng lên tiếng cảnh báo các nhà cầm quyền ở Yemen và Syria phải chấm dứt ngay việc đàn áp tàn bạo giết hại nhân dân trên đường phố, phải nhớ rằng nhiệm vụ đầu tiên của mọi chính quyền là tôn trọng, che chở, bảo vệ công dân nước mình. Một chính quyền dùng bạo lực đàn áp dân nước mình, giết đồng bào mình tức là đã thủ tiêu tính chính đáng, tính hợp pháp của chính mình.
Các nước G8 nhất trí tỏ ý định giúp đỡ, tài trợ quy mô lớn cho các nước Tunisie và Ai Cập vừa thoát ách độc tài, như kế hoạch Marshall sau Thế chiến thứ 2 từng giúp cho Tây Âu xây dựng lại nhanh chóng sau chiến tranh khốc liệt. Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Pháp báo tin các nước G8 cam kết tài trợ cho các nước Bắc Phi 20 tỷ đôla để xây dựng lại đất nước, và con số này sẽ có thể tăng gấp đôi là 40 tỷ.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) và đại diện IMF đều ngỏ ý viện trợ quy mô lớn cho các nước Bắc Phi vừa thoát chế độ độc tài. Riêng Ngân hàng châu Âu tuyên bố yểm trợ 2 nước Ai Cập và Tunisie 3 tỷ 5 Euro trong 2 năm tới.
Cuộc họp thượng đỉnh G8 – 2011 năm nay có ý nghĩa đặc biệt đối với thời cuộc quốc tế.
Khẩu hiệu duy nhất được trưng bằng tiếng Pháp trong phòng họp lớn là: Nouveau Monde - Nouvelles Idées (nghĩa là Thế giới Mới - Ý tưởng Mới).
Thế giới mới được hiểu là thế giới đang thay đổi trên quy mô toàn cầu, theo hướng tự do, dân chủ và hợp tác, chống lại mọi thế lực độc đoán, đàn áp của thế giới cũ. Ý tưởng mới là các nước dân chủ phát triển cao cần chung sức ủng hộ mạnh mẽ, kịp thời mọi trào lưu tiến bộ đòi tự do, bình đẳng, và khi cần thiết phải có nghĩa vụ can thiệp bằng quân sự, chống lại tội ác đàn áp, tàn sát của các chế độ độc đoán, bảo vệ tính mạng của nhân dân ở mọi nơi, và khi chế độ độc đoán đã chấm dứt các nước phát triển có nghĩa vụ giúp đỡ, tài trợ quy mô cho các nước ấy xây dựng cả về chính trị, kinh tế - tài chính và văn hóa có hiệu quả.
Thông điệp mới của 8 nước hùng mạnh nhất thế giới năm nay thật mạnh mẽ, rõ ràng, vừa cổ vũ nhân dân còn bị áp bức đứng dậy đấu tranh không ngần ngại, vừa cảnh cáo rất nghiêm khắc mọi chế độ áp bức và đàn áp nhân dân, những thế lực suy tàn của thế giới cũ, tuy còn tồn tại nhưng đã thuộc về quá khứ.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment